Tục thờ Tiên của người Tày, Nùng trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham (Lạng Sơn)

Cánh đồng Thất Khê nằm trong thung lũng thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Đây là vựa lúa lớn của tỉnh và cũng là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Tày, Nùng. Cánh đồng Thất Khê không chỉ cho huyện Tràng Định lợi thế về phát triển kinh tế mà còn tạo nên sắc thái văn hóa gắn với nông nghiệp rất đặc sắc. Một trong những biểu hiện tiêu biểu của văn hóa nông nghiệp vùng cánh đồng Thất Khê chính là lễ hội lồng thổng Bủng Kham (1). Lễ hội Bủng Kham có nhiều mã văn hóa thể hiện tư duy và triết lý của người Tày, Nùng. Những triết lý này không chỉ thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan mà còn là những kinh nghiệm và ước vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Trong đó, hình tượng Nàng Tiên được tôn thờ trong lễ hội ẩn chưa nhiều tục thờ gắn với tín ngưỡng nông nghiệp mà hiện nay đã phai nhạt trong cộng đồng.

Huyện Tràng Định nằm ở phía Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách tỉnh lỵ Lạng Sơn 70km về hướng Bắc. Đây là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với những di tích như khu di tích chiến thắng đường số 4, hang Cốc Mười, đồn Thất Khê đã đi vào lịch sử dân tộc. Trên địa bàn huyện Tràng Định có 6 dân tộc thiểu số cùng sinh sống gồm: Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao và Hoa. Trong đó, người Tày, Nùng chiếm phần đông và giữ vai trò chủ thể trong văn hóa. Do quá trình cộng cư từ lâu đời nên văn hóa Tày, Nùng ở Tràng Định có sự tương đồng. Tràng Định được thiên nhiên ưu đãi ban cho cánh đồng Thất Khê màu mỡ và rộng lớn với hệ thống sông ngòi tự nhiên phong phú cùng những giống lúa thơm ngon có tiếng.

Chuẩn bị lễ vật trong Lễ hội lồng thổng Bủng Kham - Ảnh: tác giả cung cấp

Lễ hội lồng thổng Bủng Kham (hay lễ hội xuống đồng) là một trong hai lễ hội lớn ở huyện Tràng Định được tổ chức thường niên vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) tại thôn Nà Phjái, xã Đại Đồng. Trước đây do điều kiện chiến tranh và kinh tế nên lễ hội đã bị gián đoạn gần 50 năm. Năm 2001, theo nguyện vọng của nhân dân và thực hiện tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội lồng thổng Bủng Kham được khôi phục và duy trì cho đến ngày hôm nay. Đây là lễ hội tiêu biểu và đặc sắc cho tín ngưỡng nông nghiệp của người Tày, Nùng vùng cánh đồng Thất Khê. Đối tượng thờ phụng trong lễ hội là Thần Nông, Thần Hoàng Trùng và Nàng Tiên. Thông qua các vị thần, người Tày Nùng gửi gắm niềm tin và ước mong thời tiết thuận hòa và bệnh dịch thoái lui để con người được bình an, hạnh phúc. Điều này thể hiện bản chất nông nghiệp sâu đậm của lễ hội lồng thổng Bủng Kham. Trong đó, hình tượng Nàng Tiên ẩn chứa nhiều mã văn hóa và tục thờ nông nghiệp đặc sắc của người Tày, Nùng.

1. Tục thờ Tiên trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham phản ánh sự tôn thờ mặt trăng trong tín ngưỡng nông nghiệp

