Phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội

Hiện nay, theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Anh, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo (KGST), trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa nghệ thuật, và một số các KGST khác. Tuy nhiên, các KGST này chưa nhận được sự chú ý, quan tâm đúng với vai trò, vị trí của chúng đối với sự phát triển của thủ đô. Vì vậy, những chủ nhân của các KGST dường như vẫn “lạc lõng” trong việc đồng hành cùng thủ đô phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, nếu biết cách phát huy, các KGST sẽ trở thành động lực cho sự phát triển Hà Nội trong những năm sắp tới.

Nghiên cứu về KGST không phải là một chủ đề mới ở Việt Nam và ngay cả ở Hà Nội. Cùng với sự quan tâm về công nghiệp văn hóa, vấn đề quản lý và phát triển các trung tâm sáng tạo là một trong những chủ đề trọng tâm, được nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật ở trong và ngoài nước chú ý. Ngày 1-10-2014, Hội đồng Anh, Viện Goethe Hà Nội, phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo về Các không gian sáng tạo trong thành phố. Ngày 7, 8-3-2016, Hội đồng Anh tổ chức hội thảo Kiến tạo không gian sáng tạo tại TP.HCM. Ngày 24-11-2016, Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng Anh và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo Đối thoại về vai trò của các không gian sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam tại thành phố Huế… Các hội thảo này là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các không gian sáng tạo, các học giả ở trong và ngoài nước bàn về những vấn đề có liên quan đến KGST ở Việt Nam. Tác giả Trương Uyên Ly cũng đã 2 lần viết báo cáo về các KGST ở Việt Nam trong đó có những đánh giá tương đối toàn diện về bức tranh toàn cảnh, tiêu điểm, tác động, những thách thức chính, kiến nghị đối với việc phát triển các KGST ở Việt Nam.Tuy nhiên, các kiến thức này dường như mới chỉ dừng lại ở các buổi hội thảo, trong các cuốn sách, ở các nhà nghiên cứu và đại diện của các KGST với nhau, mà chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

KGST được Hội đồng Anh định nghĩa là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo,văn hóa và công nghệ”. KGST là nơi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo có thể kết nối, tương trợ lẫn nhau tạo thành một thể thống nhất thông qua hỗ trợ cho thuê mặt bằng, hỗ trợ không gian cho nghệ sĩ trẻ trong việc trưng bày, truyền thông và kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật của mình hay là không gian giải trí, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng. Ở Việt Nam, hầu hết các KGST là của tư nhân, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Do đây là mô hình kinh doanh mới nên hầu hết các KGST chưa được hưởng các ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Gần như tất cả các KGST được vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp cho dù các KGST hình thành trên cơ sở hướng tới cộng đồng, kinh doanh mang tính chất mạo hiểm cao.

Các KGST đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị ở các khía cạnh sau:

Tạo ra bản sắc cho đô thị: Trải qua một quá trình phát triển, các đô thị lâm vào khủng hoảng bản sắc. Các khu vực di sản bị xâm phạm, thậm chí bị phá hủy hoàn toàn để nhường chỗ cho các nhà cao tầng, khu thương mại mới. Đây là một xu thế chung, chứ không riêng gì ở Việt Nam hay cụ thể hơn là Hà Nội. Việc quy hoạch đô thị, dù có rất nhiều cố gắng, nhưng vẫn bế tắc trước nhu cầu phát triển quá nóng của hiện tại. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, hơn lúc nào hết, khó tìm thấy sự dung hòa.

