Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV: Dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành

Sáng 8-9, Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định đã dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phụ thân.

Tham dự Lễ dâng hoa có: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang - Trưởng ban Tổ chức Ngày hội; Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Hải Nhung – Phó Trưởng ban Tổ chức; cùng các đại biểu trong ban chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, Ban giám khảo, Tổ trọng tài và các nghệ nhân, diễn viên tham gia Ngày hội.

Tại Lễ dâng hoa, các đại biểu được nghe đại diện Bảo tàng Tỉnh Bình Định trình bày về giai đoạn Bác Hồ đã sống tại Bình Định để chuẩn bị hành trang trước khi xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất để giành độc lập cho dân tộc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, khoảng trung tuần tháng 5-1909, Nguyễn Tất Thành vào Bình Định và khoảng tháng 8-1910 rời Bình Định vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh. Đến tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Như vậy, Nguyễn Tất Thành trên hành trình tìm đường cứu nước đã có hơn một năm sống tại Bình Định để chuẩn bị hành trang trước khi xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Cũng như Nghệ An, Huế, Phan Thiết… thời gian ở Bình Định rất có ý nghĩa đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Người đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” lắng đọng nhiều tinh hoa văn hóa, vang dội áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến những ngày đen tối mà người dân Bình Định cùng với cả nước trong cảnh mất nước; chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người giàu lòng yêu nước.

Mảnh đất Bình Định đau thương nhưng rất kiên trung này là nơi ba cha con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp cuối cùng, là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Từ đó, Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh vạn dặm đầy gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân.

Bình Định rất tự hào được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về làm quan Tri huyện Bình Khê, được  người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sinh sống và học tập. Tuy thời gian không dài nhưng vùng đất và con người Bình Định đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại Quảng trường Trung tâm TP Quy Nhơn. Công trình được được khởi công xây dựng vào ngày 1-8-2016 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017).

Công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành là một công trình văn hóa – lịch sử có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa tình gia đình, tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước; là sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau với sự hy sinh quên mình của lớp người đi trước.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;