Giữ tiếng Then cho bản làng vùng cao

Ở Bắc Giang, người Tày, người Nùng là hai tộc người có số dân đông, chỉ đứng sau người Kinh. Đồng bào chủ yếu di cư từ Lạng Sơn, Thái Nguyên tới Bắc Giang từ nhiều thế kỷ trước. Trong đời sống hằng ngày của đồng bào từ lúc mới sinh ra đến khi mất đi đều cần đến Then. Những âm thanh của tính tẩu, tiếng sóc nhạc đã gắn bó và ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ. Đó không đơn thuần là nghệ thuật mà còn là nghi lễ tâm linh thiêng liêng.

Ở tất cả các thôn bản có người Tày - Nùng sinh sống, Then vẫn được bà con yêu thích và gìn giữ, đặc biệt là trong các nghi lễ Then. Trong đó, làm nổi bật lên vai trò của các thầy Then và những làn điệu Then với cây tính tẩu, tiếng sóc nhạc. Tiếng trầm bổng phát ra từ cây đàn Tính quyện với những lời ca, tiếng hát như đưa ta vào một không gian hư ảo, huyền bí, thế giới của thần tiên đầy bí ẩn.

Các nghi lễ Then thu hút rất nhiều người đến xem và tham gia giúp việc. Có khi chính người xem, say trong lời ca, tiếng tính, lại trở thành những người nghệ sĩ biểu diễn tự phát. Mọi người chăm chú nghe các trường đoạn, nghe các câu chuyện được thể hiện qua lời hát của thầy Then trong quá trình cúng lễ và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Sau mỗi nghi lễ Then là những niềm vui thỏa nguyện cả về tâm linh và sự thưởng thức văn hóa, đó là chính yếu tố tích cực của nghi lễ Then. Mỗi năm, vào mùa Xuân hoặc Thu lúc mùa màng, ngô sắn, thóc lúa đã thu hoạch xong và chất đầy nhà cũng là thời khắc đồng bào tổ chức các nghi lễ hát Then. Những âm điệu thiết tha ấy lại được ngân lên giữa núi rừng. Đi khắp các bản làng từ Yên Thế sang Lạng Giang, ngược Lục Ngạn lên Sơn Động, chúng ta như đắm chìm trong những không gian chứa chan đầy lời ca, tiếng nhạc huyền diệu.

Tại Bắc Giang, ngành Văn hóa đã tổ chức kiểm kê di sản Then tại các xã thuộc 5 huyện gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang và Yên Thế. Đây đều là những nơi có đông người Tày, Nùng sinh sống, trong đó nhiều thôn bản người Tày, Nùng chiếm tới 90% dân số. Nội dung kiểm kê tập trung vào nghệ nhân Then (những người làm Then tâm linh); thầy Tào; Lục hương (học trò theo học nghề Then); Lục lẻng (những người được thày Then chữa khỏi bệnh theo thầy làm con nuôi); người hát Then không chuyên nghiệp (Then văn nghệ quần chúng); các tổ chức sinh hoạt hát Then cộng đồng; những hiện vật có liên quan đến di sản hát Then; tư liệu có liên quan đến di sản hát Then (sách, báo, tạp chí, tài liệu chép tay…).

Bà Đàm Thị Mùi tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) thực hành nghi lễ Then

 

Theo báo cáo của ngành Văn hóa Bắc Giang, quá trình điều tra đã thống kê được 31 nghệ nhân làm Then, bao gồm 8 nam và 23 nữ. Từ những tư liệu do thầy Then và thầy Tào cung cấp cùng với việc trải nghiệm thực tế cho thấy, Then Tày và Then Nùng ở Bắc Giang không có sự khác biệt lớn. Các bước nghi lễ cơ bản như nhau với cùng một nội dung, mục đích. Nghi lễ Then được tổ chức khá thường xuyên tại Lạng Giang, Lục Ngạn. Ở Sơn Động lại ít Then nghi lễ, phần nhiều là Then văn nghệ. Thầy Then vốn là những người dân lao động bình thường, do những yếu tố, điều kiện cơ bản sau mà trở thành thầy Then:

Trường hợp thứ nhất: Trong gia phả dòng họ của gia đình đời trước đã có người làm Then, bàn thờ tổ tiên có thờ “phi Then” (ma Then). Theo phong tục của người Tày - Nùng, gia đình có người thờ Then phải có người nối nghề, nếu không dòng họ sẽ không có cuộc sống yên lành, may mắn vì bị phi Then trách móc. Những người này có thể lập tức biết gảy đàn, hát các đoạn Then theo từng nghi lễ (trường hợp bà Đàm Thị Mùi, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang; bà Lê Thị Mập, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn) song đa số đều tìm một thầy để học tập, hoàn thiện các kỹ năng đàn, hát, múa, cúng lễ. Người truyền nghề này có thể là người thế hệ trước trong dòng họ (bà Hoàng Thị Siêu, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn được truyền từ mẹ đẻ là bà Then Hoàng Thị Diệp).

