Chuyển biến trong sáng tạo sản phẩm mây tre đan Hà Nội sau 1995

   Sau 1995, sự biến đổi về văn hóa, kinh tế xã hội ở Việt Nam đã tác động lên mọi mặt của cuộc sống, nhóm sản phẩm tiêu dùng, trong đó có mây tre đan. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, mẫu mã sản phẩm mây tre đan ngày càng được cải tiến dựa trên tinh thần của thiết kế hiện đại, trở thành dòng sản phẩm thủ công có giá trị bền vững, một nét đẹp của mỹ thuật dân gian.

 

   1. Sáng tạo sản phẩm mây tre đan Hà Nội giai đoạn trước năm 1995

   Giai đoạn 1995 trở về trước, sáng tạo sản phẩm mây tre đan của người Việt nói chung cũng như khu vực Hà Nội nói riêng chủ yếu là sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày, chủ nhân sáng tạo là người nông dân trong lúc nông nhàn, tự đan lát lấy những vật dụng sinh hoạt phục vụ cuộc sống như: thúng, mủng, dần, sàng. Qua kết quả nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà khảo cổ học, dấu tích nghề đan lát còn lại sớm nhất ở nước ta là qua các dấu vân đan trên đồ gốm tại các di chỉ khảo cổ có niên đại từ thời kỳ đồ đá, cách ngày nay khoảng 2000-3000 năm ở Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc. Tại di chỉ Bãi Phôi Phối, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, người ta tìm thấy có 320 mảnh gốm có hình hoa văn nan dập cả mặt trong và mặt ngoài, chiếm gần 26,4% số di vật khảo cổ khai quật được ở đây.

   Trong các làng nghề ở Hà Nội, khu vực Thường Tín là địa phương có nhiều làng nghề nhất, ngoài nghề thêu thì nghề mây tre đan cũng nổi tiếng, tiêu biểu là làng Bằng Sở, xã Ninh Sở với nghề đan tre có lịch sử 300 năm, nhiều người khéo tay, giỏi trong sáng tác mẫu mã, đến mức nhìn cảnh nghĩ ra cách đan. Nghề mây tre, giang đan ở Hà Nội phát triển nhất ở huyện Chương Mỹ, với lịch sử gần 400 năm tập trung ở các xã: Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Sơn, Đông Phương Yên, Trung Hòa... Trong các làng nghề mây tre đan của huyện Chương Mỹ, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa được coi là “xứ mây” với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Có những sản phẩm mây đan được làm từ làng nghề Phú Vinh, nay vẫn được người đời lưu giữ như một tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm. Hiện tại, Bảo tàng cung đình Huế đang lưu giữ một tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây của các cố tác giả thôn Phú Vinh vào năm 1712. TK XVII-XVIII, khi nói về chiếc nón, một trong những sản phẩm của nghề đan lát, tác giả Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút đã ghi lại 10 loại nón khác nhau và tập quán đội nón.

   Cuối TK XIX đến đầu TK XX, Việt Nam chịu sự đô hộ thực dân Pháp, mặc dù được tiếp xúc với nền kinh tế và văn hóa Phương Tây, nhưng đời sống nhân dân Việt Nam vẫn gắn bó với nông nghiệp là chính, đồ mây tre đan giai đoạn này cũng không vượt ra ngoài phạm vi công cụ và phương tiện sản xuất như thúng, mủng, dần, sàng. Nếu có là hàng hóa thì cũng chỉ dùng để trao đổi giữa các làng với nhau, số lượng đơn lẻ, giá trị kinh tế chưa cao… Đến cuối TK XX bước sang TK XXI, các mặt hàng mây tre đan thủ công mỹ nghệ phát triển hơn và cạnh tranh với một số mặt hàng thủ công khác.

   Giai đoạn 1986-1990, những năm đầu sau đổi mới, sản phẩm mây tre đan bắt đầu tham gia vào giao thương, nghệ nhân thế hệ sau kế thừa và phát triển trên những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sản xuất, sử dụng của thời đại mới. Họa tiết trang trí trên sản phẩm mây tre đan Hà Nội giai đoạn này chủ yếu là những họa tiết của những loài hoa cỏ gần gũi với cuộc sống của người Việt với những cái tên dân gian như: hoa tết tóc, hoa bùa, hoa chanh, họa tiết rồng, phượng, chim hạc… Các sản phẩm có hình khối cơ bản vuông, tròn gắn liền với hệ tư tưởng triết học phương Đông trời tròn, đất vuông. Về màu sắc sản phẩm mây tre đan chủ yếu là màu tự nhiên, màu tự thân của vật liệu. Nếu như các họa sĩ vẽ tranh được dùng tới 7 màu cơ bản để thể hiện tác phẩm, thì với nghề đan mây chỉ có thể dùng 2 màu đen và trắng. Màu đen là màu của sợi mây được nhuộm từ nước quả bàng, còn màu trắng là màu trắng ngà tự nhiên của dây mây.

   Sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ Hà Nội những năm đầu sau đổi mới được mở rộng hơn về mặt chủng loại so với thời kỳ trước, tuy nhiên chưa có nhiều. Nếu như thời kỳ chiến tranh, sản phẩm mây tre đan chỉ phục vụ đời sống sản xuất thì thời kỳ này mẫu mã được phát triển đa dạng hơn, tính thẩm mỹ của sản phẩm cũng được chú trọng hơn, trở thành một sản phẩm hàng hóa để trao đổi, buôn bán và có tính cạnh tranh. Đường nét trang trí trên sản phẩm mây tre đan giai đoạn này chủ yếu được tạo nên bởi những kiểu đan truyền thống với gam màu đen trắng hoặc các gam màu tự thân của vật liệu. Đường nét được tạo nên bởi độ dày mỏng và hình thái các nan đan, có nan dày nan mỏng, nan tròn nan dẹt, với các cách đan cài mau, thưa tạo thành những mảng họa tiết vô cùng phong phú. Các kiểu đan được ứng biến, phát triển thành những hoa văn họa tiết trang trí cho sản phẩm, hoa văn thiên về chủ đề truyền thống, những hoa văn cây cỏ tự nhiên gần gũi với tinh thần người Việt Nam như hoa dế, hoa răng cưa, hoa bùa. Các sản phẩm mây tre đan phổ biến ở Hà Nội những năm 86-87 có thêm các loại đĩa mây, lẵng mây, làn mây, bát mây... Bên cạnh đó, giai đoạn này có sự manh nha xuất hiện của một số cuộc thi tay nghề thủ công mỹ nghệ, với mục đích phát triển các nghề thủ công truyền thống, tăng giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, cạnh tranh với thị trường nước ngoài, một số sản phẩm như: Cặp sách tròn đan mây, Lồng bàn cổ đan mây, Hộp trang sức đan mây của tác giả Nguyễn Văn Tĩnh làng mây tre đan Phú Vinh được giải thưởng Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 1987.

 

Tác phẩm Cặp sách tròn đan mây 
của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh -  Ảnh: NN cung cấp

 

   2. Sáng tạo sản phẩm mây tre đan giai đoạn sau năm 1995

   Sau năm 1995, đất nước ta có những bước chuyển mình về kinh tế, xã hội, sản phẩm mây tre đan Hà Nội lúc này không chỉ giới hạn ở phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn trở thành hàng hóa trao đổi giữa các khu vực, mẫu mã phong phú và đa dạng hơn giai đoạn trước. Với chất liệu là thực vật miền nhiệt đới mang nét đặc trưng vùng miền, sản phẩm mây tre đan không những được ưa chuộng trong nước mà bước đầu đã được chú ý ở thị trường nước ngoài. Sau khi Mỹ bỏ cấm vận, nền kinh tế Việt Nam chuyển hướng sang mô hình kinh tế thị trường, sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong đó có mây tre đan là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, yếu tố thiết kế là cần thiết để nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm. Làng nghề thủ công từng bước tiếp cận với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, có sự giao lưu văn hóa cũng như trao đổi thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm. Lúc này, để tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm, nghệ nhân làng nghề kết hợp với các chuyên gia thủ công mỹ nghệ, các họa sĩ để tạo ra những sản phẩm được nâng cao chất lượng mẫu mã, với các kiểu dáng đa dạng hơn, cập nhật xu thế đương đại. Các nghệ nhân làng nghề Hà Nội thay vì sáng tạo mẫu theo lối cha truyền con nối như trước đây, đã tự học mỹ thuật để nâng cao trình độ thẩm mỹ, nhờ đó cải thiện mẫu mã sản phẩm của mình để đáp ứng thị trường. Giai đoạn này, ngoài họa tiết hoa văn truyền thống, họa tiết trang trí được bổ sung các kiểu tự do, họa tiết hình học, sản phẩm mây tre đan được chú trọng phát triển hơn về yếu tố thiết kế, đó là sự hài hòa giữa công năng và thẩm mỹ, nâng cao giá trị sử dụng sản phẩm, đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng có gu thẩm mỹ, thích những sản phẩm đậm đà bản sắc nhưng cũng phải hữu dụng. Trên tiêu chí ấy, ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nhóm sản phẩm chao đèn được phát triển mạnh về mẫu mã hơn so với những sản phẩm chân dung tranh ảnh hay những loại sản phẩm truyền thống khác. Chao đèn là sản phẩm dễ tạo hình bởi kích thước vừa phải, hình khối có thể đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào không gian trưng bày. Nổi bật với nhóm sản phẩm chao đèn là nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh của làng nghề Phú Vinh với rất nhiều giải thưởng uy tín.

