Nhu cầu tin và đặc điểm người dùng tin vùng ngoại thành Hà Nội

Trong hoạt động của các cơ quan thông tin - thư viện (TTTV), mục đích cuối cùng của hoạt động TTTV là thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tin (NCT) cho người dùng tin (NDT). Mức độ đáp ứng NCT của NDT được xem là thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan TTTV. Việc nghiên cứu NDT và nhận dạng NCT của họ, trên cơ sở đó tổ chức hoạt động TTTV theo đúng hướng, đáp ứng NCT cho NDT là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan TTTV nói chung và hệ thống thư viện công cộng nói riêng, trong đó có thư viện cấp cơ sở. Việc nghiên cứu NCT của NDT sẽ giúp thư viện cơ sở điều chỉnh hoạt động của mình nhằm đáp ứng các nhu cầu về học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, giải trí… giúp cho hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục của địa phương phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, vai trò của thư viện công cộng cơ sở được khẳng định trong đời sống và xã hội.

Nhằm phản ánh đúng thực trạng và làm rõ NCT cùng đặc điểm NDT tại các thư viện, tủ sách cơ sở (gọi tắt là thư viện cơ sở - TVCS) ở vùng ngoại thành Hà Nội, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát các đối tượng là người dân đang làm việc, sinh sống và học tập tại 3 huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn (Hà Nội) bằng phiếu khảo sát. 650 phiếu được phát ra theo số lượng: Ba Vì 250 phiếu, Ứng Hòa 200 phiếu, Sóc Sơn 200 phiếu; thu về 603 phiếu, cụ thể: Ba Vì 242 phiếu (96,8%); Sóc Sơn 185 phiếu (92,5%); Ứng Hòa 176 phiếu (88%).

Để biết được nhu cầu sử dụng TVCS của người dân ở địa phương, chúng tôi đã tiến hành điều tra về mức độ sử dụng thư viện của họ qua câu hỏi: “Quý vị có đến sử dụng thư viện hay tủ sách của địa phương không?”. Kết quả là 73,5% NDT của huyện Sóc Sơn trả lời “có” sử dụng TVCS, 26,5% trả lời “không”. Huyện Ba Vì có 8,7% NDT “không” sử dụng TVCS, còn 91,3% trả lời “có”. Huyện Ứng Hòa 2,8% trả lời “không”, 97,2% “có” sử dụng.

Kết quả trên cho thấy trên 90% người dân tại huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa có nhu cầu sử dụng TVCS, huyện Sóc Sơn là 73,5% người dân có nhu cầu sử dụng thư viện, đây là tỷ lệ khá cao. So với 2 huyện Ba Vì và Ứng Hòa, huyện Sóc Sơn có tới 26,5% người không đến sử dụng thư viện, chiếm gần 1/3 trong tổng số NDT được khảo sát, nguyên nhân chính cho câu trả lời này là vì họ không có thời gian (61,2%) và không biết trên địa bàn mình có thư viện, tủ sách cơ sở (38,8%).

Với những NDT có đến sử dụng thư viện, nhóm tác giả tiến hành làm rõ hơn mức độ sử dụng thư viện của họ với câu hỏi: “Mức độ sử dụng thư viện, tủ sách của quý vị như thế nào?. Tổng hợp kết quả chúng tôi có, mức độ sử dụng TVCS “rất thường xuyên” và “thường xuyên” của NDT ở huyện Ứng Hòa tương đối cao, xấp xỉ 70%; huyện Sóc Sơn là 46,4%; huyện Ba Vì có ở mức “thường xuyên” là 60,3%. Mức độ “không thường xuyên” cũng chiếm tỷ lệ gần 1/3 ở cả 3 huyện: Ba Vì là 30,1%; Sóc Sơn và Ứng Hòa là  27%. Sở dĩ tỷ lệ này cao là do ở huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa vốn tài liệu của tủ sách, TVCS tương đối sơ sài, không có người chuyên trách công tác thư viện nên NDT ít khi lui tới. Còn huyện Sóc Sơn, nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân tham gia lao động tại đây rất lớn, đặc biệt đối tượng là thanh niên, ngoài giờ làm chính họ còn làm thêm giờ, thêm ca, vì thế họ không thể thường xuyên tới sử dụng thư viện (số liệu từ Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG16.51).

Như vậy, gần 60% NDT ở 3 huyện thường xuyên tới sử dụng TVCS. Điều đó chứng tỏ TVCS vùng ngoại thành Hà Nội đóng vai trò  quan trọng trong lao động sản xuất, trong công việc và đời sống của người dân.

