Kinh nghiệm lãnh đạo giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với lợi thế về cảng biển nước sâu, về phát triển công nghiệp, du lịch, có hạ tầng giao thông thuận lợi… đây là những điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra chủ trương giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với các hộ nghèo, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một góc thành phố Vũng Tàu - Ảnh: Tư liệu

     Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là địa phương làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, bằng những chủ trương và giải pháp thiết thực, trong những năm 2006 - 2015, thực hiện chủ trương chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung lãnh đạo, triển khai sâu rộng, toàn diện công tác giảm nghèo với hình thức và bước đi thích hợp, đã đạt được kết quả có ý có nghĩa to lớn trên nhiều mặt, trở thành điểm sáng của cả nước về giảm nghèo.

     Đặc biệt, trong thời gian 2006 - 2015, công tác giảm nghèo của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV (2005) và V (2010) đề ra. Trong giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia toàn tỉnh đã giảm từ 9,92% (đầu năm 2006) xuống còn 0,40% (2010), cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra. Theo chuẩn nghèo của tỉnh, đầu năm 2006 toàn tỉnh có 46.837 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 25,65% so với tổng số hộ dân), thì đến cuối năm 2010 giảm xuống còn 2.793 hộ (chiếm tỉ lệ 1,09% so với tổng số hộ dân), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IV đề ra (2%), giảm 24,56%, tốc độ giảm nghèo trung bình đạt gần 5%/năm. Giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,15% (đầu năm 2011) xuống 1,04% (năm 2015) giảm 11,11%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V đề ra (2,35%), cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, phần lớn các hộ thoát nghèo có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên mức sống trung bình và khá, hạn chế đến mức thấp nhất các hộ tái nghèo (cả giai đoạn có 42 hộ tái nghèo). Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được trong công tác giảm nghèo là rất to lớn, là điểm sáng của cả nước, góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiêu biểu là kết quả về: chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo; chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở; chính sách hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo; dự án khuyến nông - lâm - ngư hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề.

     Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn những hạn chế do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác dạy nghề cho người nghèo hiệu quả chưa cao, số lượng người nghèo tham gia học nghề thấp; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, bất cập; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Từ kết quả lãnh đạo giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2006 - 2015), có thể rút ra một số kinh nghiệm để vận dụng trong lãnh đạo giảm nghèo thời gian tới.

     Tạo sự chuyển biến trong nhận thức đối với cán bộ và nhân dân, nhất là đối với người nghèo về xóa đói, giảm nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo

     Một trong những nguyên nhân quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được những thành quả lớn trong công tác giảm nghèo là Đảng bộ đã chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, nhất là người nghèo đối với hoạt động này. Thực tiễn lãnh đạo công tác giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giảm nghèo chỉ đạt hiệu quả bền vững khi người dân, nhất là người nghèo ý thức đầy đủ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này. Từ nhận thức đó mới phát huy được tính năng động, sáng tạo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhờ đó chuyển hóa được nguồn lực ưu tiên của Nhà nước thành động lực phát triển. Thực tế chứng minh rằng, nếu không tạo được sự chuyển biến đó, đến khi kết thúc chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước thì người dân lại quay về điểm xuất phát ban đầu, vì thế mục tiêu giảm nghèo bền vững không thực hiện được.

     Với cách tiếp cận mới về giảm nghèo, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức về giảm nghèo của cán bộ, chính quyền các cấp và người dân, nhất là người nghèo - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Để góp phần thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững trong thời gian tới, cần có sự đổi mới về công tác tuyên truyền một cách đồng bộ và hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức về mô hình, cơ chế và các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, cần tạo sự đồng tâm và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần có sơ kết, tổng kết chương trình giảm nghèo 3 năm, 5 năm, 10 năm nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được; chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại cần khắc phục trong công tác tuyên truyền. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan báo chí có kết quả tốt trong hoạt động tuyên truyền về giảm nghèo. Cần nhân rộng hơn nữa các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

     Đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và khó khăn, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo phù hợp, khả thi

     Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có kinh tế công nghiệp, dịch vụ, du lịch, cảng biển phát triển nhanh, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương rất phong phú tiềm năng và điều kiện để phát triển kinh tế toàn diện, bền vững. Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là tỉnh có số dân nhập cư hằng năm nhiều, sinh sống chủ yếu ở hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc - là các huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, số hộ nghèo tập trung lớn nhất trong toàn tỉnh, gây nhiều khó khăn trong giảm nghèo bền vững.

