NGHỆ THUẬT TRANH CỔ ĐỘNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1975 - 1985

Ông Dominic Scriven - Giám đốc quỹ đầu tư danh tiếng Dragon Capital, là một người Anh nhưng rất đam mê và sưu tầm tranh cổ động của Việt Nam, đã từng nói “Nghệ thuật tranh cổ động của Việt Nam vô cùng độc đáo, bản thân nghệ thuật cổ động rất đặc biệt bởi nó chỉ tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, tranh cổ động Việt Nam có phong cách hoàn toàn khác hẳn, những bức tranh cổ động Việt Nam đầy màu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ nhưng lại không hề phô trương... Tranh cổ động Việt Nam thuộc về một thời kỳ cũ nhưng thông điệp của nó thì vượt lên trên thời gian” (1).

Tranh cổ động Việt Nam giai đoạn 1975 - 1985 khá đặc biệt, phản ánh chân thực, sinh động bối cảnh đất nước Việt Nam mới hòa bình thống nhất toàn vẹn và cả hai miền Nam - Bắc cùng nhau tiến tới một xã hội XHCN. Nội dung sáng tác không còn những chủ đề kháng chiến mà thay vào đó là niềm vui hân hoan của sự thống nhất cũng như công cuộc khôi phục, xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực. Tranh cổ động giai đoạn 1975 - 1985 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tuyên truyền tới nhân dân những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước bằng sự sáng tạo trong các hình thức biểu đạt của nghệ thuật đồ họa.

Khái quát về bối cảnh và nội dung sáng tác

Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật đồ họa. Tranh có nội dung thông báo, cổ động hay quảng cáo và được treo ở nơi công cộng. Thể loại tranh này đa dạng về khuôn khổ, kích thước, chất liệu và cách thức thể hiện như có thể được in, vẽ trên vải, gỗ, giấy... Tranh cổ động còn có những tên gọi khác như bích chương, quảng cáo... (2).

Ngoài việc quảng cáo thương mại, tranh cổ động còn được sử dụng như một công cụ hữu hiệu cho việc tuyên truyền, cổ động chính trị mang tính thời sự, lịch sử, nội dung cô đọng, hình ảnh súc tích, khẩu hiệu và câu chữ ngắn gọn. Tranh cổ động có tính tượng trưng cao, hình tượng nghệ thuật điển hình, khái quát, màu sắc, đường nét, bố cục hình và chữ gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ đối với công chúng, chứa đựng yếu tố bất ngờ có thể làm thay đổi hiệu quả không gian nơi trưng bày.

Ở Việt Nam tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Với đại thắng mùa xuân 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, lại tiến hành trong điều kiện đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên nên càng nặng nề và gian nan hơn.

Với vai trò tuyên truyền, động viên, cổ vũ tới đông đảo quần chúng nhân dân lao động, tranh cổ động thời kỳ này bám sát và phản ánh kịp thời mọi diễn biến chính trị cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những mảng đề tài phản ánh rõ nét đặc điểm lịch sử giai đọan này là những tranh cổ động ca ngợi niềm vui chiến thắng, không khí hân hoan của cả dân tộc khi đất nước thống nhất. Có thể kể đến Bắc Nam một nhà (1975) của Ngọc Quý, Mùa xuân vĩnh viễn (1976) của Lê Đức Lại, Việt Nam độc lập thống nhất và chủ nghĩa xã hội muôn năm (1975) của Thục Phi, Thực hiện tốt quyền làm chủ (1976) của Phạm Trí Tuệ... Bên cạnh đó, hình ảnh Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu cũng được thể hiện phong phú, như một biểu tượng về niềm tin, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ đề về Người được thể hiện nổi bật trong một số sáng tác như Người ngồi đó với cây chì đỏ, vạch đường đi từng bước, từng giờ (1979) của Lai Thành, Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nông dân là chiến sĩ (1980) của Lương Xuân Hiệp...

Bên cạnh niềm vui hân hoan, tích cực khắc phục những hậu quả chiến tranh thì một khó khăn, thử thách nữa với toàn dân tộc là phải đối phó với các thế lực thù địch đang âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Mảng đề tài giữ vững và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ một lần nữa lại thu hút không ít các họa sĩ: Nhân dân các dân tộc đoàn kết bảo vệ biên giới của tổ quốc Việt Nam của Lê Thiệp và Trọng Sùng, Bảo vệ thành quả cách mạng của Thanh Hải, Thanh niên sẵn sàng nhập ngũ bảo vệ tổ quốc (1979) của Trịnh Việt.

Tuy nhiên, mảng đề tài khá thành công, mang đậm dấu ấn công cuộc xây dựng CNXH của đất nước tranh cổ động giai đoạn này là phong trào thi đua lao động sản xuất trên mọi lĩnh vực: Công nghiệp phục vụ nông nghiệp (1980) của Thương Đông, Giành điện để sản xuất (1977) của Cổ Thanh Lam, Sản xuất nhiều cao su cho công nghiệp của Bá Tường, Nhiều cá biển của Dương Ánh...

