Chiều 25-3, tại Hà Nội, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình đã chủ trì buổi làm việc với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về tình hình triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình chủ trì buổi làm việc với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
Cùng dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đức Trung; Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Hữu Ngọc; Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo và đại diện Vụ Kế hoạch, tài chính.
Về phía Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có: Tổng Biên tập Hoàng Hà; Phó Tổng Biên tập Đặng Xuân Mã và đại diện các Ban chuyên môn của Tạp chí.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ VHTTDL, được thành lập từ năm 1973, có bề dày thương hiệu hơn 50 năm phát triển, đóng góp tích cực vào công tác quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành VHTTDL.
Trước ngày 1-3-2025, Tạp chí có chức năng nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật và gia đình. Theo Quyết định số 487/QĐ-BVHTTDL ngày 1-3-2025 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí đã được mở rộng: Tạp chí có chức năng nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ...
Từ năm 2020, thực hiện quy hoạch báo chí của Bộ VHTTDL, Tạp chí VHNT đã tiếp nhận 6 Tạp chí thuộc các Cục chuyên ngành văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam, nâng cao tầm vóc phát triển của Tạp chí. Từ chỗ xuất bản 1/kỳ tháng, từ năm 2020, Tạp chí đã tăng lên xuất bản 3 kỳ/tháng. Trong đó kỳ 1 "Nghiên cứu, thông tin lý luận" (được tính điểm khoa học): công bố các bài viết, công trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, du lịch; Kỳ 2: Xây dựng đời sống văn hóa: phản ánh các hoạt động đời sống văn hóa ở cơ sở; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Kỳ 3 "Thế giới nghệ thuật": Các bài viết giới thiệu, phản ánh các loại hình nghệ thuật, đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Từ tháng 8-2021, Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật, tại địa chỉ vanhoanghethuat.vn đi vào hoạt động, cập nhật các tin, bài, hình ảnh mới nhất phản ánh các hoạt động và sự kiện nổi bật của ngành VHTTDL và của đất nước, hướng đến đa dạng đối tượng độc giả.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tổng Biên tập Hoàng Hà nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc bám sát các nội dung, định hướng của Bộ VHTTDL Tạp chí đã tiếp tục làm sâu sắc các quan điểm của Đảng về văn hóa qua các nghị quyết Đại hội Đảng, hội nghị Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Tạp chí đã mở một số chuyên mục thu hút sự quan tâm của độc giả như: "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Dân tộc, khoa học, đại chúng"; "Xây dựng môi trường văn hóa số". "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số". "Văn hóa ứng xử"... Tập trung truyền thông chính sách: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo...
Bên cạnh đó, Tạp chí còn phối hợp với một số cơ quan đơn vị tổ chức một số tọa đàm, hội thảo thu hút sự quan tâm của dư luận; thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam”...
Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà báo cáo tại buổi làm việc
Ông Hoàng Hà cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Tạp chí vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, khắc phục về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công nghệ... Điều này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, để thích ứng và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ mới được giao. Cùng với đó, tạp chí cũng rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các cục, vụ, cơ quan chức năng. Đồng thời, Tổng Biên tập Tạp chí VHNT cũng đã báo cáo với Thứ trưởng thường trực và Đoàn công tác phương hướng , nhiệm vụ năm 2025 của Tạp chí và một số kiến nghị, đề xuất.
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các ban chuyên môn của Tạp chí VHNT đã phát biểu nêu lên những thuận lợi, khó khăn của Tạp chí cùng một số đề xuất, kiến nghị; đồng thời lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL cũng đã trao đổi về công tác phối hợp với Tạp chí, cũng như góp ý, làm rõ một số nội dung liên quan đến tình hình triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Tạp chí VHNT.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Tạp chí VHNT, đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Đó là những thách thức khi 6 tờ tạp chí chuyên ngành được sáp nhập về Tạp chí VHNT, trong khi yêu cầu đòi hỏi cao hơn nhưng vẫn phải đảm bảo tổ chức hoạt động cũng như nội dung của các lĩnh vực trên tạp chí. Bên cạnh đó còn là sự khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc…
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho biết lãnh đạo Bộ sẽ đồng hành, chia sẻ khó khăn với các đơn vị báo chí, trong đó có Tạp chí VHNT; và khẳng định, truyền thông chính sách là một trong những vấn đề lãnh đạo Bộ quan tâm thực hiện, vì thế, trong thời gian tới sẽ yêu cầu các cơ quan khối tham mưu, quản lý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong Bộ để thực hiện tốt công tác này.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Đề cập đến nội dung của Tạp chí, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình nhấn mạnh: văn hóa, nghệ thuật, thông tin, du lịch, thể thao là một dư địa rộng lớn để Tạp chí tiếp tục khai thác, phát huy qua các bài viết nghiên cứu lý luận chuyên sâu.
Gợi mở về các vấn đề cần đi sâu khai thác trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho rằng, Tạp chí cần tiếp tục khai thác các vấn đề về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, Tạp chí cũng cần có các bài viết nghiên cứu, lý luận về báo chí truyền thông, phẩm cách những người làm báo trong thời kỳ mới… Bên cạnh đó, cũng cần phản ánh, có các bài chuyên sâu về công nghiệp văn hóa, âm nhạc hàn lâm, điện ảnh, sân khấu… là những lĩnh vực được nhiều khán giả quan tâm.
Để Tạp chí ngày càng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình nhấn mạnh: Tạp chí cần quyết tâm thực hiện chuyển đổi số; đồng thời tăng cường xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài Bộ, trong đó cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến đội ngũ công tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín. Bên cạnh việc hình thành những cây viết sắc sảo ở các lĩnh vực, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên của Tạp chí.
Tạp chí cũng cần tổ chức các hội thảo khoa học với các chủ đề hấp dẫn, có sự phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khác, qua đó sẽ thu hút các đơn vị đồng hành với Tạp chí. Cũng thông qua các hội thảo, sẽ tăng vị thế cho Tạp chí, đồng thời sẽ là nơi tạo nguồn các bài viết nghiên cứu chuyên sâu cho kỳ 1.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cũng gợi mở về việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, qua đó sẽ góp phần lan tỏa giá trị, thương hiệu của Tạp chí VHNT đến với đông đảo công chúng.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình đã đề nghị các Cục, Vụ của Bộ quan tâm, hỗ trợ, phối hợp giải quyết các đề xuất của Tạp chí.
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chủ chốt của Tạp chí VHNT
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH