Nhạc kịch Bỉ vỏ thành công lớn tại Hải Phòng

Khán giả đến xem Bỉ vỏ chật kín khán phòng Nhà hát lớn Hải Phòng

Số cuối cùng của sân khấu truyền hình Hải Phòng là một tác phẩm được nhiều người chào đón: vở nhạc kịch Bỉ vỏ - chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng - được ê kíp sáng tạo với nhiều yếu tố hấp dẫn khiến tác phẩm có một diện mạo mới mẻ. Biên đạo Tuyết Minh từng thành công với các vở nhạc kịch như Mỵ, Dế Mèn phiêu lưu ký, Người cầm lái… lại tiếp tục đóng vai trò vừa là biên kịch, vừa tổng đạo diễn cho tác phẩm này. Người xem chào đón bởi tác phẩm văn học Bỉ vỏ đã quá quen thuộc với đông đảo người Việt, những cái tên nhân vật như Tám Bính, Năm Sài Gòn, Chánh Cẩm… đã đi vào đời sống người dân với các nét đặc trưng tính cách. 

Cuộc sống cơ cực của người dân dưới ách áp bức một cổ hai tròng thời phong kiến nửa thuộc địa khiến nhiều người bị tha hóa, trở thành lưu manh, trộm cướp… Không tham vọng mô phỏng lại tác phẩm văn học kinh điển này, biên đạo Tuyết Minh tâm niệm: “Tôi không muốn nhạc kịch Bỉ vỏ chỉ là minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng mà tôi muốn kết nối với tư tưởng và cái cách cảm nhận của ông, một Hạ Lý rất khác với những bối cảnh của những văn bản nhưng lại gần với ký ức, những tấm ảnh xưa cũ mang hơi thở bản sắc Hải Phòng. Âm ỉ sâu trong đó vẫn là những cuộc rượt đuổi của những kiếp sống nhân sinh của Hải Phòng, hay cả Việt Nam ở thời khắc quá khứ đã từng đi qua đó và của cả Tuyết Minh, của tất cả chúng ta ngày hôm nay”. 

Bỉ vỏ tái hiện lại hiện thực hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất Đông Dương - Hải Phòng năm 1937

Mở màn vở diễn, người xem thấy được bức tranh hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất Đông Dương - Hải Phòng năm 1937; phản ánh chế độ thuộc địa Pháp với dã tâm bóc lột, bần cùng hóa dân lao động nghèo khổ. Dưới áp lực sống còn, nhiều người đã phải rời bỏ làng quê, thuyền lưới, chỉ còn con đường đi phu, làm thợ; tha hóa, người dân lương thiện đi vào con đường ăn chơi, trụy lạc, lưu manh trộm cướp. Bối cảnh này chính là tác động lớn nhất để tạo nên những nhân vật như Năm Sài Gòn, Tám Bính… Sân khấu được thiết kế rất linh hoạt, những khối hình thang rỗng, méo mó đủ hình dạng được biến ảo khi là tường, khi là gầm cầu, khi lại trở thành những toa tàu móc nối mà trên đó, những tay anh chị chạy vỏ chụp giựt, cướp bóc, trốn tránh… Phông hậu chạy màn hình LED, hỗ trợ rất thông minh cho cảnh diễn, vừa hiện đại vừa nhẹ nhàng, lại liên tục thay đổi góc tiếp cận, tạo cảm giác sống động, mở rộng không gian diễn đạt cho tác phẩm. 

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến người xem tán thưởng vì sự linh hoạt, vì sức hấp dẫn của những trường đoạn múa, của ca khúc, của âm nhạc, ánh sáng và diễn xuất của tập thể nghệ sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng. Không chỉ vậy, những người làm nghề cũng thấy bất ngờ với tác phẩm. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau khi xem nhạc kịch Bỉ vỏ phải thốt lên: “Thật bất ngờ và ngạc nhiên! Vở diễn kết hợp giữa âm nhạc, kịch nói, múa, cảnh trí sân khấu… mang tính đột phá. Đoàn Ca múa Hải Phòng đã dựng những vở ca cảnh nhưng rất chân phương, còn khi kết hợp với âm nhạc điện tử, nhạc kịch Bỉ vỏ thể hiện được rõ nét về tính cách nhân vật, tuyến kịch, tạo mạch xuyên suốt. Tác giả, đạo diễn biết chắt lọc tình huống, các phần đối thoại nhằm làm rõ nét hơn tính cách Tám Bính, Năm Sài Gòn… Đây là loại hình rất nên khuyến khích và quảng bá rộng rãi hơn nữa để những tác phẩm có ý nghĩa giáo dục, chính trị, lịch sử được lan tỏa”.

