Người hát ả đào - hấp dẫn, đúng chất Chèo

Người hát ả đào kể về những cô đào phố Khâm Thiên nổi tiếng

Người hát ả đào (kịch bản Bùi Vũ Minh; đạo diễn NSND Hoài Thu) là vở diễn mới của Nhà hát Chèo Hà Nội kể về những năm tháng hào hùng của người Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Những con người Hà Nội, những địa danh từ lâu đã đi vào thơ văn được ê kip sáng tạo làm sống lại trên sàn diễn. Khán phòng cũng là những khán giả rất đặc biệt, khi thì thào gọi tên nghệ sĩ họ yêu mến, khi ủng hộ nhân vật chính diện bằng những tiếng xuýt xoa, lúc như sôi lên căm hận những tên mật thám gian ngoan, những tên thực dân Pháp hống hách, ngang tàng. Ðêm diễn bỗng trở thành điểm gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu giữa người diễn và người xem, cứ thế họ “dìu” nhau để thăng hoa, để nâng đỡ câu ca nhịp phách.

Người hát ả đào, như tên gọi, kể về những cô đào phố Khâm Thiên nổi tiếng thủa xưa. Họ là những người “bán nghệ không bán thân”, là những cô đào hát chứ không phải đào rượu. Tuy nhiên, người đời không “rảnh” để phân biệt, nên luôn mặc định họ là những “con” đào hát thấp kém, ti tiện. Nguyệt Hằng (Quỳnh Trang thủ vai), cô đào chính cũng là chủ quán Lầu Trăng đã đem lòng yêu thương thầy giáo Trần Lâm (NSƯT Quốc Phòng), họ đang giai đoạn thầm thương cảm mến, gắn bó không nỡ xa rời. Nhưng khi Hà Nội nghe theo lời Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì những người con Hà Nội như cô đào Nguyệt Hằng, giới tri thức như Trần Lâm, các cô gái làng hoa như Cúc (Thúy Nga), giới thợ thuyền như chàng thanh niên Thành (Xuân Trường)… đã đồng lòng đứng lên đấu tranh bằng nhiều hình thức với quân Pháp và tay sai. Trải qua quá trình đấu tranh gian nan, nguy hiểm, đứng trước kẻ thù có sức mạnh vượt trội về vũ khí, về lực lượng, nhưng cuộc chiến tranh nhân dân đã giành thắng lợi. Tuy cái kết là cô đào chính hi sinh trong vòng tay người yêu, nhưng tinh thần Hà Nội, tinh thần của ngày chiến thắng vẫn hừng hực âm hưởng hùng tráng đem lại cảm giác tự hào vô hạn cho người xem.

Cùng viết về cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng Người hát ả đào đi theo cách viết riêng để nêu bật được tính trữ tình, chất thơ trong câu chuyện

Người hát ả đào là kịch bản thứ 77 được đưa lên sàn diễn của nhà viết Chèo, NSƯT Bùi Vũ Minh. Ông là một người của làng Chèo, chất Chèo ngấm vào ông từ những năm tháng công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Không phải là kịch bản chuyển thể, chất Chèo từ những câu thoại, lời hát thật mượt mà, thấm đẫm mà vẫn chuyển tải đầy đủ chất liệu của những tác phẩm sân khấu về cuộc trường chinh anh hùng của dân tộc, cuộc trường chinh lấy lại tự do, độc lập cho Tổ quốc. Nhiều thập niên gần đây, do thiếu những nhà biên kịch chuyên sáng tác cho Chèo nên người nghề phải dùng kịch bản văn học của kịch nói rồi chuyển thể sang Chèo, kịch bản được người nhà Chèo viết đã có sự khác biệt rất đáng trân trọng.

