Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

     Kể từ ngày 6-5-2009, Chính phủ ký Quyết định ban hành “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” (Chiến lược văn hóa), tới nay đã tròn 10 năm. 10 năm chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong cả chiều dài lịch sử nhưng cũng tạm đủ cho chúng ta nhìn lại một chặng đường phát triển văn hóa. Xin bắt đầu từ việc điểm qua các thành tựu.

     Theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) năm 1998, văn hóa được coi gồm 8 lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; Di sản văn hóa; Giáo dục, đào tạo; Khoa học & công nghệ; Văn học nghệ thuật; Thông tin đại chúng; Giao lưu văn hóa với thế giới; Thể chế & thiết chế văn hóa. Căn cứ nhiệm vụ, chức năng của các Bộ, ngành liên quan, Chiến lược văn hóa chỉ đề cập tới 5 lĩnh vực, không bàn đến các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo; Khoa học công nghệ và Thông tin đại chúng.

     Từ sau NQ T.Ư 5 (khóa VIII) đi vào cuộc sống, nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa đã được nâng cao đáng kể. Từ cấp ủy đảng các cấp đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội ngày càng thấu hiểu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đặt văn hóa vào vị trí “nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội”. Để làm tốt vai trò này, cần quan tâm đến lĩnh vực cốt lõi nhất của văn hóa chính là “tư tưởng, đạo đức, lối sống”. Về cơ bản, xã hội ta đã kiên trì đi theo đúng định hướng tư tưởng mà Đảng đã vạch ra, đạt được sự đồng thuận đáng kể trong và ngoài Đảng, nỗ lực phấn đấu vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đạo đức xã hội và lối sống, tuy có không ít xáo trộn phức tạp, nhìn chung, vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Đại bộ phận con người Việt Nam giữ vững được lòng yêu nước, thể hiện trong lao động sáng tạo và chuyên cần, trong tinh thần tự cường bảo vệ đất nước, có lối sống lành mạnh, luôn trau dồi ý thức suy nghĩ độc lập, cố gắng tiếp nhận tư duy cởi mở với cái mới, coi trọng các giá trị gia đình, họ tộc, cộng đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phần nào tạo được sự chuyển biến tích cực về lối sống, nếp sống mới, nhất là ở khu vực nông thôn.

     Việc bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiếp tục được quan tâm. Các lễ hội dân gian truyền thống được phục hồi và phát triển. Đặc biệt, thời gian qua, nước ta đã có tới 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại; trong số đó có 10 di sản được công nhận như: dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, hát xoan, đờn ca tài tử, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ…

     Văn học nghệ thuật tiếp tục đạt được những thành tựu mới. Các nghệ sĩ sáng tạo bám sát hiện thực đổi mới, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của lớp người Việt Nam mới khát khao tự khẳng định mình trong cuộc sống đầy biến động. Công tác lý luận phê bình được coi trọng, những người chuyên tâm trong lĩnh vực này được tập hợp trong một Hội đồng trực thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư, phát hành tạp chí nghiên cứu riêng…

     Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng về kinh tế, nền văn hóa nước ta cũng mau chóng mở rộng giao lưu với thế giới. Các thành tựu văn hóa nhân loại từ văn học, điện ảnh đến sân khấu, ca múa nhạc, thời trang… nhanh chóng du nhập vào nước ta, đem lại sự nhộn nhịp đáng kể cho đời sống văn hóa, nhất là của giới trẻ. Đồng thời, chúng ta cũng dành nhiều tâm sức để quảng bá các giá trị văn học nghệ thuật cả truyền thống lẫn đương đại của nước ta ra thế giới, được bạn bè các nước nhiệt thành đón nhận.

     Lĩnh vực thể chế và thiết chế văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống quản lý nhà nước về văn hóa được chấn chỉnh và hoàn thiện. Nhiều bộ luật cần thiết về văn hóa được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng đặc biệt; cả nước đã có tới 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật (gồm 33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp). Các thiết chế văn hóa được xây dựng theo đúng chỉ tiêu đã đề ra. Đến nay, gần 100% các quận, huyện, thị xã đã có nhà văn hóa và thư viện; khoảng 80-90% các xã, thị trấn đã có thiết chế văn hóa này; ở các làng bản ấp con số này là 60-70%. Một số đề án xây dựng công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia đã đi vào hoạt động như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Trường quay điện ảnh Cổ Loa…

     Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại những điểm yếu kém, cần được nhìn nhận lại. Điều bất cập dễ nhận thấy đầu tiên là tình trạng xuống cấp về văn hóa đạo đức xã hội. Khi đời sống xã hội có những thay đổi lớn, bị chi phối bởi kinh tế thị trường, hệ các giá trị truyền thống bị lung lay, trong khi hệ các giá trị mới chưa hình thành rõ rệt để có chỗ đứng vững chắc, có thể nói trong xã hội đã diễn ra một cuộc khủng hoảng các giá trị sống. Một bộ phận không nhỏ các đảng viên có chức, có quyền, những người lẽ ra phải là tấm gương vì dân, vì nước cho xã hội noi theo, thì lại suy thoái đạo đức. Không khó nhận thấy tình trạng đạo đức rơi vào bất ổn: đua nhau kiếm tiền bất chính, tham quyền hám lợi, bạo lực lên ngôi, vô cảm tràn lan...

     Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư diễn ra ở không ít nơi còn mang tính hình thức, phô trương, chạy theo thành tích ảo mà chưa đi vào thực chất; tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, trộm cắp…) vẫn còn nhiều, đặc biệt trầm trọng ở các thành phố lớn, ngay cả ở những nơi treo cao tấm biển “Khu dân cư văn hóa”!