Theo sự tích lễ hội Bủng Kham, vùng cánh đồng Thất Khê từ xưa vốn phì nhiêu, phong cảnh hữu tình. Một năm nọ có bảy nàng tiên bay qua nơi đây, trông thấy phong cảnh hữu tình nên dừng chân lại. Vì yêu mến cảnh và người Thất Khê nên các nàng dạy nhân dân biết cày cấy ruộng đồng và xe duyên cho những đôi trai gái nên vợ, nên chồng. Sau đó, bảy nàng tiên trở về trời và để lại trần gian 7 dải lụa đào. Những dải lụa này hóa thành 7 con suối chảy quanh và tưới tắm cho cánh đồng Thất Khê được bốn mùa tươi tốt (2). Bên cạnh sự tích chính được lưu trong hồ sơ lễ hội lồng thổng Bủng Kham, trong quá trình khảo sát năm 2020, chúng tôi còn được các cụ ở vùng cánh đồng Thất Khê cung cấp thêm một dị bản về sự tích nàng tiên của lễ hội Bủng Kham (3). Theo dị bản này, nàng tiên út không theo các chị bay về trời mà ở lại trần gian để kết duyên với chàng Bả Khó (4). Điều đặc biệt khi chúng tôi hỏi sâu, các cụ đều cho rằng những nàng tiên đều ở cung trăng. Trong ngôn ngữ Tày, Nùng vùng Thất Khê, những nàng tiên ở cung trăng được gọi là Nàng Hai. Môtip chuyện Nàng Tiên xuống trần dạy nhân dân canh tác nông nghiệp trong sự tích lễ hội Bủng Kham giống với sự tích lễ hội Nàng Hai ở Cao Bằng và xã Chí Minh (huyện Tràng Định). Như vậy, ta hoàn toàn có căn cứ để khẳng định Nàng Tiên trong lễ hội Bủng Kham là Nàng Hai. Nói cách khác, việc thờ Nàng Tiên/ Nàng Hai trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham chính là biểu hiện của tục thờ mặt trăng trong nông nghiệp. Tục thờ này không chỉ có ở người Tày, Nùng mà còn có cả ở người Khmer Nam Bộ (cũng vốn là cư dân nông nghiệp). Tuy nhiên, thần mặt trăng của người Tày, Nùng lại là nữ thay vì nam như người Khmer (5). Có lẽ do người Tày, Nùng chịu ảnh hưởng của thuyết âm - dương, cho rằng mặt trăng thuộc tính âm nên mang giới nữ.

Trong nông nghiệp, sự vận động tròn - khuyết của mặt trăng là yếu tố trực quan cơ bản để người nông dân nhận biết về thời gian. Sự vận động của mặt trăng và các tiết khí nóng lạnh là căn cứ cơ bản của nông lịch (hay còn gọi là sóc vọng nguyệt hoặc âm dương lịch) (6). Loại lịch này đến nay vẫn được đồng bào Tày, Nùng sử dụng trong nông nghiệp. Việc sử dụng nông lịch trong hoạt động nông nghiệp được thể hiện trong các văn bản hát Mo, Then sử dụng trong nghi lễ giải hạn đầu năm phổ biến ở vùng cánh đồng Thất Khê.

Trong tri thức nông nghiệp được phản ánh qua ca dao, tục ngữ Tày, Nùng, cách tính tháng theo nông lịch cũng là căn cứ quan trọng để người nông dân canh tác nông nghiệp đúng mùa vụ.

Gieo mạ và cấy lúa phải đúng thời vụ thì lúa mùa mới đảm bảo năng suất. Do đó, việc thờ mặt trăng hay nói cách khác là thờ mốc căn cứ để xác định nông lịch thông qua hình tượng nàng tiên phù hợp với tính chất nông nghiệp của lễ hội lồng thổng Bủng Kham. Như vậy, mặt trăng cũng là một đối tượng quan trọng trong tín ngưỡng nông nghiệp của các cư dân canh tác lúa nước. Ở người Khmer, mặt trăng được tôn thờ một cách long trọng và được tổ chức tôn vinh thành một lễ hội riêng là lễ hội Pithi sâm peak preach khe (hay Ok om bok) vào tháng Kdoeh lịch Khmer (tương ứng tháng 10 âm lịch) (7). Ngoài ra, trong lễ cúng trăng của người Khmer, một lễ vật không thể thiếu để dâng thần trăng là cốm dẹp. Tục lệ này tương đồng với phong tục cúng cốm của người Tày, Nùng vào rằm tháng 8 âm lịch. Vì vậy, có thể mặt trăng trong tín ngưỡng của các cư dân nông nghiệp còn một vai trò nữa là vị thần chủ của cây lúa.

