Phải chú trọng vai trò của cộng đồng trong thực hành văn hóa

Bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước, phải chú trọng vai trò cộng đồng trong trong thực hành văn hóa. Đó là một trong những ý kiến nổi bật tại Diễn đàn văn hóa “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 18-4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu 

 

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở - vấn đề cấp thiết

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành VHTTDL đã cụ thể hóa bằng những giải pháp, những hoạt động thiết thực xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Cùng với đời sống kinh tế được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày một phong phú hơn. Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã có phần tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có biểu hiện bị mai một, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó, những biểu hiện “mặt trái” của cơ chế thị trường như sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện xuống cấp của đạo đức xã hội, lối sống chạy theo đồng tiền…. là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đã và đang trở nên cấp thiết.

Bộ VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức  cán bộ”. Với chủ đề này, đi đôi với việc tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính của toàn ngành hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành là tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời, mỗi dân tộc lại có những nét độc đáo riêng có, tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Bộ VHTTDL xác định, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nhằm bổ sung các giải pháp để nhiệm vụ của ngành đạt hiệu quả cao.

Các đại biểu trao đổi sôi nổi tại diễn đàn

Cần tôn trọng sự sáng tạo của cộng đồng

Các ý kiến, tham luận tại diễn đàn đã nêu bật  tầm quan trọng văn hóa dân tộc trong qua trình xây dựng môi trường văn hóa hiện nay, đồng thời thẳng thắn đặt ra những vấn đề cần lưu tâm trong cuộc sống. Theo GS.TSKH Lý Trần Tiêu, ngày nay, việc xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật đang được đặt trong xu thế phát triển của “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (4.0). Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vấn đề khi có người cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 có lợi cho tầng lớp người giàu hơn là cho người nghèo; vấn đề bảo đảm an toàn cho dữ liệu và an ninh mạng cũng được đặt ra không chỉ đối với cơ quan quản lý, mà cả đối với cộng đồng; vấn đề quản lý phim chiếu trên mạng liệu có hậu kiểm được không cũng như việc kiểm soát các cháu nhỏ xem phim trên mạng?

Đề cập đến giải pháp phát huy văn hóa dân tộc trong thời đại mới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội lưu tâm đến vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức sự kiện. Ông cho rằng, các sự kiện mang tính bản sắc phải do chủ thể văn hóa tổ chức và tham gia.

“Lễ hội cổ truyền chỉ thành công khi người dân tham gia vào việc tổ chức sự kiện cho chính mình, vì chính mình và bởi chính mình. Khi họ tham gia sự kiện, họ sẽ tạo ra những dấu ấn tính mộc mạc, chân thành, chân thực của riêng họ, mà không một đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay nhà hát nào có thể làm được. Điều này chắc chắn được đánh giá cao bởi du khách, khán giả - những người đóng vai trò quyết định đến việc đánh giá một thành công của sự kiện, chứ không phải văn bản báo cáo của một cơ quan nhà nước”, ông cho hay.

Những người dân cũng phải được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của sự kiện và quan trọng hơn là phải được lợi từ sự kiện, không chỉ là lợi ích tài chính mà còn phải được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau như phát huy hình ảnh địa phương, lan tỏa niềm tự hào của người dân hay những lợi ích gián tiếp, lâu dài khác.

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện. Cần thực hiện đúng quan điểm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân  thụ hưởng". Vì thế, việc tổ chức các sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng và để cho người dân được tham gia ý kiến, bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức sự kiện. Việc huy động này phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cả nhà tổ chức và cho cả cộng đồng.

Đối với Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, PGS,TS Bùi Hoài Sơn  lưu ý Làng cần  đặt cộng đồng trong bối cảnh văn hóa - xã hội của chính họ, chú ý đến những nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng; tôn trọng sự sáng tạo của cộng đồng trong tổ chức sự kiện.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải coi môi trường văn hóa  tộc người là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người ( bao gồm các thực hành: văn hóa sinh hoạt; văn hóa tín ngưỡng, tâm linh; văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức) bởi đó là môi trường mà con người được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa.

Phụ nữ Ba Na dệt thổ cẩm

Nguồn: https://baodantoc.vn/

Nhận diện những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Vi Thanh Hoài đã khẳng định những kết quả sâu rộng đạt được của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong thời gian qua như các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa... Tuy nhiên, trên nền tảng tốt như vậy nhưng sự quan tâm mỗi nơi khác nhau, có nơi mạnh, nơi yếu, đã có hiện tượng chạy theo thành tích... Ở đây cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục, đó là sự phối hợp các cơ quan ban ngành. "Cách đây hơn 10 năm về trước, có nơi coi phong trào chỉ của ngành Văn hóa. Trong khi đó, nguồn nhân lực lại chưa đồng đều, sự động viên khích lệ còn hạn chế".

Cũng tại Diễn đàn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị: Đối với Bộ, ngành Trung ương: ưu tiên mọi nguồn lực đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; trong đó chú trọng quan tâm đến việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lĩnh vực VHTTDL. Đối với Bộ VHTTDL: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để kịp thời động viên những người quản lý nhà văn hóa xã/phường/thị trấn, nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn buôn/tổ dân phố và người dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian...; hằng năm xem xét hỗ trợ, bố trí vốn xây dựng, nâng cấp, sửa chữa; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho các thiết chế văn hóa…; thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa...

TS Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch khẳng định: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp… Đó là những vấn đề quan trọng và thiết thực, cần được nghiên cứu chuyên sâu.

TS Trần Hữu Sơn nêu một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa… Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài.

Tiết mục văn nghệ trình Diễn tại diễn đàn 
 

 

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

;