Khai thác giá trị tư tưởng Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại

Nho giáo là một tư tưởng, triết nhân sinh có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, ảnh hưởng lớn đến nhiều nước trong khu vực. Đối với Hàn Quốc, giá trị tư tưởng Trung - Hiếu - Nhân - Nghĩa được xác định là giá trị xuyên suốt các quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, tạo nên giá trị đạo đức bền vững trong xã hội hiện đại. Một trong những động lực quyết định, bí quyết thành công của “con rồng châu Á” chính là nhờ vào việc vận dụng và khai thác những yếu tố tích cực của tư tưởng Nho giáo trong quản lý đất nước.

Lễ Sebae, con cháu sẽ bái lạy ông bà, cha mẹ với sự thành kính nhất để chúc mừng năm mới - Ảnh: korea.net

1. Ảnh hưởng Nho giáo trong quan hệ gia đình

Nho giáo xuất hiện ở Hàn Quốc khá sớm, khoảng năm 392. Đặc biệt, vào TK XV dưới triều Vua Sejong trị vì, Nho giáo được độc tôn và vượt lên trên cả Phật giáo. Sau khi Nhật chiếm đóng Triều Tiên (1910), Nho giáo không còn là tư tưởng chính thống cai trị xã hội, tuy nhiên các giá trị của nó vốn ăn sâu trong tiềm thức của xã hội Hàn Quốc vẫn được bảo lưu và khai thác một cách phổ biến. Thậm chí vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong giai đoạn Tổng thống Park Chung Hee, ông đã muốn dẹp bỏ tất cả những gì là truyền thống để nhanh chóng xây dựng một xã hội Hàn Quốc hiện đại, nhưng về mặt tư tưởng ông không tìm được học thuyết chính trị nào phù hợp hơn tư tưởng Nho giáo, trong đó có giá trị tư tưởng Trung - Hiếu - Nhân - Nghĩa. Giá trị này được xác định là giá trị xuyên suốt các quan hệ xã hội, quan hệ gia đình trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Giá trị này được coi là chuẩn mực đạo đức và ứng xử văn hóa trong quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Tuy nhiên, chữ Trung, Hiếu trong xã hội hiện đại được mở rộng hơn. Nếu thời kỳ phong kiến, Trung với vua thì trong xã hội hiện đại là Trung với nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Hiếu không chỉ với bố mẹ mà Hiếu nghĩa đối với đồng bào. Chính từ việc xây dựng và khai thác giá trị tư tưởng Trung - Hiếu của Nho giáo đã tạo nên giá trị đạo đức bền vững trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong quan hệ gia đình ở Hàn Quốc hiện nay được thể hiện đậm nét trong một số quan hệ và cách ứng xử nổi bật sau:

Trước hết, các nghi thức cúng lễ theo hình thức Nho giáo được chú trọng, dẫu xã hội Hàn Quốc hiện nay đang có nhiều biến đổi, nhưng việc thờ cúng tổ tiên tại nhà và chăm sóc mồ mả vẫn được duy trì, thậm chí còn chu đáo, thịnh soạn hơn thời kỳ phong kiến vì điều kiện sống được cải thiện. Thông qua các nghi thức cúng giỗ, không chỉ bày tỏ lòng hiếu nghĩa đối với tổ tiên, cầu mong tiên tổ phù hộ độ trì cho con cháu bình yên, làm ăn phát đạt mà còn nhân rộng ra là sự hiếu nghĩa, tình yêu đối với đất nước, đồng loại. Trong những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, có rất nhiều bộ phim đã dàn dựng cảnh quay công phu chỉ một chi tiết nhân vật trong phim đến viếng mộ cùng với những nghi lễ trang trọng, nói chuyện và tâm sự với người đã mất giống như họ đang còn sống. Chi tiết đó cho thấy, suy nghĩ “chết chưa phải là hết” cũng tồn tại trong cuộc sống tinh thần của người Hàn Quốc. Họ thể hiện thông qua những nghi lễ tưởng nhớ người mới mất và viếng mộ tổ tiên ông bà.

