Những đề xuất về phát triển điện ảnh

Về cơ bản và tổng thể, Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định và vạch ra những kế hoạch hành động không chỉ trong một thập kỷ mà còn là tiền đề cho những năm sau này.

Về cơ bản và tổng thể, Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định và vạch ra những kế hoạch hành động không chỉ trong một thập kỷ mà còn là tiền đề cho những năm sau này.

Phần phát triển điện ảnh trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có sự gắn bó chặt chẽ, không tách rời với Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 2156/QĐ-TTg, ngày 11-11-2013) - gọi tắt là Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016), gọi tắt là Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (2016). Vì vậy, nếu Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xây dựng chỉ số bền vững văn hóa Việt Nam thì sự phát triển điện ảnh nằm trong Chiến lược này cũng cần xây dựng chỉ số bền vững điện ảnh Việt Nam.

Là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật, điện ảnh Việt Nam cũng được nêu những nội dung phát triển cơ bản trong Dự thảo Chiến lược trên. Vấn đề là cần cụ thể hóa bằng hành động, trong đó cần tập trung hoàn thiện một số vấn đề như tương thích và phù hợp với pháp luật về điện ảnh, nhất là Luật Điện ảnh (sửa đổi, 2022) dự kiến được ban hành bởi Quốc hội khóa XV - năm 2022, rà soát lại các chỉ tiêu phát triển điện ảnh để phù hợp hơn với thực tiễn, hay vấn đề phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet.

Sự tương thích và phù hợp với pháp luật về điện ảnh

Nếu đề cập tới đặc điểm pháp luật về điện ảnh thì điện ảnh - “nghệ thuật thứ 7” là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất tại Việt Nam có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật của Quốc hội và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự hoạt động và phát triển.

Trước hết, đó là Luật Điện ảnh 62/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2007 (gọi tắt là Luật Điện ảnh) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18-6-2009 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2009. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; tác động tích cực trong đời sống điện ảnh nước nhà, huy động được nhiều nguồn lực tham gia hoạt động điện ảnh. Số lượng phim sản xuất trong nước và số lượng phòng chiếu cũng như thị trường điện ảnh và doanh thu hằng năm đều tăng. Bên cạnh những công ty, tổ chức phát hành và phổ biến phim trong nước có thêm nhiều công ty, tổ chức có vốn nước ngoài tham gia hoạt động...

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về điện ảnh đã được ban hành kịp thời và góp phần quan trọng đưa Luật Điện ảnh vào thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình thi hành luật, một số nội dung hướng dẫn thi hành tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời, góp phần giúp Luật Điện ảnh được thực thi một cách hiệu quả và đầy đủ hơn, phần nào đã phù hợp với các cam kết quốc tế và những văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động của điện ảnh; đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển sự nghiệp điện ảnh dân tộc.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh đã bước đầu cụ thể hóa được chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh trong đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hướng đến xã hội hóa, hiện đại hóa nền công nghiệp điện ảnh; tạo tiền đề cho việc ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh (2013). Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về điện ảnh đang từng bước hoàn thiện, điều chỉnh khá toàn diện tổ chức và hoạt động điện ảnh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh... Các quy định về điện ảnh đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, khuyến khích những tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào điện ảnh tại Việt Nam; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung, phù hợp. Với cơ chế pháp luật rõ ràng, mang tính quốc tế, đảm bảo cho hoạt động điện ảnh hòa nhập với xu hướng phát triển chung của quốc tế nhưng vẫn giữ chủ quyền quốc gia, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nếu đề cập tới vai trò của pháp luật về điện ảnh thì vai trò cơ bản của pháp luật về điện ảnh thể hiện ở chỗ là công cụ hữu hiệu chủ yếu để nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì sự tồn tại và phát triển của điện ảnh, phát triển công nghiệp điện ảnh và phục vụ người dân. Dưới góc độ quản lý, quản trị quốc gia, nhà nước sử dụng pháp luật về điện ảnh như một công cụ quan trọng tác động vào các hoạt động của lĩnh vực điện ảnh để đạt được mục tiêu định hướng của nhà nước.

