Văn hóa Quảng Trị - 50 năm nhìn lại

Diện mạo thành phố Đông Hà hôm nay - Ảnh: Trà Thiết

 

Quảng Trị là mảnh đất anh dũng, kiên cường. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất này đã gửi lại với thời gian một hệ thống di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Quảng Trị có một chiều sâu, chiều dày, một tầm vóc văn hóa sáng giá: ba lần làm Thủ phủ tạm thời của quốc gia: chúa Nguyễn Hoàng đóng đô ở Ái Tử gần 70 năm trước khi dời vào Huế; vua Hàm Nghi đóng đô ở Tân Sở (Cam Lộ) để dựng chiếu Cần Vương; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đóng ở thị trấn Cam Lộ. Quảng Trị từng là nơi chia cắt đất nước với một dòng Hiền Lương thắt nghẹn nhớ thương, đồng vọng đôi bờ Bắc Nam giới tuyến. Nơi đây có một vùng dân ca ngọt ngào Tùng Luật - Vĩnh Giang, một Cửa Tùng được mệnh danh là “nữ hoàng” các bãi tắm, một Cửa Việt (xưa là Cửa Việt khách) lừng danh vì những trận đọ sức ác liệt giữa đặc công Hải quân ta với tàu chiến Mỹ. Cũng không thể quên một dải đất Gio Linh còn nguyên hình những giếng nước xếp đá mà nhà nữ dân tộc học người Pháp Ma - đơ - len Cô - la - ni từng phát hiện và đặt những câu hỏi lớn về cội nguồn văn hóa Chăm hay Indonesia bỗng trở thành vùng trắng rợn người trong hệ thống hàng rào điện tử Macnamara; một thành cổ Quảng Trị tráng ca hào hùng 81 ngày đêm khốc liệt...

Lịch sử đã tạo ra cho Quảng Trị sứ mệnh là tỉnh đầu tiên được giải phóng từ năm 1972, rồi bị tái chiếm, lại giải phóng; rồi nhập tỉnh, tách tỉnh... Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập sau khi tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên. Sau khi tái lập tỉnh, Quảng Trị đứng trước muôn vàn khó khăn. Về thiết chế văn hóa, cả tỉnh không hề có một rạp chiếu phim, không hề có thư viện, bảo tàng, công viên… Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ XI và XII đã khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động văn hóa và chỉ rõ con đường đổi mới, phương hướng của sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà trong thời kỳ mới là: “Kết hợp xây dựng các thiết chế văn hóa nhà nước với phát triển rộng rãi văn hóa quần chúng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoạt động văn hóa hướng về cơ sở, chú trọng những vùng xa xôi hẻo lánh, vùng núi và vùng biển. Đấu tranh để loại trừ văn hóa đồi trụy, phản động ra khỏi đời sống xã hội”, “Chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin báo chí và các loại hình nghệ thuật, nhằm từng bước tạo lập cuộc sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, tiến bộ. Kết hợp xây dựng văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Đêm Trường Sơn huyền thoại - Ảnh: Trà Thiết

 

50 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, khôi phục, bảo tồn những lễ hội truyền thống, tổ chức những lễ hội mới hình thành nhằm đưa hoạt động lễ hội trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân. Quảng Trị có 27 lễ hội với 3 loại hình chính: lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội Cách mạng và lễ hội tôn giáo. Quảng Trị cũng là địa phương được Bộ VHTTDL đánh giá cao về công tác quản lý và tổ chức thành công các hoạt động lễ hội, đặc biệt là lễ hội Cách mạng được đầu tư tổ chức với quy mô ngày càng lớn, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Điển hình là Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức hằng năm tại Kỳ đài Hiền Lương - Bến Hải. Bên cạnh đó, những lễ hội dân gian cổ truyền như: Lễ tế đầu năm, Lễ hội Chợ Đình Bích La, Hội cù, Lễ hội cầu ngư; Hội chèo cạn, Lễ hội đâm trâu... phản ánh một phần ý nghĩa về cuộc sống tinh thần của người dân Quảng Trị và tỉnh đã có những phương thức phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương góp chung vào bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc đầu tư, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử cách mạng được quan tâm. Từ chỗ các di tích hầu như là hoang phế sau chiến tranh, đến nay, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư khá quy mô, quản lý - bảo vệ tốt, đã và đang phát huy hiệu quả tác dụng, trở thành tiềm năng trong phát triển du lịch, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tiêu biểu như: Thành Cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Sân bay Tà Cơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải...

Công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị các hiện vật bảo tàng ngày càng được chú trọng. Đến nay, tại Bảo tàng và các di tích, đã trưng bày 11.200/31.888 tài liệu, hiện vật gốc. Trong cộng đồng có 2.209 di vật, cổ vật, bảo vật có giá trị đã được kiểm kê, bảo quản. Lượng khách tham quan đến các di tích và bảo tàng hằng năm đạt khoảng 450.000 lượt.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, các Hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Phong trào chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng, phối hợp đồng bộ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nếu năm 1997, Quảng Trị mới có 10 làng được công nhận Làng Văn hóa đợt 1 thì đến cuối năm 2021, tỉnh đã có trên 95% làng, bản, khu phố được công nhận văn hóa, trên 94% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm hơn trước. Đến nay, các công trình văn hóa, thể thao quan trọng cấp tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Sân vận động tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh,  Khu liên hợp thể thao tỉnh, Thư viện tỉnh. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã cũng được xây dựng, đầu tư và hoạt động có hiệu quả.

Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành VHTTDL Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra trên lĩnh vực văn hóa, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Chú trọng đầu tư, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn giai đoạn 2, bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; phát huy, đổi mới và nâng cao chất lượng các lễ hội mang nét đặc trưng riêng của Quảng Trị, triển khai thực hiện Đề án Lễ hội “Vì Hòa bình”; đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là ở cơ sở; quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các sinh hoạt văn hóa, thể thao ngoài trời, gắn với các công trình phúc lợi công cộng; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng con người phát triển toàn diện thông quan việc quan tâm xây dựng đạo đức trong gia đình, trường học và xã hội, nhất là thế hệ trẻ; tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân...

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và hướng đến Lễ hội “Vì Hòa bình” với mong muốn khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương Quảng Trị, tiếp tục thi đua, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển, đổi mới quê hương. Phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, sẽ xây dựng Quảng Trị trở thành một điểm đến hấp dẫn, mang yếu tố khác biệt trong việc phát triển, thu hút khách du lịch với đặc trưng là du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Quảng Trị đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào bạn bè trong nước và quốc tế cùng về hội tụ.

 

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022

 

;