Lời chúc phúc Aza trong Lễ cúng Ariêu Aza của đồng bào Pa Cô Tỉnh Quảng Trị

Lễ cúng Ariêu Aza của đồng bào Pa Cô tỉnh Quảng Trị được xem như là lễ Tết cổ truyền của họ. Đây là một nghi lễ diễn ra hằng năm, không thể thiếu của đồng bào Pa Cô. Trong khuôn khổ Ngày hội đồng bào các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại Quảng Trị, đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Vân Kiều, Pa Cô tỉnh Quảng Trị đã trình diễn trích đoạn “Lời chúc phúc Aza” trong lễ hội Ariêu Aza của đồng bào Pa Cô.

Cứ vào tháng chạp, sau khi thu hoạch mùa màng, đồng bào Pa Cô lại tổ chức cúng tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho gia đình, dòng họ, bản làng có được một năm mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc. Lễ cúng đó được gọi là “Ariêu Aza". Ariêu AZa của người Pa Cô có hai cấp độ mang tính quy mô: Ariêu AZa-Kăn (Tết nữ) và Ariêu AZa-Kõonh (Tết nam). Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, dòng họ mà người Pa Cô chọn tổ chức ở cấp độ quy mô phù hợp.

Chuẩn bị đồ cúng

Ariêu AZa-Kăn (Tết nữ) có quy mô nhỏ hơn, diễn ra trong phạm vi gia đình, dòng họ tham gia. Ariêu AZa-Koonh (Tết nam) thường được tổ chức với cấp độ và quy mô lớn hơn, ngoài sự tham gia của các thành viên trong gia đình, dòng tộc còn có sự tham gia của dòng họ khác, khách mời từ làng khác; vì thế mâm cúng dâng lễ phong phú và đủ đầy hơn, nghi lễ cúng cũng cầu kỳ và bài bản hơn. Trong lễ cúng Ariêu Aza có tục tặng quà và lời chúc phúc của con cháu, dòng tộc và khách được mời đến đối với gia chủ được xem là nghi lễ quan trọng nhất. Các món quà và lời chúc phúc đó sẽ được gia chủ làm vật dâng tế cúng cho thần linh, tổ tiên trong lễ cúng chính của gia đình, dòng họ. Qua đó mọi người cầu mong đón một năm mới có thật nhiều sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc. Đồng thời mong muốn tình cảm gắn kết giữa gia chủ với bà con đòng tộc, gia đình sui gia, cộng đồng làng bản của mình ngày càng keo sơn, bền chặt.

“Lời chúc phúc Aza” được các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn với hai trường đoạn, trường đoạn 1 là “Lời chúc phúc đời thường” và trường đoạn 2 là “Chúc phúc về đời sống tâm linh”.

Ở trường đoạn 1, trong không gian, nghi thức nơi gia đình, dòng họ tổ chức nghi lễ ở trong nhà và trước sân nhà. Một cây nêu lớn được dựng trước sân nhà (nếu là cấp độ A riêu Kăn – Tết nữ) hoặc ở sân của làng (nếu là cấp độ A riêu Kõonh - Tết nam). Đồng thời phải làm nhà đặt lễ vật dâng tế, nhà Pran là nơi nấu nướng, chuẩn bị các lễ vật dâng tế và 2 cái bếp.

Ông chủ lễ làm lễ dâng vật phẩm cúng tế

Thăm tặng quà chúc phúc Aza thường được thực hiện vào một buổi sáng tinh mơ, nhà nhà rực sáng bếp lửa hồng, nấu xôi, nướng ống thịt, ống cá để chuẩn bị lễ vật dâng tế thần linh, tổ tiên trong lễ A riêu Aza của gia đình hoặc của dòng họ.

