Niềm say mê nhiếp ảnh của người nghệ sĩ vùng đất "hoa vàng trên cỏ xanh"

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Châu Đạo là người con vùng đất xinh đẹp được mệnh danh là xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”. Là một người cần cù, sáng tạo và nghiêm túc trong sáng tác, anh không chỉ gặt hái rất nhiều thành công, mà còn đóng góp công sức nhằm thúc đẩy phát triển phong trào nhiếp ảnh của tỉnh nhà. Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Phú Yên.

Lê Châu Đạo sinh năm 1960 trưởng thành trong một gia đình thuần nông. Thời niên thiếu của anh là những tháng ngày cùng cha mẹ gắn bó với vất vả, khó khăn trên đồng ruộng. Sau khi lập gia đình, để cải thiện cuộc sống, Lê Châu Đạo đã “bước chân” vào nghề chụp ảnh dịch vụ. Năm 1994, với chiếc máy ảnh chụp bằng film Canon AE1, anh đã từng bước khám phá về kỹ thuật, kỹ năng trong nhiếp ảnh. Cũng từ đây, anh có thêm sự học hỏi, giao lưu, gắn kết với những người làm nghề trong tỉnh thông qua các buổi trò chuyện, trao đổi nghiệp vụ về nghệ thuật nhiếp ảnh. Với lượng kiến thức tích lũy được, anh đã mạnh dạn tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 1999 do tỉnh Phú Yên đăng cai. Trong cuộc thi này, mặc dù 5 tác phẩm của anh không giành được giải, chỉ có 2 bức ảnh lọt vào vòng triển lãm, nhưng điều đó là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với Lê Châu Đạo để anh tiếp tục học hỏi, khám phá trong mỗi khung hình. Dấu mốc quan trọng cho sự khởi đầu của người nghệ sĩ, khi năm 2000, với bức ảnh Đón gió anh không chỉ giành giải Nhất cuộc thi ảnh do Tạp chí Ánh sáng đẹp (thuộc Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh) tổ chức, mà còn đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước. Với sự khởi đầu đầy tốt đẹp này đã khiến cho anh thêm quyết tâm vững bước trên con đường sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh.

Từ đó đến nay, những sáng tác của NSNA Lê Châu Đạo liên tiếp được ra đời với nhiều thể loại. Nhưng anh yêu thích hơn cả là mảng đề tài về cuộc sống, lao động sản xuất. Chính vì thế, thông qua các tác phẩm, người xem có thể nhìn thấy những hình ảnh chân thật, sinh động, giàu chất biểu cảm của người dân lao động nơi vùng quê của nghệ sĩ cũng như những địa phương anh từng đặt chân qua. Đó là, hình ảnh một ngư dân đầu đội nón lá trong Buổi sáng trên sông 4 đang gỡ tấm lưới trắng xóa trải dài đầy mặt đất, bên cạnh là những chiếc xuồng được cột lại, tạo thành hình giẻ quạt trông thật lạ mắt; hay trang phục áo vàng nổi bật của đội ngũ thanh niên nối tiếp thành đường dài, nổi bật trên sườn đồi núi đang miệt mài, say sưa vận chuyển, truyền tay nhau từng thúng đất với Nhịp sống trẻ; sự tập trung, khéo léo điều khiển chiếc máy gặt của người nông dân trên cánh đồng, mỗi lượt máy đi qua, những hàng lúa vàng óng được cắt, xếp gọn thẳng tắp theo từng hàng, từng lớp ở Đường nét nhà nông; Hay trong Ngư dân 4, với chiếc thuyền máy đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh là tấm lưới to rộng màu xanh được bung ra như chiếc lá khổng lồ trên mặt nước; những cô thôn nữ nhỏ bé hòa vào mảng màu rực rỡ trên cánh đồng Phơi cói màu… 

Tác phẩm Ngư dân - 4

Mặc dù phần lớn các tác phẩm của NSNA Lê Châu Đạo là hình ảnh lao động đời thường, nhưng người xem không cảm thấy nhàm chán. Bởi ở đó, khán giả thấy được sự đầu tư của người nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật, từ bố cục, ánh sáng, góc máy, khung hình đến đường nét, chiều sâu và cách truyền tải câu chuyện đầy sinh động. Vì thế, những bức ảnh của anh không chỉ làm “mãn nhãn” người xem mà còn thuyết phục được giới làm nghề, đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. 

