NSƯT Như Bình: 70 năm đắm say với nghệ thuật múa

Bén duyên khi mới 14 tuổi, đến nay vừa tròn 70 năm NSƯT Như Bình gắn bó với nghệ thuật múa. “Cả cuộc đời tôi dành cho múa và chính múa đã nâng cánh cho tôi bay đến những giấc mơ tươi đẹp…”, NSƯT Như Bình xúc động chia sẻ.

NSƯT Như Bình sôi nổi kể chuyện về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình - Ảnh: Thái Bình       

Bền chí, vững lòng

Dù đã ở tuổi 84 nhưng NSƯT Như Bình vẫn còn nhớ như in ngày đầu ông đến với nghệ thuật. Đó là năm 1953, cán bộ của Đoàn Văn công Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nghệ sĩ Hoàng Châu… ghé qua ngôi trường cấp 2 Yên Bái vừa trò chuyện, vừa nhân đây tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu để bổ sung cho đoàn. Như các bạn cùng trang lứa, cậu bé Như Bình tham gia vì muốn thử sức chứ đâu dám mơ mộng sẽ có ngày trở thành nghệ sĩ. Thế nhưng, cậu lại được vỡ òa trong niềm vui bất ngờ khi là một trong bốn người được chọn từ hơn 500 học sinh ứng tuyển.

Hôm nhận giấy báo về tập trung tại ATK ở Tân Trào, Như Bình được mẹ chuẩn bị cho nắm cơm độn sắn và mấy đồng giắt lưng khi đi đò hoặc ăn quà phòng lúc đói bụng. Tinh mơ hôm sau, cậu thiếu niên ấy một mình cuốc bộ hơn 50km để kịp đến nơi tập trung vào buổi chiều. 

Phải sang tuần sau, những người bạn được tuyển cùng đợt mới về tập trung. Cả tháng đầu, công việc của những thành viên mới này là dậy sớm đào hầm, đào giao thông hào dài đến gần cây số, ra phía sông Lô. Dẫu đầy vất vả nhưng Như Bình vẫn hăng say làm việc và là người duy nhất trụ lại với Đoàn Văn công. Cậu rất lấy làm vinh dự khi được ở cùng các văn nghệ sĩ gạo cội như: Cụ Cả Tam (năm đó đã 70 tuổi), Phạm Sửu, Tô Vũ, Học Phi, Thế Lữ… Sau 3 tháng, cậu bắt đầu được dạy hát chèo rồi học múa. Cứ thế, cậu thiếu niên sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tây Bắc - xã Minh Đức, huyện Trấn Yên, Yên Bái bén duyên với nghệ thuật. 

Bác Hồ gặp gỡ nghệ sĩ Đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Phủ Chủ tịch (NSƯT Như Bình ở hàng đầu tiên, thứ ba từ trái sang) - Ảnh tư liệu

Được chính thức gia nhập Đoàn Văn công Trung ương, Như Bình đi biểu diễn phục vụ Đại hội mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Buổi biểu diễn nào cũng cuốn cậu vào những cảm xúc khó quên, nhất là lần biểu diễn ở Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên và được Bác Hồ tới xem. Bác Hồ đã khen ngợi rồi căn dặn: “Các cháu cứ chuẩn bị nhiều vở diễn, tiết mục với nhiều cái hay, cái đẹp trên tinh thần “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”. Chương trình biểu diễn rất dân tộc và cũng ra dáng chuyên nghiệp nhưng cần nâng cao vì chỉ còn thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ trở về Hà Nội mừng công chiến thắng”. Được trực tiếp biểu diễn cho Bác Hồ xem và nghe những lời căn dặn của Người, Như Bình vô cùng xúc động và tự hào. Không những thế, cậu còn thấy mình thật may mắn vì đã đủ sức vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên trì với sự lựa chọn ban đầu để có được niềm hạnh phúc, vinh dự bất ngờ này mà không phải ai cũng có.

