Những vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 diễn ra ngày 25-12-2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: văn hóa không chỉ là nền tảng của xã hội, mà trong thời kỳ mới, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển con người. Chúng ta cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao nhận thức về văn hóa, trước hết là trong hệ thống chính quyền các cấp, sau là mọi ngõ ngách của đời sống, từ văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình, cộng đồng, làng xã...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Tuấn Minh

Cùng chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành T.Ư; đại diện lãnh đạo các: Cục, Vụ và đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành.

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả tích cực, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

 Đồng thời, hội nghị cũng phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học tốt, phân tích thời cơ, thách thức và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng Chiến lược văn hóa mới, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, văn hóa và con người là hai mặt biện chứng của nhau, xây dựng văn hóa để phát triển con người và xây dựng con người vì mục tiêu phát triển văn hóa. Ông đã xác định những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng con người trong thời kỳ mới; trong đó, có 4 vấn đề liên quan đến sự phát triển của con người hiện nay: sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới và sự thay đổi trong gia đình, các tổ chức đoàn thể. Có thể nói, việc xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để thì mới đạt được kết quả tốt.

Hội nghị cũng nhận được nhiều chia sẻ của lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng, Sở VHTTDL về các lĩnh vực: văn hóa cơ sở, di sản văn hóa, thư viện, điện ảnh, văn hóa dân tộc, gia đình, bản quyền tác giả... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc nhìn nhận lại những kết quả, chặng đường đã qua là điều rất cần thiết, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung cho Chiến lược mới. So với 10 năm trước, đời sống kinh tế, xã hội của đất nước đã thay đổi rất nhiều, khi ấy thị trường văn hóa mới manh nha hình thành, môi trường văn hóa trên không gian mạng cũng chưa phát triển. Dựa trên những số liệu cụ thể, sẽ thấy rất rõ những bước phát triển của văn hóa. Điển hình đối với lĩnh vực điện ảnh, so với năm 2009, một năm chỉ có 8 phim truyện, cả nước có 63 rạp, đến nay, có tới 44 phim truyện với 544 rạp.

Theo Cục Điện ảnh, tính đến tháng 6-2019, số đội chiếu phim lưu động là 264 đội của các Trung tâm (Công ty) Phát hành và Chiếu bóng, hằng năm phục vụ trên 9 triệu lượt người xem, góp phần giáo dục, nâng cao thẩm mỹ, hưởng thụ văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đối với thị trường phim chiếu rạp, số lượng phim Việt chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp (2018), mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp, đạt 750 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Vụ Thư viện, văn hóa đọc cũng có những bước chuyển mình đáng kể. Năm 2019, có tới 47 triệu lượt người đến các thư viện công cộng, gấp hơn hai lần so với 2009 (19 triệu lượt). Ngành xuất bản cũng có bước tiến mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân hằng năm từ 15-20% số bản sách, 8-10% số đầu sách, 10-15% về trang in. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện, phòng đọc tư nhân… có sự phát triển phong phú, đa dạng.

Về lĩnh vực di sản văn hóa, hiện nay nước ta có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.498 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, nước ta cũng có tới 62.355 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 301 di sản đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 13 di sản được     UNESCO ghi danh. Có thể nói, ngành VHTTDL đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nói về những thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản, nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản sẽ có lỗi rất lớn.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt trái còn tồn tại trong những năm qua. Nhận thức về văn hóa đã có bước chuyển lớn nhưng vẫn chưa đủ. Chỉ khi nhận thức đúng về văn hóa thì sự đầu tư về con người, thời gian, nguồn lực... mới được chú trọng và hiệu quả. Hơn nữa, cần lượng hóa, chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá cụ thể về văn hóa. Hiện nay, có nhiều vấn đề văn hóa được xã hội nhìn nhận, quan tâm nhưng nếu chưa có đánh giá cụ thể bằng các tiêu chí thì sẽ rất khó định hướng được xã hội.

Trải qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Bộ VHTTDL đã có những kiến nghị, đề xuất đối với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về việc phát triển văn hóa trong thời gian tới. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về văn hóa, cần phải đưa nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành một trong những nhiệm vụ đột phá của phát triển kinh tế, xã hội. Đối với từng lĩnh vực, Bộ VHTTDL cũng đã có những kiến nghị cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ những khúc mắc, khó khăn trong thời gian qua, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Tác giả: Vân Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

 

;