     Trong những năm 2006 - 2015, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thường xuyên coi trọng đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn của địa phương; quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo sát đúng, phù hợp, phát huy được hiệu lực, hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với các hộ nghèo, để từng bước vươn lên thoát nghèo. Chính việc đánh giá đầy đủ, chính xác đặc điểm riêng biệt, lợi thế so sánh của địa phương mà giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đề ra chuẩn nghèo cao hơn các địa phương khác và chuẩn nghèo chung của cả nước. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình giảm nghèo.

     Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

     Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Cán bộ không chỉ là người tham gia hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, mà còn là người trực tiếp tổ chức cho quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, để đường lối thành hiện thực. Vì vậy, cốt lõi cho mọi kế hoạch giảm nghèo là ở đội ngũ cán bộ trực tiếp tổ chức thực hiện.

     Giai đoạn 2006 - 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quan tâm đầu tư đúng mức cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo, từ đó năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu của công tác giảm nghèo. Điều đó được thể hiện trong Đề án giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh đã đầu tư kinh phí cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ mỗi giai đoạn là 1 tỷ và 1,5 tỷ đồng. Qua khảo sát ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy cán bộ làm công tác giảm nghèo là những người có tâm huyết, đạo đức tốt, được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo, được quan tâm hưởng chế độ lương, phụ cấp phù hợp như công chức nhà nước để họ ổn định cuộc sống và an tâm công tác lâu dài. Tỉnh ủy rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Từ năm 2006 đến năm 2015, tổ chức tập huấn cho 8.835 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã, thôn, ấp, khu phố. Tổ chức đi học tập kinh nghiệm cho cán bộ các sở, ngành có liên quan, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã giúp đội ngũ này biết cách triển khai thực hiện các chính sách, dự án của chương trình, đặc biệt là cán bộ cơ sở biết cách thực hiện tổ chức khảo sát, rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách, dự án của Chương trình giảm nghèo. Trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ các cấp, bên cạnh đó phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng về tiền lương, tiền phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ bám cơ sở làm công tác giảm nghèo.

     Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên cơ sở phát huy nội lực của các hộ nghèo thực hiện giảm nghèo bền vững

     Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, là nhiệm vụ chung, khó khăn, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nên không thể diễn ra một sớm một chiều. Để giảm nghèo đạt được hiệu quả cao phải huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tạo nên nguồn lực to lớn cho công tác giảm nghèo, đồng thời cần phát huy nội lực của người nghèo, hộ nghèo. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để thực hiện giảm nghèo bền vững.

     Thành công của công tác giảm nghèo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm qua là đã có sự vào cuộc, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các thành phần kinh tế, đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước nên đã huy động được nguồn lực to lớn tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

     Xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ to lớn của toàn Đảng, toàn dân của cả hệ thống chính trị, nhưng để thoát nghèo lại phải bằng sự nỗ lực vươn lên vượt qua đói nghèo của chính người nghèo. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy nội lực của người nghèo vươn lên thoát nghèo, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cho nhân dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo thấy rõ tác dụng, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo và nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Bên cạnh đó, với phương châm giúp người nghèo có cái “cần câu” còn hơn là cho “xâu cá”, ngoài các chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch… tỉnh còn làm tốt việc tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... Qua đó, người nghèo đã phát huy tính chủ động và tự chủ, tự lực vươn lên bằng lao động của chính mình để thoát nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự cứu trợ, bao cấp của Nhà nước và xã hội.

     Những kết quả và kinh nghiệm trong quá trình Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo giảm nghèo (2006 - 2015) là sự cụ thể hóa và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có phương hướng, giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững hiệu quả hơn nữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với đó là việc đổi mới tư duy về thực hiện giảm nghèo cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, khu vực và thế giới.

 

Tác giả: Ngô Sĩ Thiện

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

 

;