Vi phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản

Quyền tác giả nói chung và quyền tác giả trong hoạt động xuất bản nói riêng ở Việt Nam đã được nhắc đến từ rất lâu. Đã có nhiều hội thảo, bài báo, công trình nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, những xâm phạm quyền tác giả thì không hề giảm mà ngày càng nhiều hơn. Thậm chí có cuốn sách xuất bản hợp pháp nhưng lại được cho là xâm phạm quyền tác giả làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh của xuất bản Việt Nam. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản và những giải pháp khắc phục.

1. Quyền tác giả trong hoạt động xuất bản

“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” (Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2009). Quyền này là độc quyền, được pháp luật trao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Điều này là vô cùng cần thiết, tác giả với tư cách là người sáng tạo, phải được hưởng các quyền lợi trước khi tác phẩm trở thành tài sản của công chúng. Bảo hộ quyền tác giả sẽ khuyến khích được sự sáng tạo trong cộng đồng, chìa khóa cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Hoạt động xuất bản không bao gồm khâu sáng tạo ra tác phẩm mà chỉ sử dụng tác phẩm để truyền bá phổ biến tri thức chứa đựng trong đó. “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử” (Điều 4, Luật Xuất bản 2012). Sản phẩm của hoạt động xuất bản là các tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và được thể hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có sách. Quá trình xuất bản bao gồm 3 khâu: biên tập, in và phát hành. Xuất bản đã sử dụng những sáng tạo của tác giả dưới dạng bản thảo và các yếu tố đầu vào khác để hình thành nên sản phẩm của mình là xuất bản phẩm. Xuất bản chính là bà đỡ và là người lan truyền tư tưởng sáng tạo của tác giả sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Thông qua hoạt động của nhà xuất bản, các bản thảo của tác giả được hiện thực hóa thành xuất bản phẩm, được khẳng định giá trị để trao đổi trên thị trường và mang lại lợi ích cho tác giả cũng như hoạt động xuất bản. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc nuôi dưỡng, phát triển sự sáng tạo của tác giả, thúc đẩy xuất bản phát triển và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ các giá trị tinh thần cho xã hội.

Từ đó khẳng định, xuất bản là ngành kinh tế có liên quan mật thiết đến các sáng tạo được nhà nước bảo hộ. Đồng thời bảo hộ quyền tác giả được ra đời và phát triển cũng gắn liền với nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp xuất bản. Bảo hộ là ngăn chặn các hành vi xâm phạm, dẫn đến gây thiệt hại về mặt kinh tế cho các tác giả, các doanh nghiệp xuất bản phẩm và nhu cầu xuất bản phẩm của công chúng. Điều 5 Luật Xuất bản năm 2012 đã chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, các quyền liên quan… Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, Luật còn khẳng định “Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật” (Điều 21, Luật Xuất bản 2012).

Từ các quy định của Luật Xuất bản cho thấy, Nhà nước đảm bảo quyền tự do sáng tạo và phổ biến tác phẩm cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở pháp luật, bảo hộ quyền tác giả và các quyền khác liên quan.

2. Vi phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản

Mặc dù ở Việt Nam đã có đầy đủ những quy định của pháp luật về quyền tác giả, nhưng những hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản vẫn ngày càng gia tăng. Dạng xâm phạm phổ biến, lâu đời, dai dẳng nhất đó là “sách lậu”. Sách lậu được xuất bản không chỉ là sách nhái, sách giả, sách xuất bản không có hợp đồng với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mà còn là không trung thực về số lượng bản in.

Sách lậu vẫn đang tồn tại song song với sách thật và gây nhiều hệ lụy cho xã hội như: làm thiệt hại đến lợi ích của người sáng tạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm và nhu cầu xã hội. Hiện nay còn xuất hiện sách lậu dưới dạng mua bản quyền của nước ngoài. Mọi thủ tục, mua bán và hợp đồng diễn ra đầy đủ với đối tác nước ngoài nhưng lại thiếu chứng minh quyền tác giả. Khi xuất bản phẩm được phát hành trên thị trường đã bị tác giả hoặc chủ sở hữu đích thực của tác phẩm khởi kiện thì sách đó cũng được coi là “lậu”.

Trong điều kiện ngành công nghiệp 4.0 hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các loại sách hiện đại như sách điện tử (E-book), sách nói (Audio book), đây là loại sách dễ bị xâm phạm bản quyền nhất bởi đặc điểm và tính chất của nó. Đó là việc các website tự ý đăng tải sách điện tử, sách nói mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ hữu tác phẩm. Hoặc một số tổ chức, cá nhân chia sẻ miễn phí ebook thuộc sở hữu của người khác trên các diễn đàn, trang mạng xã hội.

Sách in lậu vi phạm bản quyền.

Ảnh internet

Xuất bản sách, nhất là sách giáo khoa, tham khảo, nhà sản xuất tự tiện sử dụng, trích những sáng tác của tác giả nhưng không có hợp đồng hoặc chưa được tác giả đồng ý. Đây cũng là dạng vi phạm bản quyền đã xuất hiện, tồn tại từ khá lâu ở Việt Nam.