Trong các ngày lễ Tết ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán thực chất là lễ lớn nhất trong năm, không khí trang nghiêm bao trùm khắp các gia đình, họ chuẩn bị các đồ lễ với bánh truyền thống, hoa quả… Đúng sáng ngày mồng Một, ông bà, cha mẹ chúc mừng con cháu và trao tiền mừng tuổi. Bên cạnh hai Tết lớn nhất trong năm (Tết Nguyên đán, Tết Trung thu), để tỏ lòng hiếu nghĩa, người Hàn Quốc còn tổ chức các ngày lễ như: Thất tuần (mừng thọ 70 tuổi), Bát tuần (mừng thọ 80 tuổi). Nếu thời phong kiến, lễ chúc thọ này được tổ chức vào dịp ông bà, cha mẹ 60 tuổi, thì trong xã hội hiện đại, tuổi thọ của người dân Hàn Quốc được nâng lên, nên lễ mừng thọ 60 tuổi (lễ Hoa giáp) ít được tổ chức mà thay vào đó là lễ Thất tuần, lễ Bát tuần.

Mối quan hệ anh em trong gia đình ở Hàn Quốc được đề cao bởi gia đình là một nhân tố của xã hội, gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt. Nêu cao và nuôi dưỡng ý thức dân tộc, quốc gia, giáo dục con người bắt đầu từ đạo hiếu, coi trọng gia đình và chống lại những cái xấu, bất nhân bất nghĩa và luôn có tinh thần tự chủ. Trong gia đình, đề cao sự hòa thuận, kính trên nhường dưới, con cái phải có hiếu với cha mẹ. Hiếu phải được xuất phát từ tâm của mỗi con người chứ không phải là những hành vi mà con người thể hiện. Nho giáo đã rất nhấn mạnh chữ Hiếu, hay nói một cách khác, hiếu chính là cái gốc của Nho giáo. Con người sống đều có nguồn gốc, mà nguồn gốc của con người chính là cha mẹ. Do đó, đã là con người cần luôn có thái độ kính trọng, biết ơn với người sinh ra mình. Đó là những lễ nghĩa trong gia đình Hàn Quốc.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, quan hệ gia đình trong xã hội Hàn Quốc hiện đại cũng tồn tại một số ảnh hưởng tiêu cực. Đó là: tính gia trưởng và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Gia đình Hàn Quốc đã và đang có những thay đổi mô hình gia đình truyền thống (gia đình lớn) gồm nhiều thế hệ chung sống, chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân (gia đình nhỏ, gồm bố mẹ và con cái). Đó là xu thế của những gia đình trẻ tuổi, bởi họ muốn có được sự tự lập, tự do riêng và cách nhìn nhận của người trẻ đã có sự thay đổi, điều này đã hạn chế được rất nhiều “quyền uy gia trưởng” của những người lớn tuổi. Tuy nhiên, đặc tính gia trưởng của Nho giáo đã khắc đậm trong suy nghĩ, tâm thức của người Hàn Quốc hàng nghìn năm, không dễ gì xóa bỏ ngay được, dẫn đến sự xung đột mâu thuẫn với những giá trị mới của văn hóa gia đình hiện đại, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và những hệ lụy liên quan đến quan hệ xã hội. Ngoài tính gia trưởng, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, dẫn đến việc mất cân bằng giới tính, hạn chế đến năng lực và cống hiến của người phụ nữ, tạo điều kiện cho người đàn ông càng tăng tính độc quyền, gia trưởng, ảnh hưởng đến bình đẳng giới và cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập của người phụ nữ.

2. Ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa giáo dục

Cũng giống như xu thế phát triển của các quốc gia khác trong khu vực, giáo dục Hàn Quốc cũng đã áp dụng mô hình giáo dục theo hướng hiện đại. Sự ảnh hưởng tích cực này được thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Một là, tinh thần tôn sư trọng đạo. Về phía Nhà nước, chế độ ưu đãi đối với giáo viên, đặc biệt là Giáo sư giảng dạy ở các trường đại học rất tốt, thông qua chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt ngang bằng các nước phát triển.

Tầng lớp trí thức Hàn Quốc được xếp vào hạng trung lưu, đời sống kinh tế khá giả, đặc biệt, họ được tôn trọng về tri thức, tài năng. Các nhà chính trị, lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và xin ý kiến tư vấn từ tầng lớp tri thức về kế hoạch phát triển đất nước nói chung và kế hoạch phát triển của các tập đoàn kinh tế nói riêng. Trong xã hội, người dân luôn kính trọng những người “học rộng tài cao”, thể hiện qua ngôn ngữ, hành vi ứng xử.

Hai là, giá trị của tinh thần hiếu học. Hiếu học là điểm đặc biệt của Nho giáo nói chung. Học để làm người chân chính, học để có nghề nghiệp thanh cao, thay đổi cuộc sống và có cuộc sống an nhàn. Trong xã hội hiện đại, Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng học tập với phương châm “Mọi người phải học, học tập suốt đời”. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách xã hội hóa giáo dục, tất cả công dân đều được học tập, trẻ em đều được tới trường, phổ cập giáo dục đã tới cấp trung học cơ sở. Học sinh học hết phổ thông trung học đều có nguyện vọng thi vào đại học, nhất là các trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc như Đại học Seoul, Đại học Koryeo, Đại học Yonsei…

3. Ảnh hưởng của Nho giáo trong quan hệ cộng đồng và doanh nghiệp

Trong quan hệ cộng đồng: xã hội, đất nước

Trong xã hội hiện đại của Hàn Quốc, chữ Trung, Nghĩa được mở rộng phạm vi thể hiện ở lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước; chữ Hiếu, Nghĩa không chỉ trong phạm vi với gia đình mà còn mở rộng phạm vi với sự thông cảm, chia sẻ với cộng đồng, xã hội, với doanh nghiệp. Chính việc giáo dục tư tưởng Nho giáo đã thấm sâu vào tâm thức của người dân, ảnh hưởng tích cực của tư tưởng này thể hiện rõ nét trong việc hy sinh, cống hiến hết mình của người dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong giai đoạn tái thiết lại đất nước (1950-1961), khi đó Hàn Quốc rất nghèo, tài nguyên không có, không có điện thắp sáng, điều kiện tự nhiên 3/4 là đồi núi với hình ảnh của đất nước “Chiếc cày gỗ và ngọn đèn dầu lạc”. Theo tiếng gọi của đất nước, người dân Hàn Quốc làm việc từ 12-14 tiếng/ ngày, không đòi hỏi thù lao, đãi ngộ của Chính phủ để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh và tái thiết đất nước. Hay như trong thời kỳ Tổng thống Park Chung Hee cầm quyền, để mở rộng con đường cao tốc nối thủ đô Seoul với cảng Busan để phát triển giao thông dài 500km, từ Tổng thống đến công nhân liên tục bám đường để hoàn thành với thời gian rút ngắn hơn một nửa so với kế hoạch. Đặc biệt, những năm 1995-1996, Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính khu vực, hàng loạt các Chaebol sụp đổ, ngân sách dự trữ quốc gia cạn kiệt, người dân Hàn Quốc không chỉ không nhận lương mà còn tự giác quyên góp tiền, vàng để khắc phục khủng hoảng.

Tình yêu với đất nước có được bắt nguồn từ triết lý Nho giáo đã khắc sâu hàng ngàn năm của người Hàn Quốc, được khơi dậy vào những lúc đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách nghiệt ngã.