2. Tục thờ Tiên trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham phản ánh tư duy phồn thực và triết lý âm dương của người Tày, Nùng

Ngoài mã văn hóa gắn với việc thờ mặt trăng/ nông lịch, sự phụng thờ Nàng Tiên trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham còn gắn với tín ngưỡng phồn thực. Bản chất tín ngưỡng phồn thực cũng xuất phát từ tư duy nông nghiệp. Hình tượng Nàng Tiên trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham có những đặc điểm thể hiện bản chất phồn thực như: Các vị thần linh được tôn thờ và tế lễ trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham gồm 3 vị là Thần Nông, Thần Hoàng Trùng và Nàng Tiên. Căn cứ theo văn bản tế lễ của các cụ làng Nà Phjái, xã Đại Đồng, khi tế thần trong hội, mỗi vị thần có một chức năng khác nhau mà con người mong muốn để có một cuộc sống no ấm, vụ mùa bội thu (8). Cụ thể:

Thần Nông vị thần chủ của mùa màng nên được nhân dân thờ phụng gửi gắm nguyện vọng ban cho mưa gió hài hòa để cây cối sinh trưởng tươi tốt.

Thần Hoàng Trùng đại diện cho các loại sâu phá hoại mùa màng và dịch bệnh nên được con người cầu cúng nhằm xin thần không tác oai, tác quái mà làm cho mùa màng thất bát.

Quyền năng của hai vị thần này chính là những khát khao, mong mỏi về tự nhiên và mùa vụ của người nông dân lao động.

Đối với Nàng Tiên, bên cạnh việc cầu xin phù trợ cho mùa màng bội thu, trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham, Nàng Tiên còn có một chức năng quan trọng khác đó chính là làm cho con người và vạn vật được sinh sôi. Do chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nên người Tày, Nùng rất đề cao triết lý âm dương. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của người Tày, Nùng không thiếu những câu bàn luận đến tính cân bằng giữa âm và dương. Nếu luật âm dương bị phá vỡ thì dễ gây ra sự mất ổn định. Triết lý về âm dương còn thể hiện trong các tập quán ẩm thực truyền thống trong các ngày Tết Đoan ngọ 5-5, Tết So lộc 6-6 và Tết tháng bảy, người Tày, Nùng thường ăn các món có tính mát để cân bằng cơ thể với cái nóng của mùa hè như thịt vịt, bún, bánh gio… Còn Tết Đông chí (tiết trời lạnh nhất trong năm), người Tày, Nùng ở Thất Khê lại thường làm bánh coóng phù (bánh trôi nước) ăn với nước đường gừng hoặc canh xương để làm ấm cơ thể chống lại sự buốt giá của mùa đông miền núi.

Theo triết lý âm dương, muốn có sự sinh sôi, nảy nở phải có sự cân bằng giữa âm và dương. Sự cân bằng về âm dương này thể hiện trong quyền năng kết duyên cho trai gái của Nàng Tiên. Kết duyên là một yếu tố hàng đầu để âm dương cân bằng và có sự hòa nhập. Chức năng này của Nàng Tiên không chỉ xuất hiện trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham mà còn cả trong lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng và xã Chí Minh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Trong các lễ hội Nàng Hai, khi mời Nàng Tiên Trăng xuống trần gian và nhập hồn vào các cô gái đã được lựa chọn, người trần thông qua lời hát lượn hai sẽ hỏi Nàng Hai các vấn đề trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống. Vấn đề được người trần hỏi Nàng Hai nhiều nhất là chuyện tình duyên. Thông qua lời hát, Nàng Hai sẽ trả lời những câu hỏi của người trần bằng lời lẽ yêu thương, thông cảm và an ủi (9). Bên cạnh đó, lễ hội Nàng Hai còn là những cuộc hát giao duyên, kết bạn giữa người Tiên và người trần rất đặc sắc. Đây cũng là một biểu hiện cho thấy việc thờ phụng Nàng Hai phản ánh tư duy phồn thực. Hội lồng thổng Bủng Kham tuy không có những cuộc hát đối đáp như hội Nàng Hai, nhưng đã có sự xác lập vai trò của Nàng Tiên trong chức năng kết nối âm dương thông qua tình duyên bằng văn bản tế lễ. Đối với tự nhiên, sự hài hòa âm dương tạo ra mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển. Đối với con người, sự cân bằng âm dương tạo ra những thế hệ người có đủ cả sức mạnh, trí tuệ (nam thanh nữ tú, học hành giỏi giang, thành tài) để phục vụ lao động sản xuất và dựng xây đất nước.

