Một số vấn đề về sự biến đổi nhà thờ họ ở Bắc Ninh

Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, nhất là giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tăng trưởng mạnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt xã hội, trong đó có sự biến đổi của nhà thờ họ. Qua quá trình điền dã, tác giả đã tập hợp tư liệu từ 127 nhà thờ họ hiện đang tồn tại ở Bắc Ninh và nhận thấy rằng: Một số nhà thờ họ đã được tu bổ, một số được khôi phục hay xây dựng mới. Bên cạnh đó, xuất hiện xu hướng người dân làm ăn xa quê về xây dựng, tu bổ, làm đẹp các công trình nhà thờ họ để thể hiện sự quan tâm đến tổ tiên, dòng họ mình.

1. Sự biến đổi nhà thờ họ ở Bắc Ninh hiện nay

Ở Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay, phong trào khôi phục nhà thờ họ khá rầm rộ. Kinh tế - xã hội phát triển, tâm lý con người muốn tìm về cội nguồn, tìm về sự quần tụ, đoàn kết mối quan hệ huyết thống mà nhà thờ họ chính là biểu tượng của sự quần tụ ấy, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự biến đổi nhất định những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhà thờ họ ở Bắc Ninh.

Biến đổi giá trị văn hóa vật thể

Nhà thờ họ Nguyễn Thạc ở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn tiêu biểu cho loại hình nhà thờ dòng họ khoa bảng. Căn nhà có niên đại trên 300 năm, trước đây có hai nếp nhà chính, nếp nhà sau là nơi thờ tự, nếp nhà trước 7 gian là nơi ở và tiếp khách. Năm 1958, gia đình đã dỡ gian này để bán cho một đại gia ở Đồng Kỵ. Hiện nay, ông Nguyễn Thạc Sủng (con trưởng dòng họ đời thứ 10) trông nom, cai quản nhà thờ họ, nhưng gia đình ông Sủng làm nhà mới chỗ khác, còn hai gia đình người em họ của ông vẫn sinh sống trong ngôi từ đường từ nhiều năm qua.

Nhờ có sự kết hợp giữa nhà nước và chuyên gia Nhật Bản, công trình đã được phục dựng với chất lượng tốt theo đúng nguyên bản ở nếp nhà chính. Gian thờ chính nằm giữa hoành phi, câu đối, nơi để đặt bài vị của tổ tiên dòng họ Nguyễn Thạc. Đây cũng chính là nơi trưng bày sắc phong của triều Lê - Trịnh đỗ đạt trong dòng họ.

Tiền tế nhà thờ họ Đàm Thuận ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh - Ảnh: Lê Trung

Nhà thờ họ Phạm ở Xóm Ngoài, thôn Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, thờ 7 tiến sĩ họ Phạm. Sau năm 1954 (cải cách ruộng đất), dòng họ đã chia đất cho con cháu. Gia đình trưởng chi đã chuyển sang Mỹ định cư sau năm 1975. Sổ đỏ sở hữu phần đất tổ tiên hiện nay do người con thứ 3 trong họ đang ở do sự hoán đổi (đổi ngang) đất ở và canh tác trong dòng họ. Vì thế, nhà thờ họ đã có sự thay đổi chức năng, từ nhà thờ họ biến thành nhà ở. Mặt khác, một phần do nhà thờ họ vốn có chức năng quản lý của con trưởng, nhưng người con trưởng đã đi định cư ở nước ngoài, không có người phụ trách trông nom chính, nên nhà thờ họ đã bị hủy hoại, không còn kiến trúc cổ. Tuy nhiên, việc khôi phục lại nhà thờ họ Phạm đã trở nên cấp thiết và đã được sự đồng thuận giữa ba phía: người đang sở hữu sổ đỏ, đang ở thực tế với dòng họ và chính quyền địa phương. Hơn nữa, dòng họ Phạm có di tích Văn chỉ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nên nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhà nước. Vì thế, dòng họ có nguyện vọng khôi phục nhà thờ họ trên đất của di tích này từ nguồn vốn nhà nước và các thành viên trong dòng họ đóng góp tiền của và công sức cùng xây dựng lại.

