Những giá trị tiêu biểu của lễ hội Yên Thế

     ​​​​​​​Lễ hội Yên Thế vốn là một lễ hội dân gian (lễ hội cầu mùa) đã được bổ sung những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế để trở thành lễ hội văn hóa, lịch sử. Điểm đặc sắc khi đề cập đến lễ hội Yên Thế là một lễ hội truyền thống nhưng lại được tổ chức vào thời gian dương lịch (ngày 16 - 3 hằng năm). Một nét độc đáo, nổi tiếng nữa trong lễ hội Yên Thế đó là biểu diễn võ sáo, hay còn gọi là thiết địch (sáo sắt); đây vừa là nhạc cụ mang âm hưởng du dương, trầm bổng lôi cuốn lòng người, vừa là vũ khí để chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Lễ hội Yên Thế là một bảo tàng sống động để mỗi người trở về với bản chất và truyền thống dân tộc.

 

     Giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn

     Lễ hội Yên Thế, tỉnh Bắc Giang kết tinh những giá trị tiêu biểu của cộng đồng dân tộc. Lễ hội có nguồn gốc cách đây hơn 100 năm, được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17 - 3 dương lịch hằng năm), gắn liền với người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối TK XIX, đầu TK XX. Trải qua thời gian, đồng hành với sự phát triển của đất nước, sự du nhập, giao lưu văn hóa, lễ hội Yên Thế vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo.

     Cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, ngót 30 năm (1884 - 1913), đồng thời tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo.

     Do vậy, việc tổ chức lễ hội Yên Thế nhằm tưởng nhớ tới công lao người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Ông là tấm gương điển hình của tinh thần yêu nước tự cường dân tộc, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần yêu nước của ông không chỉ lan tỏa trong cộng đồng dân cư, mà còn có giá trị giáo dục đặc biệt về lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ.

     Lễ hội Yên Thế duy trì màn diễn xướng tái hiện nhân vật, sự kiện nhằm giáo dục truyền thống yêu nước thông qua lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Trong lễ tế cờ, nhân vật người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, bà Ba Cẩn, các tướng, sĩ của nghĩa quân cùng nhau dâng lễ, thắp nén hương thơm tri ân với các bậc tiền nhân; châm lửa thề, cùng nhau hướng về lá cờ đại nghĩa với dòng chữ Hoàng nghĩa kỳ, thể hiện ý chí quyết tâm đánh đuổi kẻ thù qua bài tế mà Hoàng Hoa Thám thực hiện tại lễ tế cờ.

     Thông qua nghi lễ tế cờ, bản thân mỗi người dân, du khách thập phương được giáo dục thêm tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng căm thù quân xâm lược, tinh thần đấu tranh bất diệt, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, giành lại non sông, bờ cõi.

     Ngoài ra, du khách, nhân dân đến với lễ hội sẽ được thỏa mãn mong muốn trở về cội nguồn, trực tiếp đặt chân lên mảnh đất Yên Thế anh hùng, tìm hiểu về phong trào khởi nghĩa Yên Thế; được tận mắt chứng kiến hệ thống đồn lũy của nghĩa quân năm xưa; tham quan hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (đền Thề, đồn Phồn Xương), các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế. Cùng với đó là các nghi thức của lễ tế, lễ dâng hương để tỏ lòng thành kính, tri ân, nhớ về công lao của các tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế; thông qua đó nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận, trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc, các tướng lĩnh của nghĩa quân.

     Giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

     Lễ hội Yên Thế không chỉ là tấm gương phản chiếu, làm giàu cho nền văn hóa dân tộc, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, huyện Yên Thế nói riêng.

     Thông qua lễ hội mà các giá trị đặc sắc của vùng đất, cuộc khởi nghĩa Yên Thế, người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám được duy trì, lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Sự độc đáo của lễ hội Yên Thế ở chính nguồn gốc, từ một lễ hội dân gian trở thành một lễ hội tưởng niệm nhân vật lịch sử. Ngoài các diễn xướng dân gian còn có các hoạt động tưởng niệm, nghi thức gắn với nhân vật lịch sử khiến cho lễ hội Yên Thế không chỉ mang màu sắc dân gian mà còn có yếu tố lịch sử cách mạng.

     Lễ hội cũng chính là một bảo tàng văn hóa, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa qua các thời kỳ lịch sử được tái hiện lại ở nhịp sống đương thời, bao gồm các nghi lễ và một số hoạt động như: lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế, rước kiệu, lễ phóng ngư thả điểu, biểu diễn võ sáo, thi cưỡi ngựa bắn nỏ, trưng bày, giới thiệu văn hóa ẩm thực mang đặc trưng, bản sắc văn hóa của địa phương; múa rối nước, hát quan họ trên thuyền, sân khấu chèo; các trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều...

 

Võ sáo tại lễ hội Yên Thế - Ảnh: Văn Thương

 

     Nét độc đáo, nổi tiếng nhất, mang giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có trong lễ hội Yên Thế đó là biểu diễn võ sáo. Võ sáo, hay còn gọi là thiết địch (sáo sắt), được làm bằng sắt, có cây nặng đến 7kg (độ dày từ 7 - 8mm), vừa là nhạc cụ mang âm hưởng du dương, trầm bổng, lôi cuốn lòng người; vừa là vũ khí để chiến đấu. Đây là môn võ của người dân Yên Thế, được Hoàng Hoa Thám, cùng các nghĩa quân của ông sử dụng rộng rãi trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế để làm vũ khí chiến đấu, tập hợp nghĩa sĩ, hay làm tín lệnh để báo hiệu có kẻ thù.