Ngoài ra, hình tượng Nàng Tiên gắn với con số 7 cũng là một yếu tố phản ánh quan niệm về sự cân bằng âm dương trong văn hóa Tày, Nùng. So sánh văn bản sự tích lễ hội lồng thổng Bủng Kham và những lễ hội ở các địa phương trong vùng văn hóa Tày, Nùng như lễ hội Nàng Hai ở Cao Bằng, lễ hội Nàng Hai xã Chí Minh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), lễ hội chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) (10), ta thấy số lượng Nàng Tiên đều xuất hiện với con số 7. Bên cạnh đó, các câu chuyện cổ tích lưu truyền trong dân gian như câu chuyện Ò Pjạ - Chàng mồ côi (11), Lủc pjạ (Con mồ côi, dị bản 2 của chuyện mồ côi) cũng có môtip tương tự khi nhắc đến chi tiết 7 nàng tiên xuống trần gian hái dâu và nàng tiên út trở thành vợ của chàng mồ côi. Như vậy, giữa Nàng Tiên (cụ thể là Tiên Trăng/ Nàng Hai) với con số 7 dường như có một mối liên quan rất chặt chẽ và là một mã văn hóa quan trọng để giải thích vai trò của Nàng Hai đối với việc duy trì thế cân bằng giữa âm và dương trong tự nhiên cũng như con người. Dựa trên nguyên lý âm dương và quan niệm về các con số, chúng tôi cho rằng: Con số 7 là con số tượng trưng cho dương tính (suy rộng ra có thể hiểu là mặt trời), các nàng tiên và mặt trăng đều thuộc về tính âm. Như vậy số lượng 7 và hình tượng các nàng tiên có thể muốn nói đến sự cân bằng về âm và dương, sự chuyển hóa giữa ngày - đêm và mối liên quan giữa mặt trời với mặt trăng. Như vậy, sự xuất hiện của các nàng tiên trong con số 7 cũng thể hiện triết lý về âm dương, ngũ hành trong văn hóa truyền thống người Tày, Nùng.

Như trên đã nói, khi khảo sát lễ hội lồng thổng Bủng Kham, chúng tôi có sưu tầm được 1 dị bản ngoài sự tích đã được đưa vào trong hồ sơ lễ hội. Nội dung dị bản này khác với bản được lưu giữ trong hồ sơ lễ hội ở chi tiết nàng tiên út không trở về trời mà ở lại trần gian kết hôn với chàng Bả Khó. Dị bản này phù hợp với hầu hết các câu chuyện cổ tích lưu truyền trong vùng cánh đồng Thất Khê với môtip người lấy vợ tiên. Chi tiết này cũng phần nào cho thấy khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và tư duy phồn thực của người Tày, Nùng.