Ngoài vai trò cơ bản nói trên, pháp luật về điện ảnh còn có vai trò cụ thể sau: Định hướng mục tiêu cho các chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh; tạo động lực cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh theo mục tiêu chung; phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường đối với hoạt động điện ảnh; tạo lập sự cân đối, hài hòa, lành mạnh trong phát triển điện ảnh; kiểm soát và phân bổ các nguồn lực điện ảnh trong xã hội; tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động điện ảnh; thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cấp quản lý điện ảnh… Như vậy, ngoài việc thể hiện các đặc điểm pháp luật về điện ảnh và vai trò của pháp luật về điện ảnh, việc phát triển điện ảnh trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng cần bám sát những mục đích và nội dung hướng tới của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó, trong những mục đích và nội dung hướng tới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã xác định rõ mục đích tổng quát là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch và có tính khả thi cao, đồng bộ với các bộ luật, luật có liên quan đang có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Hơn nữa, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã xác định rõ các mục đích cụ thể, như hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực thi Hiến pháp và đồng bộ với những luật mới ban hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thiết lập cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, cũng như xác lập nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh dân tộc, vừa phát huy được tính chủ động của các thành phần tham gia hoạt động điện ảnh, vừa đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh điện ảnh; phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới thông qua điện ảnh và góp phần quảng bá điểm đến du lịch.

Những nội dung trên cũng tương thích và phù hợp với sự “hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý” của Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các luật: Điện ảnh, Di sản Văn hóa, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mới các luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Triển lãm… và hệ thống các văn bản dưới luật.

Rà soát lại các chỉ tiêu

Trước hết, để rà soát các chỉ tiêu phát triển điện ảnh trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, nếu có thể, cần có sự tổng kết bước đầu, bằng những số liệu thống kê cụ thể, chính xác về các chỉ tiêu điện ảnh trong Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (2016).