Đặc điểm nghệ thuật

Tranh cổ động giai đoạn 1975 - 1985 rất đa dạng trong hình thức biểu đạt phản ánh hiện thực phong phú của đất nước. Vẫn là ngôn ngữ biểu trưng, ước lệ nhưng giờ đây, nhiều thủ pháp tạo hình khối, không gian, bố cục được các nghệ sĩ sử dụng để làm nổi bật nội dung đề tài. Các hình tượng trong tranh vô cùng phong phú, có thể là hình ảnh thực hoặc tượng trưng, ước lệ hay biểu tượng.

Về bố cục hình mảng

Đa dạng các cách bố cục hình tượng được sử dụng trong tranh cổ động giai đoạn này: vuông, tròn, lệch, đối xứng, nhịp điệu... Tuy nhiên có thể thấy xu hướng bố cục dàn các hình tượng trên mặt phẳng tranh theo nhịp điệu, hay đối xứng, quy tụ vào tâm được sử dụng nhiều trong các tranh cổ động về đề tài lao động sản xuất.

Những tranh thuộc mảng đề tài chiến đấu, bảo vệ tổ quốc, hay ca ngợi Đảng, Hồ Chủ tịch thường được thể hiện theo bố cục lệch, tạo những mảng lớn hình tượng quân dân, người lính kết thành sức mạnh đoàn kết sẵn sàng chiến đấu, hay đang quây quần bên Người. Phía sau những hình tượng lớn đó có thể lệch phải hoặc lệch trái là những mảng phẳng tạo tương phản, tôn chủ đề của bức tranh. Trong các sáng tác Luyện tập giỏi để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc của Xuân Đông, Quyết giữ từng tấc đất của tổ quốc của Phạm Lung, Quyết tâm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc tổ quốc XHCN của Trần Mai, Sẵn sàng bảo vệ tổ quốc của Vinh Quang, hình ảnh người lính, Hồ Hồ Chủ tịch được tạo thành hình tượng đẹp lớn lao, được phóng to cận cảnh, phía sau là những hình ảnh phụ trợ như lá cờ, quốc hiệu, những đoàn quân đang chiến đấu... Hình mảng có thể chỉ là mảng phẳng hay vờn khối, hình ảnh thực hay biểu trưng nhưng đều có sức biểu cảm lớn trong từng bố cục. Trong bức Luyện tập giỏi để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc của Xuân Đông, bố cục mảng phẳng lớn lệch về trái, bức tranh thể hiện hình tượng người lính hiên ngang thổi kèn hiệu triệu cả đoàn quân cùng xe tăng, rầm rộ tiến về phía trước. Phía trên nền trời màu trắng là hình ảnh rada không quân, máy bay phản lực lao vút. Cách tạo mảng tương phản, hình ảnh giản lược nhưng cô đọng, khỏe khoắn đã khắc họa tinh thần quyết chiến, quyết thắng giành chủ quyền dân tộc.

Mảng đề tài lao động, sản xuất khá đa dạng và có nhiều bố cục đẹp. Bố cục tròn khai thác môtip dân gian trong bức Giữ vững, bảo vệ và phát triển đàn lợn giống ở vùng bị bão lụt của Nguyễn Đăng Phú. Bố cục hình vuông trong bức Tận dụng đất ven ao, hồ, vũng, kênh, mương trồng khoai nước nuôi nhiều lợn của Phạm Trí Tuệ. Bố cục đăng đối giả trong tranh Phát triển đàn bò tăng nguồn thực phẩm nâng cao đời sống của Trần Lâm hay Sản xuất nhiều cao su cho công nghiệp của Bá Tường, Trồng nhiều cam để phục vụ đời sống của Đỗ Mạnh Cương tạo ra cái nhìn thú vị cho việc tăng năng suất lao động. Ngoài ra còn có dạng bố cục đồng hiện, đan xen, lắp ghép các hình ảnh, sự kiện tạo nên những bố cục lạ mắt, hiện đại, thể hiện đa dạng hình ảnh về cuộc sống, lịch sử, ký ức kháng chiến, các hoạt động sản xuất lao động...

Nghệ thuật sử dụng màu sắc

Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong tranh cổ động giai đoạn 1975 - 1985 tuy vẫn có tính chất cường điệu, ước lệ nhưng tươi vui, rực rỡ, tạo được sự hấp dẫn. Nhiều khi chỉ là một mảng phẳng, một màu ước lệ nhưng lại gợi lên một không gian bao la, một bầu trời rực rỡ, không khí sôi sục chiến đấu của cả dân tộc.

