Một số kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện công tác chính sách trong quân đội giai đoạn 2015 - 2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” (1). Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách hậu phương quân đội; không ngừng bổ sung, phát triển toàn diện hệ thống chính sách xã hội đối với quân đội. Nhờ đó, công tác chính sách đã đóng góp quan trọng trong xây dựng quân đội, hậu phương quân đội vững mạnh, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn trong những năm 2015-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, sự quan tâm trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức, lực lượng có liên quan, công tác chính sách trong quân đội đã không ngừng được đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; tiếp tục khẳng định là phương thức cơ bản đại diện và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, chiến sĩ.

Ngay sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 368-CT/QUTW ngày 12-6-2016 Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã tập trung quán triệt nghiêm túc, xác định đây là một mặt hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần bảo đảm cho cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Từ đó, đã triển khai xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động ở từng cấp, nhằm cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp thực hiện các nội dung công tác chính sách phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cơ quan, đơn vị. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy tốt vai trò của cơ quan truyền thông, các tổ chức trong quân đội với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, định hướng tư tưởng, giải đáp về chế độ, chính sách phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn và đối tượng. Thông qua đó, góp phần làm cho mọi cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng, cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.

Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong điều kiện mới, các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lực lượng tại ngũ, dân quân tự vệ, dự bị động viên, chú trọng nghiên cứu, đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp và chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; chế độ chính sách đối với lực lượng mới, chế độ đặc thù; lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, quốc tế như: lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Tác chiến không gian mạng; Kiểm ngư do Bộ Quốc phòng quản lý; Dân quân tự vệ, Dự bị động viên… Cùng với đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng tại ngũ (2) thôi phục vụ tại ngũ (3) được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; nhất là chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, chính sách phục vụ chủ trương tinh giản biên chế, chính sách phục vụ Đề án tái cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội.

Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác thu, nộp, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2015-2020, cơ quan chức năng Quan đội đã giải quyết chế độ hưu trí cho 43.419 trường hợp; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với 136.416 trường hợp lực lượng phục viên, xuất ngũ; cấp mới và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho 119.005 trường hợp, cấp 6.452.224 thẻ bảo hiểm y tế đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; đề bạt quân hàm, nâng lương chính sách cho 14.360 đồng chí; nâng bậc lương, nâng loại, ngạch lương và phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp cho 300.695 lượt đồng chí; tổ chức an điều dưỡng cho 384.990 đối tượng; 36 đoàn tham quan, nghỉ dưỡng ở nước ngoài… (4).

Các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ được thực hiện chu đáo, kịp thời, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần gia đình cán bộ, chiến sĩ, nhất là gia đình các đối tượng làm nhiệm vụ tại địa bàn khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính sách nhà ở đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng được quan tâm với nhiều loại hình (nhà công vụ, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội..., Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Các cơ quan, đơn vị trong quân đội đã chủ động, tích cực mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các chính sách xã hội trong quân đội với nhiều nội dung, hình thức và việc làm thiết thực. Giải quyết tốt chế độ chính sách đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần; hỗ trợ các trường hợp hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong quân đội. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới; phong trào Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng; chương trình Kết hợp quân - dân y; chương trình xóa đói, giảm nghèo; tham gia các hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và phòng, chống dịch bệnh… Qua đó, tiếp tục làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Kết quả thực hiện công tác chính sách trong quân đội giai đoạn 2015-2020 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và đối tượng chính sách, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở từng địa phương và trong cả nước, giữ gìn và làm sâu sắc thêm nghĩa tình đồng đội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ thực tiễn quá trình chỉ đạo và kết quả đạt được trong thực hiện công tác chính sách trong quân đội giai đoạn 2015-2020, có thể rút ra một số kinh nghiệm. Đó là:

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong thực hiện công tác chính sách

