NSND Nguyễn Đăng Bẩy - đời quay, đời người

Hàng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm, nhiều bộ phim truyện Việt Nam lại được các nhà đài phát lại. Trong những dịp đó, hiếm khi thiếu được những bộ phim như Con chim vành khuyên, Nổi gió, Đến hẹn lại lên, Ngày lễ thánh… Những bộ phim chứa đựng bao khát khao, sáng tạo của các nghệ sĩ trong đó có NSND Nguyễn Đăng Bẩy với những góc quay, thước phim đã trở thành tư liệu.

Nhiều lần, do yêu cầu công việc tôi đã đến tìm gặp ông. Trong căn phòng không mấy rộng nơi tầng hai của số 10 Lương Văn Can (Hà Nội), tôi luôn bắt gặp ông đang miệt mài cùng công việc. Khi đó, dù đã ở tuổi ngoài 80, họa sĩ, nhiếp ảnh, quay phim Nguyễn Đăng Bảy vẫn miệt mài bên tranh khắc. Từng dáng đình, mỗi khu chợ, đôi ba nét chấm phá đều có thể bắt nguồn từ những chọn lọc trong những bức tranh ông chụp hay sự gợi lại, liên tưởng từ những tháng năm hoạt động nghệ thuật. Căn phòng tuy nhỏ nhưng treo đầy những bức ảnh ông chụp Bác Hồ. Những tấm bằng khen trong và ngoài nước dành cho những bộ phim ông tham gia như Con chim vành khuyên, Đến hẹn lại lên… 

Đã qua rồi cái thủa ông một người một máy ảnh ngao du khắp miền đất nước. Ông cũng chẳng còn đủ sức để đi theo một đoàn làm phim. Nhưng vẫn vẹn nguyên trong ông cặp mắt xanh nghệ thuật, đôi bàn tay khéo léo và cả con tim giàu sáng tạo. Mọi chiêm nghiệm từ cuộc đời, những buồn vui nghề nghiệp, những dấu ấn thời gian… tất cả được dồn lên mỗi đường nét, mầu sắc của các bức họa. Ngoài 80 tuổi, ông vẫn tự “kiếm sống nuôi mình” bằng chính nghề nghiệp đã đưa ông đến với nghệ thuật, đến với cách mạng, đó là hội họa.

Nhiều người trong ngành nhớ tới ông, ấn tượng với nhiều trường đoạn, góc máy, bối cảnh, ánh sáng trong các bộ phim như Con chim vành khuyên, Nổi gió, Ngày lễ thánh… nhưng ít ai biết được rằng để có được những thành công ấy ông đã có một quá trình dài trong hội họa. Chính con mắt hội họa đã giúp ông rất nhiều trong bố cục, đường nét, mầu sắc, độ sáng tối, sự tương phản trong những bộ phim sau này.

Cảnh trong phim Nổi gió

Sinh ra và lớn lên tại làng Phù Lưu, Từ Sơn thuộc trấn Kinh Bắc, Nguyễn Đăng Bẩy có một tuổi thơ nhiều cơ cực. Sớm mồ côi cha mẹ, mấy anh em ông phải ở nhờ nhà thờ họ. Ngay từ khi mới 13, 14 tuổi ông đã xin vào học rồi làm tập sự cho một hiệu ảnh kiêm vẽ truyền thần. Khi đã biết chút ít về nghề, ông lại xin theo học và tập sự giúp việc cho họa sĩ Nguyễn Như Hoành, Hoàng Tích Chù. Con đường lập nghiệp và sáng tạo của một cậu bé nhà nghèo đã đưa ông đi qua nhiều chốn, lăn lộn qua nhiều chủ để đến một ngày những ngón nghề trong hội họa, nhiếp ảnh đã ngấm vào cậu học trò siêng việc. Chính những năm tháng ấy đã đưa ông đến với cách mạng, cho ông cơ hội đứng trong hàng ngũ những nghệ sĩ của điện ảnh Việt Nam.

Những ngày đầu đi theo kháng chiến, với chút vốn liếng nghệ thuật, ông được phân về Nha Thông Tin, bắt đầu cuộc đời của một người cầm máy, một nghệ sĩ cách mạng. Cũng những năm tháng ấy tại Nha Thông tin ông đã có vinh dự được gặp, chụp ảnh và quay phim Bác Hồ - vị cha già của dân tộc. Nhiều bức ảnh đã ra đời trong đó có bức được nhân rộng, in tư liệu để tuyên truyền phục vụ kháng chiến. Một vài bức ngày nay vẫn được treo trang trọng trong căn phòng ông ở. Dăm ba bức khác lại được lưu giữ tại các viện bảo tàng. Ngày trở về với hội họa khi tuổi đã cao, sức không còn khỏe ông đã làm nhiều tranh khắc, tranh sơn mài lấy cảm hứng từ những bức ảnh ông chụp Bác ngày nào. Nó cũng trở thành định hướng trong phong cách nghệ thuật của ông. Một nghệ sĩ với phong cách tạo hình nhiều chất thơ, trữ tình đầy bay bổng, lãng mạn. 