Ngoài ra còn một số hình thức vi phạm quyền tác giả khác như: tự ý thay đổi tên tác phẩm sau khi dịch mà không xin phép tác giả hay khi tái bản, bổ sung, nâng cấp tác phẩm lại không đưa tên tác giả trước đó vào tác phẩm…

Tất cả các vi phạm quyền tác giả đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh và lợi ích kinh tế của tác giả, cũng như các doanh nghiệp sở hữu bản quyền. Đồng thời tác động không nhỏ đến toàn ngành xuất bản và gây hệ lụy trong xã hội cũng như quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Sở dĩ có tình trạng vi phạm quyền tác giả như trên là do một số nguyên nhân:

Thứ nhất, đối với nhà xuất bản, đối tác liên kết, những cá nhân và tổ chức này đã không ý thức được hành vi của mình mà chỉ nhằm mục tiêu vì lợi ích cá nhân. Do đó họ sẵn sàng vi phạm pháp luật về quyền tác giả. Các nhà xuất bản, doanh nghiệp thường cho in quá số lượng trong giấy phép hoặc hết thời hạn hợp đồng bản quyền vẫn cho in tiếp mà không xin phép tác giả. Việc làm này dẫn đến tiền nhuận bút trả cho tác giả không được trả đầy đủ.

Thứ hai, sự yếu kém của nhân sự hoạt động trong các công việc giao dịch bản quyền với nước ngoài, thể hiện ở làm việc không chuyên nghiệp. Do đó người đi khai thác bản quyền chỉ nhìn thấy phía đối tác có xác nhận bản quyền đã vội ký hợp đồng dẫn đến sách xuất bản hợp pháp ở Việt Nam nhưng lại xâm phạm quyền tác giả nước ngoài. Bởi vì, muốn có được bản quyền xuất bản hợp pháp phía chuyển nhượng phải chứng minh được chủ thể quyền tác giả chứ giấy xác nhận là chưa đủ. Hoặc trong trường hợp tác phẩm có nhiều chủ sở hữu nhưng doanh nghiệp đã bỏ qua một trong số những người có quyền lợi hợp pháp với tác phẩm dẫn đến tranh chấp.

Thứ ba, khi xảy ra tranh chấp về quyền tác giả, thiếu sự vào cuộc tích cực của đương sự và hỗ trợ đắc lực của quản lý Nhà nước. Một khi xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng phải dựa vào hồ sơ và phải có đầy đủ bằng chứng. Nhưng hầu hết doanh nghiệp thường không có đầy đủ tài liệu, bằng chứng để chứng minh sách của mình bị xâm phạm như thế nào dẫn đến khó giải quyết. Cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản chưa kiên quyết trong xử lý các vụ việc trên và khung hình phạt của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực xuất bản còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

3. Giải pháp khắc phục

Để giảm thiểu các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản cần có sự phối hợp của toàn xã hội:

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong toàn ngành xuất bản. Nhằm nâng cao ý thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc tôn trọng bản quyền, tiến tới xây dựng văn hóa bản quyền trong xã hội nói chung và xuất bản nói riêng. Tuyên truyền đến khách hàng, người sử dụng xuất bản phẩm để họ ý thức được những tác hại, rủi ro gặp phải khi vô tình tham gia và tiếp sức cho vi phạm quyền tác giả.

Các nhà xuất bản, doanh nghiệp sách cần gương mẫu trong việc thực thi và tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ trong việc bảo vệ bản quyền của doanh nghiệp trên mạng internet. Bên cạnh đó, đào tạo, bố trí nhân lực trong doanh nghiệp một cách hợp lý để tự bảo vệ bản quyền của mình. Khi xảy ra tranh chấp cần có sự vào cuộc một cách tích cực. Đó là phối hợp với cơ quan thực thi, bảo hộ trong việc cung cấp hồ sơ xác minh chủ thể bản quyền hoặc cung cấp những tài liệu, bằng chứng bị xâm phạm quyền.

Có sự đồng hành tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản cùng với tác giả, doanh nghiệp trong việc thực thi và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Sử dụng công nghệ để chặn hoặc loại bỏ các chương trình, các website vi phạm quyền tác giả khỏi mạng internet. Phong tỏa nguồn thu có được từ quảng cáo của các cá nhân, tổ chức đăng tải, chia sẻ miễn phí ebook bất hợp pháp…

Tăng cường hoạt động của hội xuất bản, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau và kết nối với tác giả thành một hệ thống, quan hệ đoàn kết trong việc tẩy chay và chống vi phạm bản quyền.

Hoàn thiện và bổ sung điều khoản xử lý vi phạm bản quyền. Để hiện tượng vi phạm bản quyền giảm bớt và tiến đến chấm dứt tình trạng này, Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành cần nhanh chóng sửa đổi điều khoản xử lý vi phạm bản quyển. Đó là mức xử lý về kinh tế phải cao hơn nhiều so với hiện tại để đủ sức răn đe (tham khảo một số nước trên thế giới). Nếu đơn vị, cá nhân vi phạm nhiều lần có thể xử lý bằng cả hình thức đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đình chỉ có thời hạn. Đồng thời có biện pháp xử lý trong ngành như cảnh cáo, xử lý nhà quản trị...

Bảo hộ quyền tác giả là bảo vệ các sáng tạo. Để phát triển, mọi quốc gia đều cần phải tạo ra và sử dụng có hiệu quả các sáng tạo đó. Vì vậy, việc thiết lập và bảo đảm cơ chế khuyến khích hoạt động sáng tạo, sử dụng sáng tạo trí tuệ là rất cần thiết. Việc tìm ra những nguyên nhân và hướng khắc phục cho những hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động xuất bản không những đảm bảo cho sự phát triển của ngành sách Việt Nam mà còn góp phần nuôi dưỡng những sáng tạo cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

 

Tác giả : Trần Phương Ngọc

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

;