Vẻ đẹp của Ninh Thái linh từ

Đền Ninh Thái (thuộc thôn Cõi, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) thường được gọi một cách dân dã là đền Lăng. Khu di tích còn có tên khác là đền Bảo Cái hoặc Ninh Thái linh từ (tên chữ là Bảo Thái). Đây là ngôi đền cổ ngàn tuổi, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và giá trị văn hóa.

Chính điện đền Lăng - Ảnh: Ánh Vân

 

Kiến trúc của khu di tích đền Ninh Thái

Đền Ninh Thái nằm trên khu đất cao, rộng ở phía Tây chân núi Lăng thuộc thôn Cõi (xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam), một vùng thôn quê bán sơn địa. Theo cách nhìn phong thủy, thôn Cõi nằm trong khu vực địa linh, tiềm tàng khả năng sinh nhân kiệt (1). Xưa, nơi đây được coi là có địa hình thuận lợi cho Đinh Bộ Lĩnh mà sau này là Lê Hoàn chiêu tập quân đội, lập doanh trại khá nghiêm ngặt.

Quần thể di tích đền Ninh Thái trước kia gồm ba ngôi đền: đền Thượng (thờ Đinh Tiên Hoàng và bà Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt), đền Trung (thờ Lê Hoàn và hai con ông là Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh) và đền Tam Thiên Nhân (thờ Tam vị Đại vương: vợ chồng ông Nguyễn Minh và thần Thiên Cương). Theo thời gian, quần thể di tích này không nguyên vẹn nữa, vì vậy, trong bài viết, tác giả chỉ có thể đề cập tới phần di tích còn lại là đền Hạ. Từ cuối năm 2018, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam, công tác tu bổ, tôn tạo được tiến hành ở khu di tích này. Trong tương lai không xa, quần thể di tích cổ ở Liêm Cần sẽ được phục dựng, phục vụ đời sống tinh thần của người dân nơi đây cũng như những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về khu di tích.

Giống như các kiến trúc đền, đình của người Việt, khu di tích đền Hạ của đền Ninh Thái được bố cục mặt bằng theo kiểu tiền chữ Nhị, hậu chữ Đinh, bao gồm tòa Đệ nhất (nhà Tiền đường), tòa Đệ nhị (nhà Bái đường), tòa Hậu cung (Chính tẩm). Mái của ba tòa đều lợp ngói nam. Sự công phu và tinh xảo của hệ thống đao góc, đấu trụ, bờ dải, bờ nóc… cho thấy, đây không chỉ là một di tích tâm linh mà còn có ý nghĩa là kiến trúc nghệ thuật. Tính đến năm 2018, các hạng mục ở Ninh Thái linh từ được trùng tu vào thời Nguyễn đã hư hỏng nhiều.

Tòa Đệ nhất được làm theo kiểu mái cong, chồng diêm. Phần kiến trúc này có nhiều mảng chạm khắc rất công phu, mang đậm phong cách dân tộc. Hệ thống cột cái, hệ thống câu đối tạo vẻ chắc khỏe và mềm mại cho tòa tiền đường. Nhiều lớp phù điêu chạm rồng, ly, quy ở hai vì của gian giữa, được chạm khắc rất khéo léo và tinh xảo.

Hai tòa Đệ nhị và Hậu cung được gom lại chung trong một đơn vị kiến trúc, theo kiểu thức thượng rường, hạ kẻ. Để đảm bảo sự vững chắc cho ngôi đền, các hiệp thợ xưa đã dựng 10 cột chính. Các cột này đều là gỗ lim, được thiết kế theo kiểu búp đòng, đầu cột thon ngậm xà, chân cột thu nhỏ, tạo cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng. Dưới các cột là những chân tảng vuông vắn, có kích thước 50x50cm.

Tại phần cửa cung cấm, các tiền nhân đã thiết kế ngạch ngưỡng theo lối cổ, vừa cắt mòn vừa soi chỉ. Mái của tòa Đệ nhất, cung Đệ nhị và cung Chính tẩm được lợp bằng ngói nam.