     Di sản văn hóa vật thể nhiều nơi bị hư hại theo thời gian nhưng còn chưa được sửa chữa kịp thời, hoặc bị sửa theo cách quá hiện đại làm biến dạng nguyên bản gốc. Di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long nhiều khi bị khai thác quá mức. Nhiều lễ hội bị thương mại hóa, biến thành nơi “buôn thần bán thánh”, nơi cầu xin thăng quan tiến chức, nơi lấy lộc bằng bạo lực tranh cướp…

     Yếu kém lớn nhất của lĩnh vực văn học nghệ thuật là sự thiếu hụt các tác phẩm hay, tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của đông đảo người đọc. Hơn 50 nhà xuất bản hằng năm vẫn cho in hàng nghìn đầu sách văn học, nhưng từ hàng nghìn tác phẩm này, may ra chỉ vài cuốn đọng lại trong lòng người đọc. Thảm hại nhất có lẽ là thơ. Chưa bao giờ thơ bị lạm phát như bây giờ. Một nhà xuất bản nọ một năm cho in tới 1000(!) tập thơ, nghĩa là mỗi ngày ra 3 cuốn (!), mỗi cuốn in vài trăm bản, chủ yếu để tác giả khoe tặng họ hàng, bè bạn! Chưa nói đến còn không ít cuốn sách mua vui, chạy theo thị hiếu tầm thường; một số cuốn còn chứa đựng cái nhìn thiên kiến, lệch lạc trước đời sống hôm nay. Các ngành nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, ca nhạc… cũng không tránh khỏi nhược điểm chất lượng không theo kịp số lượng mà ai cũng biết trong sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”! Lý luận phê bình tuy được chú trọng phát triển cũng không hẳn đã thoát được vai trò là “bánh xe thứ 5” trong một cỗ xe!

     Giao lưu văn hóa quốc tế có phần không cân bằng, chúng ta đang bị nhập siêu văn hóa, phần văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta áp đảo phần chúng ta xuất ra thế giới. Đây không phải là tình trạng đương nhiên phải vậy – hãy cứ so với Hàn Quốc thì rõ: cũng là nước có diện tích nhỏ, dân số không nhiều như ta, nhưng thật đáng ngạc nhiên, văn hóa của họ, nhất là điện ảnh và ca nhạc, giành vị trí cao trong đời sống văn hóa các nước, kể cả các nước lớn. Chưa nói đến tình trạng ta nhập khẩu văn hóa còn thiếu chọn lọc, không ít khi dân ta phải xài cả các sản phẩm chất lượng thấp, thậm chí còn mang tính bạo lực hoặc sex quá đà.

     Trong lĩnh vực thể chế và thiết chế văn hóa, khiếm khuyết nổi bật là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là văn hóa nghệ thuật, mặc dù công tác đào tạo đã được chú trọng. Còn không ít bất cập trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong lĩnh vực văn hóa như xử lý vấn đề quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và phát triển, dân tộc và quốc tế, hệ giá trị chuẩn mực và sự suy thoái về văn hóa đạo đức xã hội…

     Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược văn hóa, chúng ta thấy chiến lược này đã chứa đựng cách tiếp cận và xử lý vấn đề phát triển văn hóa một cách khoa học, toàn diện, vừa có tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Chiến lược đã chỉ ra một cách rõ ràng, đúng đắn các mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Sự nghiệp này là sự nghiệp của toàn dân, không một đội ngũ quản lý nào dù tài giỏi đến mấy, có thể thay dân mà thực hiện được. Dù tiến trình xây dựng văn hóa có thể diễn ra nhanh đến thế nào thì tiến trình này không thể đo được bằng một vài thập niên. Mục tiêu xây dựng được cả một thế hệ con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là một mục tiêu không dễ gì đạt được trong ngắn hạn. Mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh cũng không kém phần khó khăn, không phụ thuộc trực tiếp vào ý chí của chúng ta.

     Tiến trình xây dựng văn hóa này dù lâu dài đến đâu cũng phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Vậy cần bắt đầu từ đâu?

     Văn hóa là một khái niệm rất rộng lớn, mang tính liên ngành tổng thể rất cao. Không thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề văn hóa chỉ bằng gói gọn trong lĩnh vực văn hóa hiểu theo nghĩa hành chính nhà nước. Hơn ở đâu hết, ở đây cần sự vào cuộc, sự chung tay tiếp sức của cả hệ thống chính trị, của kinh tế, tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông. Và quan trọng nhất là phải bắt đầu từ sự nỗ lực của hệ thống chính trị.

     Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục tiến hành đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được như mong muốn. Kết quả là hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước còn kém hiệu quả, quyền làm chủ của người dân ở một số nơi, một số lĩnh vực chưa được phát huy, quyền lực chưa được giám sát chặt chẽ, tham nhũng chưa bị đẩy lùi, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chính vì vậy, bước đi đầu tiên để có thể cải thiện, chỉnh đốn những yếu kém về văn hóa của xã hội là phát huy quyền dân chủ của người dân, cái gốc của mọi thể chế chính trị lành mạnh.

     Tiếp đó là sự góp sức của các lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông. Phải khẳng định rằng thiếu đi sự hỗ trợ hiệu quả của các lĩnh vực này, văn hóa không thể thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ cao cả và nặng nề của mình.

     Qua đây, chúng ta thấy rằng việc Chiến lược văn hóa chỉ đề cập đến 5 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL là một giải pháp tình thế. Đây là một bài học cần thiết được rút ra trước khi chúng ta bắt tay xây dựng “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

 

Tác giả: Phan Hồng Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;