Nặn tò he là nghề truyền thống của làng Xuân La, một làng quê chiêm trũng thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Từ một nghề để mưu sinh, tăng thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống, nghề nặn tò he còn tạo ra sản phẩm là đồ chơi dân gian độc đáo, mang giá trị văn hóa cao. Ngày nay, nghề tò he đang từng bước thay đổi để theo kịp và đáp ứng được nhu cầu chơi của trẻ em trong xã hội hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống của ông cha.
1. Nguồn gốc của nghề nặn tò he
Theo các nghệ nhân cao niên trong làng Xuân La, nghề tò he xa xưa được gọi là nặn chim cò. Người Xuân La đến nay còn kể lại câu chuyện rằng, xưa rất ít gạo, vào một ngày giáp hạt, gạo sắp hết, có người giã gạo thành bột trộn với rau dại làm bánh hấp ăn, rồi nặn ra những con chim, con cò cho trẻ con vừa ăn, vừa chơi và rồi cả làng bắt chước làm theo. Từ một thứ đồ chơi, dần dần trở thành một sản phẩm hàng hóa, vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể, đảm bảo sinh kế cho dân làng, vừa tạo ra sản phẩm văn hóa.
Cái tên “tò he” mãi gần đây mới xuất hiện.
Theo các bậc cao niên ở tuổi 80, 90 của làng Xuân La, từ xưa, có cụ già trong làng đã chế ra một chiếc kèn làm bằng ống sậy, đầu chấm một thứ bột dẻo trộn kẹo mạch nha, khi thổi kèn phát ra tiếng “tò te...”. Cụ vừa lấy tay vê kẹo thành hình các con chim cò. Đến lúc hình các con chim cò vỡ ra, cụ cho trẻ con ăn. Rồi sau người ta đã biến âm nó từ âm “tò te” của tiếng kèn ống sậy thành “tò he”, và gọi luôn sản phẩm chim cò bằng bột ở làng là “tò he” giống như chim cò bằng kẹo mạch nha trên chiếc kèn kia (1).
Từ thời kỳ sau đổi mới, nghề nặn chim cò có điều kiện khôi phục và phát triển, một số báo chí về làng đưa tin, viết bài, đã dùng từ “tò he” để gọi tên nghề, khiến nghề nặn tò he trở nên phổ biến hơn.
2. Nghề tò he truyền thống
Nghề nặn tò he truyền thống gồm các yếu tố và công đoạn chủ yếu sau:
Nguyên liệu: Để nặn ra tò he, cần nguyên liệu là bột gạo, phẩm các màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Màu có nguồn gốc từ thực vật: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc quả dành dành, màu đen thì đốt từ lá tre hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.
Ngoài nguyên liệu, còn có vật liệu hỗ trợ để làm tò he là khuôn làm bằng tre (hay cốt tre), tức những nan tre được vót mỏng. Bột con giống sẽ được nặn trên các khuôn, xong cho vào nồi đem hấp cách thủy cho rắn lại.
Cách sơ chế: Theo cách làm truyền thống, bột gạo tẻ có trộn thêm bột nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo tẻ và 1 phần nếp. Bột gạo giã nhỏ, dùng 1 chiếc khuôn tròn mắt lưới nhỏ, cho bột vào lắc (rây) kỹ, lấy những hạt nhỏ và mịn nhất, trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, hấp chín và nhào nhanh tay. Sau đó nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt rồi tiến hành nặn các con giống trên các cốt tre. Nặn xong, cho con giống vào nồi hấp cách thủy một lần nữa cho rắn lại, bỏ ra để nguội và đem bán. Những con giống này trẻ em rất thích, vừa chơi xong có thể ăn được. Tuy vậy, các con giống có hạn chế là không để được lâu, dễ bị thiu và mốc.
Khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, cụ Vũ Văn Sai (1915 - 1992) đã học được cách nặn mới, mang về làng. Đó là phương pháp nặn tò he trực tiếp trên que tre mà không phải làm trên khuôn như trước, mất rất nhiều công đoạn. Theo cách nặn mới này, để nặn ra một sản phẩm, chỉ cần bột gạo, phẩm màu, những chiếc que tre, một chiếc lược nhỏ. Người làm nghề có thể mang bột đi nặn lưu động ở các nơi, trực tiếp “biểu diễn” cho người xem và mua, rất tiện lợi.
Đề tài: Thường là những nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam như Tấm Cám, Thạch Sanh... hoặc các tích truyện của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký với các nhân vật Quan Công, Trương Phi, Triệu Tử Long, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... Ngoài ra, còn có đề tài các con vật như 12 con giáp, hoặc chim cò, hoa lá, gần gũi với cuộc sống của người nông dân, đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ em; các hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng), một số hoa, quả và lễ vật để phục vụ nhu cầu của người đi lễ đền chùa, miếu, phủ vào các dịp lễ, tết.
Hoạt động tiêu thụ tò he: Trước tháng 10 - 1954, ngoài các chợ trong vùng, tò he còn được tiêu thụ tại các lễ hội và các chợ khắp miền Bắc. Nhiều người còn vào tận các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An và Huế. Việc tiêu thụ tò he rất dễ, vì nhu cầu chơi của trẻ em rất cao, tò he mang vào các chợ chỉ bán một lúc là hết. Tò he ngoài để cho trẻ em chơi còn để làm đồ lễ cho người dân tại đền, chùa, miếu, phủ. Vì vậy, người Xuân La phải nắm được lịch các hội làng để mang đến tiêu thụ.
Những năm 1940, mỗi sản phẩm tò he khoảng 5 xu đến 1 hào tiền Đông Dương, tương đương với khoảng 10 đến 15 nghìn đồng hiện nay. Trung bình 1kg gạo sau khi chế biến, nặn thành các con giống đem đi bán có thể đổi được 3kg gạo.Vì vậy, nghề nặn tò he cũng là nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình, cải thiện cuộc sống.
3. Nghề nặn tò he ở Xuân La hiện nay
Ngày nay, trong bối cảnh mới, nghề nặn tò he đã biến đổi rất nhiều so với truyền thống, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Khoảng những năm 1990 trở lại đây, phương pháp nặn tò he mới (nặn trực tiếp) đã hoàn toàn thay thế phương pháp cũ.
Tò he - Ảnh: Nhật Nam
Về nguyên liệu và cách sơ chế: Sản phẩm tò he truyền thống được làm từ bột gạo, tuy đẹp mắt và chơi xong có thể ăn được, nhưng chỉ được vài ngày, để lâu sẽ bị thiu, mốc, độ bền và dai không cao. Vì vậy, người làm nghề Xuân La đã không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới nhằm làm cho sản phẩm có độ bền hơn, dai hơn và để được lâu hơn. Đó là các nguyên liệu như bột đao, bột mì, bột dong riềng... Tò he làm bằng bột đao có thể để được rất lâu (khoảng 1 năm) mà không sợ nứt, mốc, song nhược điểm là rất khó nặn và không đẹp bằng tò he làm từ chất liệu bột gạo. Hơn nữa, khi nặn xong phải đem hấp, mất rất nhiều thời gian. Chính điều này làm mất đi sự hấp dẫn của tò he là người mua được chứng kiến tận mắt bàn tay khéo léo của thợ nặn. Bột mì có nhược điểm là độ giãn nở rất cao, sản phẩm làm ra không được sắc nét. Còn bột dong riềng có nhược điểm là dai và cứng, rất khó nặn, phải dùng máy xay nhuyễn và thấu rất lâu bột mới mềm. Có thời điểm, một công ty sản xuất đồ chơi của Đài Loan về làng Xuân La đặt hàng làm đồ chơi cho trẻ em. Họ mang về một loại đất nặn công nghiệp, ký hợp đồng đặt hàng người làng làm đồ chơi cho trẻ em. Chất liệu này cũng không được người Xuân La ứng dụng vì giá thành đắt (300.000 đồng/kg), hơn nữa độ kết dính không cao, để nặn một sản phẩm tò he, người nặn vẫn phải dùng thêm một số chất kết dính khác.
Hiện nay ở làng Xuân La, loại bột nặn thịnh hành được ưa dùng là bột công nghiệp được pha chế với một số loại bột khác như tinh bột sắn, bột gạo… đã qua xử lý với công nghệ riêng, kết hợp với chất phụ gia, phẩm màu của ngành công nghiệp làm bánh kẹo. Ưu điểm của loại bột này là độ kết dính cao, khi nặn sản phẩm có độ sắc nét và có mùi thơm. Sản phẩm làm ra có độ an toàn, không độc hại, không bị nứt, mốc, để được lâu. Bột sau khi đã qua xử lý một lần có thể để dự trữ được một vài tháng, không phải xử lý lại, rất tiện cho người làm nghề, giá thành lại rẻ. Việc sản xuất bột nặn cũng được chuyên môn hóa. Cả làng Xuân La hiện có hai hộ gia đình chuyên sản xuất bột nặn cung cấp cho các hộ làm nghề.
