Sáng 24-6, với kết quả 470/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 95,14%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2023. Điểm nổi bật của luật sửa đổi, bổ sung là nâng thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi, tăng trưởng.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật
Trước khi thông qua dự án luật, Quốc hội đã nghe Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Thông thoáng về thủ tục, chính sách về thị thực điện tử sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch
Về sự cần thiết ban hành Luật, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH cho rằng: Việc thực hiện các thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh bằng các phương pháp truyền thống không còn phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công hiện nay. Do vậy, việc quy định cho phép các hoạt động này được tiến hành trên môi trường điện tử sẽ phát huy hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam và người nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa, thông thoáng về thủ tục, chính sách về thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học, đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thông thoáng trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng là cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nghĩa vụ của người nước ngoài và trách nhiệm của cơ sở lưu trú, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhập cảnh, thực hiện các hoạt động tại Việt Nam. Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BCA ngày 5-1-2020 về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý người nước ngoài, trong đó, đã quy định phân cấp, phân quyền cụ thể cho các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật
Trung tướng Lê Tấn Tới cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và định hướng phát triển du lịch; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm thống nhất với Luật Du lịch năm 2017…
Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực sẽ thu hút du khách
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 và một số khoản của Điều 9 về thời hạn và giá trị của thị thực (khoản 1 và khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật).
UBTVQH đã rà soát, chỉnh lý các quy định về thời hạn của thị thực để thống nhất thay đổi cách tính “tháng” bằng tính “ngày”, trường hợp thời hạn 12 tháng được tính là 1 năm.
Theo Trung tướng Lê Tấn Tới, UBTVQH : Thị thực có giá trị nhiều lần là loại thị thực cấp cho người nước ngoài, được sử dụng để nhập xuất cảnh Việt Nam nhiều lần trong thời hạn của thị thực, cụ thể: Với thời hạn thị thực điện tử có giá trị 90 ngày thì người nước ngoài được nhập xuất cảnh không giới hạn số lần trong thời hạn của thị thực, mỗi lần nhập cảnh không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách thị thực điện tử theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh (nâng thời hạn lên không quá 90 ngày, có giá trị nhiều lần, giao Chính phủ quyết định các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử). Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, minh bạch, nhanh chóng, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian, sẽ ưu tiên lựa chọn thị thực điện tử khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 19a về các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật), Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật đã quy định việc cấp thị thực điện tử được áp dụng trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Các đại biểu bấm nút điện tử biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Về sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 (khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật), trong đó có môt số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày để thuận lợi nhất cho nước ta và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, theo UBTVQH, hiện nay, xu hướng du lịch của du khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng xuyên Việt và liên quốc gia. Ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ dưỡng biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển, trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.
Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Về ý kiến đề nghị cấp tạm trú có giá trị nhiều lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhất là các chuyên gia, nhà khoa học...; nghiên cứu, bổ sung quy định cấp tạm trú 30 ngày cho công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực là khách du lịch tham quan một số loại hình du lịch đặc biệt, Trung tướng Lê Tấn Tới giải trình, UBTVQH cho rằng, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam là một trong bốn trường hợp được xem xét, giải quyết cấp thẻ thường trú (người nước ngoài được cấp thẻ thường trú được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và sử dụng thẻ thường trú thay thị thực để nhập cảnh, xuất cảnh).
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội