Ngôi chùa thờ Phật trong lòng người Việt

Con cháu ai chả thương!

Đi chùa phải thắp hương!

Câu phương ngữ ấy tôi đã được nghe từ hồi còn lon ton chạy theo bà ngoại đi chùa, trước Cách mạng tháng Tám, dù tôi chưa hiểu được gì. Thời bấy giờ, mỗi làng có một ngôi chùa, lớn nhỏ tùy từng vùng…

Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất, đời sống kinh tế trong hòa bình ngày càng khấm khá, việc lễ hội ở các chùa ngày càng diễn ra dày đặc hơn. ở miền Bắc, tưng bừng nhất phải kể đến các dịp lễ và hội ở chùa Hương, chùa Phúc Khánh, chùa Hà (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)...

Riêng ở cố đô Huế, có đến hàng trăm ngôi chùa. Tại TP.HCM, chùa Hoằng Pháp là một trung tâm Phật giáo được lan tỏa trên nhiều phương diện, từ truyền bá đạo pháp, tổ chức lễ thành hôn cho các phật tử đến mở trại hè cho thanh thiếu nhi. Gần đây, chùa Guột (Bắc Ninh) và chùa Bái Đính (Ninh Bình) mới được xây dựng, đã thu hút khách thập phương, có đợt lên tới hàng chục ngàn người đến chiêm bái.

Không nghi ngờ gì nữa, Phật giáo ngày càng giữ vị trí quan trọng trong tâm thức quần chúng đông đảo giữa đời thường. Về mặt văn hóa, đó là hiện tượng xã hội cần được quan tâm đầy đủ trên nhiều phương diện, bởi lẽ, phía sau cửa chùa là tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người Việt ở thời buổi hiện tại.

Song song với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nền văn hóa Việt cũng được hình thành khá sớm và từng bước vươn lên theo tiến trình lịch sử suốt hai ngàn năm. Riêng Phật giáo du nhập vào nước ta ở TK III, bắt nguồn từ Ấn Độ, còn nguồn từ Trung Hoa đến chậm hơn, tạo thành một hiện tượng văn hóa nổi bật. Điều đáng quý là trong bối cảnh xã hội Việt Nam, Phật giáo đã dung hòa được với Nho giáo, Lão giáo, tạo thành tam giáo hòa hợp, đồng thời có thể thích nghi với tín ngưỡng thần linh cùng nhân thần bản địa, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc độc lập, chống ngoại xâm, ngời sáng nhất là ở thời vua Trần Nhân Tông.

Ở Đức Phật, nét tích cực ngời sáng là nhận rõ mọi khổ đau của đông đảo chúng sinh trên trần thế, đồng thời chỉ rõ con người có thể loại bỏ nguồn gốc của mọi khổ đau theo ánh sáng của thiện tâm, tu nhân tích đức hướng tới một “con đường”, một cuộc sống tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần, mà không dùng bạo lực.

Ở nước ta, vào triều đại nhà Lý (1009-1225), nhà Trần (1225-1400), Phật giáo được coi là quốc giáo. Từ trong cội nguồn, Phật giáo loại trừ yếu tố thần thánh ma quỷ về mặt giáo lý cũng như trong thực tiễn đời sống, bởi một tín điều sáng láng: thần thánh không thể cứu con người thoát khỏi cảnh trầm luân nghèo đói giữa đời thường. Nhân loại muôn nơi đều ôm ấp khát vọng hướng tới cái thiện, chống lại cái ác và làm sao thoát khỏi các cuộc chiến tranh phi nghĩa, liên miên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Những ngôi chùa cổ kính, ngày nay trở thành những tụ điểm du lịch tâm linh, dồi dào sức cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, cũng chính từ những tín ngưỡng trên, xuất hiện yếu tố huyền bí, tạo nên niềm tin sâu nặng thiêng liêng, gắn liền với những trải nghiệm giữa đời thường, được hun đúc thành bề dày văn hóa, thành nghi lễ, tập tục hữu hình và vô hình. Giữa chốn trần thế mông lung, con người chưa làm chủ được hoàn cảnh khách quan, các ngôi chùa thờ Phật đã trở thành điểm tựa tinh thần, thấm sâu vào nếp sống hằng ngày. Trên đất nước ta, biết bao bà mẹ vui vẻ tiễn con ra trận bảo vệ Tổ quốc, nhưng đêm đêm, mẹ vẫn thầm khấn Trời Phật phù hộ cho con cháu chân cứng đá mềm, yên lành trở về bên mẹ!