Ngoài kiến trúc đền Lăng, huyền tích của người dân Liêm Cần có đề cập đến một ngôi mộ Hổ táng của cụ tổ nhà Tiền Lê, với cái tên nôm na Mả Dấu. Hai phía đầu mộ có hai ngọn núi án ngữ: bên hữu có núi Bông, bên tả có núi Lăng. Theo huyền tích về thế đất, huyệt đất Mả Dấu, vị trí này có đủ: “Hữu hổ phục, Tả thanh long” nên ở Liêm Cần nhất định phát đế vương(2). Theo truyền thuyết địa phương và tác phẩm Hoàn Vương Ca Tích (3), ở Liêm Cần trước đây có Giàn Thề (dưới chân núi Bảo Cái) và một cánh đồng mang tên Mả Rút (nay là một phần của làng Trại Nhuế), những nơi gắn liền với việc quân cơ của Lê Hoàn thuở đầu dựng nghiệp.

Điêu khắc ở khu di tích đền Ninh Thái

Như đề cập đến ở trên, khu di tích đền Hạ vẫn còn lưu giữ được nhiều phù điêu chạm rồng, ly, quy, tạo thành nhiều lớp ở hai vì. Các hình tượng rồng, phượng và hoa cúc cũng được chạm khắc rất khéo léo và tinh xảo. Để 4 trụ non không thô cứng mà trở nên mềm mại nhưng vẫn giữ được khí thiêng cho ngôi đền, các hiệp thợ đã thiết kế 4 con nghê. Những linh vật này được tạo hình với tư thế đang ghé vai đội trụ, đem lại vẻ sinh động cho khung cảnh khu đền cổ.

Để chủ đề chạm khắc thêm phong phú, ở phần vì phía đông, nghệ nhân xưa đã xây dựng một hồ sen nhiều lá, có một con thú đang ẩn mình. Phía bên kia, với hình ảnh một con hổ lớn, các nghệ nhân đã đánh thức sự liên tưởng về huyền tích lịch sử gắn với cuộc đời của cụ tổ nhà Tiền Lê. Ý tưởng này càng được khẳng định, khi có thêm hình ảnh một con hổ khác đang đeo chiếc giỏ trên cổ ở phần điêu khắc sát đó.

Trên những cột gỗ chính ở hai tòa Đệ nhị và Hậu cung đều có nhiều hình ảnh sinh động, như cảnh lưỡng long chầu nguyệt được chạm khắc tinh xảo, biến các cột gỗ xù xì với chức năng cơ bản là chống đỡ cho công trình trở thành tác phẩm nghệ thuật. Những lá sòi, hình ảnh long vân, phượng vũ trên cột gỗ ở các vị trí khác nhau, tạo nên một chủ đề, có sức truyền cảm cao.

Ở hai bộ vì kèo gian giữa của tòa Đệ nhất có chạm khắc hình tứ linh, nhìn rất sinh động (4). Đây là bộ đồ án được coi là biểu tượng cho quyền lực và vương quyền. Một hình mâm ngũ quả được tạo tác tại phần trụ non đấu rế và xung quanh đó là các hình phù điêu rồng, phượng và hoa cúc. Đây là các môtip thường thấy ở các đình, đền cổ của người Việt. Trong mâm ngũ quả, các nghệ nhân đã chạm khắc làm nổi bật hình ảnh quả đào và lựu. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, đây là những loại quả địa cát. Một quả lựu có hàng trăm hạt, nên hình ảnh trong dân gian này mang hàm ý nói về một gia đình phúc đức, con cháu đầy nhà. Quả đào, trong các truyền thuyết Đông phương, thường gắn với thế giới thần tiên nên cũng là biểu trưng cho sự thăng tiến.

Trong khu di tích đền Ninh Thái, từ y môn đến hầu hết những đồ thờ tự (sập thờ, mâm đồng cỡ lớn kiểu mâm quả, đài thờ, long đình, hòm sắc…) đều được sơn son thếp vàng. Chiếc ngai thờ được xác định có từ thời Hậu Lê, kích thước 110 x 70 x 55cm, được chạm nổi, chạm thông phong ở bộ phận tay ngai, trụ, sập ngai rất tinh xảo.