Từ đường dòng họ Nguyễn Khắc do Trung Lượng tướng công (là nhà thờ bản chi thuộc đời thứ 5) sau khi về hưu đã đem ngôi Từ đường cũ công đức vào đình làng và xây dựng lại ngôi Từ đường mới ngay trên nền đất cũ làm nơi nhàn cư. Từ đường dòng họ Nguyễn Khắc là một trong số ít công trình kiến trúc nhà cổ dân gian truyền thống có niên đại khởi dựng khá sớm hiện còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Đối với dạng nhà thờ danh nhân, tiêu biểu là Khu di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại nhà thờ họ ở làng Phù Khê, ngay chính khu vực nhà ở xưa của gia đình, bao gồm nhà lưu niệm và khu trưng bày. Nhà lưu niệm là công trình phục dựng lại ngôi nhà xưa theo nguyên mẫu trên nền đất cũ, gồm nhà chính 5 gian, nhà bếp, cổng, sân vườn và rào tre. Kết cấu nhà cùng các đồ trang trí, vật dụng đơn sơ: khung tre, mái lợp rạ, ba gian ngoài để thờ tự, tiếp khách.

Sự biến đổi nhà thờ họ hiện nay theo hai xu hướng:

Thứ nhất, một số nhà thờ họ khoa bảng, danh nhân đã có tồn tại các nhà thờ họ (từ đường) lâu đời. Một số đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Trong đó, có một số đã trở thành đền thờ được dân làng và các cấp chính quyền bảo vệ chặt chẽ, có thể có sự trùng tu do công đóng góp của cộng đồng hay vốn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, trong diễn trình lịch sử, nhiều nhà thờ họ đã bị biến thành nhà dân “cải tự vi gia”. Nhiều khi do cả họ cử một người trông coi, đến khi người đó chết đi, con cái vẫn sống ở nhà thờ họ và trở thành người sở hữu đất của dòng họ. Vì thế, có sự tranh chấp quyền sở hữu. Có nhiều trường hợp thế hệ sau của dòng họ có được “sổ đỏ” và có sự tranh chấp quyền sở hữu mà dòng họ đuổi không đi, rất phức tạp.

Đối với các làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh, các làng nghề phát triển, nhà ở, các công trình tín ngưỡng tôn giáo, gồm cả nhà thờ họ và các công trình công cộng được người dân chú ý cả về quy mô lẫn hình thức thể hiện, nhiều tuyến đường dẫn đến các nhà thờ họ được bê tông hóa, khang trang. Các di tích nhà thờ họ cũng được nâng cấp. Đây chính là mặt tích cực của kinh tế thị trường giúp cho nhà thờ họ được khôi phục khang trang trong xã hội hiện nay.

Biến đổi giá trị văn hóa phi vật thể

Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, các giá trị cơ bản của văn hóa làng, xã như gia đình, dòng họ đang giảm dần ý nghĩa đối với một bộ phận người dân do bận làm ăn, lao động, mưu sinh… đã hạ thấp vai trò của gia đình, số gia đình sống theo hình thức tam đại đồng đường (ba thế hệ chung một mái nhà) ít dần... Với dòng họ, tư tưởng “gia trưởng, ngôi thứ”, sự ganh đua, hiện tượng cục bộ, bè phái... tạo ra những quan niệm tiêu cực, làm giảm bớt vai trò của dòng họ.

Sự phục hưng của văn hóa dòng họ dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực, hủ tục hồi sinh. Đó là các lễ nghi cúng tế, cỗ bàn linh đình, xây dựng nhà thờ, mồ mả nhưng lại coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, tình cảm của các thành viên trong dòng họ dẫn tới mất đoàn kết, mâu thuẫn nội tộc.

Ở nhiều làng nghề, do tính chất cạnh tranh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ vì mục đích lợi nhuận nên tình cảm dòng tộc có giảm đi. Việc sử dụng thời gian kinh doanh, sản xuất đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ gặp gỡ nhau, sự thân thiết giữa các gia đình đi vào tính khép kín, ít quan tâm đến nhau, thờ ơ với nhau… Tình trạng này cần có sự điều tiết kịp thời của cơ quan quản lý và cả trong nội bộ các họ. Cùng với đó, việc người dân từ làng lên phố thị để làm ăn, cư trú… dẫn đến các mối quan hệ của người dân trong họ tộc không được gần gũi.

Ở làng Phù Lãng, huyện Quế Võ hiện nay, nhiều họ đã đổi mới nghi thức tế lễ trong nhà thờ họ. Buổi tế lễ Tổ hằng năm có phần uy nghi rầm rộ, con cháu xa gần, trai, gái, dâu, rể, nội, ngoại đều đến dự đông vui, vị tộc trưởng đọc lời chúc tụng các vị cao niên trong họ, trình bày kế hoạch năm sau, kêu gọi dặn dò con cháu. Một số dòng họ đã có những hành động phục hưng dòng họ rất tốt, dựng cây gia phả ở nhà thờ Tổ, mua sắm đồ lễ khí, câu đối, cờ quạt, động viên con cháu xa gần đóng góp xây dựng nhà thờ họ khang trang.