Màu sắc trong tranh phụ thuộc vào nội dung cần tuyên truyền. Những tranh cổ động mang chủ đề về chiến đấu thường sử dụng màu đỏ là chủ đạo, gợi cảm giác mạnh mẽ. Gam màu cam vàng thường được thể hiện trong những bức tranh có đề tài vui tươi, ấm no được mùa. Gam màu, tím vàng, lam da cam thường được sử dụng trong những tranh cổ động về đề tài ca ngợi lãnh tụ, niềm vui sum họp, thống nhất đất nước. Gam màu xanh mát được dùng nhiều trong đề tài lao động, sản xuất, trồng trọt. Hòa sắc tương phản được sử dụng trong những tranh cổ động mang tính phản ánh tội ác chiến tranh...

Ở bức Bán nhiều lương thực cho nhà nước của Lê Thiệp, màu sắc đã mang lại hiệu quả chuyển tải nội dung lớn cho tác phẩm. Gam màu vàng cam chủ đạo làm nổi bật hình ảnh về một chiếc xe công nông chở những bao lương thực khổng lồ, gợi lên một không khí hồ hởi, thi đua sôi động. Trời và đất trong tranh đỏ rực một màu của sự hân hoan, chiếc xe công nông nhỏ bé được cô công nhân áo xanh tự tin điều khiển. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, hình ảnh của những nhà máy, xí nghiệp hai bên đường cũng gợi lên niềm vui. Các bức Quyết thắng giặc lụt như quyết thắng giặc Mỹ của Trọng Sùng, Quyết tâm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc tổ quốc XHCN của Trần Mai đều có sử dụng lối trang trí mảng phẳng với màu đỏ trên nền trắng đầy tính chất biểu trưng ấn tượng về ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Những màu sắc tương phản như đỏ - đen, đen - vàng cũng được sử dụng nhằm tạo vẻ đẹp mạnh mẽ của con người trong lao động sản xuất, tiêu biểu là Trồng nhiều cam để phục vụ đời sống của Đỗ Mạnh Cương và Trồng nhiều khoai lang trắng của Trần Hòa.

Những hòa sắc trắng xanh mát mắt, dịu dàng có thể thấy trong một số tác phẩm về đề tài sản xuất nông nghiệp. Bức về khuyến khích trồng khoai nước, trồng cao su... sắc xanh lam là chủ đạo, xen vào là màu trắng mát mắt gợi lên mặt nước, hay cao su trắng đang tuôn chảy về các nhà máy sản xuất. Cũng có thể gặp một số tranh học tập lối dùng màu tươi nhưng đằm thắm sắc nhị theo kiểu tranh dân gian Đông Hồ, lấy màu nâu ấm làm màu nền chủ đạo cho các màu trắng, vàng, xanh điểm trên đó, như các bức tranh cổ động việc phát triển đàn lợn ở vùng bão lụt, phát triển chăn nuôi gà của Thanh Hải, Thái Sơn, Đăng Phú...

Nghệ thuật biểu đạt không gian

Không gian trong tranh cổ động giai đoạn 1975 - 1985 thường ước lệ, ít bị lệ thuộc bởi luật phối cảnh, xa gần. Cách tạo không gian này là sử dụng các yếu tố hình, nét, mảng mang tính gợi nhiều hơn tả.

Trên nền phẳng, nhiều thủ pháp gợi tả được sử dụng, đem lại hiệu quả thị giác cao cho tác phẩm: Tô thắm truyền thống vẻ vang của Lê Thiệp, Tới chân trời mới của Xuân Đông, Quyết giữ từng tấc đất của Phạm Lung... Ngoài ra, một hình thức được sử dụng khá nhiều trong tranh cổ động giai đoạn này là dạng không gian đồng hiện, kết hợp nhiều dạng không gian trong một bức tranh cùng một thời điểm: không gian phối cảnh với ước lệ, không gian hiện thực với ký ức lịch sử, kết hợp diễn khối trên các mảng phẳng cùng yếu tố trang trí, cách điệu. Như bức 30- 4-1975 - 30- 4 - 1985 của Thanh Hải, Tận dụng đất ven ao, vùng, kênh, mương trồng khoai nước, nuôi nhiều lợn của Phạm Trí Tuệ, Công nghiệp phục vụ nông nghiệp của Thương Đông.