3. Tục thờ Tiên phản ánh sự thờ phụng cây lúa trong tín ngưỡng nông nghiệp của người Tày, Nùng ở vùng cánh đồng Thất Khê

Bên cạnh việc Nàng Tiên Trăng hiện ra trong lễ hội Bủng Kham của người Tày với tư cách đại diện cho lịch/ thời vụ nông nghiệp và mong ước phồn thực, còn gắn với sự tích hình thành cây lúa. Trong kho tàng truyện cổ tích Tày, Nùng đã được công bố và in thành sách như hiện nay, chúng tôi nhận thấy rất ít những câu chuyện giải thích sự hình thành và phát triển của cây lúa một cách độc lập mà chủ yếu xuất hiện trong chi tiết nhỏ của một số câu chuyện như Ò pjạ - Chàng mồ côiBáo luông - Slao cải. Đặc biệt, hầu hết những câu chuyện giải thích về sự hình thành và phát triển của cây lúa thường gắn với hình tượng Nàng Tiên mà cụ thể là Nàng Hai. Ở các câu chuyện Ò Pjạ - Chàng mồ côi, Lủc pjạ (12) sưu tầm ở vùng Thất Khê, Tri Phương, Quốc Khánh (huyện Tràng Định) và sự tích giếng tiên làng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) (13) đều có nhắc đến chi tiết nàng tiên dùng gỉ mũi nhét vào thân cây lúa làm cây lúa có đốt như hiện nay. Điều này thể hiện sức mạnh chế ngự của Nàng Hai đối với cây lúa và có thể điều khiển cây lúa phát triển theo ý muốn của mình. Đó là một trong những chi tiết thể hiện “chủ quyền” của Nàng Hai đối với cây lúa trong văn hóa Tày, Nùng. Đặc biệt, trong lễ hội Nàng Hai, khi đoàn người lên đến cung trăng còn được Nàng Khắc Cơ (một trong những Nàng Tiên Trăng) ban cho hạt giống lúa (14).

Trong các lễ, Tết hằng năm của người Tày, Nùng nói chung và ở vùng cánh đồng Thất Khê nói riêng còn có tục cúng cốm nếp dâng thần linh và tổ tiên vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Trong các vị thần linh được mời đến để tiến cốm có cả Nàng Hai (15). Trải qua thời gian với nhiều lớp văn hóa phủ lên, nghi lễ cúng cốm người Tày, Nùng ở Thất Khê hiện nay đã không còn dành cho Nàng Hai và cũng ít phổ biến. Tuy nhiên ở một số vùng, lệ tiến cốm vào tháng 8 vẫn được dành để tôn vinh nữ thần mặt trăng. Hiện nay, nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm (Thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vẫn duy trì nghi lễ then Tẳng nàng Hai (đón nàng Trăng) với mục đích dâng các lễ vật như cốm, bánh nướng, bánh dẻo lên cung trăng và mời Nàng Hai xuống trần gian ban phước cho người trần. Ngoài nghệ nhân Nông Thị Lìm còn có một số nghệ nhân khác như Nguyễn Văn Thọ (xã Đề Thám, huyện Tràng Định) cũng có lệ đón Nàng Hai từ cung trăng xuống vui với người trần gian vào tháng 8 âm lịch. Trong các lễ vật cúng Nàng Hai, cốm là thứ không thể thiếu. Phong tục cúng cốm ngày rằm tháng 8 không chỉ có ở người Tày mà cả người Khmer Nam Bộ cũng dùng cốm để cúng mặt trăng vào dịp lễ hội Ok om bok. Điều này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa hình tượng Nàng Hai (mặt Trăng) và cây lúa.

Như vậy, phải chăng hình tượng Nàng Hai cũng chính là hình tượng nữ thần lúa? Và việc thờ phụng Nàng Tiên trong lễ hội Bủng Kham cũng là thờ phụng cây lúa. Cây lúa là đối tượng và cũng là sản phẩm cuối cùng của quá trình canh tác nông nghiệp nên đóng vai trò rất quan trọng. Có lẽ vì vậy nên trên đàn tế của lễ hội Bủng Kham, bát hương của Nàng Tiên luôn được đặt chính giữa với ý niệm mưa thuận gió hòa và dịch bệnh, sâu bọ tiêu trừ cùng phù trợ cho cây lúa phát triển sinh sôi.

4. Kết luận

Tục thờ Tiên trong lễ hội lồng thổng Bủng Kham mang nhiều giá trị về văn hóa, tín ngưỡng và thể hiện tư duy, triết lý trong nông nghiệp của người Tày, Nùng vùng cánh đồng Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Hình tượng nàng Tiên hay Nàng Hai không chỉ là nhân vật gần gũi trong các câu chuyện cổ tích sẵn sàng giang tay cứu vớt con người khỏi những gian nan mà còn phù trợ cho con người những mùa vàng bội thu, no ấm. Như vậy, trong văn hóa Tày, Nùng vùng cánh đồng Thất Khê, Nàng Hai là một vị nữ thần nông nghiệp có quyền năng to lớn và mang những mã văn hóa đặc sắc.