Năm 1949, trước câu hỏi của một nhà báo nước ngoài: “Người theo chủ nghĩa nào, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Tôn Dật Tiên?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: “Học thuyết Khổng Tử có cái ưu điểm nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phép biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ, như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy” (1).

Những kiến giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự bổ ích, vượt xa khuôn khổ của bài trả lời phỏng vấn, trở thành một tư tưởng triết học với tầm nhìn rộng lớn, đúc kết từ các bậc vĩ nhân, mang ý nghĩa văn hóa xuyên suốt lịch sử. Đây chính là cơ sở nhân văn và khoa học trong triết thuyết giải phóng con người về mọi phương diện.

Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ những đặc trưng của các tín ngưỡng hiện hữu trên đất nước ta để ứng xử cho đúng văn hóa, sao cho tâm phục, khẩu phục, thật không hề dễ dàng. Thực tế cuộc sống lịch sử từ sau năm 1945 đến nay, từng diễn ra bao điều đúng - sai, vẫn là những kinh nghiệm nóng hổi giúp cho các ngành quản lý, từ trung ương đến địa phương, ứng xử sao cho hợp với lòng dân để tránh sai lầm. Quá trình phát triển xã hội giúp chúng ta hiểu rõ, không thể từ chỗ phá bỏ bừa bãi lại chuyển sang xây dựng xô bồ, vì lợi nhuận trước mắt của những kẻ hành đạo bất chính, phản lại tôn giáo nhằm kiếm lợi. Vì thế, trong quan hệ ứng xử với các tổ chức tôn giáo cũng như đối với các tín đồ nói chung, cần có tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng, mong tạo dựng được nếp sống văn hóa mới lành mạnh.

Hình ảnh Đức Phật Thích ca và Phật Bà Quan Âm vốn đã thấm sâu vào tâm thức nhân dân ta, không dễ gì lãng quên trong chốc lát. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thành tựu ưu việt nhất ở các triều vua Lý - Trần là ở chỗ, tuy lấy Phật giáo làm quốc giáo, nhưng nhiệm vụ chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên trên hết. Chính vì thế, ngọn cờ độc lập dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô địch qua ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông, “non sông thiên cổ vững âu vàng”, mãi mãi tồn tại cùng con cháu muôn đời. Nhưng sau chiến thắng, do thấm nhuần sâu sắc lòng vị tha của Đức Phật, vua Trần Nhân Tông đã khoan dung, tha tội cho những kẻ đầu hàng giặc. “Sau khi giặc thua chạy về phương Bắc, triều đình bắt được một tráp biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội những kẻ phản bội, nhưng Thượng hoàng nghĩ rằng, làm tội những đồ tiểu nhân cũng vô ích, bèn sai đem đốt cả tráp đi cho yên lòng mọi người” (2).

Đức khoan hòa thấm đượm tâm Phật một cách linh diệu ấy, đúng là một tấm gương chói lọi, sáng mãi cùng với non sông đất nước, tạo thành một cơ sở văn hóa sâu lắng. Hiện thực đời sống hằng ngày bộc lộ rõ, không thể “lấy vải thưa che mắt Thánh”, nghĩa là không thể che mắt nhân dân đông đảo nếu làm điều trái với nhân văn, sớm hay muộn cũng bị phê phán và xa lánh. Như nhiều người đã biết, sức tỏa sáng lâu bền và tiếng vang xa của các ngôi chùa không phải ở độ lớn nhỏ của tiếng chuông, cũng chẳng ở tòa ngang dãy dọc, mâm cao cỗ đầy, mà là ở tấm lòng nhân ái, từ bi của các hòa thượng, các sư, thày, tăng, ni, phật tử giữa đời thường, đúng như tổ tiên, ông bà xa xưa từng dạy con cháu:

Dù xây chín đợt phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người!

Từ bao đời, các bậc ông cha ta thường dạy bảo con cháu “tích thiện, gia phong hảo”; mỗi người, dù ở tầng lớp nào và bất kỳ tôn giáo nào, cũng phải sống sao cho tử tế, nhờ vậy, gia đình sẽ yên ổn, hạnh phúc. Và cái đẹp, cái chân, cái thiện chính là điều cốt lõi của con người có văn hóa và xã hội đáng sống. Bởi văn hóa luôn hướng con người tới cái đẹp.

____________

1. Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.53.

2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.162.

 

Tác giả: Nguyễn Trường Lịch

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

 

;