Một hình thức biểu đạt khác là dạng không gian đa điểm nhìn, được thể hiện trong một số tác phẩm tạo cái nhìn toàn diện về sự vật, mang lại cảm giác lạ cho người thưởng thức. Trong tác phẩm Tô thắm truyền thống vẻ vang của Lê Thiệp, không gian được hiện lên qua cách sắp xếp các lớp nhân vật theo tiến trình lịch sử và không gian ý niệm. Toàn bộ các nhân vật được xếp theo hai chiều dọc ngang trên một nền phẳng. Người lính và cô du kích, những con người của cuộc sống hiện đại, đang nắm chắc tay súng, tiến về phía trước. Phía sau là hình Thánh Gióng cưỡi ngựa theo chiều ngang, thể hiện không gian lịch sử về nhân vật anh hùng đánh giặc. Sự đan xen này gợi lên ý nghĩa tiếp nối truyền thống đánh giặc của dân tộc. Lối sử dụng không gian đồng hiện, cùng một lúc xuất hiện các sự vật, hiện tượng ở những thời điểm, không gian, hoàn cảnh khác nhau được sử dụng khá nhiều trong tranh cổ động giai đoạn này.

Nếu đề tài về chiến tranh, mừng Đảng, mừng chiến thắng nhiều khi vẫn có một số cách bố cục, hình tượng, lối diễn đạt theo công thức chung thì tranh về đề tài sản xuất lại được thể hiện một cách đa dạng, bố cục và cách diễn đạt không gian lạ mắt, hấp dẫn. Trong đó, nhiều bức sử dụng môtip và cách diễn đạt ước lệ của tranh dân gian làm cảm hứng cho sáng tác tranh cổ động. Ngoài không gian đồng hiện, lối diễn đạt đa điểm nhìn đã được sử dụng khá thành công và hiệu quả. Bức Tận dụng đất ven ao, hồ, vũng kênh, mương trồng khoai nước, nuôi nhiều lợn của Phạm Trí Tuệ có một cách bố cục theo lối nhìn phối cảnh ước lệ kiểu trẻ thơ. Trong bức Giữ vững, bảo vệ và phát triển đàn lợn giống ở vùng bị bão lụt của Nguyễn Đăng Phú, lối diễn tả đa điểm nhìn trong hình tượng cô gái và đàn lợn bao quanh đầy dí dỏm giống với tranh dân gian Đông Hồ. Cô gái duyên dáng ngồi nghiêng, nhìn chính diện còn đàn lợn béo mượt quây tròn bên cô nhìn từ trên xuống nhưng mõm và đuôi lợn lại nhìn chính diện. Tất cả diễn đạt được tình yêu lao động, sự quây quần đàn lợn bên cô gái như báo hiệu triển vọng phát triển của chăn nuôi.

Những giá trị và đóng góp

Tranh cổ động không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang giá trị lớn lao cổ vũ tinh thần yêu nước, niềm tin vào kháng chiến, lao động sản xuất, xây dựng đất nước... Bên cạnh đó, những tác phẩm nghệ thuật này còn truyền tải chủ trương, sách lược của Đảng.

Trong giai đoạn 1945 - 1954, tranh cổ động không nhiều màu sắc, hầu hết chỉ có hai màu đen trắng, khổ tranh nhỏ do điều kiện kháng chiến thiếu thốn. Giai đoạn 1954 - 1975, tranh cổ động gắn liền với hai cuộc kháng chiến nhưng hình thức thể hiện còn đơn giản. Từ 1975 đến nay, tranh cổ động mang hơi thở, hình thức hiện đại. Các họa sĩ đã thổi tinh thần lạc quan, yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng vào từng tác phẩm với nội dung phong phú.

Tuy nhiên, giai đoạn 1975 - 1985 là giai đoạn bản lề, ghi nhận những chuyển biến lớn lao của đất nước, bắt đầu tái hòa bình, thống nhất toàn vẹn và cả ba miền cùng nhau xây dựng CNXH. Do vậy tranh cổ động thời kỳ này về nội dung, hình thức có nhiều thay đổi và sự sáng tạo. Điểm chung của tranh là sự đổi mới về đề tài, màu sắc, cách thể hiện. Nhiều dạng bố cục, cách biểu đạt không gian mang lại hiệu quả trong nghệ thuật nhờ vào các thủ pháp tạo hình khai thác từ dân gian trong tranh cổ động giai đoạn này: đa điểm nhìn, đồng hiện, ước lệ, khái quát, cách điệu, phóng to thu nhỏ, biểu tượng... Tất cả đã được thể hiện qua tình cảm chân thực, sự sáng tạo của các họa sĩ tên tuổi, như Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Lung, Huy Thiệp, Đặng Thị Khuê, Thục Phi... Họ đã đóng góp những tác phẩm có giá trị cho nghệ thuật đồ họa hiện đại Việt Nam, ghi nhận một cách chân thực lịch sử của một thời kỳ hòa bình và xây dựng.

_______________

1. Lê Trọng Nga, Tranh cổ động Việt Nam - những thành tựu và suy nghĩ hôm nay, Tạp chí Mỹ thuật, số 236 - 2012.

2.Theo Đặng Bích Ngân, Từ điển thuật ngữ mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : ĐẶNG THỊ PHONG LAN

;