Đây vừa là kinh nghiệm, vừa là nội dung có tính nguyên tắc, có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu, mang tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chính sách trong quân đội. Mọi biểu hiện xa rời, xem nhẹ việc quán triệt đường lối, quan điểm, tư tưởng của Đảng; buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy các cấp sẽ làm công tác chính sách có nguy cơ chệch hướng, kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội, hậu phương quân đội. Thực tiễn trong những năm 2015-2020, công tác chính sách luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, chủ động tham mưu, đề xuất Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chính sách chiến lược; công tác nghiên cứu, đề xuất ban hành và triển khai thực hiện các chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội đạt hiệu quả tốt. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên đã được thực hiện ở tất cả các khâu, các bước của việc thực hiện chính sách, từ việc triển khai, quán triệt chủ trương của trên đến việc xác lập, xét duyệt, chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Quá trình thực hiện luôn có sự quán triệt sâu sắc quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị công tác chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, chủ động xác định các chủ trương, biện pháp; hoàn thiện các quy chế, quy định, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực, tạo cơ sở chính trị, pháp lý rộng rãi, vững chắc. Huy động lực lượng, nguồn lực trong và ngoài quân đội trong việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện và giám sát công tác chính sách nhằm không ngừng phát huy mọi tiềm năng, đề xuất và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, chính xác các chính sách, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương.

Bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, đề xuất chính sách kịp thời, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ quân đội

Trong tình hình hiện nay, kinh tế - xã hội có bước phát triển, công tác chính sách đối với các đối tượng nói chung và trong quân đội nói riêng được bảo đảm tốt hơn, nhiều chính sách được ban hành mới hoặc được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, công tác chính sách phải được tăng cường bám sát cơ sở, kiểm tra, nắm tình hình các vướng mắc, phát sinh, kịp thời nghiên cứu, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp, đồng bộ. Quá trình này phải có sự kết hợp, thực hiện tốt cả hai mặt: giữa công tác nghiên cứu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách; giữa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mọi đối tượng chính sách và cơ chế thực hiện nhằm tạo ra động lực thực hiện nhiệm vụ của quân đội và đất nước. Đặc biệt, phải nhận thức đúng, có kế hoạch thống nhất, khoa học và tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đó; phải dự báo được những bất cập phát sinh và có phương án chủ động giải quyết phù hợp.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng và toàn dân trong tiến hành công tác chính sách

Trong giai đoạn hiện nay, để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình lãnh đạo tiến hành công tác chính sách trong quân đội, đòi hỏi các chủ trương, chính sách cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội. Nhận thức đầy đủ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, từ đó có giải pháp phù hợp. Phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa và tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa hướng về nguồn; thăm hỏi tặng quà các đối tượng chính sách trong các ngày lễ, Tết, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; quan tâm thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với cán bộ và gia đình chính sách...

Chăm lo xây dựng, kiện toàn cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức, biên chế, tinh gọn nhưng phải nâng cao chất lượng; giải quyết đúng mức giữa biên chế ổn định với biên chế tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo từng thời kỳ; ưu tiên đối với những vùng, những đơn vị làm nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Thống nhất mô hình tổ chức ở các cấp, bảo đảm cho hoạt động tham mưu, chỉ đạo, thực hiện chính sách đúng tầm và đủ sức mạnh cần thiết. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách vừa hồng vừa chuyên; có nhiều biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính sách phù hợp với yêu cầu, tình hình nhiệm vụ của từng cấp. Đổi mới quan điểm đánh giá, lựa chọn, sử dụng đúng đội ngũ cán bộ chính sách và có chính sách công bằng hơn với đội ngũ cán bộ này, nhằm tạo ra động lực mới để mỗi người yên tâm, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, mỗi cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm đối với những người có công, những người đã và đang làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.483.

2. Thực hiện theo Nghị định số 162/2016/NĐ-CP; Nghị định số 90/2018/NĐ-CP, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.

3. Thực hiện theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, Nghị định số 151/2015/NĐ-CP, Nghị định số 26/2015/NĐ-CP.

4. Tổng cục Chính trị, Báo cáo số 2443/BC-CT ngày 24-12-2020 Tổng kết thực hiện Chỉ thị số 368-CT/QUTW ngày 12 tháng 6 năm 2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016- 2020, tr.3-4, 4.

NGUYỄN ĐÌNH Ồ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;