Trong quan hệ tại doanh nghiệp

Mặc dù trong xã hội hiện đại, Hàn Quốc chịu sự tác động và chi phối bởi phong cách quản lý và văn hóa doanh nghiệp phương Tây, nhưng các giá trị tư tưởng Nho giáo vẫn có vị trí và tầm ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách điều hành văn hóa doanh nghiệp của Hàn Quốc. Một trong những nhân tố thành công hết sức quan trọng của các doanh nghiệp Hàn Quốc (đặc biệt là các tập đoàn gia đình lớn - Chaebol) chính là do họ đã khai thác được các giá trị tích cực của Nho giáo trong quản trị công ty. Ảnh hưởng của Nho giáo trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc tựu trung lại ở 5 điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, lãnh đạo tập trung mang tính gia trưởng. Đây là đặc điểm nổi bật của tư tưởng Nho giáo được thể hiện thông qua 5 mối quan hệ chính là: vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè. Vì thế, trong doanh nghiệp, mỗi cá nhân phải xem tập thể như là những người thân trong cùng một gia đình và đối xử như trong cùng một nhà. Cấp trên là cha mẹ, cấp dưới là con và đồng nghiệp là anh em. Trong các mối quan hệ này, trung thành và hiếu thảo là nhân tố quan trọng nhất. Với cách lãnh đạo vừa tập trung, vừa gia trưởng như vậy, nhân viên được bảo vệ bởi cấp trên và được chu cấp những gì họ cần, nhưng cũng bộc lộ hạn chế, họ không có quyền tự quyết đến công việc, nhất nhất phục tùng các quyết định của lãnh đạo công ty. Để tạo môi trường làm việc như trong gia đình, các doanh nghiệp đã thực hiện các chính sách “ba cùng” tức là chủ - thợ cùng ăn chung mâm, cấp trên - cấp dưới cùng sinh hoạt trong một phòng, cùng chia sẻ tiền thưởng, chia sẻ vui, buồn với nhau.

Hai là, cấu trúc thứ bậc trong văn hóa doanh nghiệp. Hiện nay, cấu trúc thứ bậc trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc còn tồn tại khá phổ biến như: trước hết là địa vị, tuổi tác, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc và môi trường xuất thân của gia đình, đôi lúc thứ bậc còn liên quan đến giới tính (coi trọng địa vị nam giới). Cấu trúc thứ bậc thể hiện nổi bật và rõ nét ở các Chaebol vì quy mô hoạt động rộng, kinh doanh các dự án lớn. Nếu không sử dụng cấu trúc thứ bậc, việc quản lý công ty sẽ gặp khó khăn và kém hiệu quả. Cách quản lý theo cấu trúc thứ bậc, cấp trên ra lệnh cho cấp dưới, cấp dưới phải phục tùng, làm cho thời gian đưa ra quyết định được rút ngắn, thời gian tiết kiệm được dành đầu tư vào hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp và mở rộng thị trường. Vì sự to lớn của công ty mà công tác quản lý trở nên phức tạp và kém hiệu quả, bởi thế nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã áp dụng cấu trúc thứ bậc này một cách chặt chẽ, cấp trên ra lệnh cho cấp dưới buộc phải phục tùng, điều này rút ngắn thời gian đáng kể để đưa ra quyết định cuối cùng. Cho đến nay, nhiều công ty thậm chí phải mất đến ¾ thời gian cho việc điều hành và tổ chức, trong khi đó những tập đoàn lớn với cách quản lý nhanh gọn như vậy sẽ có thể tập trung vào việc thực thi những hoạch định mang tính chiến lược… Tuy nhiên, cấu trúc thứ bậc cũng có hạn chế đến tính chủ động, sáng tạo của nhân viên, từ đó dẫn đến tâm lý cấp dưới hoàn toàn phụ thuộc vào cấp trên, làm tăng thêm tính độc đoán, gia trưởng của cấp trên.         