Kể về những “đứa con” của mình, NSNA Lê Châu Đạo đã vui vẻ chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình sáng tác Ngư dân 4. Đây là một trong những tác phẩm mà anh đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. “Tác phẩm nói về nghề đánh lưới cá cơm truyền thống của ngư dân tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cứ vào tháng tư đến tháng bảy dương lịch hằng năm, họ đều ra khơi đánh bắt. Để chụp được bức ảnh này, tôi phải bắt đầu đi tới đó từ lúc 4 giờ 30 sáng, với chặng đường dài 20 km và trở về trong ngày lúc 3h chiều. Tôi đã đi lại rất nhiều lần vì có những hôm vào tới nơi, ngư dân không dò được cá nên không ra khơi đánh bắt. Trong khoảng thời gian một tháng đi lại, thì mất đến 10 ngày về tay không, dù chụp được khá nhiều nhưng với tác phẩm Ngư dân 4 tôi cảm thấy ưng ý nhất. Để có tác phẩm này, tôi phải đầu tư Flycam - máy bay quay phim không người lái với giá khoảng 47 triệu đồng. Thật vui, dù tốn nhiều công sức nhưng tác phẩm của tôi đã được ghi nhận và được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao”.

Tác phẩm Phơi cói màu

Mỗi khi bắt tay vào sáng tác, NSNA Lê Châu Đạo thường dồn sức để “cháy” hết mình cho nghệ thuật, bởi anh quan niệm “Là Chi hội trưởng chi Hội NSNAVN tỉnh Phú Yên đã hai nhiệm kỳ, nên sáng tác với tôi không chỉ là đam mê mà còn với mục đích gây dựng phong trào nhiếp ảnh cho đội ngũ nghệ sĩ kế cận”. Chính vì thế, anh đã “lăn xả”, “hết mình”, không ngại khó khăn cùng các chiến sĩ áo xanh dầm mình trong mưa gió, một tay cầm ô, một tay cầm máy để có được tác phẩm Vượt qua bão lũ với hình ảnh anh bộ đội cứu trợ người dân bị cô lập nơi vùng lũ lụt; hay anh cùng với đoàn nghệ sĩ “gói ghém” hành trang, thức ăn vượt qua nhiều cây số đến nơi vùng sâu vùng xa có dân tộc thiểu số sinh sống để cho ra đời các tác phẩm mang mầu sắc riêng của người bản địa như Bạn thân -2, Huốt thuốc -1, Bạn thân mãi mãi -1… Trong những cuộc hành trình này, mỗi khi đêm xuống, các nghệ sĩ phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, lạnh thấu xương. Nhiều đêm thức trắng, phải mặc tất cả quần áo mang theo, đốt củi cả đêm mới xua tan bớt cái giá rét và ngả lưng tạm trên trên chiếc võng được mắc ở nhà Rông; và gần đây nhất vào tháng 6 năm nay, để chụp được vẻ đẹp của dàn sản xuất điện năng lượng mặt trời, cứ vào 4 giờ 30 chiều, nhìn hướng tây thấy trời trong đẹp, anh lại xách ba lô vượt quãng đường 20km đến sông Cầu, Phú Yên để chụp hình. Phải đi lại, trông chờ đến 6 lần mới gặp được thời tiết như ý để có bức ảnh như mong muốn. Với tác phẩm Ánh sáng năng lượng anh đã giành Huy chương Bạc Khu vực 2021… 

Hơn hai mươi năm theo đuổi bộ môn “nghệ thuật ánh sáng”, hành trang mà NSNA Lê Châu Đạo có được là khối lượng lớn giải thưởng trong các cuộc thi tại 40 quốc gia và được triển lãm tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Ở độ tuổi trên 60, mỗi khi có dịp, người nghệ sĩ vẫn tiếp tục rong ruổi trên những con đường để lưu giữ lại khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Anh cũng cho biết: “Bên cạnh sáng tác, tôi cũng dành nhiều thời gian để trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ với các bạn trẻ về cách thể hiện cũng như về công nghệ. Nếu còn sức khỏe tôi vẫn sẽ cầm máy tiếp tục lên đường. Dù đã theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh 22 năm, nhưng tôi cảm thấy chưa ghi hết hình ảnh vẻ đẹp cuộc sống của người dân nơi quê hương Phú Yên yêu dấu”.

Tác phẩm Trên đường về nhà

 

Một số giải thưởng và bằng khen của NSNA Lê Châu Đạo

  • Có: 365 giải thưởng quốc tế, 233 giải huy chương trong nước, gồm: 5 huy hiệu xanh tác giả xuất sắc nhất; 118 huy chương vàng; 43 huy chương bạc; 44 huy chương đồng; 262 bằng danh dự và khuyến khích...
  • Trưng bày tác phẩm trên 1.000 triển lãm trong nước và quốc tê.
  • Tước hiệu NSNA Xuất sắc (EFIAP/G - F.APU-Hon.E.EGPC - Hon-E.CPA- Hon.E.SCPS- E.PSM-E.SPA-E.PAS- E.ICS) trao tặng.
  • Vinh dự nhận được: 3 bằng khen của Bộ VHTTDL; 11 bằng khen của Hội NSNA Việt Nam; 8 bằng khen Hội VHNT tỉnh Phú Yên trao tặng.

.NGỌC BÍCH

Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

 

;