Nghệ nhân Kim Sinh - Người “giữ lửa” cho tiếng đàn tính, hát then

Tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại TP Lạng Sơn, nghệ nhân đàn tính Hoàng Kim Sinh mang theo cả những bộ đàn tính và đồ nghề để vừa trình diễn đàn tính, vừa chế tác đàn tính phục vụ khán giả quan tâm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ nhân Kim Sinh ngồi ở một góc nhỏ khiêm nhường nhưng vẫn có nhiều du khách ghé thăm để được thử những nhạc cụ do ông chế tác

Ngồi khiêm tốn trong Không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang, nghệ nhân Kim Sinh đang hoàn thiện nốt một bộ đàn tính. Với chiếc máy khoan cắt và chiếc bào cùng bàn tay khéo léo, ông đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng để chế tác một chiếc đàn tính. Vừa làm, ông vừa chia sẻ, vì được đắm mình trong những làn điệu then và say mê tiếng đàn tính từ nhỏ nên hơn 30 năm nay ông đã chuyên tâm tìm tòi, nghiên cứu và chế tác ra những cây đàn tính. Bên cạnh đó, ông còn biểu diễn hát then, đàn tính và tham gia nhiều hội diễn, góp phần gìn giữ “hồn” văn hóa của dân tộc Tày trên mảnh đất quê hương.

Sinh năm 1967 tại thôn Trung Thành, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, vốn có năng khiếu, cậu bé Kim Sinh đã tham gia biểu diễn hát Then, hát Cọi trong những dịp lễ, hội của thôn, xã. Năm 17 tuổi, Kim Sinh trúng tuyển vào Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hà Giang, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, ông đành gác lại niềm đam mê cá nhân, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng đam mê với điệu then, tiếng đàn đã khiến ông miệt mài theo học các cụ, các ông trong bản truyền dạy và học hỏi thêm những làn điệu hát then, hát cọi ở quanh vùng. Cho đến nay, nghệ nhân Hoàng Kim Sinh đã có hơn 30 năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và chế tác ra những cây đàn tính theo đúng cung cách tiền nhân truyền lại.

Nghệ nhân Kim Sinh và cây đàn tính do ông chế tác

Nghệ nhân Kim Sinh nhớ lại, ngày xưa vì quá yêu hát then mà ông cũng mê cây đàn tính, thường ngồi hàng giờ để theo dõi cách các cụ già giỏi nghề làm đàn tính. Lớn lên, ông mày mò học làm đàn tính, điều gì không biết lại đi hỏi người già trong bản. Thời thanh niên, ông đi biểu diễn hát then khắp vùng nhưng vẫn bỏ công tự làm đàn tính vì những cây đàn tính thường dùng có tiếng đàn rất nhỏ, không được trong và vang. Hồi ấy, cây đàn tính rất quý giá, nhất là với người trong bản ông vì không ai bán, người ta chỉ tự làm nhưng với số lượng rất ít, chỉ dành để biểu diễn trên sân khấu. Ông Sinh quyết tâm học cách chế tác cây đàn tính truyền thống để thỏa mãn niềm đam mê. Từ những phác họa trên sách cổ, theo lời kể trong trí nhớ của người già trong thôn, trong bản, ông làm được phần cần đàn. Nhưng khó khăn nhất là tìm khắp vùng cũng không nơi nào có quả bầu để làm bầu đàn. Để chủ động nguyên liệu, ông tự trồng bầu để lấy quả và sang tận Lào Cai để xin giống cây bầu về trồng, do bầu ở đó quả to đẹp. Đến nay, ông Sinh vẫn tự tay chăm bón và chăm sóc nâng niu từng quả bầu để có được những quả bầu đẹp.

Nghệ nhân Kim Sinh tâm sự, để làm được một chiếc đàn tính đẹp, có âm sắc chuẩn, vừa vang vừa đúng âm đòi hỏi người thợ phải chú tâm, tỉ mỉ trong từng công đoạn chế tác. Đàn tính gồm các bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, dây đàn trước đây thường dùng tơ xe nhưng nay làm bằng dây cước Nhật, cần đàn thường làm bằng gỗ rừng. Mỏ đàn có thể làm theo yêu cầu của khách, chạm rồng hay hoa văn cổ. Hộp tạo âm là bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng của đàn. Bởi vậy cần lựa chọn những quả bầu nậm già, không bị sâu, hình dáng tròn đẹp, vỏ dày, tiếng kêu đanh thì đàn mới có âm sắc chuẩn. Sau khi lấy bầu về, nghệ nhân sẽ cắt bỏ phần ruột và ngâm nước vôi để không bị mối mọt, rồi đem phơi thật khô. Xung quanh quả bầu được chia thành các điểm để dùi lỗ với kích thước bằng nhau giúp tạo âm cho đàn.

Cần đàn được làm từ gỗ cây thừng mực

Đàn của nghệ nhân Kim Sinh chế tác nổi tiếng trong vùng bởi cây đàn rất nhẹ (cả cây đàn chỉ nặng khoảng 2 lạng), có âm sắc chuẩn, ngân vang, trầm bổng, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bí quyết của ông là cần đàn được làm bằng gỗ cây thừng mực trên rừng để cây đàn dùng được lâu mà cần không bị cong vênh, nứt nẻ. Đây là loại gỗ rất nhẹ, màu sáng, mặt gỗ mịn, ít vân, mắt. Tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công, đục đẽo chuẩn xác. Đặc biệt, việc chỉnh lỗ cho bầu đàn đòi hỏi phải có đôi tai điêu luyện và dây đàn đúng chủng loại, kích cỡ thật chuẩn cho cả 3 dây, với âm điệu riêng. Do đó, muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì nghệ nhân phải biết hát các điệu then, hiểu về những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Nghệ nhân Kim Sinh tâm sự: “Để làm ra được một cây đàn tính hoàn chỉnh phải mất tới 5-6 ngày, hơn nữa nó đòi hỏi không chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo, mà phải có niềm đam mê, yêu nghề thực sự”.

Mỗi năm nghệ nhân Kim Sinh làm ra từ 200 - 300 cây đàn tính, khách hàng của ông không chỉ trong tỉnh Cao Bằng mà khắp các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc và khách nước ngoài đến tìm mua với giá từ mấy trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/chiếc. Nghề chế tác đàn tính không chỉ là niềm đam mê mà còn đem đến nguồn thu nhập đáng kể, giúp ông cải thiện kinh tế cho gia đình.

Quả bầu khô được đục lỗ để làm bầu đàn

Nghệ nhân Kim Sinh kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi làm được cây đàn tính đầu tiên sau nhiều lần đúc rút kinh nghiệm, ông đã dành tặng món quà ý nghĩa này cho người anh trai là Nghệ nhân hát then, đàn tính Hoàng Tiến Sụng. Trong hội thi Liên hoan hát Then, đàn Tính dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang năm 2015, hai anh em nghệ nhân Hoàng Tiến Sụng và Hoàng Kim Sinh đã xuất sắc giành giải B với một tiết mục hát then.

Ngày 12-12-2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó phong trào phục dựng, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống này càng được các cấp chính chuyền địa phương quan tâm. Càng yêu nghề, nghệ nhân Kim Sinh càng mong ước gìn giữ và truyền nghề cho lớp trẻ. Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương, nghệ nhân Kim Sinh luôn là người “giữ lửa” cho niềm đam mê tiếng đàn tính, hát then của đồng bào dân tộc Tày tại huyện Quang Bình.

Ông đã truyền dạy nghề chế tác đàn tính cho con trai là anh Hoàng Văn Vệ và tận tình chỉ bảo cho những thanh niên trong và ngoài địa phương có mong muốn học nghề. Những nghệ nhân chế tác đàn tính như nghệ nhân Kim Sinh đã và đang phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong công cuộc giữ gìn, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ, tạo ra sản phẩm văn hóa vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng vừa tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;