Từ thực tiễn khảo sát NDT tại 3 huyện ngoại thành cho thấy, đối tượng NDT ở đây khá đa dạng. Căn cứ vào đặc điểm, nhu cầu của người dùng, có thể chia thành 5 nhóm NDT sau: học sinh phổ thông, sinh viên; người lao động, công nhân; nông dân; công chức, viên chức; đối tượng khác.

NDT là học sinh phổ thông, sinh viên

Nhóm này chiếm trung bình 25,6% trong tổng số NDT của TVCS. Đây là những người đang học tập tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện. Để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, học tập và giải trí, học sinh thường đến TVCS tìm đọc và mượn tài liệu sau giờ tan học hoặc ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ. Có thể nói, TVCS là nơi thu hút đông đảo NDT là học sinh. NDT là sinh viên, là những người sinh ra và lớn lên tại địa phương, nhưng các em học đại học chủ yếu ở nội thành Hà Nội hoặc ở nơi khác, nên các em chỉ đến thư viện khi có thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần hoặc vào dịp nghỉ lễ.

NCT của nhóm đối tượng này ở cả 3 huyện thường tập trung vào các tài liệu thuộc lĩnh vực phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu là: tin học, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, ngôn ngữ… Tuy nhiên, NCT của học sinh, sinh viên ở từng huyện có sự khác nhau về tỷ lệ nhu cầu. Điều đó do nhiều yếu tố quyết định, chi phối, tác động như: đặc điểm vùng miền, đặc điểm nhu cầu, điều kiện sống của học sinh, sinh viên…

NDT là công nhân, người lao động

Đặc điểm của nhóm NDT này chủ yếu là thanh niên và người trung niên. Họ làm các công việc lao động phổ thông như thợ xây, thợ hàn, thợ cơ khí... hoặc công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy được xây dựng tại địa phương. Tùy vào đặc thù của công việc, mỗi người làm việc trung bình từ 6-8      tiếng/ ngày. Với những người làm việc trong nhà máy họ có thể làm việc trên 8 tiếng/ ngày và làm việc theo ca. Vì thế, họ rất ít đến sử dụng thư viện. Theo khảo sát, nhóm NDT này tại huyện Ứng Hòa có xấp xỉ 8%, huyện Sóc Sơn là 13,5%, huyện Ba Vì 18,2%.

Mặc dù kết quả khảo sát về NCT của nhóm đối tượng này tại 3 huyện là khác nhau, nhưng các lĩnh vực NDT có NCT nhiều đều là liên quan trực tiếp đến công việc và hoạt động lao động, sản xuất của họ như: nông nghiệp, công nghệ sản xuất, công nghệ thực phẩm, nhà và xây dựng, kinh tế… Một số lĩnh vực phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giải trí: phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian, y học và sức khỏe, âm nhạc… Do hoạt động công việc chi phối và điều kiện thời gian rảnh rỗi không nhiều nên một số lĩnh vực NDT ít có nhu cầu và không có nhu cầu là tất yếu.

NDT là công chức, viên chức

Nhóm NDT này chiếm số lượng nhỏ trong 603 NDT được khảo sát tại các huyện ngoại thành Hà Nội, họ chiếm tỷ lệ trung bình 11%. Trong đó Ba Vì 18,2%, Sóc Sơn 10,3%, Ứng Hòa 4,5%.

Nhóm NDT này là cán bộ lãnh đạo, quản lý,  công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn huyện. Phần đông họ có trình độ cao hơn, làm việc theo giờ hành chính, vì thế không thể thường xuyên tới sử dụng TVCS. Theo khảo sát nhóm NDT này, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý khi họ có NCT, các yêu cầu của họ sẽ được chuyển xuống thư viện qua nhân viên cấp dưới. Cán bộ phụ trách thư viện sẽ tìm kiếm, thu thập tài liệu phù hợp với nhu cầu và chuyển qua phục vụ. Với viên chức khi có NCT, họ phải trực tiếp đến mượn tài liệu tại thư viện.

Nghiên cứu NCT của nhóm NDT này, chúng tôi nhận thấy, một số lĩnh vực NDT ở các nhóm đối tượng khác không xuất hiện hoặc ít có nhu cầu, thì ở nhóm NDT này đã xuất hiện. Họ tập trung vào các lĩnh vực: tin học, ngôn ngữ, tâm lý, y học và sức khỏe, kinh tế… Điều đáng lưu ý ở đây là có sự chênh lệch tương đối lớn và khác nhau về NCT của nhóm đối tượng này. Nếu như ở huyện Ba Vì, 84,1% NDT có nhu cầu chủ yếu về phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian, 77,3% NDT có nhu cầu về văn học thì NDT tại huyện Ứng Hòa không có nhu cầu về văn học, huyện Sóc Sơn văn học là 10,5%, lĩnh vực phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian mỗi huyện chỉ có 1 người có nhu cầu. Huyện Sóc Sơn nhu cầu cao nhất của NDT là tin học 42,1%, thiên văn học 36,8%, y học và sức khỏe 31,6%. Huyện Ứng Hòa nhu cầu về tin học chiếm 50%, hai lĩnh vực còn lại NDT không có nhu cầu. Huyện Ba Vì 11,4% có nhu cầu tin học, thiên văn học, 38,6% là y học và sức khỏe. Ngoài ra, công chức, viên chức ở huyện Ứng Hòa cũng có nhu cầu về kinh tế, giáo dục 37,5%, trong khi Sóc Sơn nhu cầu về giáo dục chỉ là 5,26%, kinh tế 15,8%; Ba Vì 11,4% có nhu cầu kinh tế và giáo dục là 0%.

Một điểm khác biệt lớn nhất của nhóm NDT này ở 2 huyện Ứng Hòa và Ba Vì là có tới 15 lĩnh vực tri thức không ai có nhu cầu, vì đó là các lĩnh vực không liên quan đến công việc, hoạt động của họ. Huyện Sóc Sơn không có NCT về tôn giáo, các lĩnh vực khác đều có NCT.

Có thể nói, mặc dù các lĩnh vực tri thức mà NDT ở các huyện quan tâm là khác nhau nhưng tất cả các lĩnh vực tri thức họ có nhu cầu đều nhằm phục vụ cho công việc lãnh đạo, quản lý, công việc hành chính, văn phòng của họ. Một số lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu mở rộng kiến thức, tìm hiểu, giải trí như phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian, thiên văn học, y học và sức khỏe…

NDT là nông dân

Do đặc thù hoạt động của TVCS được xây dựng là để phục vụ nhu cầu thông tin cho người dân sinh sống ở các vùng nông thôn huyện ngoại thành xa trung tâm thành phố Hà Nội. Vì thế, nông dân được xem là đối tượng NDT chính, bởi họ chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số NDT của TVCS ở các huyện ngoại thành.

NDT là nông dân sinh ra và lớn lên ở vùng quê, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, tự cung, tự cấp sản phẩm nông, lâm nghiệp cho gia đình và cung cấp cho xã hội. Công việc hằng ngày của họ là làm đồng, làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất các mặt hàng tiểu, thủ công nghiệp… Họ thường dành từ 3-5 giờ/ ngày cho làm nông, thời gian còn lại họ nghỉ ngơi, làm công việc nhà, đến thư viện, tham gia các hoạt động của thôn, xã.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, NDT là nông dân ở 3 huyện ngoại thành chiếm tỷ lệ trung bình 43%.

Ở huyện Ba Vì, NCT của nông dân tập trung vào một số lĩnh vực chính như: phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian (72,1%), tâm lý học (42,2%), âm nhạc (33%), nhân học (30%), văn học (22,7%). Vì sao người nông dân huyện Ba Vì lại có nhu cầu đọc tài liệu về phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian lớn như vậy? Bởi cuộc sống của con người ở mỗi quốc gia luôn gắn liền với phong tục, nghi lễ và văn hóa vùng, miền, đất nước mình sinh sống. Mọi sinh hoạt trong đời sống đều có phong tục, văn hóa, nghi lễ truyền thống. Đặc biệt, các tập tục, nghi lễ làng xã, các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội…đã trở thành nếp, ăn sâu trong tiềm thức của người nông dân, là hoạt động diễn ra thường xuyên gắn với sinh hoạt hằng ngày của họ. Vì thế, họ có nhu cầu lớn về lĩnh vực này. Việc nắm bắt, tìm hiểu về tâm lý con người và mong muốn hiểu biết, khám phá về con người (nhân học) trong xã hội ngày nay cũng là nhu cầu mà người dân Ba Vì quan tâm. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân nông thôn bị xáo trộn và có nhiều thay đổi, kinh tế đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ, con người đã thay đổi theo sự phát triển đó, ít còn sự gắn kết trong làng xã như xưa. Do vậy, họ muốn tìm hiểu về lĩnh vực này để hiểu hơn về con người trong xã hội hiện đại. Âm nhạc và văn học là hai lĩnh vực giúp họ thư giãn và giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, vất vả, nên họ có nhu cầu về các lĩnh vực này. Trên 10 lĩnh vực không được người nông dân lựa chọn: an ninh, quân sự, công nghệ sản xuất, giáo dục, luật pháp... Giải thích cho lý do này, nông dân cho rằng, họ không quan tâm nên không có nhu cầu, một số khác nói, họ thấy rất ít tài liệu về các lĩnh vực đó ở thư viện. Tuy nhiên, trong số các lĩnh vực nông dân không quan tâm, nhóm nghiên cứu nhận thấy luật pháp là lĩnh vực rất quan trọng trong cuộc sống lao động của người nông dân nhưng không ai có nhu cầu. Theo khảo sát tại Thư viện xã Phú Đông (Ba Vì) có một Tủ sách pháp luật do Sở Tư pháp xây dựng đặt trong thư viện trụ sở của UBND để phục vụ người dùng, nhưng nông dân đã không tìm đọc. Phải chăng hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về Tủ sách pháp luật tại đây không hiệu quả nên chưa thu hút được NDT hay NDT không biết đến tủ sách đó? Những lĩnh vực còn lại nhu cầu của họ chiếm dưới 16%: lịch sử, địa lý, thiên văn học, nhiếp ảnh, y học và sức khỏe…

