Sáng 23-6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” và Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Cùng tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ; đại diện các đơn vị nghệ thuật, hãng phim, các nhà hát thuộc Bộ; lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, NSND, NSƯT...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Mở đầu hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt đã trình bày báo cáo công tác triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, việc ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 31-3-2021 của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cho người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói riêng.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt trình bày báo cáo tại hội nghị
Dự thảo Nghị định được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản là căn cứ pháp lý nói riêng.
Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được Bộ VHTTDL thực hiện đúng quy trình, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tứ" tại 2 khu vực, phía Bắc tổ chức tại Hà Nội (tháng 11-2022); phía Nam tổ chức tại TP.HCM (tháng 12-2022).
Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định gồm đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan.
Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP; Nghị định số 40/2021/NĐ-CP; bổ sung thêm đối tượng mới "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" (đây là đối tượng mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022).
Để việc quy định xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tứ" đối với đối tượng người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" phù hợp với từng loại hình của từng chuyên ngành, ngày 23-3-2023 Bộ VHTTDL đã có Công văn số 1033/BVHTTDL-TCCB gửi 9 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương đề nghị báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan đến đối tượng người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiểu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của từng đối tượng.
Tính đến ngày 10-4-2023, Bộ VHTTDL đã nhận được Công văn của 9/9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương báo cáo, đề xuất về các nội dung liên quan đến đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" trong xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng: Tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng: Nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng: Nghệ sĩ sáng tác; Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh; Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Bà Nguyệt cho hay: "Ban soạn thảo đã họp, thảo luận và thống nhất: Có một số đối tượng chưa phù hợp, cụ thể: Đối tượng "Tác giả kịch bản múa" và "Nhạc sĩ phối khí" không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; đối tượng "Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh" thuộc đối tượng xét danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; đối tượng "Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh" thuộc đối tượng xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh","Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật".
Phiên thảo luận kéo dài liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, nhận về 26 ý kiến góp ý.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Trịnh Thuý Mùi tham gia thảo luận tại Hội nghị
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Trịnh Thuý Mùi đánh giá, lần này Bộ đã đưa ra một dự thảo tương đối chi tiết và có rất nhiều mục đáng “hoan nghênh” vì đã có sửa đổi, đi sát với thực tiễn. Trong đó, “những cái bức xúc bao lâu nay đã được đề cập tới hết sức chi tiết. Tuy nhiên bà cho rằng, trong quy định, hai đối tượng nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia cần xem xét lại bởi vì 2 đối tượng trên đều nằm trong đối tượng được xét giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, mà giờ có thêm trong xét danh hiệu NSND, NSƯT thì phân định không rõ.
NSND Trịnh Thúy Mùi cũng đưa ra ý kiến về việc, nếu Giải thưởng là xét tác phẩm, danh hiệu là xét con người thì chưa hợp lý. Với sân khấu, danh hiệu NSND, NSƯT gắn liền các vai diễn, vở diễn, và tên tuổi của các nghệ sĩ. Với âm nhạc, nhạc sĩ có tác phẩm được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. “Chúng ta đang chồng chéo những cái khen thưởng thi đua từ các kỳ cuộc liên hoan, cho nên đến lúc xét giải thưởng và danh hiệu là khó xác định. Bất cứ một tác phẩm nào cũng gắn với con người. Cuối cùng, cái chúng ta xét đó vẫn trở về với con người”.
Về đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly nêu ý kiến rằng, các đối tượng: diễn viên ca múa nhạc ngâm thơ, diễn viên thuộc các lĩnh vực tuồng, chèo, dân ca, kịch nói… đã được đề cập nhưng đang thiếu đối tượng “diễn viên ca múa nhạc”. Đồng thời, NSƯT Trần Ly Ly đồng tình với ý kiến của NSND Trịnh Thuý Mùi về việc bổ sung đối tượng “chỉ huy giàn nhạc sân khấu” để xét danh hiệu NSND, NSƯT. Đây là vị trí có vai trò rất lớn, để chỉ huy một dàn nhạc 16-20 người, điều tiết toàn bộ tiết tấu của vở diễn sân khấu cũng giống như chỉ huy của các dàn nhạc vũ kịch.