Di tích hiện còn lưu giữ được bốn chiếc long đình (một dạng kiệu có mui che), bên trong có bài vị, long ngai thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tôn và Lê Long Đĩnh, được xác định niên đại từ TK XIX. Bốn chiếc long đình này đều cao 170cm, được chạm nổi, chạm thông phong vô cùng tinh tế với đa dạng đề tài hoa, lá và tứ linh. Tuy mang dáng dấp của nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê nhưng do có dáng cao, các xà đố thanh thoát mang phong cách thời Nguyễn nên những chiếc long đình này khá khác biệt so với các tác phẩm cùng loại trước đây. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là hiện vật đặc trưng của giai đoạn chuyển hóa giữa hai thời kỳ văn hóa Hậu Lê và Nguyễn.

Một điểm đặc biệt ở di tích này là đôi hạc cao tới 250cm, có dáng đứng chầu rất sinh động. Theo các nhà nghiên cứu, đôi hạc này được sáng tạo từ thời Hậu Lê. Loài chim hạc là biểu trưng cho sự thuần khiết, thanh liêm, sự bất tử và tuệ minh của con người. Đôi cánh của hai linh vật được các nghệ nhân cho cụp sát thân, chiếc cổ cất cao, tạo tư thế nghiêm cẩn nhưng không cứng nhắc. Những chiếc lông vũ được tái hiện đan cài vào nhau rất tự nhiên. Ở phần trang trí trên đầu bờm gáy và bàn chân đôi hạc bám chặt trên lưng rùa cũng được tái hiện rất mềm mại.

Ở chính tẩm Ninh Thái linh từ là chiếc sập thờ từ thời Nguyễn theo kiểu chân quỳ, kích thước 220x180x85cm, hình dáng chắc khỏe mà thanh thoát. Bốn góc mặt sập có bao loan với ô họa tiết đơn giản nhưng rất đẹp. Ngược lại, phần cổ sập được chạm trổ cầu kỳ hơn. Họa tiết ở đây được các nghệ nhân đã tiến hành chạm nổi, chạm thông gió long hóa, tứ linh. Phần chân sập phía dưới được thiết kể kiểu chân quỳ dạ cá với mây tản, lá lật cách điệu. Có thể nói, sập thờ đền Ninh Thái tuy không cầu kỳ nhưng mang giá trị thẩm mỹ cao.

Về thăm đền Ninh Thái, bước trên con đường trong ngôi làng cổ, mỗi du khách đều dâng tràn cảm thức khó tả. Những trang sử hào hùng của đất nước, về những người anh hùng dân tộc buổi đầu dựng nền độc lập tự chủ dường như đang hiển hiện trước mắt họ, bi tráng và oai hùng. Từ ngàn năm nay, Ninh Thái linh từ vẫn còn đó, như một chứng nhân của lịch sử, khắc ghi truyền thống yêu nước của cha ông.

______________

1, 2. Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm, Trăn trở ngàn năm, Nxb Thời đại, 2014, tr.31, 27.

3. Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm, Hoàn Vương ca tích, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011, tr.99.

4. Trong quan niệm truyền thống của người Việt, tứ linh gồm: long (rồng), ly (lân hay kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng). Rồng tượng trưng cho uy quyền và tâm linh, thể hiện khát vọng của người dân nông nghiệp về mưa thuận gió hòa, là biểu tượng của sức sống vĩnh hằng, có ảnh hưởng to lớn, ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống xã hội ở mỗi nước. Sự hiền hòa của lân là biểu tượng cho sự mong ước thái bình. Sự vững chắc của quốc gia dân tộc và sự trường tồn của Phật giáo được biểu trưng qua hình tượng của rùa. Nét đẹp nữ tính và quý phái được hiển thị qua biểu tượng của phượng.

 

Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;