Ba là, cấu trúc gia đình trong văn hóa doanh nghiệp. Phần lớn các Chaebol Hàn Quốc theo cấu trúc gia đình, sở hữu tư nhân hoặc sở hữu gia đình kết hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ. Trong các Chaebol, người đứng đầu, cũng là người sáng lập và quản lý các vị trí trọng yếu trong công ty đều là các cá nhân trong gia đình, họ sẽ đứng ra nắm quyền, vì thế các Chaebol thường mang tính “đại gia đình”. Đặc biệt, người đứng đầu công ty là bố, sau đó chuyển giao cho con trai cả. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng từ Nho giáo “cha truyền con nối”.

Bốn là, mối hệ đồng môn trong văn hóa doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ cốt yếu trong xã hội Hàn Quốc, ở đây mối quan hệ đàn anh học khóa trên (Seonbe) và đàn em học khóa dưới (Itube) được coi trọng không khác gì mối quan hệ anh em ruột thịt. Ở Hàn Quốc, một sinh viên ra trường, khi xin việc ở một công ty nào đó, câu hỏi phỏng vấn không thể thiếu được là: “Tốt nghiệp trường nào?”, nếu tốt nghiệp cùng trường với người tuyển dụng, thì người đó nhanh chóng tạo được thiện cảm, đây là một lợi thế may mắn cho người đi xin việc.

Năm là, sử dụng yếu tố nhân hòa trong văn hóa doanh nghiệp. Một trong những đặc điểm của Nho giáo là tính “dĩ hòa vi quý”, việc khai thác yếu tố này trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc rất được coi trọng, nhằm tạo ra sự gắn bó giữa các thành viên trong doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc luôn luôn ôn hòa, giảm thiểu sự ghen ghét, đố kỵ, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường làm việc của công ty.          

4. Kết luận

Những giá trị tích cực của Nho giáo đã được kiểm chứng qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và vận dụng các giá trị tích cực của tư tưởng Nho giáo trong xã hội hiện đại ở mỗi nước cũng khác nhau. Đối với xã hội Hàn Quốc hiện đại, những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội và trở thành một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu của thế giới có sự đóng góp rất quan trọng từ việc quốc gia này đã biết khai thác, vận dụng các giá trị tích cực của Nho giáo trong quản lý đất nước. Tuy nhiên, Nho giáo cũng có những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực, không phù hợp với môi trường sống tự do, bình đẳng và năng động của xã hội hiện đại. Việc khai thác các giá trị tích cực và loại bỏ các giá trị tiêu cực của Nho giáo là một tất yếu, phù hợp với hoàn cảnh và tiến trình phát triển của lịch sử đương đại. Dù cho có những thay đổi thời cuộc như thế nào, tư tưởng Nho giáo vẫn có những giá trị quý báu đối với nhân loại, cần được bảo tồn, khai thác và vận dụng phù hợp với từng hoàn cảnh xã hội.

Bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ xã hội, việc vận dụng những giá trị tích cực của Nho giáo và kinh nghiệm vận dụng thành công của Hàn Quốc là những bài học quý báu cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Lý Xuân Chung, Tìm hiểu về Nho giáo du nhập vào Hàn Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Đông Á, số 3-2001.

2. Hoa Hữu Lân, Hàn Quốc - câu chuyện kinh tế về một con rồng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002.

3. Jeong Nam Song, A History of Religions in Korea (Lịch sử các tôn giáo ở Hàn Quốc), Daji Monswas, Seoul, Korea, 1998.

4. Lê Quang Thêm, Văn hóa, văn minh và các yếu tố văn hóa truyền thống, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997.

5. Kiến Văn, Nguyễn Anh Dũng, Hàn Quốc đất nước và con người, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2011.

6. Hway Gwi Yeon, Trịnh Cẩm Lan, Tra cứu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

NGUYỄN BÍCH HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;