Đi tìm Tiên khách thời Lý - Đồ án Tiên nữ vũ công thiên đình

Bản phục dựng Tiên nữ chùa Phật Tích - Nguồn: T.H.Y.T

Tiên nữ vũ công thiên đình (Apsara) vốn là các thị nữ của thần Indra. Khi Phật giáo hưng thịnh ở Ấn Độ, rất nhiều thần linh, con vật linh trong Hindu giáo đã gia nhập thần điện Phật giáo. Các Tiên nữ thiên đình thời Lý, Trần xuất hiện ở vị trí khiêm tốn, đúng với thân phận của mình, đang thực hiện nghi lễ dâng hoa cúng dường chư Phật. Xét về dạng thức và nguồn ảnh hưởng thì Tiên nữ trong các ngôi chùa người Việt thời Lý, Trần chủ yếu là dạng Tiên nữ Apsara. Trong bài viết này, chúng tôi xin đặt lại vấn đề về cách giải thích chữ tiên khách lâu nay, từng được nhắc đến trên tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi.

Tiên khách là tiên nào

Bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, gọi tắt là bia Sùng Thiện Diên Linh là tấm bia hết sức quan trọng với lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Bia được dựng bia ngày 6 tháng 7 năm Tần Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121). Trên bia có đoạn: Thượng tầng giam xá lị lang hàm, trữ phóng tường quang ư thịnh thế; tuyệt đính trí bổng bàn tiên khách, trường thừa ngọc lộ ư tình thiên. Theo bản dịch của Đỗ Văn Hỷ: Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, tỏa tường quang cho đời thịnh sau này; đinh nóc xây tiên khách bưng mâm, hứng móc ngọc dưới bầu trời tạnh ráo.

Căn cứ vào văn bia Sùng Thiện Diên linh, ta biết thời Lý có kiểu thức điêu khắc trang trí kiến trúc “ tiên khách bưng mâm hứng móc ngọc”. Về chữ Tiên khách này, lâu nay giới Hán Nôm vẫn cho là chim hạc. Phạm Văn Thắm trong bài viết Khảo cứu đoạn văn ghi về BẢO THÁP SÙNG THIỆN DIÊN LINH trên Thông báo Hán Nôm năm 2003 đã xác định tiên khách là loài chim hạc. Cách đọc văn bản này chịu ảnh hưởng từ Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập (mà thực chất là xuất phát từ điển cố văn học Trung Hoa. Chẳng hạn Tiên khách, Tiên gác phượng, Tiên nhân mà Nguyễn Trãi nhắc đến đều liên quan tới thi ca thời Đường, Tống)1

Qua khảo sát, đối chiếu các tư liệu khảo cổ, chúng tôi cho rằng chữ tiên khách mà bia Sùng Thiện Diên linh nhắc đến là các Apsara. Hình ảnh Tiên nữ Apsara trong nghệ thuật Hindu giáo được thể hiện với hình thể phô diễn những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể. Bản thân mục đích sự xuất hiện của các tiên nữ Apsara là để quyến rũ bằng tình dục nhà hiền triết Viswamitra. Khi cô đến gần Viswamitra, thần gió Vayu đã xé quần áo của cô. Cho nên, đặc điểm chung của tất cả các tiên nữ Apsara mà ta thấy ở Ấn Độ, ở Indonesia, ở Campuchia, ở Trung Hoa hay ở Champa là đầy chất nhục cảm. Tiên nữ Apsara về sau được thâu nạp vào nghệ thuật Phật giáo, nhưng đã tiết chế nhiều tính chất gơi dục. 

Tiên khách chùa tháp Phật Tích

Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trưng bày một pho tượng nhỏ, không còn nguyên vẹn. Pho tượng này lâu nay vẫn chú thích là Hộ pháp. Cách định danh này kế thừa từ Louis Bezacier, người đã có công khai quật di tích Phật Tích trước năm 1945. Gần đây, Nguyễn Hoài Nam (hội viên Hội Di sản Việt Nam) có đưa ra giả thuyết đó là tượng tiên nữ Apsara. Đây là một giả thuyết khá táo bạo. Người viết cũng có cùng quan điểm với Nguyễn Hoài Nam, khẳng định pho tượng này là tiên nữ Apsara. 