Cảnh trong vở nhạc kịch Bỉ vỏ

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tán đồng với ý kiến của ông Đỗ Hồng Quân và cảm thán, đây là thử thách lớn với ê-kíp vì để chuyển tải trọn vẹn tư tưởng của tác phẩm gốc song vẫn phù hợp với ngôn ngữ nhạc kịch, lấy được cảm xúc của khán giả là rất khó. Bà nhận xét: “Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã có những bước tiến xa khi dàn dựng vở nhạc kịch Bỉ vỏ. Trước đây, chị từng dựng nhiều vở có quy mô hoành tráng hơn nhưng vở kịch này đòi hỏi sự tinh chắt. Chính sự tinh chắt đó đã chạm vào cảm xúc của khán giả. Có lẽ đây là lần đầu tiên một đoàn ca múa địa phương dám thực hiện vở nhạc kịch. Nhiều tài năng bộc lộ trong tác phẩm này, hai diễn viên đóng Tám Bính và Năm Sài Gòn thời trẻ múa rất đẹp, diễn xuất đầy cảm xúc”. Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT TP Hải Phòng cho biết, không chỉ tác phẩm gốc của nhà văn mới thu hút khán giả mà nhạc kịch Bỉ vỏ cũng khiến người xem thích thú vì sự mới mẻ trong cách thể hiện, diễn xuất của ê-kíp. “Mọi thứ trong vở nhạc kịch đều sống động, cho dù có một vài nốt nhạc chưa chuẩn nhưng cảm xúc là thật. Cả diễn viên và khán giả đều có cảm nhận riêng, nhưng tôi tin họ đã được nâng niu trong không gian nghệ thuật”.

Nhạc kịch Bỉ vỏ khiến người xem tán thưởng vì sự linh hoạt, vì sức hấp dẫn của những trường đoạn múa, của ca khúc, âm nhạc, ánh sáng và diễn xuất của tập thể nghệ sĩ Đoàn Ca múa Hải Phòng

Vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ khi tiếng Việt rất đa âm sắc nhưng cũng khó ghép nhạc, tạo ra được những tem nhạc riêng cho từng nhân vật, các nghệ sĩ trong ê kíp sáng tạo đã rất cố gắng để tạo dựng được một tác phẩm xứng đáng nhất, đủ nghĩa nhất với thể loại nhạc kịch. Dồn dập, tiết tấu nhanh, mạnh, hình tượng nghệ thuật đa dạng… tác phẩm đã thực sự làm người xem rung động. Bà Nguyễn Thị Thanh Thư - con gái thứ tư của nhà văn Nguyên Hồng đã nhiều lần rơi nước mắt xúc: “Xem Bỉ vỏ, nhiều lần tôi xúc động bật khóc, như đoạn cuối khi Tám Bính trải qua nhiều vất vả, vùi dập vẫn nhận ra đứa con của mình... Ở cả vở kịch, các diễn viên đều “cháy” hết mình. Tôi cảm phục và biết ơn các nghệ sĩ, lãnh đạo ở Hải Phòng đã làm mọi cách để sáng tạo, nối dài tác phẩm Bỉ vỏ của cha tôi... Nếu cha còn sống, ông sẽ khóc khi xem kịch vì ông từng có một tình yêu lớn lao, sâu sắc với Hải Phòng. Tôi đã từng xem tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật nhưng vở nhạc kịch này khiến tôi thích và xúc động nhất”.

Nhạc kịch Bỉ vỏ được chỉ đạo nghệ thuật bởi NSND Khánh Hòa - Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng; nghệ sĩ Tuyết Minh làm tổng đạo diễn, viết lời ca khúc và kịch bản; kỹ thuật thanh nhạc do NSND Hà Thủy đảm nhiệm; nghệ sĩ Chinh Ba dàn dựng hợp xướng và nhạc sĩ Lưu Quang Minh làm giám đốc âm nhạc... Sức nóng của vở tiếp tục được duy trì khi ngay đêm tiếp theo, đêm 30/6 khán phòng cũng đã kín đặc khán giả. Mong rằng, Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng tiếp tục duy trì được sức sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm thuyết phục với công chúng như thế.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;