Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Chiến lược ra đời đã thể hiện rõ quan điểm phát triển văn hóa theo đường lối văn hóa của Đảng, mục tiêu cần đạt được trong xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam và những công việc cần làm trong phát triển các lĩnh vực văn hóa do Chính phủ giao Bộ VHTTDL quản lý. Chiến lược đã vạch đường, chỉ hướng phát triển, tạo cơ sở pháp lý cho toàn ngành VHTTDL huy động mọi nguồn lực vật chất, con người thực hiện các đầu việc và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu văn hóa đề ra, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, Bộ VHTTDL đang tích cực hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Chiến lược) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong số nhiều nhiệm vụ cần triển khai, chúng tôi quan tâm đến nhiệm vụ: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Về mặt lý luận, chúng ta đều biết con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời con người là sản phẩm của văn hóa. Các Mác đưa ra luận điểm: “Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người tạo ra”. Diện mạo, quy mô, chất lượng của nền văn hóa như thế nào phụ thuộc vào chủ thể sáng tạo ra nó, tức con người của nền văn hóa đó. Do vậy, nói đến xây dựng văn hóa, nhất thiết chúng ta phải ưu tiên đặt việc xây dựng con người lên vị trí hàng đầu. Năm 2011, tại Đại hội XI, Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ quan điểm: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Mặt khác, chúng ta cũng cần thấy rằng con người là sản phẩm của văn hóa. Chất lượng của nền văn hóa như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng nền tảng tinh thần, tạo nên sức mạnh nội sinh quyết định phẩm chất con người trong xã hội.

Chúng tôi cơ bản tán thành những nội dung nêu ở nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong dự thảo Chiến lược do Bộ VHTTDL chuẩn bị. Các nội dung của nhiệm vụ đã tiếp thu được những ý cốt lõi liên quan đến xây dựng con người nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014) và một số ý liên quan đến xây dựng con người nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021).

Dưới đây chúng tôi trao đổi thêm một số ý:

Về quan niệm xây dựng con người phát triển toàn diện: Tổ chức UNESCO có đưa ra một khung tiếp cận nói về sự phát triển toàn diện con người ở bốn mặt cơ bản: Trí - Đức - Thể - Mỹ. Con người phải được xã hội tạo điều kiện nâng cao kiến thức, gia tăng sự hiểu biết mọi mặt của bản thân. Con người phải được thức tỉnh lương tri và lương tâm để nhận biết và ứng xử theo những quy tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội đặt ra. Con người phải không ngừng nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Con người phải được bồi dưỡng thẩm mỹ, hiểu và đánh giá sự vật, hiện tượng thế nào là đẹp, từ đó biết tự kỷ luật bản năng, sống theo quy luật của cái đẹp được xã hội thừa nhận. Vì vậy, chúng ta cần hiểu xây dựng con người phát triển toàn diện mang tính phổ quát thể hiện ở bốn yếu tố nêu trên.

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong đó có quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Quan điểm trên cho thấy, việc xây dựng con người đặt trọng tâm vào “xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”.

Chúng ta đang thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy đánh giá một con người có văn hóa hay không là xem thái độ, hành vi của người đó chấp hành luật pháp thế nào? Chúng ta đã tiếp nhận và hiểu về khái niệm phát triển bền vững của tổ chức UNESCO liên quan đến kinh tế bền vững, xã hội bền vững và môi trường bền vững. Bất luận một ai đó cũng cần nhận thức rằng bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu liên quan đến sự sinh tồn của mỗi nhà, mỗi người. Do vậy, xây dựng con người không thể không quan tâm đến ý thức và hành động bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn. Nước ta đang chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng quốc tế về văn hóa. Quá trình toàn cầu hóa văn hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, mỗi quốc gia đang phải đối mặt trước thách thức bị đồng hóa văn hóa, văn hóa dân tộc bị phai nhạt, biến dạng nên càng phải ý thức việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ được bản sắc văn hóa là giữ được hồn cốt của dân tộc, là cho chúng ta vốn liếng, sức mạnh nội sinh trong hành trang hội nhập với các nước trên thế giới, với tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Vấn đề này phải được nhận thức đầy đủ, sâu sắc và trở thành hành động của mỗi người Việt Nam. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ” (1).

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra một quan điểm chỉ đạo rất mới, được toàn Đảng và các tầng lớp xã hội đồng tình. Quan điểm ấy cổ vũ, động viên yếu tố văn hóa tinh thần của con người Việt Nam: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (2). Chúng ta cần tiếp thu quan điểm chỉ đạo này vào xây dựng con người Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (2008) đưa ra quan điểm nhấn mạnh: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về phát triển con người và xây dựng nền văn hóa nêu trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII khẳng định: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” (3). Chúng ta cần tiếp thu tư tưởng chỉ đạo này vào nhiệm vụ xây dựng con người thời gian tới.

Nếu Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI ban hành năm 2014 mới đặt vấn đề: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, đến Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng năm 2021, trong phần nói về nhiệm vụ văn hóa trong thời gian tới đã xác định nhiệm vụ này cấp thiết hơn, đặt ở vị trí đầu tiên trong mối tương quan với hệ giá trị gia đình: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (4).

Hội nhập sâu rộng quốc tế về văn hóa, Việt Nam đã chủ động tham gia các công ước quốc tế về quyền con người (nhân quyền) để bảo vệ những giá trị nhân văn trong xu thế hòa bình, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển của các quốc gia trên thế giới. Vấn đề nhân quyền theo tiêu chí quốc tế thường bị chính quyền một số nước tư bản lợi dụng phục vụ mưu đồ chính trị chi phối nước khác nên quyền con người phải phù hợp với bối cảnh, đặc thù, điều kiện của mỗi quốc gia. Xét dưới góc độ triết học, chúng ta phải xử lý hài hòa cái chung và cái riêng. Vấn đề này đã được Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI chỉ rõ: “Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Chúng ta cần tiếp thu nội dung “giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên”; “Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng”; “Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam” nêu trong nhiệm vụ xây dựng con người ở Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI vào nhiệm vụ xây dựng con người trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng văn hóa, con người là “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây là chính. Xây để kiến tạo những giá trị mới cho người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chống những lỗi thời, bảo thủ, tiêu cực, mưu toan, việc làm độc ác đối với con người trong xã hội. Trước mắt là “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội” (5). Bên cạnh việc tiếp thu nhiệm vụ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu”, lần này cần làm rõ nhiệm vụ chống quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (2018).

Là kết quả quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, con người Việt Nam hôm nay bên cạnh những mặt tốt, tích cực, tiến bộ còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên, đặc tính văn hóa tộc người… không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được ngay. Do vậy, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam” (6).

Từ những nội dung cốt lõi trên được rút ra từ một số văn bản của Đảng liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người, chúng tôi xin được góp ý, diễn ngôn lại nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện nêu trong Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 như sau:

 Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về Trí - Đức - Thể - mỹ, có đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp, có ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết, lòng nhân ái, đồng thuận toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát triển tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

 Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.

 Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

 Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; Khẳng định, tôn vinh, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.

 Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng.

 Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống; chống các quan điểm, hành vi sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam.

_________________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, 2011, tr.143, 110, 116, 143, 143, 143.

Tác giả: PGS, TS Nguyễn Hữu Thức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;