Sau buổi biểu diễn ấy, Đoàn Văn công được tin tập trung chuẩn bị chương trình “Tiến về Hà Nội” để chào mừng lễ ra mắt Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nghe tin ấy, Như Bình reo hò cùng mọi người vì cậu cũng chưa đến Hà Nội lần nào.

Ở chương trình nghệ thuật “Tiến về Hà Nội”, Như Bình và Mạnh Hùng tham gia múa chũm chọe trong tiết mục múa “Trống ngũ lôi” của tác giả Hoàng Châu. Cùng với sự điêu luyện của các nghệ sĩ Phan Hồ, Bùi Đức Hạnh, Phạm Gia Thọ, Thanh Đính, 2 thiếu niên này đã đem đến cho tiết mục sức trẻ, sự trong sáng, tinh khôi với những vũ điệu hấp dẫn, cuốn hút.

Sau tuần lễ phục vụ tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất, Đoàn Văn công Trung ương đến biểu diễn ở ga Phạm Xá (gần Hải Dương), Hòn Gai (Quảng Ninh) và cả khu vực Tây Bắc. Như Bình tham gia múa kiếm, múa hoa, múa chào mùa xuân… đầy khí thế lạc quan, hướng về ngày mai tươi sáng. Riêng lúc về Quảng Ninh, đây là lần đầu tiên chàng trai trẻ tuổi ấy được nhìn thấy biển. Vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu sao biển lại mênh mông đến thế, điều đó đã in mãi trong trí óc để sau này Như Bình thường tái hiện lại qua những vũ điệu đầy quyến rũ, phóng khoáng từ sự mênh mông của biển trong các tác phẩm của mình. 

Màn múa Hà Nội - Bản hùng ca do NSƯT Như Bình biên đạo - Ảnh tư liêu

Đặc biệt, khi chưa tròn tuổi đôi mươi, Như Bình đã có tên trong đoàn nghệ sĩ Nam tiến của Đoàn Văn công Trung ương, biểu diễn bên cầu Hiền Lương rồi đến địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị… Đó là suốt thời gian từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Tết nào Như Bình cũng vắng nhà và hăng say phục vụ đời sống tinh thần cho người dân, bộ đội nơi chiến tuyến. 

Năm 1968, trong đoàn văn công phục vụ Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng có nghệ sĩ Như Bình. Sau đó, đoàn còn sang Italy, Algéria, Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc biểu diễn. Ngày 18/7/1969, đoàn đến Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được Người trao tặng huy hiệu Bác Hồ.

Cứ thế, con đường đến với nghệ thuật múa được mở ra với NSƯT Như Bình luôn là những thử thách chông gai, trong đó có cả những ngày tháng hành quân ra mặt trận đầy nguy hiểm, gian khổ nhưng ông luôn bền chí, vững lòng vượt qua.

Đắm say cống hiến

Năm 1971, NSƯT Như Bình được cử đi học ở Học viện Nghệ thuật sân khấu mang tên Lunatraxky (Liên Xô). Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước, ông đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn cũng như mạnh dạn “đốt cháy giai đoạn” bằng cách tự học và đạt được kết quả xuất sắc. Không chỉ vậy, ông còn tham gia dàn dựng 2 tác phẩm múa Việt Nam cho Đoàn nghệ thuật Anh hùng mang tên "Lốc-chép" để gây quỹ ủng hộ xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. 

Năm 1977 trở về nước, cùng với việc góp sức không nhỏ cho nhiệm vụ đối ngoại của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hay lo công tác văn phòng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, NSƯT Như Bình dốc sức dàn dựng những tác phẩm múa đặc sắc. Có thể kể đến các tác phẩm như “Mùa xuân Tây Nguyên”, “Bình minh đà điểu”, “Bắc Nam sum họp”, “Cảm tử quân”, “Giấc mơ than”... và các chương trình nghệ thuật mà ông tham gia dàn dựng như: Chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội; Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam...

