Đặc sắc lễ hội “Tăm Blang m’prang bon” của người M’nông tỉnh Đắk Nông

Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại Quảng Trị, đoàn nghệ nhân, diễn viên quân chúng tỉnh Đắk Nông đã trình diễn, giới thiệu tới công chúng Lễ hội “Tăm Blang m’prang bon”. Là lễ hội tiêu biểu của người M’nông Preh ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và còn gọi là lễ “Rào bon trồng cây”, thường được tổ chức khi bon làng được mùa màng bội thu, không có địch họa, không ốm đau bệnh tật, bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Lễ hội “Tăm Blang m’prang bon” thường được tổ chức với quy mô lớn, 3 đến 5 năm một lần, có sự tham gia của nhiều bon làng, được tổ chức vào mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch.

Lễ “Rào bon trồng cây”, là biểu tượng cho sức sống của cộng đồng. Cây Blang trong tâm thức của người M’nông Preh như một lực lượng “cảnh vệ” bảo vệ bon làng, bảo vệ cộng đồng, thể hiện ý chí vươn lên của cộng đồng; thân thẳng như tấm lòng của họ và cả ước muốn được trường tồn, sống lâu, bất khuất, kiên trung trong mọi hoàn cảnh. Cây Blang được cộng đồng gửi gắm, tôn thờ bởi vai trò nổi bật của nó, hàm chứa nhiều giá trị cuộc sống; trong đó, giá trị thực tế và giá trị tâm linh luôn hài hòa và tỏa sáng. Cây Blang đưa về trồng trước hàng rào. Hàng rào tượng trưng là để ngăn chặn những linh hồn xấu vào phá hoại bon làng.

Thầy cúng hướng dẫn cách sắp đặt lễ vật gồm: rượu cần, gà, một chén cơm trắng... chuẩn bị cho nghi lễ 

Theo truyền thuyết dân gian người của M’nông, ngày xưa có bộ tộc Lao Bô chuyên săn bắt người M’nông để ăn thịt, nhưng cây Blang là khắc tinh của bộ tộc Lao Bô. Vì vậy, trong lễ hội Tăm Blang M’prang Bon khi tổ chức không thể thiếu cây Blang trồng bên cạnh hàng rào...

Theo truyền thống, trước khi tiến hành lễ hội phải được bàn bạc tại nhà già làng, trưởng bon (bu ranh bon) cùng với các tộc trưởng hay các gia tộc có thế lực để đi đến thống nhất định ngày và lễ vật dâng cúng.

Lễ vật chuẩn bị gồm: gà, lúa gạo, rượu cần, nông sản…, và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy để đãi khách. Khi họp bàn công việc tổ chức và được sự thống nhất của mọi người về ngày tháng, địa điểm và quy mô, lúc này già làng kể cho con cháu về ý nghĩa của việc tổ chức lễ; già làng sẽ phân công con cháu của các bon làm công việc chuẩn bị cho lễ hội, người già ủ rượu cần, nghệ nhân các bon ngày đêm tập hát, tập múa cho hay, đánh chiêng cho giỏi; các thanh niên cả trai và gái đều ráo riết chuẩn bị thi tài; tìm nguyên liệu về làm cây nêu, tìm dây rừng về làm dây cột lễ, phụ nữ chuẩn bị ống làm cơm lam...

Theo phong tục của người M’nông Preh, chủ nhà phải hỏi thăm khách, hát đối đáp, mời thuốc, mời trầu, rượu, nước... những câu hát vui mừng đón khách được vang lên

Mở đầu lễ, các giàn chiêng tấu lên bài chiêng chào đón khách (Rhơn mpôl mpăl chop wâl - vui mừng khi khách tới nhà) nam thanh nữ tú nắm tay nhau ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh cây nêu. Lúc này các già làng tiến hành nghi thức cúng cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, dân làng, no ấm đoàn kết gắn bó.

