Góp bàn về văn hóa đọc trong xã hội hiện đại

Từ khi nhân loại phát minh ra văn tự, chữ viết, sách/ tài liệu đã trở thành kênh thông tin quan trọng truyền bá tri thức và các giá trị văn hóa của xã hội loài người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đọc sách/ tài liệu trở thành một hoạt động không thể thiếu của con người để tiếp thu thông tin, tri thức và kinh nghiệm của những người đi trước, vận dụng vào thực tiễn, hoàn thiện bản thân. Văn hóa đọc với cách hiểu là thước đo mức độ tiếp thu và vận dụng sáng tạo, tri thức, kinh nghiệm, các giá trị văn hóa trong tài liệu vào thực tiễn đã trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại - xã hội thông tin. Đồng thời, sự biến đổi của xã hội ngày nay, đặc trưng là sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại dẫn tới quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động thông tin - thư viện và xuất bản tài liệu đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới với sự phát triển của văn hóa đọc

Sự kiện ra mắt CLB Book Lovers và talkshow Xây dựng văn hóa đọc trong gia đình - Ảnh: Thanh Trà

Văn hóa đọc

Những năm gần đây văn hóa đọc là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và tiếp cận ở những góc độ khác nhau với những mức độ khác nhau, do đó, có những định nghĩa về văn hóa đọc không đồng nhất.

Tiếp cận việc viết/ đọc tài liệu như một phương tiện truyền thông tin, tri thức trong tiến trình lịch sử, có thể coi việc xuất hiện và phát triển của hiện tượng đọc/ viết đã tạo ra một “lớp văn hóa” - văn hóa đọc, chiếm ưu thế trong một giai đoạn nhất định. Tsvetkova M. cho rằng, trong lịch sử nhân loại khi phương tiện thông tin bằng sách/ tài liệu chiếm ưu thế so với phương tiện thông tin truyền miệng là thời kỳ xuất hiện và phát triển của văn hóa đọc. Tương tự như vậy, văn hóa đọc sẽ bị thay thế bởi văn hóa nghe nhìn, và sau này là “văn hóa computer” hay “văn hóa ảo” (1). Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện cách tiếp cận này ở một số tác giả khi coi văn hóa nghe nhìn như một xu thế lấn át văn hóa đọc trong giai đoạn hiện tại.

Tiếp cận văn hóa đọc như một dạng văn hóa hành vi của cá nhân, đa số tác giả cho rằng việc đọc là một hoạt động nhận thức của con người, chịu tác động của các yếu tố xã hội. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu văn hóa đọc dưới góc độ văn hóa hành vi, các tác giả có những quan điểm khác nhau trong việc mô tả mức độ biểu hiện của văn hóa đọc.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động đọc là một hoạt động tinh thần của con người, và do đó hoạt động đọc cũng chính là một dạng hoạt động văn hóa của con người. Theo quan điểm đó, văn hóa đọc biểu hiện tập trung ở thói quen, nhu cầu đọc, tức là khi con người có thói quen đọc thì họ có văn hóa đọc. Wema E. cho rằng, thói quen đọc được nuôi dưỡng, hình thành trên cơ sở nhu cầu đọc, cùng với sự hỗ trợ và định hướng của gia đình được xem như là văn hóa đọc của mỗi cá nhân (2).

Không dừng lại ở thói quen đọc, một số tác giả nhấn mạnh trình độ đọc, khả năng lĩnh hội tri thức trong quá trình đọc khi xem xét, đánh giá văn hóa đọc của chủ thể. Theo quan điểm này, văn hóa đọc thể hiện chủ yếu ở trình độ đọc, kỹ năng đọc, khả năng lĩnh hội tri thức, thông tin trong tài liệu của chủ thể. Tsvetkova M. khẳng định: “Ở cấp độ cá nhân, văn hóa đọc phản ánh năng lực nhận thức và khuynh hướng tinh thần giúp cho việc nhận dạng các biểu tượng chữ in bằng võng mạc tạo nên các cảm xúc tinh thần” (3). Johnson W.A. cho rằng, việc đọc không chỉ là quá trình mà là một hệ thống văn hóa bậc cao nhằm giải mã ngôn từ của tác giả và lĩnh hội ý nghĩa của tài liệu (4).