Tác phẩm Múa khèn (Biên đạo: NSƯT Minh Hiến) nghệ sĩ Như Bình biểu diễn cùng tốp múa nam Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Trong đó, NSƯT Như Bình đặc biệt tâm huyết với tác phẩm “Ngọn cờ chiến thắng” - Giải B của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, được sáng tác từ sự đau đáu khi ông đọc bài thơ “Không ngủ được” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa trong đó còn là biểu tượng của những tinh thần tuổi trẻ như Trần Quốc Toản, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận… Ban đầu, NSƯT Như Bình chỉ định xây dựng một hình tượng cầm cờ nhưng sau thấy ít tính nghệ thuật ông đã xây dựng thành hai rồi cả tốp nam thể hiện. 

Với tác phẩm “Bà mẹ trên dòng sông quê hương”, NSƯT Như Bình không chỉ đọc và ngẫm về bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu mà ông còn vào tận Quảng Bình để trải nghiệm. Từ đó, ông sáng tác những vũ đạo vừa ngọt ngào, bao la như tình mẹ, vừa mang khí phách của Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Còn khi được huyện Mê Linh đặt hàng nhân kỷ niệm 1960 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, NSƯT Như Bình làm Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Mê Linh anh hùng” và đạt giải A năm 2000 của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Đặc biệt, lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh đất nước (2/9/1945 - 2/9/1995) NSƯT Như Bình vinh dự khi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn tin tưởng giao trọng trách làm Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật. Ông đã trăn trở tìm tòi, sáng tạo trong mấy tháng trời để có được chương trình xứng tầm, thể hiện sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn cao thượng cùng khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tất cả được thể hiện qua những biểu tượng văn hóa chứ không phải là những ùng oàng súng đạn hay hào quang của những tấm huân chương. Đó là biểu tượng 5 con rồng - biểu tượng cho 5 cánh quân tiến về giải phóng Thủ đô, 5 cánh sao tỏa sáng. Đó là dòng Hồng Hà, dòng Mê Kông - biểu tượng Bắc Nam sum họp một nhà. Hay những dáng yêu kiều hoa đào, hoa mai và nón bài thơ để cùng dệt nên bản tình ca… Chương trình đã được giải B năm 1995 của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

NSƯT Như Bình vai anh hùng Bế Văn Đàn (giữa) trong vở Kịch múa Bế Văn Đàn (biên đạo: NSƯT Danh Thân), biểu diễn cùng nghệ sĩ Anh Nghiêm, Sơn Viện

Ngoài ra, năm 1996, hưởng ứng Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với 7 cơ quan ban ngành tổ chức, điệu nhảy “Nhịp điệu Tây Bắc” mà NSƯT Như Bình biên đạo giành giải A và cũng là điệu nhảy quần chúng ưa thích nhất. Năm 2009, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức cuộc thi Tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long, điệu nhảy “Sức sống trẻ Thủ đô” cũng do NSƯT Như Bình biên đạo đã đoạt giải cao nhất và được phổ cập trong 30 quận huyện Hà Nội. Năm 2017, được phép của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Việt kiều Việt Nam đã mời NSƯT Như Bình làm Tổng đạo diễn chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương tại Béc-lin… 

Bằng một tinh thần cống hiến hết mình cho nghệ thuật như thế, NSƯT Như Bình đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Bác Hồ; Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Bằng khen của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…

Cách đây 10 năm, NSƯT Như Bình biên đạo kịch múa “Huyền thoại thác Yang Bay” cho tỉnh Khánh Hòa và được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ông bảo, đây là tác phẩm cuối cùng ông trực tiếp dàn dựng khi bước sang tuổi 75. Nhưng như thế không có nghĩa là ông rời xa nghệ thuật. Ngày ngày, NSƯT Như Bình vẫn dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu, viết các bài báo về nghệ thuật múa cũng như cẩn thận ghi chép những kỷ niệm mà ông dành cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật.

THÁI BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;