Một số họ có tộc trưởng ở xa, nhưng ở quê gốc vẫn có Hội đồng Gia tộc điều hành việc họ chu toàn, thành lập các tiểu ban lo việc gia phả, lễ nghi khánh tiết, xây dựng, bảo thọ, đối ngoại, tài chính... Trưởng hội đồng được chọn là những người có uy tín trong họ. Vì thế, phong trào việc họ được phát động sôi nổi, huy động được tài năng, trí tuệ, tiền của của các con cháu xa quê đóng góp việc họ.

Vấn đề tâm lý hãnh diện giữa các dòng họ sau khi đất nước đổi mới, việc tìm về họ tộc, tổ tông được nhiều gia đình quan tâm, nhất là khi kinh tế phát triển, không còn phải lo đến cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày nữa. Nhiều người đã quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần và vị trí của mình trong xã hội và trong dòng họ.

Triết lý “Đi việc làng, bênh lấy họ/ đi việc họ, bênh lấy anh em” đã nói lên tâm lý cục bộ, tinh thần hãnh diện của từng thành viên đối với họ tộc, nhiều khi thái quá. Điều này cũng phản ánh tính chất tiểu nông, hạn hẹp của từng thành viên trong họ tộc mà chưa nghĩ đến tư cách thành viên, công dân của một cộng đồng lớn hơn như một làng, một nước.

Các nhà thờ họ là nơi quần tụ của dòng họ. Vì thế, các dòng họ thường gặp mặt, ít ra một năm có ngày giỗ họ. Các ngày rằm, mùng một những người ở gần cũng đến cúng lễ. Bên cạnh đó, có sự thay đổi trong vấn đề khuyến học: nhiều thanh thiếu niên khi đỗ đạt thường về thắp hương ở nhà thờ họ “vinh quy bái tổ”.

Tâm lý hãnh tiến của các dòng họ còn thể hiện ở sự mong muốn Nhà nước công nhận về các giá trị lịch sử văn hóa của nhà thờ họ tộc của mình. Vì thế, dòng họ này cũng có sự suy bì với dòng họ khác, hay thậm chí, cùng trong một họ tộc, hai chi tộc ở hai địa phương cũng có sự so sánh trong việc mong có bằng công nhận di tích. Đó là một mong muốn chính đáng song cũng có suy bì nhất định.

Vai trò giới tính trong dòng họ: Trong lịch sử, việc tổ chức cúng giỗ theo phong tục giao cho người con trai cả trong gia đình hoặc người đứng đầu dòng họ (giỗ họ), các anh em họ hàng thuộc hàng thứ, chi, nhánh... phải đến nhà trưởng để góp giỗ. Ngày nay, quan niệm này đã được giản thức đi, ngoài những dòng họ lớn cúng giỗ tổ chức ở nhà thờ họ, những gia đình người con trai trưởng đứng ra thờ cúng tổ tiên, các em trong họ đến ngày giỗ mang lễ đến làm giỗ chung, hoặc nhà nào cúng giỗ ở nhà ấy vì cha mẹ là chung.

Ngày xưa, việc họ chưa có vai trò của con gái, con dâu, chàng rể, có cả việc kiêng kỵ, chia phần cỗ thì con gái, con dâu không có phần. Ngày này, mọi việc đều có trách nhiệm như nhau, nam nữ bình đẳng. Có một số họ đã cho tên con gái vào sổ, con rể cũng như con dâu có quyền lợi và nghĩa vụ đối với việc họ như nhau và được ghi lại trong tộc ước.

Vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới lại càng quan trọng. Rất nhiều dòng họ ở Bắc Ninh hiện nay, người phụ nữ nắm vai trò “tay hòm chìa khóa” của một gia đình. Trong các công việc của dòng họ như làm cỗ ngày giỗ họ, đóng góp tiền nong cho ngày giỗ họ cũng do các phụ nữ đảm đương. Việc điều hành việc nhà, nắm giữ kinh tế, tần tảo như trường hợp phu nhân của ông Tổ dòng họ Nguyễn Thạc, dòng họ Ngô Lệnh Tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, vai trò của người phụ nữ lại càng quan trọng. Họ là những người đứng sau chồng để giữ tài sản, thậm chí làm các công việc kinh doanh, kinh tế. Họ có quyền bình đẳng với nam giới trong pháp luật.

2. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nhà thờ họ ở Bắc Ninh

 Xu hướng khôi phục loại hình nhà thờ họ trong thời kỳ đổi mới là do một số nguyên do sau:

Trước tiên, một số người ăn nên làm ra trong họ tộc muốn tìm về họ tộc để hướng về tổ tiên, dòng tộc nơi mình sinh ra, muốn đóng góp, trả ơn, báo hiếu và cũng là để tập hợp sức mạnh của họ hàng cùng nhau làm ăn, kinh doanh trong thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Vì thế, thành viên trong họ rất muốn có những đóng góp thiết thực với họ tộc bằng việc xây dựng khôi phục lại nhà thờ họ, xây dựng lại mộ tổ...

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế đất nước có thay đổi, một số nhà thờ họ đã được tu bổ theo nhiều phương án như: phục hồi nhà thờ họ và các đồ thờ tự theo phương châm bảo tồn cái cũ; hiện đại hóa đồ thờ trong nhà thờ họ, hoặc phục dựng, xây lại mới hoàn toàn nhà thờ họ.

Phát huy truyền thống của họ tộc thời xưa trong việc đặt ra học điền, tổ chức lễ thọ, tổ chức lễ tương tế giúp đỡ người có khó khăn kinh tế trong dòng họ. Đặt ra các giải thưởng khuyến khích con cháu học giỏi, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo…

Những dòng họ lớn, dòng họ danh nhân, chức sắc có truyền thống ở Bắc Ninh, hằng năm vẫn duy trì được các ngày giỗ tổ để tưởng nhớ về những đấng sinh thành. Vào những ngày này, con cháu từ khắp nơi trở về nhà thờ họ cùng nhau tiến lễ, thắp hương, dâng lên bàn thờ của tổ tiên, tỏ lòng thành kính, biết ơn. Trong số đó, điển hình là những dòng họ tiêu biểu như dòng họ Đàm Thận (Hương Mạc, Từ Sơn), dòng họ Nguyễn Thạc (Đình Bảng, Từ Sơn), dòng họ Nguyễn Đương (Đại Đồng, Tiên Du)...

Những năm trước, dòng họ Lý đã đón tiếp hậu duệ một quân vương họ Lý (quê hương ở Bắc Ninh) phiêu bạt sang Hàn Quốc. Tính đến nay đã ngót 9 thế kỷ mà con cháu họ Lý vẫn không nguôi nhớ về Tổ tiên xa xưa của mình.

Bên cạnh việc tổ chức ngày giỗ Tổ ở nhà thờ họ mang tính chất giáo dục trong thời kỳ đổi mới, các họ tộc còn chú ý đến việc học tập, thi cử của thế hệ trẻ làm cho dòng họ rạng danh và đóng góp nhiều cho xã hội. Huyện Yên Phong tiêu biểu có nhiều dòng họ khuyến học cho trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, phấn đấu mỗi dòng họ có từ 45% gia đình hiếu học. Chu cấp một phần cho những gia đình khó khăn (nhà giúp nhà, trích quỹ khuyến học của dòng họ...).

Nhiều họ tộc đã thành lập Ban liên lạc dòng họ, có Hội nghị đại biểu các Chi - Nhóm dòng họ được hình thành tại nhiều địa phương, hỗ trợ nhau sinh hoạt về văn hóa dòng họ cổ truyền Việt Nam. Nhiều trang web của các dòng họ được lập, đã và đang hoạt động tốt.

3. Kết luận

Trước những thay đổi của văn hóa làng xã, văn hóa họ tộc, các cấp quản lý văn hóa cần có những giải pháp cụ thể để giúp cho việc điều chỉnh đúng theo đường lối của Đảng, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xây dựng ý thức cộng đồng trong nhân dân. Nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống. Việc xây dựng văn hóa dòng họ là nhu cầu chính đáng của mỗi người và mỗi dòng họ. Việc phục dựng, tu sửa các di tích lịch sử, phục dựng và tôn tạo các nhà thờ họ, hội làng được tổ chức hằng năm, đời sống tâm linh của người dân ngày một đa dạng và luôn hướng về nguồn cội...

Tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, trong đó có du lịch tham quan nhà thờ họ (ví dụ du lịch thăm đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên, khu lưu niệm Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đền thờ dòng họ Lý ở đền Đô...).

Ðặc biệt, từ năm 2009, Bộ VHTTDL đã có văn ản đồng ý việc nghiên cứu, thiết kế, xây dựng thí điểm và chuẩn hóa mô hình Tủ sách dòng họ ở vùng nông thôn Việt Nam, trong đó có nông thôn tỉnh Bắc Ninh.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Trọng Am, Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.

2. Gourou, Pierre, Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (Bản dịch từ sách tiếng Pháp: Les Paysans du delta Tonkinois), Nxb Trẻ, TP.HCM, 2015.

3. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.

4. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.

5. Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.

PHẠM LÊ TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;