Một số nhà nghiên cứu coi văn hóa đọc là biểu hiện phông văn hóa của con người qua các thành tố: nhu cầu hứng thú đọc, khả năng lựa chọn và định vị tài liệu, khả năng giải mã văn bản, khả năng tiếp thu và vận dụng tri thức trong tài liệu vào cuộc sống. Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm này, họ cho rằng, văn hóa đọc là tổng hợp các năng lực của chủ thể định hướng tới tài liệu, lĩnh hội tài liệu một cách sáng tạo cũng như thái độ ứng xử có văn hóa với tài liệu.

Như vậy, trên bình diện tổng quát nhất, có thể hiểu đọc là một dạng hoạt động nhận thức của con người, thực chất là quá trình giải mã và lĩnh hội thông tin trong tài liệu. Tiếp cận văn hóa đọc dưới góc độ văn hóa hành vi của con người có thể coi văn hóa đọc là thước đo trình độ, năng lực giải mã và lĩnh hội tài liệu của chủ thể việc đọc, thông qua nhận diện các năng lực định hướng tới tài liệu (có nhu cầu đọc không? đọc gì? tìm kiếm tài liệu ở đâu và như thế nào?), năng lực lĩnh hội tri thức và thông tin trong tài liệu (có giải mã được chính xác nội dung tài liệu không? có vận dụng một cách có phê phán và sáng tạo tri thức trong tài liệu vào thực tiễn hay không?) và thái độ ứng xử có văn hóa khi sử dụng và chia sẻ thông tin, tri thức trong tài liệu (có tôn trọng quyền tác giả không?) của họ.

Với cách hiểu như vậy, có thể nhận thấy văn hóa đọc trước hết là sự thể hiện các năng lực tiềm ẩn của chủ thể trong quá trình đọc, đồng thời, cũng là kết quả sự tác động nhiều yếu tố xã hội đối với họ.

Yếu tố quyết định văn hóa đọc của mỗi cá nhân chính là tổng hợp năng lực của cá nhân đó với vai trò chủ thể của việc đọc. Theo Tsvetkova M., đọc là một hoạt động nhận thức đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành văn hóa thông tin của con người, giúp họ hiểu được các ý tưởng phát minh, lĩnh hội thông tin, đồng thời sáng tạo ra tri thức mới và áp dụng trong thực tiễn (5).

Đối tượng của việc đọc là tài liệu cũng ảnh hưởng lớn tới văn hóa đọc. Nội dung của tài liệu là yếu tố quan trọng nhất hấp dẫn chủ thể của việc đọc bởi sự phù hợp với nhu cầu và năng lực của họ. Hình thức của tài liệu, cách thức trình bày tài liệu chi phối thói quen đọc và chất lượng giải mã tài liệu của người dùng.

Môi trường xã hội, bao gồm các yếu tố kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học… có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển văn hóa đọc của mỗi người. Johnson W.A. nhấn mạnh, đọc là một hiện tượng xã hội phát triển và biến đổi không ngừng theo thời gian, với gốc rễ bám sâu vào truyền thống của mỗi dân tộc (6). Các điều kiện xã hội luôn biến đổi và tác động không ngừng đến cả chủ thể của việc đọc là con người lẫn đối tượng của việc đọc là tài liệu, qua đó làm biến đổi chất lượng, trình độ của việc đọc. Văn hóa đọc vì vậy luôn biến đổi và phát triển với những sắc thái khác nhau, tùy từng giai đoạn lịch sử cũng như từng quốc gia, dân tộc.

Xã hội hiện đại và môi trường điện tử

Xã hội hiện đại được hiểu là xã hội đương thời. Theo Alvin Toffler, nhân loại đã và đang trải qua ba làn sóng văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (7). Từ cuối TK XX, đầu TK XXI đến nay đã bắt đầu xuất hiện nền văn minh hậu công nghiệp hay còn gọi là nền văn minh trí tuệ.