   Giai đoạn này nổi bật có một số sản phẩm mây tre đan nghệ thuật tiêu biểu như tác phẩm CocaCola đội nón bài thơ ý tưởng thiết kế của họa sĩ Lê Huy Văn. Tác phẩm gây tiếng vang trong nước và quốc tế bởi sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Ông tham gia cuộc triển lãm CocaCola và nghệ thuật dân tộc nhân dịp chào mừng kỷ niệm 100 năm tổ chức thế vận hội Olimpic tại Atlanta (Mỹ) năm 1996. Hình tượng chai CocaCola đội nón bài thơ của họa sĩ Lê Huy Văn được thiết kế kết hợp với vật liệu mây tre đan được nghệ nhân Nguyễn Thị Thu làng mây tre đan Ninh Sở thực hiện, sản phẩm được đem dự triển lãm ở nhiều nước, được giải nhất khu vực châu Á, rồi được chuyển về dự hội chợ Mác-xây (Pháp) và được đưa vào bộ sưu tập của hãng CocaCola tại Mỹ. Sản phẩm này của ông gợi mở một hình thức kết hợp vật liệu mới trong thiết kế sản phẩm mây tre đó là mây tre và thủy tinh, sau này các nghệ nhân cũng kết hợp vật liệu mây tre với vật liệu mới để tạo hiệu quả thẩm mỹ mới mẻ cho sản phẩm. Năm 2011, trong triển lãm thiết kế sản phẩm mây tre do Bộ VHTTDL tổ chức, một số sản phẩm mây tre đan được thực hiện bởi họa sỹ thiết kế trẻ với những ý tưởng mới. Sản phẩm đèn treo của tác giả Khuất Văn Ban ở Hà Nội lấy ý tưởng từ hình ảnh con ốc với những đường cong uốn lượn, xoáy tròn từ tâm ra, nhịp điệu uyển chuyển của đường nét tạo nên vẻ đẹp của sản phẩm. Tác giả Hoàng Thị Thúy Oanh khai thác hình ảnh những đường kinh tuyến vĩ tuyến, những đường xác định ranh giới, tọa độ làm nguồn cảm hứng cho sản phẩm đèn để bàn của mình, kỹ thuật mây tre đan được biến hóa linh hoạt thể hiện ý tưởng của tác giả. Đây là những sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, cho thấy sự quan tâm của những nhà thiết kế trẻ trong việc khai thác những nét đẹp truyền thống vào sản phẩm thiết kế đương đại.