Chẳng hạn, về chất lượng phim, Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) xác định: “Phấn đấu đến năm 2030: Chất lượng: 20%-25% phim xếp loại xuất sắc (bậc III), 75%-80% phim xếp loại khá (bậc II), 0%-5% phim xếp loại trung bình (bậc I); có ít nhất 5 phim đạt giải cao tại các liên hoan phim quốc tế, trong đó có các liên hoan phim hàng đầu”. Hay về tỷ lệ phim Việt Nam, Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp; 40% phim truyện Vỉệt Nam trên tổng số phim phát hành; Số người xem phim đạt 210 triệu lượt người xem phim/năm; Số phòng chiếu phim đạt 1.050 phòng chiếu (trong đó 80% tổng số phòng chiếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân)”. Từ sự tổng kết, có thể thấy những chỉ tiêu trên có được hoàn thành, hoặc hoàn thành với mức độ, số lượng, chất lượng... như đã được xác định hay không. Đó là chưa kể, sau khi đã thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) được 8 năm và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (2016) được 5 năm, cần có những tổng kết cụ thể, với những con số thống kê chính xác đối với các nội dung như tỷ lệ phim Việt Nam, chất lượng phim, sản xuất phim, phát hành phim, mục tiêu doanh thu đóng góp vào GDP… trong từng giai đoạn cụ thể như “đến năm 2015”, “đến năm 2020” và “phấn đấu đến năm 2030”. Như vậy, sẽ có căn cứ thực tiễn đầy đủ hơn cho việc xác định, vạch ra các chỉ tiêu cho từng nội dung và từng giai đoạn cụ thể đối với sự phát triển của ngành Điện ảnh trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (mục 6.2) đã xác định nội dung quan trọng là: “Quản lý đồng bộ các hoạt động điện ảnh trên cả 3 khâu: sản xuất, phát hành và phổ biến phim”. Trong đó, về sản xuất phim, văn bản trên đã xác định rõ các nội dung như: nâng cao chất lượng và số lượng phim Việt Nam sản xuất; tiếp tục đầu tư đặt hàng sáng tác các tác phẩm chất lượng cao, ưu tiên sản xuất và phổ biến phim có mô hình xã hội hóa, kết hợp nguồn vốn nhà nước với tư nhân; mở rộng đề tài đầu tư sáng tác đặt hàng sản xuất phim cho phù hợp mục tiêu phát triển xã hội của từng thời kỳ. Tuy vậy, nếu Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) xác định: “Phấn đấu đến năm 2030, sản xuất: 55-60 phim truyện/năm (trong đó 20% số phim đặt hàng hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước); 48-72 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình (trong đó 70% số phim đặt hàng sản xuất từ ngân sách nhà nước)”, thì Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định: “đến năm 2030, sản xuất 55-60 phim truyện/năm; 35-40 phim hoạt hình/năm; 45-50 phim tài liệu, phim khoa học/năm”. Như vậy, số lượng phim truyện/năm được sản xuất là chưa có sự thay đổi. Trên thực tế, phát hành phim là việc trao đổi, mua, bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu phim. Trong các khâu của hoạt động điện ảnh, phát hành phim thường được xem là trung tâm của quyền lực, nhất là đối với công nghiệp điện ảnh. Đối với công nghiệp điện ảnh và thị trường điện ảnh, việc phổ biến phim thông qua mua bán phim nhiều khi giữ vai trò điều tiết, cân đối của cả 3 khâu sản xuất, phát hành và chiếu bóng. Về việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong phát hành phim, hiện nay bản phim được chiếu tại các rạp của Việt Nam là bản phim số thay thế 100% bản phim nhựa trước đây (được gọi là DCP). Bản phim số được mã hóa và giải mã bằng KDM để đảm bảo về mặt bản quyền phim cũng như giảm thiểu tối đa rủi ro, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức. Bên cạnh đó, bản phim số cũng tạo sự linh hoạt và thuận tiện hơn rất nhiều trong việc phát hành phim trong trường hợp khắc phục sự cố phát sinh. Hình ảnh, âm thanh của bộ phim cũng được áp dụng công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất như Dolby 5.1 hay Dolby 7.1, 3D… để mang đến cho khán giả những trải nghiệm thị giác và âm thanh sống động nhất. Về phát hành phim - phổ biến phim, cũng cho thấy sự không thay đổi tương tự như sản xuất phim trong chỉ tiêu, bởi nếu Chiến lược phát triển điện ảnh (2013) xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp; 40% phim truyện Việt Nam trên tổng số phim phát hành”, thì Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định: “Phấn đấu xuất khẩu đạt 30% số lượng phim sản xuất hằng năm chiếu rạp và trên mạng internet; phát hành - phổ biến phim đạt ít nhất 45% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp, 40% phim truyện Việt Nam trên tổng số phim phát hành”.

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016) xác định: “Mục tiêu doanh thu đóng góp vào GDP: Đến năm 2020, ngành Điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD). Mục tiêu đến năm 2030, ngành Điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD)”. Còn trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định: “Phấn đấu doanh thu lĩnh vực điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD)”. Như vậy, mục tiêu doanh thu đóng góp vào GDP của Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 so với Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (2016) cũng chưa có sự thay đổi đáng kể.

Tựu trung, khi xác định các mục tiêu như sản xuất phim, phát hành phim, doanh thu đóng góp vào GDP… năm 2013 hay 2016 là trong bối cảnh chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Đến năm 2021, trong diễn biến phức tạp, kéo dài, khó lường của đại dịch COVID-19, các mục tiêu nói trên và nhiều mục tiêu khác tính đến năm 2030 như trên của ngành Điện ảnh được xác định trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, nếu không rà soát thì có thể khó khả thi.