Xã hội hiện đại đang hình thành và phát triển với một số đặc trưng:

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ dẫn đến Cách mạng công nghiệp 4.0

Sự phát triển với tốc độ cao của khoa học và công nghệ hiện đại, với nòng cốt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ tự động hóa trên cơ sở kỹ thuật vi điện tử… đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, bản chất là cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây. Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ rất nhanh, quy mô lớn, đòi hỏi và tạo điều kiện tích hợp nhiều lĩnh vực hoạt động, tương tác đa chiều, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

Sự hình thành xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức

Nền kinh tế công nghiệp đang chuyển dần sang nền kinh tế thông tin, còn gọi là nền kinh tế tri thức, kinh tế tin học hay là kinh tế mạng. Thông tin, tri thức có vai trò ngày càng cao trong tiến trình phát triển xã hội, đồng thời dẫn đến một cuộc cách mạng trong phương thức chuyển giao thông tin, dẫn tới hình thành một xã hội thông tin, hướng tới xã hội tri thức. Trong xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức, hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm được tạo ra có xu hướng ngày càng cao, làm cho năng suất lao động được nâng lên và giá thành sản phẩm ngày càng giảm. Việc học tập, tiếp thu thông tin, nâng cao tri thức không ngừng là đòi hỏi của xã hội đối với mỗi thành viên, dẫn đến hình thành một xã hội học tập.

Sự hình thành và phát triển của môi trường điện tử

Môi trường điện tử hình thành đã tạo ra bước chuyển biến mới cho hệ thống quản lý sản xuất, khoa học và giáo dục của xã hội với những ưu thế nổi bật. Thông tin và dữ liệu được số hóa, lưu trữ và quản lý trên các bộ nhớ của máy tính và môi trường mạng, được quản trị sâu về nội dung giúp cho người đọc có thể sử dụng thông tin, tài liệu mình cần một cách hiệu quả ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, không phụ thuộc vào thời gian và không gian. Sự phát triển của các phần mềm xã hội với các tính năng tương tác, xử lý ngữ nghĩa ngày càng cao đã hỗ trợ khả năng tương tác, trao đổi thông tin cho con người.

Tuy nhiên, môi trường điện tử cũng tạo ra những thách thức mới cho con người. Ưu thế cập nhật thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng, khả năng tương tác cao trong môi trường điện tử cũng là điều kiện thuận lợi cho việc làm biến đổi thông tin, khó bảo mật thông tin, cũng như chất lượng thông tin khó được kiểm soát.

Hình thành và phát triển môi trường điện tử là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Thực hiện Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta đã từng bước tiến hành xây dựng Chính phủ điện tử. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg về Phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển môi trường điện tử tại Việt Nam.

Đặc điểm của văn hóa đọc trong xã hội hiện đại

Sự biến đổi sâu sắc các lĩnh vực hoạt động trong xã hội hiện đại đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong hoạt động đọc và văn hóa đọc, đồng thời, cũng dẫn đến những cách nhìn nhận khác nhau về văn hóa đọc. Trong khi một số người cho rằng văn hóa đọc đang dần bị thay thế bởi văn hóa computer/ văn hóa ảo thì một số khác lại khẳng định rằng, văn hóa đọc đang xuất hiện trở lại và phát triển ở mức độ cao hơn với sự hỗ trợ của tài liệu điện tử và các phương tiện hiện đại. Tsvetkova M. trong tác phẩm Cách thức máy tính hồi sinh văn hóa đọc nhấn mạnh tác động của công nghệ thông tin và viễn thông, máy tính và các phương tiện kỹ thuật số làm thay đổi tính chất và cách thức phát triển của văn hóa đọc. Bà cho rằng, “văn hóa computer” chính là sự quay lại dưới hình thức cao hơn của văn hóa đọc và nhấn mạnh “văn hóa computer đương thời như một sự biến hóa của văn hóa đọc, là kết quả sự phát triển của sách hay chính xác hơn, sự phát triển của văn bản” (8).

Xã hội hiện đại - xã hội thông tin với môi trường điện tử đã và đang tác động đến sự biến đổi tâm lý và năng lực sáng tạo của con người, qua đó làm thay đổi văn hóa đọc của họ.

Năng lực định hướng và năng lực lĩnh hội thông tin trong tài liệu phát triển ở mức độ cao hơn

Môi trường biến đổi cùng với sự hình thành một xã hội học tập làm cho nhu cầu tin của con người phát triển sâu và rộng hơn. Tài liệu số/ văn bản số đang dần chiếm ưu thế, trở thành phương tiện thông tin quan trọng nhất. Sử dụng tài liệu trong môi trường điện tử, nhu cầu tin của con người có khả năng được đáp ứng đầy đủ hơn, ở mức độ sâu hơn. Đó cũng chính là yếu tố kích thích nhu cầu tin phát triển không ngừng, tạo nên một xu hướng đọc mới không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Để tiếp cận và giải mã tài liệu trong môi trường số một cách có hiệu quả, người đọc phải phát triển một năng lực đặc thù - năng lực số, hay năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sống đã trở thành kỹ năng bắt buộc. Kỹ năng tìm kiếm thông tin, tài liệu của chủ thể hoạt động đọc vì thế cũng có điều kiện phát triển ở mức độ cao hơn.

Internet với các phần mềm xã hội và web thế hệ mới không chỉ giúp người đọc tìm kiếm tài liệu một cách dễ dàng hơn mà còn mở rộng khả năng liên kết, trao đổi thông tin trong quá trình sử dụng tài liệu. Đó là ưu thế đặc biệt của việc sử dụng tài liệu trong môi trường điện tử. Shelburne W.A. cho rằng, việc truy cập không theo dãy, đặc biệt là tham khảo chéo với các tác phẩm khác hoặc các phần khác của cùng tác phẩm ở tài liệu in là khó hơn nhiều so với tài liệu điện tử (9).

Việc người đọc có thể sử dụng nhiều liên kết, nhiều định dạng văn bản cùng lúc cũng đòi hỏi họ phải có kỹ năng xử lý thông tin cao, đặc biệt là phải có tư duy phê phán. Nhiều nghiên cứu khẳng định có sự khác biệt giữa việc lĩnh hội thông tin trong quá trình sử dụng tài liệu in và tài liệu số. Baron N.S. nhấn mạnh, đọc tài liệu số thường gắn với việc đọc dựa trên màn hình, đọc có sự hỗ trợ của máy tính bao gồm tìm kiếm, đọc lướt, siêu liên kết và trích xuất các đoạn từ các văn bản dài hơn, khác về chất so với đọc tài liệu in do bộ não con người có phản ứng khác nhau khi đọc trên màn hình và đọc tài liệu in (10).

Năng lực tư duy có tác động quyết định tới khả năng lĩnh hội tài liệu của người đọc trong môi trường điện tử cũng có những biến đổi quan trọng, bởi văn bản điện tử là loại văn bản kết hợp ngôn ngữ với âm thanh và hình ảnh - siêu văn bản. Tsvetkova M. cho rằng, cần phải phát triển tư duy theo hướng kết hợp đan xen giữa tính chất logic và ẩn dụ, giữa tính tổng hợp của các khái niệm với hình ảnh, âm thanh (11).

Nguy cơ vi phạm quyền tác giả

Người đọc có thể tiếp cận thông tin, tài liệu một cách dễ dàng hơn trong môi trường điện tử ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, với khả năng dễ dàng truy cập và sao chép tài liệu, nếu thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, bản quyền tác giả rất dễ bị xâm phạm.