Nghệ thuật Phật giáo thời Lý ảnh hưởng nhiều Phật giáo Trung Á, Ấn Độ. Trong dòng chảy nghệ thuật đó, loại hình Apsara kế thừa và biến đổi từ nghệ thuật Hidu giáo. Đây là nền tảng văn hóa quan trọng. Chúng tôi đưa ra phương án phục dựng lại pho tượng này qua bản vẽ dưới đây.

Tiên khách chùa tháp Chương Sơn

Bảo tháp Chương Sơn còn có tên Vạn Phong Thành Thiện nằm ở đỉnh núi Chương Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên, Nam Định). Đây là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, nổi tiếng được nhắc đến trong các bộ sử quan trọng. Sách Việt sử lược chép: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù Nguyên Hoà năm thứ 8 (1108), mùa xuân, tháng giêng, xây tháp Chương Sơn”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ở phần Nhân Tông Hoàng đế, Đinh Dậu, năm thứ 8 (1117) có đoạn chép: “Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện.”

Hiện nay, trên đỉnh núi Ngô Xá còn bốn bức tường ghép bằng những tảng đá lớn, quây thành nền hình vuông, hai cửa có bậc lên xuống ở phía đông và phía tây, phía dưới là sân lát gạch. Những viên gạch lớn ghi thông tin được chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyện hóa năm thứ năm” (1105). 

Kiến trúc chùa núi đặc trưng còn lại tấm đá thành bậc thêm lên xuống. Phiến đá lớn, chạm hai mặt, mỗi mặt có 7 hình người, trong điệu múa dâng hoa. Khuôn mặt trái xoan, tóc vấn cài hoa, tay đeo vòng, cầm hoa sen, cổ đeo chuỗi hạt, quần túm ống, chân đi hài mũi cong.

Xét về tư thế, hình thể, động tác, trang phục, kiểu vấn tóc của các tiên nữ ở lan can thành bậc chùa tháp Chương Sơn (thời Lý) và tượng mất đầu (mà chúng tôi xác định là Apsara) có nhiều điểm tương đồng về trang phục. Ở di tích chùa tháp Chương Sơn còn tìm thấy một số đầu tiên nữ, hoàn toàn tương đồng về dung nhan và cách phục sức vấn tóc của các tiên nữ trên thành bậc. Từ dữ liệu khảo cổ ở chùa tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích, chúng tôi có bản phục dựng lại dung mạo tiên khách thời Lý.

Theo quan niệm Ấn Độ, các Apsara là các vũ nữ chỉ múa hát chứ không đánh đàn thổi sáo - nhiệm vụ của các nam nhạc công thiên thần. Trong hầu hết các nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam, có sự đồng nhất giữa vũ nữ thiên đình (Apsara) và nhạc công thiên đình (Gandharva). Truyền thống phân tách giới tính giữa ca múa và đàn phách trong nghệ thuật biểu diễn rất rõ trong văn hóa Ấn Độ. Chính vì đồng nhất vũ công và nhạc công, nữ thành nam nên khi miêu tả bức chạm chân tảng chùa Phật Tích (thời Lý) hay bức chạm trên cốn ở chùa Thái Lạc (thời Trần) đều cho đó là các Tiên nữ. 

Sự trung hòa, nhòa mờ giới tính trong nghệ thuật Phật giáo thời Lý Trần là một đặc điểm cần lưu ý. Chẳng hạn tượng đá chùa Phật Tích cũng bị cho là tượng nữ (Chu Quang Trứ). 

Về sự phân công đàn ca, hát múa theo giới tính trong nghệ thuật biểu diễn cổ truyền, tuy không có văn bản nào quy định, nhưng thông thường ca hát (đào) là nữ, đàn phách (kép) là nam. Nhìn xuống phía Nam, trong nghệ thuật diễn xướng và nghệ thuật tạo hình Champa, Chân Lạp, Xiêm La, cũng chỉ thấy nữ múa hát, nam đánh đàn, thổi sáo. Có thể đây là truyền thống cổ xưa chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Trong lối hát cửa đình, các đào nương (nữ) hát múa còn các kép (nam) đánh đàn, kéo nhị, gõ trống.

Phật giáo từ thời Lê về sau có chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Hoa Nam, không còn tiếp nối đường lối Phật giáo thời Lý Trần. Đó cũng là nguyên nhân đồ án tiên nữ vũ công thiên đình không còn xuất hiện. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những phát hiện khảo cổ để làm rõ hơn hình tượng tiên nữ thiên đình trong mỹ thuật Việt. 

TRẦN HẬU YÊN THẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;