Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây, các giá trị văn hóa phi vật thể đã được bao thế hệ đồng bào các dân tộc lưu truyền và trong đó, nhiều di sản văn hóa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2024, Yên Bái có thêm 4 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn; Lễ “Xên đông” của người Thái Nghĩa Lộ; Nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên và Yên Bình; Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn (Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Lễ hội truyền thống tại Quyết định số 2318/QĐ-BVHTTDL ngày 9-8-2024. Đây là một lễ hội có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông. Thời điểm thiêng để tổ chức lễ hội là những ngày đầu tiên của năm mới, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông trong dịp đầu năm. Người Mông tổ chức lễ hội này để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng.
Lễ hội “Gầu Tào” là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng và là sản phẩm sở hữu chung của đồng bào, mang những giá trị rất riêng của văn hóa Mông.
Lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái Nghĩa Lộ được đưa vào vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng tại Quyết định số 2319/QĐ-BVHTTDL, ngày 9-8-2024. Lễ “Xên đông” (trong tiếng Thái “xên” có nghĩa là cúng, “đông” có nghĩa là rừng; “xên đông” tức là cúng rừng) là một tập quán xã hội và tín ngưỡng điển hình của đồng bào Thái ở khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, được cộng đồng tộc người Thái ở khu vực lòng chảo Mường Lò nói chung trao truyền và gìn giữ từ xưa đến nay. Người Thái tổ chức lễ “Xên đông” để cúng Thần rừng, cầu mong các thần linh phù hộ, che chở cho cộng đồng một năm bình an, sức khỏe, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc.
Lễ “Xên đông” là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị tinh thần to lớn, mang ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, điều hòa nguồn nước và giữ cân bằng sinh thái, hướng tới một môi trường sống xanh, hài hòa, bền vững. Sau khi Lễ “Xên đông” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tiếp tục khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại những địa bàn có số đông người Thái sinh sống. Dự kiến Lễ công bố quyết định công nhận Lễ hội “Xên đông” của người Thái Nghĩa Lộ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ được tổ chức ngày 21-12 tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Nghệ thuật “Khắp cọi” của người Tày 2 huyện Lục Yên và Yên Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL ngày 10-12-2024. Đây là loại hình dân ca đặc sắc, có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc. Đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng. Với nghệ thuật này, hai bên có thể đối đáp hoặc trình diễn cá nhân, tập thể. Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn “Khắp cọi” phổ biến có: nhị hai dây, sáo ngang và trống.
Nghệ thuật “Khắp cọi" có mặt trong đời sống hằng ngày của đồng bào Tày huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, họ có thể “khắp cọi” trong những ngày hội vui của cộng đồng làng bản, trong hội xuân, đám cưới, lên nhà mới, hát giao duyên, đối đáp, tìm hiểu, hát đón khách, thăm hỏi khi đến nhà nhau chơi. Khắp cọi đã thể hiện sức sống mãnh liệt, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, vốn di sản này đã ngày càng nhiều người thực hành, phổ biến. Điều đó toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu xa, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ.
Lễ Cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3980/QĐ-BVHTTDL, ngày 10-12-2024. Tết rừng hay lễ Cúng rừng của người Mông ở Nà Hẩu, huyện Văn Yên là nghi lễ tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông ở xã Nà Hẩu trong dịp đầu năm mới. Người Mông tổ chức lễ Cúng rừng để cúng tạ trời đất, thần linh, thần rừng phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng. Đây là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người Mông, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.
Tết rừng gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian được thể hiện xuyên suốt quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội. Hiện nay, Tết rừng ngày càng càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo để phục vụ du lịch văn hóa, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, Yên Bái hiện có 11 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tín hiệu vui, mở ra cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch cho tỉnh Yên Bái và giúp di sản đến gần hơn với công chúng.
HỒNG VÂN