Văn hóa đọc có sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm xã hội

Năng lực số tác động rất lớn tới năng lực tìm kiếm và lựa chọn tài liệu trong môi trường số. Trong thực tế, có sự chênh lệch khá lớn về các khả năng này ở những nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là những nhóm theo lứa tuổi hay theo tính chất nghề nghiệp. Năng lực tư duy cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm theo lứa tuổi, nghề nghiệp hay trình độ học vấn. Baron N.S. đã xem xét một số nghiên cứu đo lường khả năng đọc hiểu của người lớn và thanh niên về việc đọc trên giấy và đọc trên màn hình, cho rằng có sự không đồng nhất về khả năng đọc hiểu ở các nhóm khác nhau do sự khác biệt về tuổi tác của người đọc, tài liệu đọc, phương pháp thử nghiệm và kinh nghiệm trước đây của người đọc với việc đọc trên màn hình (12).

Sự phân hóa văn hóa đọc giữa các nhóm xã hội luôn tồn tại trong các giai đoạn khác nhau của xã hội, nhưng nó đặc biệt sâu sắc trong xã hội hiện đại, nơi mà việc học tập, nâng cao năng lực luôn đặt ra như những yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng có những điều kiện thuận lợi nhất cho những ai ham học hỏi, phát triển năng lực nhận thức của mình.

Phát triển văn hóa đọc trong xã hội hiện đại

Phát triển văn hóa đọc là nâng cao năng lực sáng tạo của chủ thể việc đọc trong quá trình đọc, là đòi hỏi tất yếu của xã hội hiện đại, đồng thời cũng là một quá trình lâu dài, liên tục và khá phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan.

Để phát triển văn hóa đọc trong xã hội hiện đại cần một hệ thống các tác động tổng hợp, trong đó, đặc biệt quan trọng là phát triển năng lực số, năng lực tư duy, phát triển nguồn lực thông tin, các dịch vụ thông tin hiện đại và thuận tiện, đồng thời nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trong quá trình tiếp cận và sử dụng thông tin.

Phát triển năng lực số và năng lực tư duy cho người đọc

Năng lực số và năng lực tư duy là những yếu tố quyết định nâng cao chất lượng đọc trong môi trường điện tử, cần được chú trọng nâng cao bằng nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm rất quan trọng của văn hóa đọc trong xã hội hiện đại là có sự phân hóa sâu sắc. Tùy theo năng lực, đặc biệt là năng lực sử dụng công nghệ cũng như năng lực tư duy mà mỗi người, mỗi nhóm xã hội có những trình độ đọc khác nhau. Cần nắm vững đặc điểm của mỗi nhóm, trên cơ sở đó có những biện pháp hỗ trợ giúp họ nâng cao năng lực công nghệ thông tin, hỗ trợ việc tương tác, trao đổi thông tin trong quá trình đọc để phát triển tư duy.

Phát triển các dịch vụ thông tin hiện đại, đảm bảo khả năng tương tác cao

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, con người không chỉ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn mà còn có cơ hội tăng cường khả năng tương tác, trao đổi thông tin với hiệu quả cao hơn. Các cơ quan thông tin, truyền thông, trong đó có các cơ quan thông tin - thư viện nên tăng cường ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong việc tạo lập, lưu trữ và phổ biến tài nguyên số. Đặc biệt, cần chú trọng ứng dụng các phần mềm xã hội vào triển khai các dịch vụ thông tin, hỗ trợ người đọc sử dụng tài liệu trong môi trường số ở mọi nơi, mọi lúc với hiệu quả cao.

Liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin, nâng cao chất lượng thông tin

Sự phát triển của khoa học công nghệ dẫn tới sự bùng nổ của thông tin, tài liệu. Nếu thông tin, tài liệu không được lựa chọn, xử lý, tổ chức tốt sẽ khiến người đọc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin có chất lượng và đầy đủ nhất. Ngày nay, không một cơ quan, tổ chức thông tin nào có khả năng tập hợp đầy đủ thông tin, tài liệu nếu như không có sự liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin của mình với các cơ quan khác. Đồng thời, những thành tựu của công nghệ hiện đại cũng cho phép sự liên kết đó diễn ra có hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tin, nhu cầu đọc của các nhóm xã hội khác nhau. Khả năng liên kết thông tin càng lớn càng hỗ trợ hiệu quả hơn việc phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.