Các KGST, đặc biệt là các KGST nghệ thuật là một hướng giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Nhiều trường hợp ở các đô thị trên thế giới, việc phát triển KGST đã tạo ra dấu ấn mới cho sự phát triển. Nhiều đô thị chuyển đổi từ các thành phố công nghiệp bụi bặm, ô nhiễm trở thành các địa điểm du lịch, giải trí hấp dẫn nhờ việc hình thành các KGST cho mình. Ở thành phố Bristol (Vương quốc Anh), Tobacco Factory Theatre là một KGST, được hình thành từ việc cải tạo một công trình đã cũ để trở thành biểu tượng mới, tạo dựng bản sắc mới cho 1 thành phố. Trước kia, đây vốn là một nhà máy thuốc lá của Bristol, nơi tập trung của khoảng 40 ngàn người dân. Sau thời kỳ suy thoái, nhà máy thuốc lá phải tạm dừng hoạt động và thậm chí bị bỏ hoang. George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sĩ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật. Dưới bàn tay của các nghệ sĩ, nhà máy thuốc lá bỏ hoang có một sức sống mới với hàng loạt các nhà hát hay các triển lãm. Các dịch vụ khác lần lượt được mở trở lại. Khu vực hoang vắng trước kia trở nên đông đúc với các cửa hàng và hàng loạt các dịch vụ khác. Khu vực này lại trở nên đáng sống với người dân địa phương nhờ sự can thiệp của nghệ thuật. Và điều đặc biệt là nhờ những cống hiến cho nghệ thuật, George Ferguson trở thành thị trưởng được bầu đầu tiên của thành phố Bristol (nhiệm kỳ 2012-2016).

Ví dụ này cho thấy, đối với Hà Nội, chúng ta cần xây dựng bản sắc mới, riêng cho mình từ việc hình thành các KGST. Truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội có thể tìm thấy ở những góc phố, những tòa nhà được tái sử dụng cho mục đích của xã hội hiện đại. Đưa nghệ thuật vào không gian sống, khiến cho cuộc sống trở nên sinh động, vui vẻ hơn là những gì mà các KGST có thể làm được cho Hà Nội. Phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn có thể được xem là những tín hiệu cho thấy các KGST sau này sẽ định hình bản sắc thủ đô như thế nào trong tương lai.

Tạo ra sự hấp dẫn cho đô thị: Ngày nay, sự cạnh tranh của các đô thị ngày càng quyết liệt. Các đô thị cố gắng xây dựng thương hiệu của mình qua nhiều cách thức khác nhau như các sự kiện, hoạt động, các tòa nhà, cây cầu… Các KGST cũng không nằm ngoài quy luật này. Ở tầm mức quốc gia, việc xây dựng các tổ hợp sáng tạo, thành phố thông minh đang trở thành xu hướng mà nhiều đất nước đang theo đuổi. Những mô hình như Hollywood, Silicon Valley được nhiều nước vận dụng theo lối riêng của mình. Ở tầm mức các đô thị cụ thể, các thành phố cố gắng xây dựng các điểm nhấn của mình qua các KGST.

Watershed là một tổ chức thực hiện các dự án về tạo ra các hoạt động và không gian văn hóa nghệ thuật ở thành phố Bristol. Chủ trương của thành phố Bristol là khuyến khích sự phát triển nghệ thuật để nghệ thuật trở thành phương tiện để công dân đối thoại với nhau và đối thoại với chính quyền. Chủ trương này bắt nguồn từ một triết lý sống hiện đại là công dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào cuộc sống xã hội. Vì thế, Watershed thử nghiệm ở thành phố này như việc biến đường cầu thang đi bộ lên tầng ở nhà ga thành các phím nhạc, theo đó, người đi cầu thang bộ sẽ tạo ra những âm thanh vui nhộn đã khiến tăng 66% số người chuyển từ đi thang máy sang đi thang bộ. Kết quả này không chỉ tạo ra thói quen chuyển từ đi thang máy sang đi thang bộ, mà còn tạo ra nhiều giá trị khác như sự vui vẻ hay sức khỏe của người dân, hay ví dụ về việc lắp những bóng đèn tại một số địa điểm trong thành phố mà khi đứng dưới những bóng đèn này, người dân có thể vui đùa với những hình ảnh vui nhộn, hoặc những dự án có nội dung về đối thoại với cây xanh trong thành phố, đối thoại với cột đèn trong thành phố… Tất cả tạo ra sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề của thành phố Bristol. Từ năm 2013, mục tiêu của thành phố Bristol là biến Bristol thành một thành phố đáng sống, vui chơi, chính vì vậy Watershed có những nhiệm vụ về nghệ thuật để tạo ra mục tiêu chung đó của thành phố này. Thành phố đặt ra ngày 19-11 hằng năm là ngày vui chơi cho người dân thành phố.

