Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV: Phong phú hoạt động văn hóa tại không gian trưng bày của các địa phương

Không gian trưng bày những gian hàng của các địa phương trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 tại Bình Định đã hoàn tất. Trong mỗi gian hàng, mỗi địa phương đều mang đến những sản phẩm văn hóa với sự phong phú cũng như nét đặc trưng riêng. Tất cả đã sẵn sàng để mang đến cho người xem sự đặc sắc trong trang phục truyền thống, những lễ hội của đồng bào các dân tộc... trong Ngày hội năm nay.

 

Không gian trưng bày của các tỉnh tham gia Ngày hội

Gian hàng của tỉnh Phú Yên trong Ngày hội văn hóa các dân tộc lần thứ IV tại Bình Định có chuyên đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên”. “Với vùng đất có hơn 30 đồng bào các dân tộc và chúng tôi mang những nét đặc trưng nhất của các đồng bào như người Ba Na, Ê Đê, Chăm... như: trang phục truyền thống, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống để trình diễn và trưng bày ở đây. Trong đó có lễ hội “trống đôi, còng ba, chiêng năm” của tỉnh Phú Yên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; nghi lễ trưởng thành của đồng bào Ê Đê đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... cũng sẽ được trình diễn ở đây” – đại diện không gian trưng bày tỉnh Phú Yên cho biết.

Về ẩm thực của đồng bào các dân tộc ở Phú Yên khá phong phú, với nhiều món ăn tại địa phương cũng sẽ được trưng bày tại đây như: bò một nắng, canh bùi lá sắng, các loại gia vị chấm được làm từ các loại lá rừng... Đồng thời, ẩm thực cũng là một trong những phần dự thi được thực hiện theo Ban Tổ chức.

Phú Yên có những điểm du lịch cộng đồng được công nhận tại các buôn làng, trong Ngày hội này, cũng sẽ được giới thiệu thông qua những hình ảnh trực quan gồm: 44 hình ảnh, 54 hiện vật và 9 đầu sách, bên cạnh đó, trong các chương trình nghệ thuật sẽ trình diễn những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tham gia.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: tại không gian trưng bày, chúng tôi sẽ làm gộp: trưng bày, triển lãm, ẩm thực, trích đoạn lễ hội, nghi lễ và du lịch. Trình diễn và thuyết minh du lịch sẽ được thực hiện tại không gian triển lãm.

Theo bà Mai Hương: Nếu một nghệ nhân vừa giới thiệu về văn hóa, ẩm thực và du lịch thì sẽ trọn vẹn, sinh động hơn. Trong đó, về ẩm thực, sẽ tái hiện mâm cơm của người Thái huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Điều khó khăn khi thực hiện trưng bày và thực hành tại gian hàng, theo bà Mai Hương, đó là quá trình vận chuyển các nguyên liệu này gặp nhiều khó khăn, vì vậy chúng tôi đã rất cẩn thận khi bảo quản, hút chân không, đóng tủ đá các nguyên liệu để chuẩn bị thật chu đáo cho mâm cơm như: từng chiếc lá, hay cá... Bên cạnh đó, đoàn Thanh Hóa cũng sẽ tái hiện lễ hội Chá Mùn của dân tộc Thái, kèm theo đó là các nhạc cụ như cồng chiêng, trống chiêng, khua luống...

Nhạc cụ dân tộc của người Chăm

Chia sẻ về gian hàng của tỉnh Ninh Thuận, anh Bá Văn Quýnh đang công tác tại bảo tàng Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là tỉnh có nhiều cộng đồng các dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc và đa dạng, với tiêu biểu là văn hóa Chăm và văn hóa Raglai. Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định, chúng tôi mang đến các nhạc cụ của người Chăm và người Raglai, cùng với các nghi lễ tiêu biểu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hình ảnh các di tích đặc biệt và bảo vật quốc gia, những đồ cúng lễ, sản phẩm Gốm Chăm...

Cũng dịp này, chúng tôi sẽ giới thiệu các sản phẩm du lịch như: nghề dệt truyền thống, Gốm truyền thống của người Chăm và đặc sản của của vùng đất Ninh Thuận như: nho, măng tây, táo...

Nghệ thuật làm Gốm của dân tộc Chăm được trưng bày tại Ngày hội

Đến với gian trưng bày của tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Dũng – Trưởng phòng quản lý văn hóa của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam chia sẻ: chúng tôi đã trưng bày gần như hoàn tất, trong đó có các hiện vật liên quan đến văn hóa của người Cơ Tu, Giẻ Triêng... và hình ảnh của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.

Ngày hội năm nay, bên cạnh việc giới thiệu những sản phẩm truyền thống của các đồng bào như: dệt thổ cẩm, các vật dụng hàng ngày, và nông sản OCOP đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, chúng tôi sẽ giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu có phong cảnh đẹp của Quảng Nam như: Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, Hội An...

Đồng thời, “chúng tôi cũng sẽ giới thiệu làng du lịch tiêu biểu ở Quảng Nam, ở huyện Đông Giang, được thực hiện bằng cách, sẽ có một bạn hướng dẫn viên tại điểm đó giới thiệu đặc trưng văn hóa của đồng bào Cơ Tu, và tại gian hàng cũng sẽ có chính đồng bào Cơ Tu giới thiệu về văn hóa để du khách có thể rõ hơn về bản sắc của dân tộc Cơ Tu...” – ông Trần Văn Dũng cho biết.

Tỉnh Quảng Trị đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh miền Trung sẽ giới thiệu đến với khán giả về văn hóa đặc trưng của dân tộc Bru Vân Kiều. Trong đó, các làn điệu dân ca, dân vũ, thực hành nghi thức văn hóa truyền thống như lễ mừng cơm mới sẽ được giới thiệu ở đây. Cùng với đó, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co với hai đội kéo co nam và nữ cũng được bà con dân tộc tham gia trong Ngày hội này.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;