Nghi lễ cúng no đủ của dân tộc Ê-đê tỉnh Đắk Lắk

Người Ê-đê tỉnh Đắk Lắk sống tại vùng đất Tây nguyên đại ngàn hùng vĩ, có rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, trong đó có Lễ cúng no đủ (Kăm Hmah Kăm Hwa). Theo truyền thống, từ 3 đến 4 năm, Lễ cúng no đủ sẽ được tổ chức 1 lần. Nghi Lễ này thường được tổ chức tại một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong.

Đây là một nghi lễ rất quan trọng của người Ê-đê, với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt; thóc lúa đầy kho, săn bắt may mắn. Sự no đủ của cộng đồng là điều mọi người đều mong mỏi, chính vì lẽ đó mà mọi gia đình, cả buôn chuẩn bị các vật dụng dưới dạng mô hình, thường được đục, đẽo, ghép từ gỗ: kho lúa (ước mơ no đủ); thần trời, ma ác (biểu trưng cho các thế lực thiên nhiên), khiên và đao (để xua đuổi tà ma); trâu, lợn rừng, nhím, mõ đuổi chim, tổ ong (ước săn bắt, hái lượm, thu hoạch được nhiều sản vật từ rừng). Bên cạnh đó là các nông cụ như chiếc cào gom cỏ, đôi gậy chọc lỗ và ống đựng thóc giống (để thực hiện nghi thức trỉa lúa).

Đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Ê-đê tỉnh Đăk Lăk tái hiện lại Nghi lễ cúng no đủ

Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 ở Quảng Trị, đoàn nghệ nhân, diễn viên dân tộc Ê-đê tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện lại Nghi lễ cúng no đủ. Không gian của nghi lễ với biểu tượng trên nương rẫy, có một chòi Pưk; trong chòi có tượng thần Yang Tao (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời; tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ, với ít lúa đã được đặt bên trong. Dưới chân chòi đặt tượng Thần Ác (Yang Lie), người xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo. 

Nghi lễ cũng no đủ bắt buộc phải cúng heo trắng. Heo sống phải khỏe mạnh, không được mắc các loại bệnh tật với mong muốn thần linh sẽ mang điều tốt lành và đem lại may mắn, no ấm cho cộng đồng. Lễ cúng no đủ khấn cầu Yàng trời, Yàng đất, thần mưa đổ nước xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ…

Thầy cúng sẽ lần lượt cúng 3 lần có tên gọi Mpu lăn (cúng thần đất, Yang Hjan, Yang thần mưa, Yang Êa thần nước, thần núi, thần sông, suối phù hộ cho dân làng…).

Lần thứ nhất, thầy cúng khấn rằng: Ơi… Yang…! Hôm nay ngay tại rẫy này. Bà con dân làng trong buôn tổ chức Nghi lễ cúng no đủ, cầu mong các thần phù hộ cho nguồn nước trong lành, dồi dào và thông suốt, không bao giờ cạn, dân làng mạnh khỏe, no ấm, mùa màng bội thu… xin thần đất, thần Nước hãy bảo vệ bà con dân làng hãy răn dạy con cháu siêng năng lao động, không trông chờ, xin thần hãy bảo vệ không được các thần ác phá hoại cây trồng vật nuôi, đừng để thú rừng phá rẫy mùa màng của dân làng, bảo vệ nguồn nước, hãy bảo vệ sức sống của con người… ơi… yang…

Cúng xong, thầy cúng cầm cần uống, rót rượu vào chén và tiếp tục cúng lần thứ hai. Cúng lần thứ hai có tên gọi Kăm Mah (cúng thần trời, thần núi, thần sông, thần suối, thần bên Đông, thần bên Tây… Thầy cúng tiếp tục khấn: Ơi… Yang! yàng ở trên trời, yàng ở dưới đất, thần núi, thần sông, thần suối... Xin các thần hãy nhận rượu, thịt, cơm dâng bày, chuyện đã xong, lòng đã thuận, cuốc đã lành, thần đã cho ngày tốt đêm ngủ giấc, từ nay ta trồng khoai không sợ nhím đến ăn, trồng khoai môn thú không đến phá, tỉa lúa vẹt không ngắt, ta nuôi trâu bò sẽ không rơi vào tay trộm, ngày lành trời tốt, ngự trong nhà mát, người đông vui...

Sau khi kết thúc lễ cúng, thầy cúng với chủ nhà cầm cần rượu, rồi lần lượt dòng họ cầm cần rượu theo phong tục nữ trước nam sau…

Cúng lần thứ ba có tên gọi Ea Hjan (cúng thần mưa, để mưa thuận gió hòa, cây trồng tươi tốt), lời thầy cúng lại vang lên: Ơ... Yang… trời… yang đất, thần núi thần suối… cầu thần mưa xuống, đổ nước xuống để người và mọi loài sống lại. Cầu mưa để người có nước trồng lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ… Ơi các thần chúng tôi gọi các thần chẳng phải chuyện gì khác đâu. Nay chúng tôi đã có cây làm chòi giữ rẫy, chúng tôi lo lắng, con cháu khóc đòi nước uống, người trẻ khóc đòi tắm, chúng tôi nghĩ đến dân làng, xin cho nước uống, nước mưa tưới tắm, để con người được sống hòa bình và yên tĩnh... ơi thần mưa… ơi thần mưa… ơi thần mưa…

Cùng lúc đó, thầy cúng và dân làng té nước trong thau tạo mưa, với ý nghĩa cầu mong thần đổ mưa xuống được đất lành nước mát, để mọi người trồng bắp được nhiều trái, tỉa lúa được nhiều bông…

Dân làng thì đi tỉa lúa, với ý nghĩa trời đã mưa mọi người dân phải đi tỉa lúa, trồng bắp trên đám rẫy và cầu mong thần cho mưa để người có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ...

Sau khi kết thúc lễ cúng, thầy cúng với chủ nhà cầm cần rượu, rồi lần lượt dòng họ cầm cần rượu theo phong tục nữ trước nam sau… nhằm cầu mong thần cho mưa xuống, cây trồng được mọc đều, lớn nhanh, thú rừng không phá rẫy nương, mong thần phù hộ, được bảo vệ cây trồng, mùa màng, và bội thu được nhiều lúa, nhiều bắp...

THÁI AN - Ảnh: TUẤN MINH

;