Nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV

Từ ngày 8 đến 10-9, sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 tại tỉnh Bình Định do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với một số bộ, ngành trung ương và UBND 11 tỉnh tham gia ngày hội tổ chức. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội có sự tham gia của 11 tỉnh thuộc khu vực miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam - Ảnh: baochinhphu.vn

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra phần lễ và phần hội.

Phần lễ gồm: Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 8-9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, được phát sóng trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Bình Định, được tiếp sóng trên Đài PH-TH các tỉnh tham gia Ngày hội;

Lễ bế mạc tổng kết Ngày hội sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 10-9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH tỉnh Bình Định và tiếp sóng trên Đài PT-TH các tỉnh tham gia Ngày hội.

Phần hội với sự tham dự của 11 tỉnh, gồm các hoạt động đặc sắc, có ý nghĩa như:

Liên hoan Văn nghệ quần chúng với: Trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; độc tấu, hòa tấu nhạc cụ đồng bào các dân tộc của địa phương.

Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống sẽ được lồng ghép vào nội dung Liên hoan Văn nghệ quần chúng theo thứ tự trình diễn của mỗi đoàn.

Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương sẽ được diễn ra vào tối ngày 8-9, trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tại sân khấu Khai mạc Ngày hội. Mỗi đoàn lựa chọn và dàn dựng trích đoạn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa có giá trị đặc sắc tiêu biểu của dân tộc tại địa phương mình. Đó là, lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa được mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc tại địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.

Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương sẽ diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, từ ngày 8 đến hết ngày 10-9. Tại đó, các tỉnh trưng bày những bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc tiêu biểu của địa phương, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở nhằm phản ánh: Văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; Những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; Những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương; Trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản truyền thống tiêu biểu của địa phương; Trình diễn nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác nhạc cụ dân tộc); Giới thiệu về loại hình văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục phi vật thể quốc gia.

Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực: được diễn ra từ ngày 8 đến hết ngày 10-9 tại gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương.

Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc: diễn ra trong 3 ngày 8, 9 và 10-9, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Bình Định. 11 tỉnh sẽ tham gia thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian dân tộc: đẩy gậy, kéo co, bắn ná, bắn nỏ.

Hoạt động du lịch: bắt đầu vào lúc 9 giờ, ngày 8-9, tại gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương. Hoạt động gồm: Thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng: kỹ năng chào đón khách; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến; tìm hiểu những kiến thức cơ bản phục vụ tại các cơ sở homestay.

Các hoạt động khác trong khuôn khổ Ngày hội:

Trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”: sẽ trưng bày nghệ thuật sắp đặt (phối cảnh hệ thống giá đỡ tre, trúc, ánh sáng, thổ cẩm, ảnh màu kích thước lớn), giới thiệu 200 bức ảnh theo các nội dung: giới thiệu cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc miền Trung, những thành tựu nổi bật qua góc nhìn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền Trung.

Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc miền Trung trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, diễn ra trong 3 ngày từ 8 đến 10-9, tại Khu vực Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện. Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc miền Trung.

NGỌC BÍCH
 

;