Chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé”

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt Nam đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày phát hành cuốn sách “Hoàng tử bé” của nhà văn nổi tiếng người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, Viện Pháp Việt Nam sẽ tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” tại Nhà hát lớn Hà Nội vào lúc 20 giờ các ngày 23 và 24-6-2023.

Các nghệ sĩ và nhà tổ chức tại buổi họp báo ra mắt chương trình

Hoàng tử bé của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry là một trong số những tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới và là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất sau Kinh Thánh và Kinh Koran. Tác phẩm là một câu chuyện kể đặc sắc, nhỏ gọn mà đầy tính triết lý, đề cập một cách duyên dáng những câu hỏi lớn về nhân sinh như tình yêu, cái chết và định mệnh. Cuốn sách này đã được dịch sang hơn 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Hoàng tử bé từng được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật và truyền thông, bao gồm các bản thu âm, phát thanh, biểu diễn trực tiếp, phim, truyền hình, múa ba-lê và opera.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp Marc-Olivier Dupin, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn tác phẩm âm nhạc do chính ông sáng tác. Lấy cảm hứng từ cuốn truyện tranh chuyển thể cùng tên của nghệ sĩ truyện tranh Joann Sfar, Hoàng tử bé của Marc-Olivier Dupin là một bản giao hưởng đầy “phóng khoáng và giàu chất thơ”, “một sự đối ngẫu tinh tế với tác phẩm lừng danh của Saint-Exupéry”. Qua giọng kể của Hứa Thanh Tú và những hình ảnh đầy biểu cảm của Joann Sfar, bản giao hưởng “như đang mời gọi chúng ta chiêm nghiệm lại áng thơ đượm nét u sầu của kiếp nhân sinh và đánh thức phần tuổi thơ đang ngủ quên trong tâm hồn mỗi người”.

Trong phần đầu tiên của buổi biểu diễn, tiếng đàn violon của nghệ sĩ tài hoa Bùi Công Duy dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Tetsuji Honna sẽ trình bày tác phẩm Se chỉ luồn kim - bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam qua phần phối khí của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng cùng hai tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp là tác phẩm L'Introduction et Rondo capriccioso cung la thứ, op.28 của Camille Saint-Saëns Khúc suy tưởng trích từ vở opera Thaïs của Jules Massenet.

Những hình vẽ minh họa được trình chiếu của Joann Sfar vừa mang đến cho tác phẩm huyền thoại này “sắc thái hiện đại cùng một nguồn năng lượng tươi mới”, vừa có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của tác giả Saint-Exupéry tới khán giả.

Nhạc trưởng Marc-Olivier Dupin, người kể chuyện Hứa Thanh Tú và nhạc trưởng Tetsuji Honna tại buổi họp báo giới thiệu chương trình

Dài 55 phút, vở diễn Hoàng tử bé lần đầu tiên công diễn tại Việt Nam với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng. Đó là Nhạc trưởng Marc-Olivier Dupin, ông từng đảm nhiệm các vị trí quản lý quan trọng như Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Paris, Tổng giám đốc của Dàn nhạc quốc gia vùng Ile de France, Giám đốc France Musique và Giám đốc âm nhạc của Radio France... Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Nhạc trưởng Tetsuji Honna - người từng đạt hàng chục giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Huân chương của Bộ VHTTDL Việt Nam. 

Trong vai trò nghệ sĩ violin solo, Bùi Công Duy là một nghệ sĩ violon Việt Nam nổi tiếng thế giới. Anh đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải Nhất và Huy chương Vàng tại Cuộc thi quốc tế Tchaikovsky dành cho các nghệ sĩ trẻ ở Saint Petersburg, Nga. Anh hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Người kể chuyện Hứa Thanh Tú là một nghệ sĩ hoạt động chuyên về mảng âm nhạc với vai trò ca sĩ đơn ca, song ca và thành viên nhóm nhạc. Cô cũng tự sáng tác và trình diễn những tác phẩm dành riêng cho các vở kịch sân khấu và phim. Từ năm 2008 đến nay, cô đã tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau tại Việt Nam và Pháp.

Joann Sfar là tác giả truyện tranh, họa sĩ minh họa, tiểu thuyết gia kiêm đạo diễn tài năng người Pháp với khả năng sáng tác vô cùng dồi dào. Là tác giả của nhiều truyện tranh, ông đặc biệt được biết đến với hai bộ truyện tranh nổi tiếng là DonjonLe Chat du rabbin (Chú mèo pháp sư), tác phẩm sau đó đã được ông chuyển thể thành phim.  

NGÔ HỒNG VÂN

;