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, người Tày, Nùng vùng cánh đồng Thất Khê vẫn giữ được những nét đặc trưng trong sắc thái văn hóa, được hình thành trên nền tảng văn hóa truyền thống bản địa điều kiện tự nhiên, môi trường và quá trình lao động. Những thực tiễn trong lao động ấy được người Tày, Nùng tích lũy và phản ánh thông qua các thành tố của văn hóa dân gian. Lễ hội lồng thổng Bủng Kham là lễ hội đậm chất nông nghiệp của cư dân Tày, Nùng vùng thung lũng Thất Khê. Lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân và du khách thập phương vui chơi những ngày đầu xuân năm mới mà còn thể hiện những khát khao, mong ước của con người về một vụ mùa no ấm và phản ánh một cách sâu sắc tư duy nông nghiệp. Với những giá trị đó, lễ hội lồng thổng Bủng Kham đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016 và là một trong những lễ hội trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn.

______________________

1. Người Tày, Nùng ở Tràng Định không gọi là lễ hội xuống đồng là lồng tồng, mà gọi là lồng thổng do vậy trong bài viết này, chúng tôi sử dụng danh từ lồng thổng để thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ địa bàn nghiên cứu.

2, 10. Hoàng Văn Páo (chủ biên), Lễ hội dân gian Lạng Sơn, Sở Văn hóa Thông tin Lạng Sơn, 2002, tr.31-32, 181-182, 58.

3. Theo NNƯT Nguyễn Thị Bông (người gốc thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).

4. Nhân vật Bả Khó háy chàng mồ côi (ò Pjạ) thường gặp trong các câu chuyện cổ tích của người Tày huyện Tràng Định với môtip lấy vợ tiên.

5, 7. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên), Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2013, tr.126, 125-132.

6. Nhiều tác giả, Almanach Những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr.22.

8. Văn tế tại lễ hội lồng thổng Bủng Kham năm  Bính Thân 2016.

9. Nguyễn Thị Yên, Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, tr. 49-51.

11. Nguyễn Duy Bắc, Truyện cổ xứ Lạng, tập 1: Tày và Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, 1997, tr.235.

12. Cả hai câu chuyện này đã được in trong sách Truyện cổ Tày, Nùng Xứ Lạng (Nguyễn Duy Bắc chủ biên) và Cẩu Khay (Mã Thế Vinh).

13. Người kể: Ông Dương Công Quang (83 tuổi), thôn Đon Riệc 1, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, phỏng vấn tháng 10-2020.

14. Nàng Khắc Cơ được nhắc đến trong cuốn Từ điển văn hóa truyền thống các dân tộc Thái, Tày, Nùng của tác giả Nguyễn Thị Việt Thanh (chủ biên) và Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng của tác giả Nguyễn Thị Yên.

15. Người cung cấp thông tin: Nghệ nhân Nông Thị Cúc (83 tuổi), khu II, Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), phỏng vấn ngày 17-6-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Triều Ân, Hoàng Quyết, Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ dân tộc Tày, Nxb Văn hóa dân tộc, 1996.

2. Nguyễn Trí Công, Sơ bộ khảo sát về Mo của người Tày, Nùng ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành dân tộc học khoa Sử, 1981.

3. Bàn Tuấn Năng, Lễ hội Nàng Hai xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, 2017.

4. Mã Thế Vinh, Cẩu Khay, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009.

5. Mã Thế Vinh, Tục ngữ và thành ngữ Tày - Nùng Lạng Sơn, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, Nxb Hội nhà văn, 2009.

6. Nguyễn Thị Việt Thanh (Chủ biên), Vương Toàn, Từ điển văn hóa  truyền thống các dân tộc Thái - Tày - Nùng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

7. UBND huyện Tràng Định, Địa chí huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Tràng Định, 1999.

NGUYỄN VĂN BÁCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;