Sự hấp dẫn của Hà Nội có thể đi theo cách thức mà thành phố Bristol đã thực hiện. Khẩu hiệu thành phố đáng sống cần đi kèm với những hành động cụ thể, ở đó, người dân có thể tham gia vào các hoạt động sáng tạo, vui chơi. Các KGST chính là nơi truyền cảm hứng cho các hoạt động sáng tạo, vui chơi đó.

Truyền cảm hứng sáng tạo và chia sẻ cho đô thị: Phạm Thị Hương nhận xét: “Một trong những khó khăn khi người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đó là tìm cho mình một không gian làm việc, một không gian khởi nghiệp. Phần lớn họ là những cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ tự do, đặc thù công việc ít ổn định, không thường xuyên hoặc có thể đến với nghệ thuật như nghề tay trái. Hơn nữa chi phí cho việc thuê địa điểm tại các khu vực trung tâm thường khá cao nên dù rất có nhu cầu nhưng họ khó có thể tiếp cận được. Các KGST vì vậy trở thành một giải pháp hỗ trợ thiết thực. Các KGST mang đến những cơ sở hạ tầng phù hợp cho công việc sáng tạo như không gian làm việc với nhiều tiện ích, studio, phòng họp, không gian dành cho các sự kiện… ít mang dáng dấp của một công sở hay văn phòng hành chính thông thường, các không gian này thường khá thoải mái, nhiều phá cách độc đáo trong thiết kế, sử dụng màu sắc… tạo tâm thế tự do và truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ” (1). Như vậy, với các KGST làm việc chung (coworking space), các cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được cung cấp mặt bằng để kết nối, và những cơ hội trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp, ý tưởng sáng tạo, tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo có thể thành công. Thông thường các KGST này luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ với các nhà đầu tư, tham gia vào các khóa học kinh doanh, kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng đồng hành trong quá trình khởi nghiệp. Chính vì vậy, các KGST luôn có ý nghĩa tạo điều kiện và truyền cảm hứng cho các sáng tạo của cá nhân và doanh nghiệp. Thành phố Đà Nẵng đã thực sự năng động khi thành lập DNES (không gian làm việc chung và vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) năm 2015 do chính quyền thành phố Đà Nẵng đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, với mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo. Ở Hà Nội, các KGST như Heritage Space, Hanoi Creative City, Toong, Phòng hỗ trợ khởi nghiệp Lotte… chính là những địa điểm như vậy.

Với các KGST văn hóa nghệ thuật, đây chính là nơi để các nghệ sĩ trưng bày, giới thiệu về các sáng tạo, thử nghiệm nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi để thu hút cộng đồng tham gia vào nghệ thuật. VICAS Art Studio là Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. KGST này tổ chức các trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như Rác xuân, Qua miền Tây Bắc, Hư hư thực thực, Mãi yêu, Vòng xoáy của sự im lặng… mang ý nghĩa xã hội, và giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả. Saigon Outcast cũng là một ví dụ như vậy về một không gian mở kết nối những người yêu nghệ thuật, và từ đó chung sức hoạt động vì cộng đồng khi tổ chức các triển lãm, lễ hội, sự kiện từ đó mọi người vừa tham gia sáng tạo nghệ thuật, vừa quyên góp cho các hoạt động từ thiện. Những ví dụ về KGST văn hóa nghệ thuật như vậy còn rất nhiều ở Hà Nội hay các địa điểm khác. Tất cả có một điểm chung là truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ tình cảm trong cộng đồng. Những gì đem lại từ sáng tạo và nghệ thuật từ các KGST này sẽ giúp cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ, nhân ái, vui vẻ, gắn kết và đáng sống hơn.