Với vấn đề, NSND và NSƯT có được tham gia xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước hay không, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng hoàn toàn có thể. Bởi một bên là danh hiệu, một bên là giải thưởng. Cách phân biệt là nếu các hệ thống, giải thưởng dùng để đăng kí xét NSND, NSƯT thì không được tiếp tục đăng kí để tham gia xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng, việc tính thời gian công tác, khung thời gian 10-15-20 năm cho NSƯT, tính từ ngày biên chế, hay vào nhà hát, hay vào các Hội chưa được thực tế. Ví dụ, vào được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hay Hội Nhiếp ảnh gia thì trước đấy họ đã là những người nghệ sĩ và có tác phẩm rồi, nên có thể tính thời gian từ khi họ bắt đầu làm nghề chuyên nghiệp, như vậy mới công bằng, không thiệt thòi cho họ.
Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng mong mỏi, việc quy đổi huy chương cần lưu ý đến đặc thù của lĩnh vực điện ảnh. "Huy chương vàng điện ảnh khó gấp 100 lần sân khấu. Có thể thành lập hội đồng xét tác phẩm có giá trị, lan toả... để xét danh hiệu”.
NSND Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội đề nghị, thực tiễn hiện nay, các cuộc liên hoan sân khấu rất nhiều. Vì vậy, quy định 2 giải vàng quốc gia đối với danh hiệu NSƯT, 4 giải vàng quốc gia với danh hiệu NSND là có phần dễ dàng. NSND Trung Hiếu đề xuất tăng giải thưởng khi xét danh hiệu, để thực sự nâng cao chất lượng danh hiệu và có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu kết luận hội nghị
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục tiếp nhận các ý kiến góp ý dự thảo Nghị định đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ cũng như Cổng thông tin của Bộ VHTTDL để xin ý kiến góp ý của các quý vị đại biểu cũng như người dân và đặc biệt là chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm.
Qua các phát biểu của các đại biểu, có thể thấy, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần phải tiếp tục được nghiên cứu và trao đổi thêm. Tuy nhiên, Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã rất nỗ lực, cố gắng để cụ thể hóa các quy định của Luật Thi đua khen thưởng. Trên cơ sở kế thừa các quy định của nghị định hiện hành, thì chúng tôi cũng đã có cập nhật và bổ sung thêm những nội dung mới theo quy định pháp luật hiện hành, nhất là các pháp luật chuyên ngành, để làm sao các quy định đảm bảo được tính thống nhất của pháp luật nhưng cũng phải tính đến yếu tố tạo điều kiện thuận lợi và không để thiệt thòi cho các nghệ sĩ.
Theo đó, bổ sung thêm một số đối tượng hoạt động nghệ thuật mới: Quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; Bổ sung đối tượng xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt": cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch; Bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ (biên đạo múa trong vở diễn sân khấu; diễn viên chính trong vở diễn sân khấu; diễn viên nhạc của dàn nhạc trong các vở diễn sân khấu).
Xây dựng mới về điều kiện, tiêu chuẩn, cách tính thời gian tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật; lượng hóa về tiêu chuẩn "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" cho đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" là "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật".
Thứ trưởng cho biết, hiện nay, do vẫn trong khoảng thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định, nên các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đang gửi ý kiến góp ý về Bộ VHTTDL (từ 18-5 đến 18-7-2023), Bộ đề nghị các các cơ quan, đơn vị trực tiếp triển khai công tác xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ/tỉnh (ở Trung ương là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các Bộ/ngành; tại địa phương là các Sở VHTTDL; Sở VHTT tỉnh, thành phố): tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp cụ thể về dự thảo Nghị định, trong đó đặc biệt chú ý về đối tượng mới được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022: cho ý kiến đề xuất về đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật để đưa vào đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cho chính xác và phù hợp.
Bên cạnh đó, lấy ý kiến về cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đối với đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật" theo quy định tại điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, được tính từ thời điểm nào? nêu căn cứ tính (nội dung này đang dự kiến quy định tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị định); về cách tính cụ thể đối với tiêu chuẩn "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" theo quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được thể hiện dưới hình thức nào?
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định: "Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khoa học, khả thi, hiệu quả, bám sát thực tế để tôn vinh những nghệ sĩ có tài năng nổi trội của từng loại hình, ngành nghề nghệ thuật để tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn phải đảm bảo bảo các quy định tại Điều 66 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022”.
Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN