Giá trị văn hóa nghề dệt truyền thống của người Tày ở xã Nam Mẫu (Bắc Kạn)

Làng nghề thủ công truyền thống của người Tày ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được xem như bảo tàng sống, không chỉ kết tinh phương thức sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, mà còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của một cộng đồng dân cư. Đó là: giá trị cố kết cộng đồng, giá trị thẩm mỹ, giá trị về kinh tế du lịch và trải nghiệm văn hóa, giá trị bảo lưu các sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người Tày.

1. Giá trị cố kết cộng đồng

Làng nghề là nơi hội tụ tinh hoa, truyền thống của một cộng đồng, một địa phương. Bởi thế, mỗi cá nhân sẽ có chung quê hương, tổ nghề, phương thức sản xuất, cùng sinh hoạt trong một không gian văn hóa, địa lý. Như một lẽ tất yếu, họ cố kết để cùng duy trì hoạt động sản xuất, nề nếp sinh hoạt, truyền thống địa phương. Điều này làm nên giá trị cố kết cộng đồng, thể hiện ở tính gắn kết, tương trợ, truyền dạy lòng yêu nghề cho các thế hệ trẻ. Đây chính là những yếu tố cần thiết cho việc lưu giữ nghề, phát triển nghề và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của làng nghề. Những lời ca, tiếng hát, câu chuyện tâm sự bên khung cửi tạo thành chất keo cố kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Khi mang sản phẩm ra chợ để trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, làng nghề cũng thể hiện tính cố kết cộng đồng rất cao.

Làng nghề dệt thủ công truyền thống xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là nơi có nhiều lễ hội truyền thống và di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng như: di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, động Hua Mạ, động Puông, ao Tiên, thác Đầu Đẳng, đền An Mã... Hằng năm, xã Nam Mẫu có hai lễ hội lớn, đó là lễ hội lồng tồng Ba Bể (tổ chức vào ngày mồng 9, 10 tháng Giêng) và lễ hội lồng tồng bản Pác Ngòi (tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng). Ngoài ra, làng nghề dệt xã Nam Mẫu cũng gần với các chợ phiên của địa phương như: chợ Lèng, xã Quang Khê; chợ Nam Cường... Những nơi như di tích, chợ, lễ hội... là nơi thể hiện tính cố kết cộng đồng, thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, đội ngũ thợ làm nghề không chỉ sản xuất tại chỗ mà còn truyền nghề, học nghề, buôn bán tại các địa phương khác. Tuy nhiên, dù ở đâu, người dân Nam Mẫu vẫn có sự liên hệ nhất định để trao đổi về nghề, sản phẩm, thông tin về thị trường...

Sự gắn kết trong mối quan hệ cộng đồng mỗi làng xã góp phần thúc đẩy, củng cố các thành viên trong làng có niềm đam mê duy trì, tin vào tương lai của nghề, để các thành viên đoàn kết thống nhất trong việc xử lý những vấn đề khó khăn trong quá trình làm nghề, giải quyết các vấn đề tập thể có ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng thuận lợi hơn.

2. Giá trị thẩm mỹ

Sản phẩm dệt góp phần thể hiện đời sống tinh thần và thẩm mỹ của người dân ở Nam Mẫu. Làng nghề là môi trường văn hóa bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất đúc kết ở những nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, ở làng nghề Nam Mẫu, mỗi sản phẩm thổ cẩm do các nghệ nhân, thợ dệt nơi đây dệt nên, không giống với bất kỳ sản phẩm nào. Sự độc đáo nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Đứng trước hàng trăm tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách, bởi mỗi nghệ nhân đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng. Đặc thù sản phẩm của làng nghề không phụ thuộc vào dây truyền sản xuất hiện đại, năng suất cao mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bí quyết và bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Các sản phẩm truyền thống nơi đây vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao, bởi chúng vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa là vật trang trí trong nhà, tâm linh cho đến các lễ hội truyền thống... Các sản phẩm đều là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật, những nét chấm phá trên vải... tất cả đều chứa đựng những ảnh hưởng về văn hóa tinh thần, quan niệm về nhân văn, phong tục tập quán và tín ngưỡng của dân tộc.

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Tày Ba Bể vốn rất gần gũi với đời sống con người, như: mặt chăn, địu, rèm… Một số hoa văn được tạo thành ngay trong lúc dệt, một số được thêu thủ công nên màu sắc, bố cục sặc sỡ với các đồ án trang trí hình ô vuông, quả trám, tam giác, lá cây màu đỏ, xanh trên nền xanh đen của vải chàm. Trang phục truyền thống của cả nam và nữ nơi đây không có hoa văn trang trí. Trang phục hành nghề của các thày Then, Pụt, Tào thêu các đồ án trang trí hình con rồng, mặt trời, mặt trăng, vì tinh tú, hình người nhảy múa, chim, ngựa, cá theo bố cục nhất định. Mỗi sản phẩm dệt được coi như là một tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao.