Giúp tái sinh đô thị: Các KGST giúp tạo ra mô hình kinh doanh mới. KGST truyền cảm hứng, kết nối sáng tạo, kiến thức và kỹ năng. Trong chuyến đi khảo sát của tôi ở Anh, ông Donald Hyslop, curator của Bảo tàng Tate Modern, nhấn mạnh sự ra đời của bảo tàng vào năm 2000 đã làm thay đổi một khu vực của thành phố London. Vốn là một khu vực nghèo của thành phố, chính quyền London bắt đầu kế hoạch tái thiết khu vực này với điểm nhấn là xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại trên nền một nhà máy điện bỏ hoang. Hằng năm, bảo tàng có khoảng 5 triệu lượt khách đến tham quan. Sự phát triển của Bảo tàng Tate Modern ra đời đã kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác và biến vùng đất này trở thành một khu vực nhộn nhịp. Hệ thống tàu điện ngầm, cảng sông, đường xá được mở rộng để theo kịp sự phát triển của vùng này. Nhiều người giàu có cũng chuyển đến sống. Giá đất vì thế cũng tăng lên rất nhiều. Và Tate Modern trở thành một ví dụ điển hình về việc sử dụng một thiết chế văn hóa tạo nên điểm nhấn cho việc tái thiết một khu vực. Một ví dụ khác ở Liverpool cho thấy thành phố này đã thành công như thế nào trong việc tái sinh thành phố Liverpool vốn bị suy thoái do các cơ sở công nghiệp phải đóng cửa. Thành phố lựa chọn việc hình thành các sự kiện văn hóa nghệ thuật, và đặc biệt là các KGST, trong đó nổi tiếng nhất là Baltic Triangle được hình thành năm 2009, để trở thành điểm nhấn và động lực phát triển cho thành phố. Hà Nội có rất nhiều các nhà máy cần phải di rời để giảm ô nhiễm. Ví dụ của Bảo tàng Tate Modern, Baltic Triangle có thể áp dụng cho các khu vực này để tái sinh, tạo sự hấp dẫn cho các khu vực vốn gây ô nhiễm trước kia ở Hà Nội. Các khu vực như ở dọc đường Nguyễn Trãi, khu các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, nếu có thể, biến thành địa điểm dành cho các KGST và công viên cây xanh sẽ giúp cho khu vực này, vốn đang có rất nhiều nhà cao tầng, trở nên đáng sống hơn. Việc bố trí các khu vui chơi, dành cho các hoạt động sáng tạo của cộng đồng, nên được xem xét mỗi khi tiến hành quy hoạch, xây dựng bất kỳ một khu vực đô thị mới nào.

KGST có nhiều các giá trị đối với sự phát triển của đô thị, tuy nhiên, việc phát triển các KGST ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn này, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các KGST trong việc phát triển thủ đô.Các KGST không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều lĩnh vực hoạt động chịu ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên, ngành công nghiệp sáng tạo lại chính là lĩnh vực được lợi từ chính những thay đổi này. Chính vì vậy, bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị trực tiếp mà các KGST đem lại, Hà Nội cũng phải nhìn nhận thấy những giá trị gia tăng, gián tiếp của các KGST ấy như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế - xã hội khác.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các KGST của thủ đô.Hiện nay, các KGST đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoạt động dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của các KGST ở thủ đô có chu trình rất nhanh. Rõ ràng, chúng ta không thể ứng xử với các KGST như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Khi thực tiễn cho thấy một thành công trong lĩnh vực sáng tạo có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người sáng tạo, cộng đồng và quốc gia như sự phát triển của facebook, uber, grab, amazon… thì mặt khác cũng cho thấy khoảng 80% các ý tưởng táo bạo đã bị thất bại. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường, vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, các định định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng thì các KGST ở thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển.Thứ ba là huy động nguồn lực cho các KGST. Hiện giờ,đa phần các KGST ở Hà Nội là các sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Đây cũng là những lý do khiến cho các KGST ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn khi mà các nỗ lực của các cá nhân không vượt qua được những trở lực của lợi nhuận, đi kèm với sự tâm huyết sụt giảm theo thời gian. Để truyền cảm hứng cho các KGST phát triển, chính quyền thành phố cần có thêm ngân sách để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, tọa đàm, thử nghiệm các mô hình phát triển KGST. Bên cạnh đó, việc hình thành một quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp có thể chung sức cùng chính quyền thủ đô phát triển các KGST.

________________

1. Phạm Thị Hương, Không gian sáng tạo với vai trò hỗ trợ khởi nghiệp, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 8-2016.

Tác giả: Bùi Hoài Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

 

 

;