     Ngày 27-12-2012, lễ hội Yên Thế đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 5079/QĐ của Bộ VHTTDL).

     Giá trị cố kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng

     Tính cố kết cộng đồng trong lễ hội Yên Thế có thể thấy rõ ở việc vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân ở khắp nơi trong cả nước, các vùng quê, thôn, bản, phố trên địa bàn huyện nô nức, kéo nhau về dự hội, tham gia vào việc tổ chức các hoạt động của lễ hội. Lễ hội đã tạo nên sự giao lưu, học hỏi, sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện, là sợi dây liên kết tất cả các thành viên trong cộng đồng thành một khối thống nhất. Đặc biệt, trong lễ hội Yên Thế, có màn biểu diễn võ thuật cổ truyền của 200 em học sinh thuộc Câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám, hội thi cưỡi ngựa bắn nỏ, thông qua đó nhằm biểu dương sức mạnh cộng đồng, biểu dương lực lượng, sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Ngoài ra, trong phần lễ tế thần, dâng hương đều có sự tham gia của cộng đồng; họ đoàn kết, cùng nhau chung một tâm nguyện, thành tâm tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong các hoạt động văn hóa, thể thao, giá trị cố kết cộng đồng được thể hiện ở sự thi đấu, giao lưu giữa làng này với làng khác, giữa xã này với xã khác trong huyện.

     Giá trị đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân

     Không chỉ ở lễ hội Yên Thế, mà hầu hết tất cả các lễ hội bao giờ cũng thấy rõ giá trị đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân, nó là món ăn tinh thần không thể thiếu cho nhân dân. Lễ hội Yên Thế được tổ chức định kỳ vào ngày 16-3 dương lịch hằng năm, nếu tính theo âm lịch thì chỉ vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch. Lễ hội diễn ra vào đúng thời điểm kết thúc một năm lao động, làm việc vất vả, người dân đến với lễ hội để hưởng thụ, vui chơi, bù lại thời gian lao động cực nhọc. Đến với lễ hội, họ được chứng kiến, thưởng thức các nghi lễ, nghi thức truyền thống. Người già, thanh niên, nam, nữ được thưởng thức, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, thưởng thức các món ăn ẩm thực có trong lễ hội, tạo sự hồ hởi, vui tươi, sảng khoái. Lễ hội là dịp để người dân tái tạo lại năng lượng cho một chu kỳ lao động, sản xuất mới; có vai trò, giá trị nâng cao, đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, du khách thập phương.

     Giá trị phát triển kinh tế, du lịch

     Lễ hội Yên Thế hằng năm thu hút khoảng 8,5 vạn người (1). Đây là lễ hội có thể phát triển thành sản phẩm du lịch về nguồn. Du khách đến với lễ hội được nghiên cứu, tìm hiểu về phong trào khởi nghĩa Yên Thế thông qua các hiện vật, tài liệu tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế, hệ thống đồn lũy, công sự chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế; được trải nghiệm, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.

     Du khách được tham quan, tìm hiểu ngôi Đền Thề, một trong điểm di tích quốc gia đặc biệt. Đây là ngôi đền được xây dựng vào thời kỳ khởi nghĩa Yên Thế, cách đây trên 100 năm, bằng vật liệu gỗ lim. Giá trị của ngôi đền không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân; mà trong thời kỳ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nơi đây còn thực hành các nghi lễ tâm linh, nơi cắt máu ăn thề của nghĩa quân Yên Thế trước khi quyết tử với kẻ thù, cũng là nơi khao quân mỗi khi thắng trận (2).

     Ngoài Đền Thề, còn có Đồn Phồn Xương nằm trong tâm điểm nơi diễn ra lễ hội. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng trong 2 năm (từ năm 1894 - 1895), gồm 2 vòng thành đắp bằng đất nện, bên trong tường thành còn có 3 cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ để bắn, xung quanh thành đều có lỗ châu mai. Đồn có 3 cổng, cổng chính, 2 cổng phụ. Thành có chu vi 300m, diện tích của thành là 5.000m2. Đồn Phồn Xương được coi là thủ phủ, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế, nơi làm việc của bộ tham mưu chính, nơi diễn ra cuộc giao dịch hòa hoãn lần thứ 2 giữa nghĩa quân với thực dân Pháp vào năm 1897.

     Với những tiềm năng, giá trị nêu trên, lễ hội Yên Thế hoàn toàn có khả năng, thế mạnh để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu cho huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

     Lễ hội Yên Thế là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, được kết tinh từ những giá trị văn hóa, lịch sử, gắn liền với nhân vật Hoàng Hoa Thám, cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Các giá trị đặc sắc trong lễ hội cơ bản vẫn được bảo tồn, phát huy. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, khi các bản sắc văn hóa trở thành chìa khóa của thành công, phát triển bền vững thì giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội Yên Thế lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi vậy, việc gìn giữ đầy đủ các giá trị độc đáo của lễ hội Yên Thế góp phần làm cho di sản văn hóa Việt Nam càng phong phú, đa dạng trong bối cảnh đương đại.

______________

     1. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Yên Thế, Báo cáo số 03/BC - BCĐ ngày 28-10-2018 về công tác phát triển du lịch huyện Yên Thế năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Yên Thế, 2018, tr.3.

     2. Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Bắc Giang, 2014.

 

Tác giả: Trần Hoàng Biên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;