Năm Du lịch quốc gia 2025 : "Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới"

Tối 25-3, tại Thành phố Huế, UBND Thành phố Huế phối hợp với Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới" gắn với Festival Huế 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và các đại biểu tham dự Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia Huế 2025; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương;

Về phía TP Huế có: Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các địa phương trong nước; và đông đảo nhân dân, du khách tại Thành phố Huế.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia luân phiên hằng năm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước; đến nay, qua 20 kỳ tổ chức thành công, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển” ra với bạn bè thế giới. Nếu năm 2024, lấy chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - trải nghiệm bất tận”, Năm Du lịch quốc gia 2025 trở lại Huế lần thứ 2 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Thành phố Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng.  Với vị trí nằm ở Bắc Trung bộ, Thành phố Huế có vai trò kết nối 3 miền Bắc – Trung – Nam. Huế là vùng  địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế; chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam với 8 di sản được UNESCO ghi danh; trong đó có “Nhã nhạc cung đình Huế”, đã vang danh trên bản đồ văn hóa nhân loại, góp phần khẳng định giá trị trường tồn của nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Từ những làn điệu ca Huế sâu lắng đến những sản phẩm thủ công truyền thống như tranh làng Sình, nghề nón lá Phú Cam, nghề thêu, nghề làm gốm…; từ những phiên chợ quê mộc mạc, đến những món ăn tinh hoa ẩm thực cung đình… đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu vừa trang nhã, thanh lịch vừa đậm chất hồn quê Việt Nam. Để rồi mỗi một du khách khi đặt chân đến nơi đây đều cảm nhận được sự giao thoa hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2025, Năm Du lịch quốc gia được diễn ra tại Huế cùng với nhiều hoạt động sôi nổi và được gắn kết với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, theo hướng “kết nối sức mạnh, nhân lên lợi thế, khơi nguồn thành công”. Trong đó, hướng tới tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa các sự kiện hưởng ứng như: tuần lễ văn hóa - du lịch; lễ hội ẩm thực; các hoạt động nghệ thuật “đa dạng về loại hình - đặc sắc về nội dung”, chuyển hóa các giá trị văn hóa, công nghiệp văn hóa thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển của du lịch, với tinh thần cách làm mới, khí thế mới, âm hưởng sâu đậm từ truyền thống văn hóa – nền văn hiến ngàn năm của dân tộc thể hiện ý chí khát vọng phát triển hùng cường của đất nước trong kỷ nguyên mới.

“Trong các tháng quý 1 năm 2025, du lịch Việt Nam đã đón trên 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024; phục vụ gần 30 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 200 nghìn tỉ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định sức hút của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ giao năm 2025 đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu VHTTDL, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Bộ VHTTDL đã, đang và sẽ chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể và với Thành phố Huế, nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia để tập trung thực hiện một số nhiệm vụ lớn:

Sớm hình thành hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện, tăng cường kết nối, hỗ trợ và lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm; Phát động phong trào thi đua “Dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ ân cần, ứng xử văn minh, môi trường xanh sạch”, mang đến “Nụ cười du lịch Việt Nam”.

Phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc phù hợp với xu hướng mới: du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, miền…

 Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối điểm đến; Tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông, huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ở các nước, truyền thông qua mạng xã hội; Thúc đẩy hợp tác du lịch song phương, hợp tác thông qua các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực du lịch...

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và toàn thể nhân dân phát huy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ các trụ cột kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học để thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lễ khai mạc được tổ chức tại sân khấu ngoài trời với chương trình nghệ thuật đặc sắc

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo ngành Du lịch phát huy tốt nhất tiềm năng con người, văn hóa và thiên nhiên, lợi thế về biển, đảo, các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong hai năm 2023 và 2024, du lịch Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục và kỳ vọng sẽ tiếp tục trở lại mạnh mẽ trong năm 2025 với  mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, phấn đấu tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng.

Huế đã 2 lần vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (năm 2012 và 2025), không chỉ là sự ghi nhận vị thế của vùng đất này trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương đối với Thành phố Huế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

“Thời gian tới, ngành Du lịch cần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả phù hợp - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị, Bộ VHTTDL, các bộ, ngành, Thành phố Huế và các địa phương trên cả nước tiếp tục phát huy, thực hiện tốt việc triển khai những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với các giá trị di sản văn hóa đặc sắc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Huế nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung, cũng như cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu tại Lễ khai mạc

Chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững; thúc đẩy chuyển đổi xanh; phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hoá để thúc đẩy du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là trang bị kỹ năng nghề, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp; phát triển hạ tầng, cải thiện dịch vụ, đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế…

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cũng đề nghị Thành phố Huế tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến “Hành trình kinh đô cổ”, trong đó Huế phải là động lực, là điểm nhấn thu hút du khách đến. Đồng thời, quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thân thiện để “mỗi người dân Huế thực sự là sứ giả về văn hóa, du lịch”.

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã tin tưởng lựa chọn Huế là nơi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025, Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao mà còn là cơ hội quý báu để Huế tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

“Với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” thể hiện vinh dự lớn lao khi Thành phố Huế vừa chính thức trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương và còn là sự quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, là cơ hội để Huế khẳng định khát vọng vươn lên, đổi mới và sáng tạo, hướng tới một tương lai phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” – ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cũng cho biết, Huế mong muốn và cam kết mang đến một năm du lịch đầy sôi động với hàng loạt sự kiện, lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm tôn vinh giá trị di sản, đồng thời tạo cơ hội để du khách trải nghiệm sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Tại lễ khai mạc, du khách và nhân dân Thành phố Huế đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Lời tự tình dòng sông" thể hiện các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam.  

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 800 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và quần chúng nhân dân, cùng các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Uzbekistan, Nhật Bản… cùng nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ như trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay drone light, trống điện tử nước, nhạc nước panorama, rồng bay, dù bay.

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của hơn 800 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và quần chúng nhân dân, cùng các đoàn nghệ thuật quốc tế

AN NGỌC - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Huế

;