Sau khi làm lễ hiến sinh để tế thần, gà được đem đi làm thịt - con vật hiến sinh này được chế biến tại chỗ để mời khách, một phần được chia ra cho mọi người trong bon mang về, người không đi cũng có phần. Cứ thế mọi người vừa thưởng thức món ăn cơm lam, thịt nướng, rượu cần… vừa giao lưu sinh hoạt, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các nghệ nhân hát kể Ot N’drong (sử thi) quanh đống lửa bập bùng kéo dài tận đêm khuya... tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo người dân đến xem.

Đến phần nghi lễ chính, thầy cúng hướng dẫn cách sắp đặt lễ vật gồm: rượu cần, gà, máu gà, một chén cơm Trắng (du piăng ngan), ba quả cà (pe play plân), gạo nghệ (P’heh r’mit), ớt xanh (mrăch vật), ống đựng rượu cần (dưng ndranh), đèn sáp ong (unh jrêng), than quấn bông gòn (sah onh băr m’li)… Tất cả đồ cúng được đặt trên tàu lá chuối; riêng cà đắng, ớt xanh đặt trên cái lá khác; bên cạnh là lon gạo, đèn sáp ong và bát cơm trắng.

Sau khi đón khách, thầy cúng đến bên ché rượu cần lấy một ống rượu nước đầu đổ một ít vào cây nêu, bàn thờ, cây Blang

Khi tiếng chiêng vang lên báo hiệu niềm vui lớn của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn xã Nâm Nung, cũng là lúc chủ nhà đón khách về dự lễ “Tăm Blang M’prang Bon”. Theo phong tục của người M’nông Preh, chủ nhà phải hỏi thăm khách, hát đối đáp, mời thuốc, mời trầu, rượu, nước...

Những câu hát vui mừng đón khách được vang lên: “Tiếng chiêng vang lên/ Họ vừa hét vừa giậm chân/ Họ vừa la hét vừa giơ gươm dao/ Tiếng hò hét vang đến trời cao/ Có người thi nhau hò hét/ Có người thi nhau nói chuyện/ Ngày xưa ta làm nhà chung vách/ Ngày xưa ta làm rẫy chung bờ…”.

Sau khi đón khách, thầy cúng đến bên ché rượu cần lấy một ống rượu nước đầu, đổ một ít vào cây nêu, bàn thờ, cây Blang; đồng thời ngậm một ít rượu phun lên đồ cúng. Dưới sự thành kính của các già làng và cộng đồng thầy cúng hai tay vịn vào cây Blang, trong tiếng Nung và dàn Chiêng vang lên lời thầy cúng: “Hỡi các thần, các Yang ngày hôm nay tại nơi này chúng con xin các thần linh về chứng giám làm lễ “Rào bon trồng cây”/ Chúng con trồng cây Blang nay xin cho các thần linh hãy chăm sóc cho cây tươi tốt cũng như chúng con xin các Yang chăm sóc cuộc sống của dân làng được mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật, không mắc các tệ nạn xã hội... Xin các thần linh, xin các cô hồn linh thiêng, xin thần nước Đắk Krông, thần Núi, thần Rừng, thần Đất/ Ngày hôm nay chúng con trồng cây Blang để cho cây được tươi tốt cũng như cuộc sống của người dân chúng con được tươi đẹp. Không gặp các loại bệnh tật hay tai nạn/ Xin các thần linh về với chúng con, uống rượu cần, ăn thịt heo mà chúng con đã dâng, xin cho cuộc sống được ấm no, bình an ơ Yang…".

Mọi người vui mừng, hát dân ca, đánh cồng chiêng khi lễ cúng được hoàn thành

Sau khi thực hiện xong nghi lễ, mọi người cùng nhau đánh cồng chiêng, hát dân ca, hát sử thi, trình diễn nhạc cụ và uống rượu cần, thưởng thức các món ăn ẩm thực đậm đà bản sắc của người M’nông.

THÁI AN - Ảnh: TUẤN MINH

;