Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi: Người giữ lửa nghệ thuật Chèo truyền thống

Đã gần 80 tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi (thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi và miệt mài truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật Chèo cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm lòng khi nghe ông bộc bạch về những đam mê với nghệ thuật truyền thống hát Chèo và nỗi đau đáu về việc giữ gìn, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc tới thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi sinh năm 1946 tại thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông Hởi đã được theo bà, theo mẹ đi nghe hát Chèo sân đình. Những làn điệu Chèo đã cuốn hút ông và tình yêu Chèo cứ ngấm dần, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông. Được sự truyền dạy tận tình của người cô là nghệ nhân Nguyễn Thị Đại,  ông đã rèn luyện từ cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng chuẩn hát Chèo.

Từ năm 1962 đến năm 1963, được giao phụ trách xây dựng đội Chèo địa phương, ông Hởi đã tích cực dàn dựng và biểu diễn các vở Chèo ngắn phục vụ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và cải tiến nông cụ, như: “Đường đi đôi ngả”, “Con trâu hai nhà”, “Gặp gỡ nàng Tiên”… Đặc biệt, vở chèo ngắn “Cô đội trưởng” do ông viết kịch bản và dàn dựng đã đoạt giải Nhất tại Hội diễn các đội văn nghệ không chuyên tỉnh Hà Nam.

Năm 1964, hưởng ứng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, ông Hởi đã cùng đội Chèo thôn Phương Thượng dàn dựng một số vở Chèo ngắn như: “Đường về trận địa”, “Câu thơ thêu dở”… động viên, khích lệ tuổi trẻ lên đường đánh Mỹ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam ruột thịt. Tiết mục “Khẩu súng luyện quân” do ông Hởi dàn dựng đã đạt giải tại Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Nam Hà năm 1965.

Năm 1966, trong bối cảnh toàn dân tộc đoàn kết kháng chiến chống Mỹ, ông Hởi nhập ngũ và trở thành hạt nhân chính trong phong trào văn nghệ của đơn vị. Chính sự tham gia tích cực và sáng tác những bài hát Chèo động viên tinh thần chiến đấu đã giúp ông và các đồng đội vượt qua gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm 1971, ông trở về quê hương, được giao nhiệm vụ cùng đội văn nghệ dàn dựng và biểu diễn các vở Chèo cổ như: “Quan âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Trương Viên”, “Cô Son”, “Thái hậu Dương Vân Nga”… phục vụ nhân dân địa phương, các xã lân cận và đơn vị bộ đội.

Từ đó đến nay, dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, song ông Hởi vẫn tự mày mò nghiên cứu sáng tác được những tác phẩm Chèo, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để đội Chèo đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác. Các vở Chèo do ông sáng tác đều phù hợp với chủ đề của các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi Bác Hồ… Câu lạc bộ chèo Lê Hồ do ông góp công xây dựng và duy trì đã đạt được những thành tích đáng kể, điển hình là: Huy chương Bạc cho tác phẩm "Đất chuyển" tại Liên hoan hát Chèo không chuyên toàn quốc; Giải Ba cho một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn trong Hội thi Liên minh Hợp tác xã cụm miền Bắc; hai giải Bạc cho hai tác phẩm "Mùa lúa ơn Bác" và "Hát mừng Đảng quang vinh tại Liên hoan các CLB Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam...

Tính đến thời điểm, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi đã có gần 60 năm gắn bó với nghệ thuật Chèo, nắm vững trên 100 làn điệu Chèo cổ cùng đặc trưng của những vai diễn mẫu cổ. Đã có hơn 200 học trò được ông truyền dạy. Nhiều em đã trở thành diễn viên chính của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Con trai và con gái ông là anh Hoàng Minh Phúc và chị Hoàng Thị Uyên đều là những người yêu Chèo và có năng khiếu với môn nghệ thuật dân gian này. Từ lâu, họ đã trở thành những diễn viên chính không thể thiếu của CLB trong mỗi lần biểu diễn… Đó chính là nguồn động lực lớn lao để ông Hởi ngày càng tâm huyết hơn, cống hiến nhiều. Dù không nhận được bất cứ khoản thù lao nào, ông vẫn luôn hết mình với việc truyền dạy. Bởi với ông, nghệ thuật truyền thống như một dòng chảy không bao giờ tắt và gieo niềm đam mê cho thế hệ trẻ tương lai chính là tiếp nối dòng chảy tuyệt vời đó.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;