Phim Nổi gió với cảnh giặc đốt tay chị Vân - một cảnh quay khó

Từng tham gia một số bộ phim tài liệu trong giai đoạn đầu như Việt Nam trên đường thắng lợi, Ngọn lửa căm hờn, Phú Lợi, Chị Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… nhưng phải đến Con chim vành khuyên, Nổi gió, Đến hẹn lại lên, Ngày lễ thánh, Chị Dậu… thì tên tuổi ông mới được xếp vào hàng gạo cội với sự khẳng định và thừa nhận của những người làm nghề chuyên nghiệp.

Ít ai biết rằng những thước phim quý giá với nhiều trường đoạn được xem như khuôn mẫu được giảng dạy trong Trường Sân khấu - Điện ảnh như Con chim vành khuyên, Nổi gió, Đến hẹn lại lên… lại được quay trong một thời gian không dài. Phim Con chim vành khuyên được quay trong 17 ngày. Phim Chuyến xe bão táp chỉ quay có 16 ngày…

Thời gian quay tuy không nhiều nhưng đó là tinh hoa được chắt lọc qua từng ngày, từng phút lao động cần mẫn và sáng tạo. Mỗi một cảnh, một thước phim, một trường đoạn không chỉ đơn thuần là sản phẩm trực tiếp của nhà quay phim trên hiện trường. Ngay từ khi nhận kịch bản, trong từng giây, từng phút ông luôn sống và trăn trở với tâm niệm: Sẽ quay cái gì và quay như thế nào? Khuôn hình sẽ mang đến cho người xem điều gì qua những gì mà nó thu nhận được?

Phim Con chim vành khuyên

NSND Nguyễn Đăng Bẩy từng kể: “Ngày đó để quay bộ phim Con chim vành khuyên tôi đã có nhiều trưa lang thang không ngủ. Tôi đi nhìn trời, nhìn đất, ngắm những áng mây, tìm góc độ chiếu sáng. Cảnh trước lúc bọn giặc đến, tôi đã quay được một bầy diều hâu đang bay trên trời như báo hiệu trước điềm xấu. Và nó đã được dựng vào phim như hình ảnh báo trước về kẻ thù - bầy quạ. Cảnh bé Nga chới với vì trúng đạn, tư thế chao người, trời đất nghiêng ngả… được lột tả xuất thần. Sự theo sát diễn viên với góc máy chúc từ trên xuống đã ôm trọn sự chao đảo quay cuồng của bé Nga trước khi ngã sập xuống hướng máy”. 

30 năm sau, trong cuốn truyện của nhà văn, đạo diễn Nguyễn Văn Thông Từ Con chim vành khuyên đến Hồn trúc ở quyển gửi tặng NSND Nguyễn Đăng Bẩy có lời tặng: “Ngày ấy nếu không có anh Bảy Hổ (Nguyễn Đăng Bẩy) thì bộ phim Con chim vành khuyên không thể thành công như vậy”. Phim đã giành giải Bông sen vàng Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ II và giải Ban giám khảo LHP quốc tế Kaclovy Vary (Tiệp Khắc). Ở cả hai LHP trong nước và quốc tế, ông đều giành giải về hình ảnh, quay phim xuất sắc cho Con chim vành khuyên. Tại LHP Việt Nam lần thứ III, ông lại một lần nữa giành được giải quay phim xuất sắc nhất cho phim Đến hẹn lại lên…

Với công việc, Nguyễn Đăng Bẩy chưa bao giờ quan niệm công việc nào của đạo diễn, chủ nhiệm hay quay phim. Là một nghệ sĩ, trong ông luôn có ý thức về sự trọn vẹn của bộ phim. Điều ông quan tâm là yếu tố thời gian, lịch sử và bối cảnh trong khi quay. Với ông để sáng tạo thành công một tác phẩm điện ảnh, mỗi thành phần tham gia phải có sự am hiểu về văn hóa, sự tìm hiểu, nghiền ngẫm về văn học. 