   Đường nét trang trí sản phẩm phát triển đa dạng

   Đường nét trang trí sản phẩm mây tre đan giai đoạn sau 1995 được phát triển mạnh, ngoài trang trí bề mặt, những đường nét tạo dáng của sản phẩm cũng được đầu tư phát triển ý tưởng, tạo nên những hình khối biến đổi phong phú. Đường nét tạo dáng sản phẩm mây tre đan được sáng tạo dựa trên sự biến đổi hình nan cũng như độ dày, cách sắp xếp, đan cài nan, chủ yếu được tạo nên bởi quá trình tìm tòi, thể nghiệm không ngừng của các nghệ nhân. Thời kỳ sau đổi mới, mẫu mã sản phẩm mây tre đan phát triển đa dạng, đặc biệt là phát triển đường nét trang trí trên sản phẩm. Một số sản phẩm tạo được dấu ấn như sản phẩm Đèn treo mây của tác giả Nguyễn Văn Tĩnh đạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm Golden V năm 2006, với hiệu ứng mắt sầu riêng được đánh giá cao bởi đường nét trang trí và hiệu ứng bề mặt độc đáo. Các sản phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Nguyễn Thị Thu giai đoạn này như Lọ hoa gài xiên, đạt giải Sáng tạo kiểu dáng mới Golden V năm 2005, Bộ hộp nữ trang đạt giải Sáng tạo kiểu dáng mới Golden V năm 2006 với sự kết hợp vật liệu phong phú cũng như sự biến hóa đa dạng các kiểu đan thành các họa tiết trang trí, làm tăng giá trị thẩm mỹ cũng như công năng của sản phẩm. Tiêu biểu như Bộ Đèn Hoa Sen, nghệ nhân thiết kế lắp ghép các phần với nhau, thuận tiện cho người sử dụng và vận chuyển dễ dàng. Để đạt được hiệu quả cho phần tạo dáng cũng như màu sắc tự nhiên của chất liệu, nghệ nhân Thu phải lựa chọn nguyên liệu vừa độ, không được non quá và cũng không già quá, bề mặt cật không có vết. Chất liệu chính của tác phẩm là cật nứa, nan to bản, khỏe mạnh cho phần cánh sen, kết hợp với chất liệu guột mềm mại màu sắc hài hòa tết ở các đầu cánh sen là điểm nhấn sắc độ cho phần cánh hoa. Phần bên trong, nghệ nhân dùng nan cật mỏng, nhá đan chuyển từ lối đan hoa sáu cánh mau sang lối đan nong đôi thưa kết hợp kỹ thuật gài trang trí bằng nan cật dày hơn, to bản hơn để tạo được hiệu quả thẩm mỹ và ánh sáng thay đổi lung linh cho tác phẩm. Phần đế đèn thiết kế đơn giản chắc khỏe, tạo cho tác phẩm dễ trang đụi trong không gian nội thất hiện đại. Tác phẩm này đã đoạt giải Cúp Thăng Long 1000 năm năm 2010 và được chọn trưng bày triển lãm tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

   Sáng tạo trong cách phối kết hợp vật liệu nâng cao giá trị sử dụng

   Một trong những nét nổi bật của mây tre đan Hà Nội phải kể đến sự sáng tạo trong kết hợp vật liệu. Vật liệu mây tre có những đặc tính cơ lý riêng nên việc kết hợp vật liệu mây tre và vật liệu khác đòi hỏi người tác giả phải tìm tòi thể nghiệm rất nhiều. Với làng nghề Phú Vinh, không thể không nhắc đến sản phẩm gốm sứ quấn mây của tác giả Hoàng Văn Hạnh và Nguyễn Thị Hân, sản phẩm gốm sứ quấn mây là sự kết hợp nét đặc sắc của làng nghề mây tre đan Phú Vinh và làng gốm Bát Tràng. Những sản phẩm gốm sứ kết hợp mây tre đan làm tăng tính công năng của sản phẩm, nếu như sản phẩm mây tre đan để sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm dễ bị mốc thì khi kết hợp với vật liệu gốm sứ, các chi tiết tiếp xúc nhiều với nước có thể có độ bền lâu hơn, mà không ảnh hưởng đến công năng sử dụng của sản phẩm. Tại hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ tổ chức năm 2005, sản phẩm gốm quấn mây của tác giả Nguyễn Thị Hân đã đạt giải Nhất, được các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đánh giá cao về ý tưởng cũng như tính nghệ thuật.

   Nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường, doanh nghiệp hay cá nhân làm nghề mây tre đan Hà Nội phải tìm tòi, thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm mới, một trong những nhóm sản phẩm có giá trị thương mại cao là các nhóm sản phẩm thời trang, đặc biệt là túi xách mây tre đan. Bên cạnh da, vải thổ cẩm cũng là một chất liệu được các tác giả khai thác sử dụng cho các sản phẩm túi xách. Nhóm sản phẩm thời trang với chất liệu mây tre đan, ngoài túi xách còn có phụ kiện như hoa tai, vòng đeo tay… với họa tiết trang trí đa dạng, bắt mắt, mang đến phong cách tự nhiên cho người sử dụng khi kết hợp với trang phục bằng các chất liệu vải tự nhiên như thô, đũi…

   Trên thế giới, xu hướng phát triển bền vững, sử dụng vật liệu tự nhiên đang lên ngôi những năm gần đây để hạn chế chất thải công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đe dọa sức khỏe con người, vật liệu mây tre trong thiết kế sản phẩm ngày càng được ưa chuộng. Chủng loại sản phẩm từ vật liệu mây tre được mở rộng đa dạng hơn rất nhiều những năm trước và dần đi vào các thiết kế không gian kiến trúc, nội ngoại thất đến các sản phẩm trang trí ứng dụng, sản phẩm thời trang cho phái đẹp.

 

Tác giả: Lê Khánh Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;