Vấn đề phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định nội dung: “Tăng cường quản lý phim trên truyền hình, xây dựng hệ thống quy định và chế tài quản lý hoạt động phát hành phim qua mạng internet”. Trước hết, thực trạng phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet (hay thị trường chiếu phim trên nền tảng internet - OTT) cho thấy nhiều vấn đề. Hiện nay, thị trường điện ảnh phát triển mạnh mẽ và làm xuất hiện những phân khúc mới, trong đó có việc phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet. OTT (từ viết tắt của Over The Top) là giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng internet. Lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là cung cấp các nội dung về truyền hình qua các giao thức internet và nhiều video theo yêu cầu (VOD) tới người dùng cuối cùng. Thực tế cho thấy, hiện nay ứng dụng OTT đã hình thành và phát triển tại Việt Nam chủ yếu là truyền hình trực tuyến có trả tiền.

Thị trường truyền hình OTT tại Việt Nam đang có sự góp mặt chính của ba nhóm doanh nghiệp: doanh nghiệp trong nước kinh doanh OTT, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh OTT đến từ Âu - Mỹ (điển hình là Netflix) và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh OTT đến từ Trung Quốc (điển hình là WeTV và iQIYI). Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nhiều loại dịch vụ truyền hình trực tuyến, bao gồm chiếu phim, các chương trình truyền hình và nhiều tiện ích khác.

Nhóm doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ OTT có thể kể đến như: FPT có FPT Play, Viettel có ONME, K+ có MyK+NOW, SCTV với SCTV VOD, Galaxy với Galaxy Play… Sự tham gia của các nhóm doanh nghiệp này đã làm cho thị trường OTT hình thành và đang phát triển tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và triệt để tuân theo quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về kiểm duyệt nội dung và quy định về thuế. Riêng phần kiểm duyệt, các doanh nghiệp Việt Nam kiểm duyệt thông qua các đài truyền hình. Theo các số liệu thống kê, tổng cộng hiện nay, “Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng/năm. Còn tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng” (1).

Mặt khác, liên quan đến thị trường phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet, vấn đề đặt ra hiện nay là về thuế, khi các doanh nghiệp nước ngoài chưa nộp bất kỳ khoản thuế nào dù là đối tượng chịu thuế theo pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài như: Netflix, WeTV và iQIYI hiện đã cung cấp dịch vụ OTT phiên bản tiếng Việt và có thu phí người dùng dưới nhiều hình thức, như: Netflix thu phí qua thẻ thanh toán quốc tế; WeTV và iQIYI thu phí thông qua các ví điện tử như: Apple Store, Google Play và MoMo. Có thể các nhà cung cấp dịch vụ OTT này còn thu phí thông qua các hình thức khác chưa kiểm soát được. Trên thực tế, “nền tảng xem phim trực tuyến Netflix hiện đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia. Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam và hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000-260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm tại thị trường Việt Nam có 100 triệu dân. Tuy nhiên, hầu hết các khách hàng của Netflix tại Việt Nam đều trả qua thẻ tín dụng trực tiếp cho Netflix, chính vì thế, Việt Nam cũng thất thu thuế từ nguồn này” (2). Theo quy định của pháp luật thuế, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT là đối tượng chịu thuế, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng hoặc thuế nhà thầu theo pháp luật hiện hành. Vấn đề lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam (đã được nhiều phương tiện truyền thông đề cập) dẫn đến sự thất thu khoản thuế lớn cho nhà nước. Đơn cử, chỉ tính một doanh nghiệp là Netflix, khoản thuế bị thất thoát sẽ là: Netflix cung cấp dịch vụ vào Việt Nam từ 2016, hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao ở Việt Nam. Với việc thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, doanh thu của Netflix ở Việt Nam mỗi năm lên đến 30 triệu USD. Tuy nhiên, Netflix lại chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định. Trong khi đó, khoản doanh thu từ dịch vụ OTT và các dịch vụ kèm theo không hề nhỏ. Con số thất thu tính từ năm 2017-2019 của Netflix là 21 tỷ 499 triệu đồng và ước tính từ năm 2020-2024, số tiền thuế phải nộp của Netflix là 162 tỷ 607 triệu đồng. Chưa kể vấn đề nội dung, “Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm” (3).