Cảnh những sóng lụa bị gió thổi bay qua ống kính NSND Nguyễn Đăng Bẩy

Trong mỗi bộ phim, ông đều có những cảnh quay gây được ấn tượng khi thì về khuôn hình, lúc là cách bố cục. Hình ảnh chị Vân đi giữa hai hàng lưỡi lê trong Nổi gió được quay hất từ dưới lên đã bộc lộ khí phách, sự can đảm của người nữ cộng sản trước mũi súng quân thù. Trong Nổi gió còn có một trường đoạn gây ám ảnh khi giặc đốt tay chị Vân. Những bóng lửa nhẩy múa trên bộ mặt bình thản của người bị tra tấn, nét kinh hoàng của tên cố vấn Mỹ… Tất cả đều được đẩy lên nhờ những góc máy, ánh sáng và khuôn hình của Nguyễn Đăng Bẩy.

Trong số những bộ phim mà Nguyễn Đăng Bẩy đã quay thì bộ phim Đến hẹn lại lên là phim ông sống nhiều nhất trong những kỷ niệm. Bộ phim đã đưa ông về làng quê thời niên thiếu. Ký ức của một làng quê quan họ với những điệu hát của liền anh, liền chị, những mái đình cong vút và cả cô gái Bắc Ninh tươi giòn dù cuộc đời lắm bi kịch. 

Trong Đến hẹn lại lên những sóng lụa dài bị gió thốc cuộn lấy cô Nết trên bờ đê trải rộng hay ống kính quay từ trên cao hình ảnh cậu cả Bình nghiêng mình tán cô Nết nơi bến sông, trường đoạn xử lý ánh sáng trên mặt Bình nơi tháp chuông… Tất cả đều được tính toán cân nhắc về độ xa gần, tương phản để bộc lộ lên ý tứ, chủ đề trong mỗi cảnh. 

Trong cuộc đời cầm máy của mình, đã rất nhiều cảnh ông kết hợp được tâm trạng nhân vật, chiều sâu cá tính với độ đồng cảm của thiên nhiên, đất, trời. Với một người cầm máy lão luyện như Nguyễn Đăng Bẩy ông luôn có sự kết hợp giữa tình cảm và lý trí. Một đặc điểm trong phong cách quay của ông là kết hợp giữa nội và ngoại cảnh, giữa cái nhìn chủ quan và khách quan. Nếu phần nội cảnh và góc nhìn chủ quan chủ yếu dựa vào nhân vật, nội dung tác phẩm, bối cảnh thì ngoại cảnh, ống kính khách quan là sự nhanh nhạy của người quay phim trên hiện trường với những động tác máy bắt kịp được với nắng, gió, mây, trời, thời tiết. Tất cả những thử nghiệm và ứng dụng đó đều đã lần lượt được trắc nghiệm trong các bộ phim ông quay. Ở nhiều cảnh, từ hình ảnh, góc máy, độ tương phản đã bật lên ý nghĩa mà không cần đến lời giải thích hay câu thoại của nhân vật. 

Vai cô Nết trong Đến hẹn lại lên đẹp nuột nà qua tay máy của NSND Nguyễn Đăng Bẩy

Với quan niệm: đối với nghệ thuật điện ảnh, hình ảnh là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng của một bộ phim. Từ ấn tượng của hình ảnh mới dẫn người xem đến nội dung, chủ đề, cốt truyện. Quan niệm đó đã giúp ông tìm kiếm, sáng tạo, phấn đấu cho sự hoàn mỹ, cho cái đẹp của các khuôn hình điện ảnh.

Cuộc đời một con người được đánh giá qua những đóng góp của người đó cho xã hội. Cái lớn nhất của Nguyễn Đăng Bẩy là ông luôn coi nghệ thuật quay phim là cả cuộc đời mình. Ngụp lặn trong thế giới của những khuôn hình, ông như thấy nó quá lớn để chẳng bao giờ thoát ra được. Nói đến Nguyễn Đăng Bẩy là nói đến một đời quay rồi mới đến một đời người. Dù đã đi xa nhưng những sáng tạo của ông vẫn còn đó với năm tháng, với lịch sử của điện ảnh, của đất nước.

Với một số nghệ sĩ, nghệ thuật ví như một cuộc sống thứ hai luôn song hành trong cuộc đời. Còn một hơi thở, một ý niệm sống, họ cũng muốn dành cho nghệ thuật. Với họ - nghệ thuật đã trở thành lẽ sống. NSND Nguyễn Đăng Bẩy là một người như thế.

NGUYÊN AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;