Mọi người náo nức từ sáng sớm, chuẩn bị mâm quà mang tặng gia đình thân quý. Người được mời đến dự lễ Ariêu Aza của gia đình hoặc dòng họ chuẩn bị quà tặng là mâm bánh, ống xôi, gạo nếp và lời chúc phúc cho gia chủ. Gia đình hoặc dòng họ chủ lễ cũng chuẩn bị mâm xôi, ống cá, ống thịt nướng và ít tiền mặt để đáp lễ khách đến dự. Sau khi tiếp nhận quà và lời chúc phúc từ các vị khách đến dự, gia chủ đáp lễ bằng cách đặt ít tiền vào mâm đựng quà của khách đến dự. Tiếp theo mời khách ở lại dùng bữa cơm với gia đình, dòng họ. Cùng lúc đó, họ trao nhau những lời chúc phúc: Ku-mo tíaq khóiq nhéq yơ ke (Năm cũ đã qua đi)/ Pa-tăm akay acon (Năm mới vừa đến)/ Ku-mo tâm-me tớq loi yơ zâu (Chúc phúc đến gia đình, con cháu)/ Pa-tăm amon achău (Những điều tốt lành)/ Yôn banh Arớq arehq (Lanh lợi như chim sẻ) Prđứq a rớq i thưl.

Đến với trường đoạn thứ 2, là chúc phúc về đời sống tâm linh, trước khi cúng hoàn ân, ông chủ lễ phải làm lễ tẩy uế cho đấng thần thổ làng. Ông cầm cây chổi quét quanh cây cột lễ (cây nêu), quanh nhà lễ, nhà am Ku-Tăng, nhà am Zang Pran vừa đọc câu cúng.

 

Mỗi người một thứ, các loại rau, củ, quả và vật dụng gia đình, các loại đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, cùng với mâm lễ đem dâng tại nhà lễ

Sau đó mâm lễ được dọn lên, cứ mỗi vị thần là một con gà, 2 ống xôi nướng (đôi alỗq), hai ống cá hoặc thịt nướng (Târlỗq) và cúng chung một con heo. Trong trường hợp những gia đình khá giả, làm giàu từ cây lúa thì có thể năm năm hoặc mười năm mới làm lễ bằng con trâu, bò hoặc dê, gọi là Tana AZắq ABăn. Lễ này được cả làng ủng hộ. Nghi lễ cúng Aza, tuy chủ yếu là cúng tạ ơn cho thần lúa, nhưng các vị thần khác cũng được gọi mời, trong đó có 20 vị thần…

Trong dâng lễ chúc phúc, ông chủ lễ ngồi ở chánh đình (tại nhà lễ) chờ dâng mâm lễ. Mỗi người một thứ, các loại rau, củ, quả và vật dụng gia đình, các loại đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, cùng với mâm lễ đem dâng tại nhà lễ và ông chủ lễ lần lượt cúng cho từng vị thần một.

Mọi người cùng nhau tham gia góp vui nhảy múa trong tiếng cồng, tiếng chiêng và nhạc hội, bày tỏ tình cảm, niềm hạnh phúc...

Khi công việc cúng tế đã hoàn tất, ăn uống no đủ, mọi người cùng nhau tham gia góp vui nhảy múa trong tiếng cồng, tiếng chiêng và nhạc hội, bày tỏ tình cảm, niềm hạnh phúc và hẹn ước gặp lại nhau trong dịp lễ hội Ariêu Aza năm sau. Gia chủ cảm ơn tình cảm và sự hiện diện cùng với những món quà, sự hỗ trợ quý giá của bà con nội ngoại, anh em, họ hàng và cộng đồng làng bản, đem đến sự thành công của lễ cúng Ariêu Aza của gia đình, dòng họ. Lúc này, họ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn thông qua câu hát K-lơi (dân ca Pa Cô): Lễ tục, nghi thức thời cha ông/ Con cháu khắc ghi mãi trong lòng/ Biết ơn, dâng tế, tâm thành kính/ Thổ thần, tổ tiên mãi độ linh/ Gia đình ấm no, dòng họ phúc/ Con cháu hiếu thảo vẹn trước sau/ Cùng nhau chung sức xây đời mới/ Cuộc sống phồn vinh, bản làng vui.

AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

 

;