Những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa cộng đồng các tộc người Lào dọc biên giới Lào - Việt Nam

Văn hóa truyền thống được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử và trở thành di sản quý giá của mỗi tộc người, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của văn hóa Lào (1). Để phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Lào quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa phù hợp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Từ thực tiễn nhận thấy, xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển kinh tế, quá trình di dân, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa và công tác quản lý là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến văn hóa các tộc người khu vực biên giới Lào - Việt Nam.

 

Trong dòng chảy toàn cầu hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống các tộc người là việc làm cần thiết, nhằm lưu giữ tính đa dạng của văn hóa, tăng cường khai thác nguồn tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đảng và Chính phủ Lào đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả to lớn trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của các tộc người. Nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để triển khai các chương trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc; nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian; khuyến khích bảo tồn các bản (làng) cổ truyền, phát triển nghề thủ công và khôi phục các lễ hội văn hóa (2).

Luông Pha Bang, Uđômxay, Luông Nặm Thà ở Tây Bắc Lào là những tỉnh có biên giới tiếp giáp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An của Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, các cấp, ngành đã triển khai hoạt động bằng nhiều hình thức. Cụ thể, vào những dịp lễ hội quan trọng, hai bên đã mời nhau cùng tham dự. Ngoài ra, hai nước cũng giao lưu trao đổi hội diễn văn nghệ ở cấp bản, huyện, tỉnh, xây dựng thí điểm làng văn hóa các tộc người gắn với phát triển du lịch sinh thái như: Năm Cắt dọ lạ pa (Uđômxay), Nặm Hạ (Luông Nặm Thà) (3). Tại vùng Nam Lào, tỉnh Ắt Tô pư giáp ranh với vùng Tây Nguyên (Việt Nam) có các tộc người Brâu, Xơ Đăng, Ca Dong… có thành tựu trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống cồng chiêng đến tận ngày nay (4).

Các hoạt động hội diễn, hội thi ca múa nhạc dân gian, ngày hội văn hóa các tộc người, triển lãm trang phục, các công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học, văn hóa nghệ thuật truyền thống các tộc người được tổ chức ngày càng nhiều. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người gắn với nhiều hoạt động du lịch đã góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương, đem lại thu nhập cho các chủ thể văn hóa và góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa tộc người trong và ngoài nước (5).

1. Xu hướng tiếp biến văn hóa thông qua giao lưu trong nước và hội nhập quốc tế

Sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ, cùng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để văn hóa các tộc người tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển theo hướng tích cực, hiện đại và phù hợp với tâm lý, tập quán truyền thống. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tộc người được cải thiện và từng bước được nâng lên, đã góp phần tạo môi trường lành mạnh cho văn hóa phát triển. Nhiều bản (làng) đã xây dựng được quy ước, phục hồi nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhiều phong tục, luật tục được vận dụng vào việc điều hành, quản lý xã hội. Quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, đặc biệt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản (làng) văn hóa, đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, hình thành lối sống mới của đồng bào. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được chú trọng, từ trung tâm văn hóa cấp tỉnh, nhà văn hóa cấp huyện đến nhà văn hóa xã, nhà văn hóa cộng đồng hoặc cơ sở sinh hoạt cộng đồng ở bản (làng)... tạo môi trường thuận lợi cho văn hóa tộc người phát triển. Hơn nữa, trình độ dân trí được nâng cao; nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ được hình thành và phát triển... tạo điều kiện cho nhân dân, với tư cách là chủ thể của văn hóa, tiếp nhận, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Mặt khác, nhu cầu hưởng thụ các giá trị, thành quả văn hóa tinh thần của đồng bào các tộc người ngày càng được nâng lên đáng kể. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển mạnh, vì vậy, khả năng tiếp nhận thông tin, tiếp cận với diễn biến thời sự trong nước và nước ngoài được kịp thời và nhanh chóng. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương đã phát ổn định và dành thời lượng khá lớn cho tiếng dân tộc Mông, Kưm Mụ, Bru - Vân Kiều. Những kết quả trong phát triển văn hóa chứng tỏ khả năng vươn lên của các tộc người trong tiếp nhận những giá trị văn hóa của các dân tộc trong nước và văn hóa nhân loại (6).

Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, di cư tự do còn thấp. Sự chênh lệch mức sống, trình độ dân trí và điều kiện hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bào các dân tộc tại chỗ với các nhóm dân cư khác không những không thu hẹp mà ngày càng cách xa hơn.

Hơn nữa, sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo vùng các tộc người nhằm nâng cao dân trí gặp rất nhiều khó khăn. Việc huy động trẻ em đến lớp vẫn là vấn đề nan giải. Đời sống văn hóa thấp và nghèo nàn, chất lượng giáo dục và đào tạo chậm cải thiện, không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn cán bộ các tộc người, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, hưởng thụ và tiếp thu văn hóa (7).

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa các tộc người khu vực biên giới Lào - Việt Nam

Trong quá trình đổi mới, xuất hiện nguy cơ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người bị mai một, lãng quên. Trong số 50 tộc người, có những tộc người có số dân hơn chục người như: Malabrị (Xay nha bu li) và Ơ đu (Xiêng Khoảng)… Những tộc người này khó có khả năng và điều kiện tự bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của mình.