Một vấn đề khác, đó là cần khắc phục sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến thị trường phổ biến phim thông qua các ứng dụng internet. Các dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đang được quản lý bởi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT trong nước đang được quản lý bởi các cơ quan nêu trên. Điều này cho thấy các quy định về dịch vụ truyền hình trả tiền cũng được áp dụng cho các dịch vụ OTT nội địa, nhưng vẫn còn những vấn đề đặt ra trong việc áp dụng các quy định về quản lý internet đối với dịch vụ OTT. Theo đó, nếu xem OTT là dạng dịch vụ thuê bao thì các quy định về truyền hình trả tiền sẽ được áp dụng. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng có sự bất bình đẳng giữa việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến dịch vụ OTT. Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10-11-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết “việc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam là cạnh tranh không cân bằng” (4). Trong Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã nêu rõ: “các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu như số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác; có nội dung lành mạnh, phù hợp văn hóa Việt Nam, không vi phạm những quy định của pháp luật về báo chí của Việt Nam; đã có đại lý được ủy quyền tại Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam” (5). Cũng theo Nghị định này, các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ OTT phải đạt đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo pháp luật mới được phép kinh doanh dịch vụ OTT, vì vậy cơ hội kinh doanh dịch vụ OTT của doanh nghiệp trong nước rất hạn chế. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ OTT khi kinh doanh dịch vụ OTT tại Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế nên chi phí cho hoạt động kinh doanh tăng cao hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT hiện chưa thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thuế; doanh thu bình quân trên thuê bao của truyền hình trả tiền ở Việt Nam rất thấp, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chi phí để đầu tư hạ tầng khá lớn, thị trường bị cạnh tranh mạnh, giá thành nội dung tăng cao... Mặt khác, Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã quy định về cơ chế kiểm soát đối với chương trình phát thanh, truyền hình, song doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực OTT cần thực hiện việc kiểm duyệt nội dung theo quy định, vì nếu không sẽ gây nên rất nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa và xã hội. Việc hạn chế nội dung cung cấp sẽ dẫn đến người sử dụng dịch vụ giảm, gây ra thất thu cho các doanh nghiệp nội địa. Cho đến nay, vấn đề ở chỗ chưa rõ khó khăn nào dẫn đến việc chưa thu thuế và áp dụng cơ chế kiểm duyệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên thị trường OTT tại Việt Nam như trên. Thực tế đó đặt ra vấn đề một trong những điều quan trọng trong cơ chế quản lý là sự đối xử bình đẳng để không có doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại vì cơ chế quản lý không công bằng.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, phần Tổ chức thực hiện, đã xác định rõ: “Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, phát huy tính hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; Quản lý truyền thông đại chúng, truyền thông mới đảm bảo phát huy tính tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, phù hợp với tình hình thực tiễn”.

Thực tế cho thấy, cần sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới một cách hiệu quả. Đồng thời, cũng cần sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của những nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới cùng với việc tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

________________

1, 4. Tiến Long, Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, tuoitre.vn, 10-11-2020.

2. Như Quỳnh, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng nhưng chây ỳ nộp thuế, taichinhdoanhnghiep.net.vn, 14-8-2020.

3. Phương Thủy, Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, cand.com.vn, 10-11-2020.

5. Điều 17, Nghị định Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, số 06/2016/NĐ-CP, thuvienphapluat.vn,

PGS, TS VŨ NGỌC THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

 

;