Có những khác biệt rất lớn trong cấu trúc kịch bản văn học giữa kịch nói (ở cả hình thức cấu trúc Aristot và cấu trúc tự sự biện chứng) và Chèo (tự sự phương Ðông). Kịch bản kịch nói Việt Nam do khởi nguồn từ những yếu tố ngoại sinh khi tiếp nhận văn hóa Pháp để hình thành rồi được nuôi dưỡng, phát triển và sáng tạo dưới ánh sáng của hệ thống lý thuyết hiện thực tâm lý Xtanixlapxki, nên hầu như tất cả các tác giả kịch nói Việt Nam đều sáng tác kịch bản theo cấu trúc dòng kịch Aristot. Học tập những nguyên mẫu kịch bản của chủ nghĩa Cổ điển Pháp thế kỷ XVII, các kịch tác giả Việt Nam tuân thủ khá tốt các nguyên tắc của kết cấu kịch theo kiểu này. Dù sau này, có biết thêm về dòng kịch tự sự biện chứng B. Brecht, nhưng những tác phẩm học theo dòng sân khấu của Brecht vẫn chưa có được vở diễn nổi trội, đặc biệt là về mặt kịch bản. Chính vì vậy, dạng kết cấu chủ yếu được các tác giả Việt Nam viết cho kịch nói là kết cấu hiện thực tả chân, cấu trúc 5 hồi, các hồi có quan hệ hữu cơ với nhau, không có tính độc lập tương đối… Kiểu kết cấu này hoàn toàn khác biệt, đối lập với kết cấu tự sự phương Ðông của Chèo. Những nét khoáng hoạt, tự do của lối kết cấu tự sự đã không thể tồn tại và có mặt trong các kịch bản kịch nói viết theo cấu trúc thường thấy của kịch nói Việt Nam. Vì vậy, kịch bản kịch nói không thể phù hợp với cấu trúc quen thuộc của Chèo. Kịch bản Chèo có cả một hệ thống những quy tắc sáng tác như tính tự sự, tính trữ tình, tính kịch, cấu trúc mở, kết thúc có hậu… Tích (cách gọi khác của kịch bản Chèo) có quá trình phát sinh, phát triển và kết thúc theo trình tự thời gian và không gian. Thời gian của sân khấu Chèo là thời gian một chiều, không gian tuần tự theo dòng phát triển của tích. Tích trong Chèo (đặc biệt là Chèo cổ) bao gồm cái có sẵn (tích) và cái ngẫu hứng trong quá trình biểu diễn khiến tích có khả năng sáng tạo tại chỗ, tức thời, khác với kịch nói, thường tuân thủ tuyệt đối theo kịch bản đã được tác giả và đạo diễn thống nhất. Theo phương thức sáng tạo tự sự, các màn lớp không ràng buộc vào mối xung đột đang phát triển từ thấp lên cao, mà từng sự biến của Chèo có thể tách ra biểu diễn độc lập và tùy giá trị nghệ thuật (nội dung, diễn xuất) mà nổi lên từng mảng, lớp (nay gọi là trích đoạn). Các mảng lớp này phải được se nối vào một tích trò có đầu đuôi, có kết hậu, làm cho ai xem cũng nhớ và kể lại được câu chuyện, khác với kịch bản kịch nói, do tính chặt chẽ của nguyên tắc diễn tả “như thật” đã trói buộc các màn lớp lệ thuộc vào nhau theo tính duy lý của phương pháp tả thực.

Các cảnh trong vở diễn

GS, NSND Trần Bảng trong cuốn Trần Bảng- đạo diễn Chèo khẳng định “Phải tôn trọng cấu trúc vì cấu trúc giữ cho sự vật được bảo tồn về chủng loại. Kịch Chèo không còn là Chèo vì chúng ta đã đem cấu trúc kịch thay thế cho cấu trúc tự sự, trữ tình của Chèo” (tr. 114). 

Vì vậy, khi xem vở diễn Người hát ả đào, cùng viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, nhưng người viết đã đi theo cách riêng để nêu bật được tính trữ tình, chất thơ trong câu chuyện. Không thiếu nét căng thẳng, kịch tính khi đấu trí, đấu dũng với kẻ thù, song qua lăng kính của nhà viết Chèo chuyên nghiệp, những nét đẹp của ca từ, của sự hòa hợp giữa lời thoại với lời ca, làn điệu… đã khiến chất Chèo thấm đẫm. Và lâu lắm rồi, người Hà Nội mới như hiểu hơn về Hà Nội với từng địa danh, từng con người qua sự nghiên cứu của nhà viết kịch.

Các cảnh trong vở diễn

NSND Hoài Thu cũng cảm nhận rất rõ không khí Hà Nội, chất riêng của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm trong kịch bản nên chị lựa chọn kỹ càng từng cảnh phông hậu (dù hiện nay rất dễ dàng thay đổi do áp dụng công nghệ màn hình LED để mô tả) cũng như xoay vần cảnh cứng để thay đổi bối cảnh từng phân đoạn. Nhẹ nhàng, thấm đượm chất thơ, cảm thấu từng lời ca từ… chị đã cùng dàn diễn viên luyện tập nhuần nhuyễn để đạt tới hiệu quả cao nhất. Sự đồng tâm hiệp lực của dàn diễn viên, của ê kip sáng tạo khiến đêm diễn về đề tài chiến tranh mà vẫn rất đẹp, rất thơ.

Kịch bản đậm chất Chèo, cách xử lý đúng như cảm nhận của người làng Chèo đã tạo được đất cho diễn viên trổ tài biểu lộ tâm trạng trữ tình… ăn nhập với cách nói lối chuyển ca của kịch hát. Vẻ đẹp của tự sự được phát huy mà không phá vỡ vẻ đẹp kịnh tính.

Lâu lắm rồi, các nhà hát của Hà Nội vẫn chờ đợi những tác phẩm về Hà Nội chất lượng, đúng với vẻ thanh lịch của mảnh đất ngàn năm văn hiến này thì nay Người hát ả đào với tiếng phách, nhịp đàn… mang đậm chất ả đào thanh tao đã đáp ứng tốt mong mỏi ấy.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

 

;