Kỹ thuật nhuộm vải của người Tày đã được người nghệ nhân Nam Mẫu sử dụng triệt để trong trang trí làm đẹp. Theo truyền thống, người Tày nhuộm vải không theo một công thức, tỷ lệ nhất định nào, tất cả đều dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết của từng người. Việc nhuộm màu có thể được thực hiện khi còn là sợi hay đã dệt thành vải. Văn hóa đặc sắc trong các sản phẩm dệt của người Tày là sắc màu chàm trên trang phục truyền thống.

Bằng những sợi chỉ màu mảnh mai, cùng những tấm vải đủ mọi sắc màu, với đôi bàn tay vàng, nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật khéo léo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày ở Nam Mẫu. Ngày nay, đường nét dệt rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, sống động. Điều này một lần nữa khẳng định việc nghiên cứu, tìm tòi hướng đi đúng cho nghề dệt, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển như hiện nay là việc làm rất cần thiết.

Như vậy, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ qua các sản phẩm nghề dệt xã Nam Mẫu đã góp phần tạo nên thương hiệu cho địa phương. Có thể nói, dệt vải Nam Mẫu không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử trong mỗi sản phẩm, mỗi giai đoạn.

3. Giá trị về kinh tế du lịch và trải nghiệm văn hóa

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn chưa có điểm du lịch nghề, làng nghề thủ công truyền thống cụ thể, tuy nhiên, tại xã Nam Mẫu đã thu hút một số nhà nghiên cứu, sinh viên của các trường ở địa phương và Hà Nội đến tìm hiểu và trải nghiệm nghề dệt thủ công. Đến Nam Mẫu để tìm hiểu cách dệt vải, ngủ nhà sàn và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc tại các hộ gia đình, phong cảnh bản làng tại thôn Pác Ngòi, Bó Lù, lễ hội lồng tồng Ba Bể... Phát triển du lịch nghề, làng nghề là phát triển loại hình du lịch chất lượng cao, khai thác những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm dệt do nghệ nhân tạo ra, như là một đối tượng tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, trải nghiệm, vui chơi, giải trí. Du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào một số công đoạn sản xuất tại địa phương. Du lịch cần được khai thác bài bản, chuyên nghiệp sẽ là phương tiện giao lưu quảng bá văn hóa, vùng đất và con người Nam Mẫu một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn và giới thiệu rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày Ba Bể. Du lịch nghề, làng nghề dệt thủ công góp phần thúc đẩy phát triển giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân, mang lại lợi ích kinh tế cho nghề thủ công và đời sống sinh hoạt của người dân tại địa phương có nghề thủ công.

4. Giá trị bảo lưu các sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người Tày

Dệt thủ công truyền thống là một sản phẩm lịch sử văn hóa, phản ánh giá trị văn hóa, tinh thần của người Tày. Đây là một trong số các di sản văn hóa của tộc người có lịch sử lâu dài, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên tất nhiên nó có yếu tố lịch sử. Còn khía cạnh văn hóa, tinh thần thể hiện ở chỗ các sản phẩm mà dệt thủ công truyền thống tạo ra như trang phục, chăn, địu… mang tâm hồn, cốt cách của người Tày. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong Pụt Tày, khi nói đến tiêu chuẩn của một người phụ nữ đẹp theo truyền thống phải giỏi dệt may, khâu vá: …Sớm dậy liền dắt dao đi ruộng/ Ăn trưa xong liền cầm túi nải đi nhặt bông/ Được đầy hai núi nải mới về/ Đem về đêm nhặt ngày chọn/ Được một trăm hai mươi cuộn sợi/ Xem ngày tốt dàn sợi lên khung/ Đầu khung cửi vải đã dệt cuộn lại được bó to như con trâu/ Đuôi khung dệt sợi vải cuốn chưa dệt hết nhỏ như ngọn mía.

Qua những dẫn chứng trên, ta cũng thấy rằng, để dệt nên một tấm vải là cả một quá trình lao động nặng nhọc của phụ nữ Tày, vì thế mỗi sản phẩm chứa đựng sự kết tinh sức lực lao động, sáng tạo, tâm hồn, tình cảm của họ.

Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày cho ta thấy lối sống sống hài hòa với tự nhiên, tất cả nguyên liệu, công cụ, dụng cụ phục vụ cho nghề đều có nguồn gốc/ khai thác từ tự nhiên. Tất nhiên, cùng với quá trình phát triển của lịch sử, một số nguyên liệu có thể được do con người thuần hóa, chọn lựa thông qua trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để tăng năng suất, chất lượng tốt hơn. Điều đó không trái với tự nhiên mà còn làm giàu, phong phú thêm các nguồn gen quý của tự nhiên thông qua chọn lựa, cải tạo giống cây trồng của con người.

Những tri thức bản địa về kỹ thuật canh tác nương trồng bông, trồng chàm, kỹ thuật, kinh nghiệm thu hái, chế biến bông, chàm, khai thác cây, củ, quả ngoài tự nhiên để nhuộm màu sợi, vải là vốn di sản quý giá của dân tộc Tày. Những tri thức đó nếu được nghiên cứu, phát triển, sẽ phát huy tính hiệu quả trong cuộc sống đương đại, khi xung quanh chúng ta có quá nhiều sản phẩm nhân tạo - là nguyên nhân, nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái của trái đất.

Dệt thủ công truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn nói chung, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nói riêng có lịch sử lâu đời, được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Mỗi thế hệ lại bổ sung, hoàn thiện, cải tiến, sáng tạo để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, truyền thống văn hóa tộc người. Nhìn trên bình diện đó, dệt thủ công truyền thống là một phần những ghi chép về diễn trình lịch sử của người Tày.

Hiện nay, tại xã Nam Mẫu số lượng người biết nghề dệt vải không còn nhiều, chỉ còn một số gia đình như bà Triệu Thị Dung và bà Nguyễn Thị Đề ở bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Đối với gia đình bà Dung, cả đời theo nghề dệt nên bà được tiếp xúc với nghề từ năm 18 tuổi. Lúc đó, bà phụ giúp cha mẹ những công việc đơn giản như hái bông, cuộn sợi, kéo sợi… Cứ như vậy, công việc dệt ngày càng thuần thục và phần lớn kinh nghiệm tích lũy của bà có được đều do truyền dạy trong gia đình. Lúc này, sản phẩm dệt của Nam Mẫu được nhiều người dân và du khách biết đến, được bán ở các chợ phiên và một số huyện trong tỉnh... Với lòng đam mê và tâm huyết, bà là người chứng kiến những thăng trầm của nghề dệt truyền thống. Thời thịnh vượng, cả xã đua nhau học dệt, lên khung, phân phối sản phẩm. Đến nay, nghề thủ công lâu đời nhất của địa phương cứ thế mai một dần. Làm nghề thủ công đòi hỏi có kinh nghiệm, tình yêu nghề, yêu văn hóa của chính tộc người Tày mới có thể theo đuổi đến cùng. Dệt vẫn được nhiều nơi ưa chuộng sử dụng. Tuy nhiên, cốt lõi nghề dệt truyền thống đi xuống như hiện nay là vì thiếu đi những người truyền nghề dày dặn kinh nghiệm.

Như vậy, có thể thấy về kỹ thuật dệt, bí quyết từ cách trồng bông, hái bông, cuộn sợi, kéo sợi, kỹ thuật dệt, kỹ thuật nhuộm đã góp phần phản ánh đời sống tinh thần của người Tày xã Nam Mẫu nói riêng và người Tày tỉnh Bắc Kạn nói chung. Các thao tác, kỹ thuật dệt văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây được bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó góp phần phản ánh vai trò và sự tài khéo của người phụ nữ Tày ở Bắc Kạn.

Có thể nói, làng nghề Nam Mẫu là môi trường văn hóa lưu truyền những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian nghề dệt của người Tày ở Ba Bể, những kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Làng nghề truyền thống Nam Mẫu phản ảnh bức tranh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Trong giai đoạn hiện nay, dù đã thay đổi khá nhiều công đoạn nhưng phát triển nghề dệt ở Nam Mẫu vẫn đáp ứng được mục tiêu về kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân. Nghề dệt truyền thống Nam Mẫu được coi là một thành tố của văn hóa Tày bởi nó mang trong mình giá trị văn hóa to lớn mà các ngành nghề thủ công khác không có được.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.

2. HồChâu, Hỏi đáp về nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Thời đại, 2010.

3. Đặng Kim Chi (chủ biên), Làng nghề Việt Nam và môi trường, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2005.

4. Đinh Thị Vân Chi, Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Nông nghiệp, TP.HCM, 2015.

5. Nguyêñ Văn Huy (chủ biên), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.

HOÀNG THỊ HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;