Trường hợp thứ hai là trong dòng họ, đời trước không có người làm Then, nhưng bản thân những người muốn làm Then thực sự có năng khiếu, đam mê, có lối sống điềm đạm, ham hiểu biết, được mọi người mến mộ thường xuyên theo thầy Then để học hỏi trong các nghi lễ. Sau khi có lễ trình pháp sư - tổ sư nhà thầy, được pháp sư thừa nhận (thông qua gieo quẻ âm dương trong một nghi lễ của thầy Then tại gia đình của người học làm Then) được thầy Then nhận lời chỉ bảo (trường hợp bà Then Chu Thị Hồng Vân, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang). Sau đó, người học làm Then trải qua giai đoạn thử việc, phụ giúp cho thầy, được thầy giao cho việc từ đơn giản đến phức tạp để thực hành. Thời gian thử việc dài hay ngắn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu cùng với niềm đam mê, sự kiên trì học hỏi của học trò. Thầy được gọi là Pò thay, trò được gọi là Lục thay. Là Lục thay, khi đi cúng bao giờ cũng thỉnh báo, niệm tâm có sự hộ hành, che chở của Pò thay, mặc dù Pò thay đã mất. Pò thay mang họ gì thì quân binh của Lục thay mang họ đó, khi đi thực hiện nghi lễ phải triệu theo quân binh của Pò thay.

Then nghi lễ ở Bắc Giang gồm những hình thức sau: Lễ cầu an, giải hạn, lễ cầu tự, lễ Then gửi con, cắt tiền duyên, cầu mùa, cầu đảo, diệt trùng; lễ Then chữa bệnh; Then vui mừng, chúc tụng, ca ngợi (mừng nhà mới, mừng sinh nhật); Then dùng trong tang lễ; nghi lễ Then dùng cho thầy Then (Then tiểu lễ, đại lễ). Bên cạnh Then nghi lễ còn có Then văn nghệ. Tất cả những sinh hoạt Then giao duyên, trong lao động, sản xuất, đối đáp nam nữ đều được gọi chung là Then văn nghệ. Đó là những làn điệu được sử dụng hằng ngày trong cuộc sống để truyền tải tâm tư, tình cảm của người hát. Người hát có thể biết chơi tính tẩu hoặc không. Then văn nghệ do đó vui có, buồn có nhưng đa phần là vui và phần lớn là những bài Then phản ánh tình yêu lứa đôi, tình yêu bản làng, quê hương đất nước. Theo bà Bùi Thị Lộc ở bản Gà, xã Vân Sơn (Sơn Động): Các bài hát Then không chỉ hay về nhạc điệu mà mỗi ngôn từ còn hàm chứa nhiều tư tưởng nhân văn sâu sắc, khơi dậy trong mỗi chúng ta lòng yêu thương con người, yêu cuộc sống. Do vậy, khi Then ra đời đã gần gũi và được nhiều thế hệ người Tày - Nùng ngưỡng mộ, yêu thích và tồn tại trong đời sống tinh thần của họ bao đời nay. Ở huyện Sơn Động rất phổ biến Then văn nghệ. Số lượng câu lạc bộ Then ở Sơn Động cũng nhiều nhất với 3 Câu lạc bộ tại các xã Hữu Sản, Vân Sơn, Vĩnh Khương trên tổng số 7 Câu lạc bộ Then toàn tỉnh Bắc Giang. Then được đưa vào trình diễn trong hầu hết các buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ của huyện. Đây cũng là loại Then có nhiều sáng tác lời mới dựa trên những làn điệu cũ. Loại hình nghệ thuật này có sức lôi cuốn kỳ lạ, khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc, vất vả trong cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn thiện.

Các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Tày - Nùng. Then là phương tiện truyền tải mong ước, kỳ vọng của con người về việc thay đổi hiện thực cuộc sống, hiện thực xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Nội dung lời ca trong các nghi lễ Then thường có cả những bài diễn xướng nghiêm trang, tôn tụng đến những bài ca sinh hoạt, miêu tả xã hội. Do đó, những nội dung hư ảo, mơ hồ được giảm dần và nội dung hiện thực càng về sau càng rõ. Mỗi cuộc Then không chỉ là một cuộc hành trình lên trời để thỉnh cầu xin Ngọc Hoàng một việc của gia chủ mà còn có nhiều chương đoạn miêu tả về cuộc sống trần thế và những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân, thôn Hố Cao, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang thực hành nghi lễ Then

 

Then là sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của người Tày - Nùng, thuộc loại dân ca nghi lễ phong tục. Then đến với người dân nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cũng như khơi gợi nguồn cảm hứng nghệ thuật bằng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian. Đó là sự kết tụ nhiều dòng cảm xúc của con người. Mặt khác, Then mang tính diễn xướng tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật trong đó có thơ, ca, hát, múa, hội họa và âm nhạc nên rất gần gũi và được nhiều thế hệ người Tày - Nùng ngưỡng mộ, yêu thích và tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bảo. Điều đó chứng tỏ Then là một loại hình nghệ thuật dân gian đã có sức sống bền bỉ bên trong và có sự biến đổi thích nghi để tồn tại.

Từ năm 2019, UNESCO đã ghi danh thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then Tày -Nùng, các nhà chuyên môn cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then; tập hợp những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về Hán - Nôm nhằm tìm hiểu nguồn thư tịch cổ, các sách được người Tày - Nùng lưu giữ để hiểu rõ về nội dung các bài Then, nghi lễ, từ đó đưa ra những nhận định chính xác, phù hợp về hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tiếp tục quan tâm thành lập nhiều CLB hát Then, đàn Tính trên địa bàn có đồng bào Tày Nùng sinh sống, thu hút những người yêu Then tham gia để lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Đưa các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then vào lưu trữ bằng các phương tiện hiện đại: băng, đĩa hình, ghi âm. Đối với Then văn nghệ đã có nhiều cuộc thi, nhiều liên hoan dân ca các dân tộc được tổ chức và tạo không khí sinh hoạt phấn khởi cho đồng bào. Ngành Văn hóa tổ chức truyền dạy nghệ thuật hát Then cho con em đồng bào Tày - Nùng... qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, tránh nguy cơ mai một loại hình di sản này.

 

ĐÔNG KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;