Nhà Mạc và bài học về cách dùng người khoan dung

Sau một thời gian thâu tóm quyền lực, tập hợp vây cánh; đồng thời tìm cách thanh trừng, sát hại, loại bỏ những người chống đối, không cùng chí hướng… tới lúc “cờ đến tay”, Mạc Đăng Dung đã phế vua Lê Cung Hoàng, lập nên nhà Mạc.

Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở Kiến Thụy – Hải Phòng

“Tháng 6, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh bắt hiếp vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư. Ngày 15, các quan đã đứng vào ban chầu (…) Ngày hôm ấy, Đăng Dung xưng hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là Minh Đức. giáng phong vua làm Cung Vương, cùng với hoàng thái hậu đều giam ở cung Tây Nội. Sau vài tháng bắt phải tự tử…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 822).

Đương thời và hàng trăm năm về sau, Mạc Đăng Dung phải chịu tiếng xấu là kẻ thoán đoạt, cướp ngôi. Triều Mạc mà ông lập ra đương nhiên bị coi là “ngụy triều”, “nhuận triều”… Vài ba mươi năm trở lại đây, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, các sử gia, nhà nghiên cứu ở ta đã có những thay đổi trong nhận thức, đánh giá về vương triều này! Theo đó, nhà Mạc đã có những đóng góp tích cực, tiến bộ trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Chẳng thế mà ngay các sử gia thời quân chủ - vốn “ghét cay ghét đắng” nhà Mạc - cũng không thể viết khác về thời Mạc Đăng Doanh (con Mạc Đăng Dung) trị vì rằng: “Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò chăn thả không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” (Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr. 829). Cảnh thái bình thịnh trị như vậy không đáng ghi nhận sao?

Mà nào đã hết! Tuy chỉ cầm quyền thực sự trong 65 năm trước khi bị đánh đuổi khỏi Thăng Long nhưng nhà Mạc rất chú trọng tới việc học hành khoa cử, chọn tuyển nhân tài qua các kỳ thi để bổ sung cho đội ngũ quan lại. Tính từ năm 1529 tới năm 1592, đã có 22 khoa thi được tổ chức (đều đặn 3 năm một lần) với 13 Trạng nguyên, 485 Tiến sĩ… Trong đó, có những anh tài mãi mãi lưu danh sử sách nước nhà như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (khoa thi năm 1535); Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (khoa thi năm 1594 - thời điểm nhà Mạc đã chạy lên Cao Bằng được 2 năm và cát cứ ở đây một thời gian nữa)… Cũng cần phải nói thêm, Nguyễn Thị Duệ là nữ Tiến sĩ Nho học độc đáo, duy nhất của nước ta thời quân chủ.

Lịch sử Việt Nam từng diễn ra không ít tấn thảm kịch khi người đứng đầu/có vai trò quyết định ở triều đại sau, lúc lên năm quyền đã nghi ngờ dẫn đến bức tử hoặc sát hại nhiều võ tướng, quan lại yêu nước, có tài của triều đại trước. Ấy thế nhưng, nhà Mạc lại là một ngoại lệ. Các vua Mạc không ngần ngại sử dụng nhiều võ tướng của nhà Lê Sơ như: Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Vũ Hộ, Phạm Gia Mô…; rồi 4 vị Trạng nguyên: Nguyễn Giản Thanh, Hoàng Văn Tán, Ngô Miễn Thiệu, Trần Tất Văn. Thậm chí, có những người “sáng Mạc, chiều Lê, đến mai lại Mạc” (gia tộc Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến) vẫn được đón nhận không chút thành kiến, định kiến. Thật đáng khen cho chính sách dùng người khoan dung, xóa bỏ thù hằn, đề cao sự hòa hợp, hòa giải như thế nếu chúng ta biết Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly từng ra tay quyết liệt với nhiều quan lại, quý tộc nhà Lý, nhà Trần; chuyện Giản Định Đế (Trần Ngỗi) nghe lời gièm pha dẫn đến giết hại Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân; chuyện Lê Thái Tổ nghi ngờ Trần Nguyên Hãn; chuyện không ít người từng theo phong trào Tây Sơn phải chịu nhục hình trước khi chết đau đớn dưới thời Nguyễn Ánh…

Chắc chắn, chính sách dùng người khoan dung, xóa bỏ thù hằn, đề cao sự hòa hợp, hòa giải của nhà Mạc vẫn rất có ý nghĩa với chúng ta hôm nay! Bởi vì “Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị” như tuyên bố của UNESCO về Năm quốc tế khoan dung cách đây gần ba thập niên (1995).

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;