Phát triển hạ tầng thông tin

Trong môi trường điện tử, nếu hạ tầng công nghệ không tương thích sẽ hạn chế khả năng tiếp cận tài liệu của người sử dụng. Đảm bảo hạ tầng thông tin hiện đại, tương thích chính là biện pháp then chốt đưa thông tin, tài liệu thích hợp tới người sử dụng một cách thuận lợi nhất.

Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật

Với ưu thế của môi trường điện tử, con người có khả năng truy cập, sử dụng, thậm chí biến đổi thông tin, tạo ra thông tin mới một cách dễ dàng. Một trong những khía cạnh quan trọng của văn hóa đọc là sự hiểu biết về quyền sử dụng thông tin và ý thức tôn trọng bản quyền tác giả của người đọc. Ý thức đó cần được xây dựng, phát triển không ngừng trong suốt cuộc đời con người, từ lúc còn ấu thơ đến tuổi già. Xây dựng, củng cố ý thức tôn trọng pháp luật là vấn đề mấu chốt của việc hình thành, phát triển thái độ ứng xử có văn hóa trong quá trình sử dụng tài liệu.

Văn hóa đọc hình thành từ khi con người có văn tự, chữ viết và luôn phát triển, biến đổi không ngừng cùng với sự phát triển của xã hội. Trong xã hội hiện đại - xã hội thông tin, văn hóa đọc không những không mất đi mà còn vận động, phát triển dưới hình thức cao hơn - văn hóa đọc trong môi trường số. Xem xét văn hóa đọc không chỉ hướng đến việc đọc sách/ tài liệu in mà còn bao hàm cả việc đọc tài liệu số. Văn hóa đọc trong môi trường số đòi hỏi những năng lực đặc biệt của con người: năng lực số, năng lực tư duy ở mức độ cao hơn, những hiểu biết vững chắc về quyền sử dụng thông tin và tôn trọng quyền tác giả.

Phát triển văn hóa đọc trong xã hội hiện đại là một vấn đề cấp thiết, đồng thời cũng là một quá trình liên tục, lâu dài và phức tạp bởi lẽ con người và tài liệu luôn biến đổi. Văn hóa đọc chỉ có thể phát triển một cách hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan tổ chức, trong đó các cơ quan cung cấp sách/ tài liệu cho cộng đồng như các cơ quan thông tin - thư viện, cơ quan xuất bản và phát hành có vai trò đặc biệt quan trọng.

________________

1, 3, 5, 8, 11. Tsvetkova, M., The way computers rehabilitate the culture of reading (Cách thức máy tính làm hồi sinh văn hóa đọc), Tạp chí điện tử LiterNet, số 77 (4), 2016.

2. Wema, E., Investigating reading culture among students in higher learning institutions in Tanzania (Điều tra văn hóa đọc trong sinh viên tại các trường đại học ở Tanzania), Tạp chí Thư viện đại học Dar es Salaam, số 13 (1), 2018, tr.4-19.

4, 6. Johnson, W.A., Reading Cultures and Education, Reading between the Lines: Perspective on Foreign Language Literacy (Văn hóa đọc và giáo dục, Đọc hiểu thấu những ẩn ý: Quan điểm về trình độ ngoại ngữ, Nxb Đại học Yale, 2003.

7. Toffler, A, Làn sóng thứ ba, Nxb Thanh niên, 2002.

9. Shelburne, W.A., E-book Usage in an Academic Library: User Attitudes and Behaviors (Sử dụng sách điện tử trong thư viện khoa học: Thái độ và hành vi của người sử dụng), Bộ sưu tập thư viện, bổ sung và dịch vụ kỹ thuật, số 2/3 (33), 2009, tr.55-59.

10, 12. Baron, N.S., Words onscreen: The fate of reading in digital world, (Chữ trên màn hình: Số phận của việc đọc trong thế giới kỹ thuật số), Nxb Đại học Oxford, 2015.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;