Một vật liệu hỗ trợ không kém phần quan trọng cho nghề nặn tò he theo phương pháp mới là que tre. Que tre được dùng từ loại tre ngâm, được vót nhỏ, đường kính khoảng 2 - 3mm, độ dài khoảng 15 - 20cm làm cốt cho sản phẩm có thể đứng toàn thân.
Về đề tài: Ngày nay, ngoài các đề tài truyền thống, phục vụ cho nhu cầu chơi của trẻ em và nhu cầu của người đi lễ, sản phẩm tò he phong phú hơn rất nhiều và chủ yếu phục vụ nhu cầu chơi của trẻ em. Đó là các hình tượng các chú công an, bộ đội, cùng các nhân vật trong phim hoạt hình và các hình tượng mà trẻ em yêu thích như siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, nữ hoàng băng giá…
Hoạt động tiêu thụ: Xưa kia, tò he hiện chỉ bó hẹp trong vùng hoặc chỉ phổ biến mở một vài tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung, thì ngày nay có mặt trên khắp cả nước, thậm chí còn được mở rộng thị trường sang các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia, Thái Lan,Trung Quốc… Vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhiều trường tiểu học, mầm non, cả một số trường đại học đã mời nghệ nhân làng Xuân La đến giới thiệu và hướng dẫn cách làm, để học sinh, sinh viên được trải nghiệm nghề. Tò he ngày càng đa dạng thị trường tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng trong nước, quốc tế.
Hoạt động tuyên truyền quảng sản phẩm nghề: Trước kia, việc tuyên truyền quảng bá cho nghề chưa có sự chuyên môn hóa, hay người làm nghề chưa có điều kiện, nhu cầu và ý thức chủ động cho hoạt động quảng bá. Ngày nay, nghề nặn tò he đã có điều kiện và được chủ động tuyên truyền quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài các phương tiện truyền thông phải nói đến vai trò của chính những người nghệ nhân làng Xuân La. Có thể kể đến những nghệ nhân cao tuổi như Đặng Văn Tố, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Văn Tẫn, Đặng Văn Hạ, Chu Tiến Công, Đặng Đình Quản... đã không bỏ lỡ cơ hội để giới thiệu chi tiết về nghề mỗi khi có dịp tiếp xúc với báo chí, phương tiện truyền thông. Hiện nay, Câu lạc bộ Nặn tò he Xuân La với trên 100 hội viên sinh hoạt đều đặn hàng tháng, chủ động bố trí người giới thiệu, quảng bá nghề mỗi khi có nhà báo, nhà nghiên cứu và du khách về làng tham quan, tìm hiểu nghề. Các nghệ nhân thường xuyên được các trường mời phối hợp giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he, giúp trẻ em và các sinh viên hiểu và làm quen với đồ chơi truyền thống và chương trình hoạt động ngoại khoá. Công tác truyền thông quảng bá sản phẩm văn hóa này cũng được đẩy mạnh, như: in áp phích quảng cáo, lập website, biểu diễn trên truyền hình...
Năm 2006, 2007, nghệ nhân Đặng Văn Tẫn - con trai nghệ nhân Đặng Văn Tố - hai lần được đem tò he sang Nhật theo chương trình giao lưu văn hóa. Năm 2012, nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thành được Bộ VHTTDL mời đem tò he đi theo chương trình Giao lưu nhân dân ASEAN tại Thái Lan và Trung Quốc… Những hoạt động tích cực và sáng tạo của của các thế hệ nghệ nhân Xuân La đã góp phần quảng bá cho nghề độc đáo có một không hai ở Việt Nam sâu hơn, rộng hơn trong nước và đi xa hơn tới bạn bè quốc tế.
Có thể thấy nghề nặn tò he của làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) đã từng bước chuyển mình, biến đổi trên tất cả các mặt: nguyên liệu, đề tài, cách làm, hoạt động tiêu thụ và quảng bá nhằm thích ứng với xã hội đương đại. Câu chuyện của tò he ở Xuân La ngày nay không chỉ là câu chuyện về mưu sinh và kinh tế, mà còn là câu chuyện về văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cha ông, một nét văn hóa dân tộc đậm đà được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay.
_______________
1. Xuân Quế, Làng Xuân La với nghề nặn tò he, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây, 2008, tr.25.
Tác giả: Nghiêm Xuân Mừng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019