Thứ nhất, phải kể đến nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa, ngôn ngữ truyền thống, linh hồn của văn hóa tộc người, cũng là phương tiện để truyền tải, trao truyền các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các tộc người. Các lễ hội văn hóa dân gian được xem như là bản sắc độc đáo và vốn quý có nguy cơ ngày càng mai một. Một loạt tập tục, lễ hội bị phá bỏ; nhiều nhạc cụ tộc người bị thất thoát cùng với sinh hoạt văn hóa dân gian bị suy giảm. Bên cạnh đó, âm nhạc, vũ đạo, trang phục truyền thống cũng đứng trước nguy cơ thất truyền. Giống như đàn tơ rưng, cồng chiêng (của các tộc người Môn Khơme ở miền Trung, Nam Lào), khèn (của người Mông), những nhạc cụ điển hình của các dân tộc, hiện nay có ít người biết sử dụng. Mặt trái của quá trình giao lưu văn hóa là sự mờ nhạt của bản sắc dân tộc. Các hình thức nghệ thuật, điệu múa cổ truyền ngày càng vắng bóng. Những người lớn tuổi trong mỗi cộng đồng tộc người không còn điều kiện truyền lại các kỹ năng, hiểu biết của mình cho lớp trẻ. Trước sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghề thủ công cũng có nguy cơ tiêu vong. Các mặt hàng thủ công vừa thiếu đầu ra, vừa vấp phải sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp nên dần bị mai một, lãng quên. Đặc biệt, khi đạo Tin Lành xuất hiện, nhiều giá trị văn hóa tộc người bị chối bỏ, làm nảy sinh sự “xung đột” giữa văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai. Sự kiện này đã gây ảnh hưởng tới người Mông ở tỉnh Hủa Phăn vùng giáp ranh với Việt Nam (8). Sự biến đổi theo hướng mai một văn hóa truyền thống của các tộc người có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là quy luật phát triển của lịch sử, văn hóa. Khi quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ sẽ xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới nên giới trẻ không còn tha thiết với văn hóa dân tộc.

Thứ hai, sự biến đổi trong đời sống kinh tế của cộng đồng dẫn đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống không còn được duy trì. Đối với các tộc người vùng Tây Bắc, miền Trung, Nam Lào, rừng không chỉ là không gian kinh tế (sinh tồn), mà còn là không gian văn hóa. Văn hóa các tộc người gắn với rừng, là kết quả của quá trình ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Trong thời gian qua, không gian sinh tồn của các tộc người ngày càng bị thu hẹp nghiêm trọng, môi trường văn hóa suy giảm với tốc độ nhanh. Khi vốn rừng bị thu hẹp, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, con người mất nguồn sống, văn hóa truyền thống mất cơ sở tồn tại, các tộc người tự đánh mất chính mình (9).

Thứ ba, quá trình di dân khiến cho bản sắc văn hóa cũng bị pha loãng dần, sự biến đổi của đời sống xã hội khiến nhiều nét văn hóa biến đổi theo.

Thứ tư, mặc dù nhiều nơi đời sống kinh tế được cải thiện, nhưng sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn, trong đó vai trò của chủ thể, người dân, cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí. Hơn nữa, bản thân các tộc người mới ý thức, chứ chưa nhận thức sâu sắc về bản sắc văn hóa của dân tộc trước sự giao thoa văn hóa và dưới những tác động mạnh mẽ của đời sống xã hội, tôn giáo.

Thứ năm, công tác quản lý (từ nhận thức đến cách nghĩ, cách làm) còn yếu kém, phiến diện, áp đặt, nóng vội.

Sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung và vùng tộc người nói riêng trong những năm đổi mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần tộc người. Các xu hướng biến đổi văn hóa tộc người, một mặt, làm cho họ xích lại gần nhau, củng cố tính thống nhất trong quan hệ tộc người ở Lào, mặt khác, gây ra những biến đổi theo hướng tiêu cực, làm tăng thêm mâu thuẫn tộc người, tác động xấu đến quá trình phát triển bền vững kinh tế, xã hội đất nước, thậm chí dẫn đến xung đột dân tộc. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để xây dựng văn hóa và con người vùng tộc người và bảo đảm sự phát triển đất nước một cách bền vững (10).

______________

1. Cục Dân tộc, Mặt trận xây dựng đất nước Lào, Các dân tộc ở Lào, 2005.

2. S.Nọi Chăn Xúc Ma La Sẻng Nha Xít, Lịch sử và văn hóa của các dân tộc và tộc người, 2 tập, 2015-2017.

3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Luông Pha Bang lần thứ VII, ngày 4 đến 6-8-2015.

4. Ủy ban mặt trận xây dựng đất nước Lào tỉnh Luông Pha Bang, Báo cáo chính trị trước Đại hội lần thứ VI của đại biểu mặt trận xây dựng đất nước Lào tỉnh Luổng Pha Bang, số 663/MTXDĐNL TLPB, ngày 6-2-2016.

5. Báo cáo công tác thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, năm 2001-2005 và quy hoạch năm 2006-2010 tỉnh Át Ta Pư.

6. Phạm Đức Thanh, Vũ Công Ky, Những quan điểm về dân tộc - tôn giáo - văn hóa vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.

7. Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Khăm Muổn, Báo cáo thực hiện công tác giáo dục và thể thao năm 2018, ngày 28-12-2018.

8. Báo cáo tổng kết về biên giới 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia của Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2004.

9. S.Nọi Chăn Xúc Ma La Sẻng Nha Xít, Tình hình và một số vấn đề nổi bật trong các dân tộc dọc theo biên giới Lào-Việt Nam trong tình hình mới, Mặt trận xây dựng đất nước Lào, 2019.

10. Bài viết này là sản phẩm thuộc đề tài cấp quốc gia Một số vấn đề cơ bản trong cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt - Lào, mã số CTDT.16.17/16-20.

 

Tác giả: Đỗ Đình Trung - Khampheng Thípmuntaly

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;