Tại huyện Sóc Sơn, NCT của nông dân được trải đều ở tất cả các lĩnh vực tri thức, điều này khác hoàn toàn so với hai huyện còn lại. Tuy nhiên, NCT lớn nhất của nông dân Sóc Sơn chỉ đạt 23,2% về chính trị, 21% về y học và sức khỏe. Vì sao 2 lĩnh vực này lại được người nông dân huyện Sóc Sơn chú trọng? Trước năm 2008, Sóc Sơn là huyện thuộc Hà Nội, có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhiều khu công nghiệp, nhà máy, giao thông thuận lợi… Vì thế, người dân có nhu cầu về chính trị lớn. Vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe con người cũng được nông dân huyện Sóc Sơn quan tâm. Môi trường sống ở Sóc Sơn đang bị ô nhiễm từ bãi rác Nam Sơn, rác thải từ các khu công nghiệp, từ sân bay, nhà máy… đóng trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Ngoài ra, nông dân cũng có NCT về phong tục, nghi lễ và văn hóa dân gian, nhân học (19,8%), âm nhạc (17,4%). So với huyện Ba Vì, tỷ lệ các nhu cầu này còn thấp, nhưng đã có sự tương đồng về NCT của người nông dân ở 2 huyện. Do điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu hiểu biết về thiên văn học, toán học, các kiến thức về khoa học xã hội (16,3%), triết học, nhà và xây dựng… (15,1%) đã xuất hiện trong NCT của nông dân Sóc Sơn.

NCT của nông dân huyện Ứng Hòa tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp với 83,1%. Đây là huyện thuần nông nên nhu cầu tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp nhằm phục vụ cho công việc trồng trọt, canh tác, chăn nuôi… của nông dân là cần thiết. 46,5% nông dân Ứng Hoà có nhu cầu tài liệu về công nghệ sản xuất, vì họ luôn mong muốn được biết, được học hỏi, được áp dụng các công nghệ sản xuất mới, tiên tiến vào hoạt động lao động, sản xuất nhằm giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức. 26,8% NDT quan tâm lĩnh vực kỹ thuật; 11 lĩnh vực nông dân không quan tâm vì không có nhu cầu như: triết học, ngôn ngữ, âm nhạc, tâm lý, nhân học, vật lý học, thiên văn…

Với kết quả khảo sát về NCT được phân tích ở trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy NCT của NDT là nông dân ở TVCS giữa các huyện ngoại thành Hà Nội có sự tương đồng trong một số ít lĩnh vực, nhưng cũng có nhiều khác biệt trong nhu cầu. Nắm rõ NCT của từng nhóm đối tượng ở các huyện ngoại thành Hà Nội giúp các TVCS có căn cứ để điều chỉnh hoạt động của mình nhằm thỏa mãn và đáp ứng tốt NCT cho người dân nông thôn, giúp họ nâng cao chất lượng trong lao động sản xuất, trong chăn nuôi, trồng trọt… góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời giúp nâng cao chất lượng hoạt động của TVCS.

NDT là những đối tượng khác

NDT là những đối tượng khác bao gồm cán bộ hưu trí, người cao tuổi đang sinh sống tại địa bàn huyện. Đối tượng này là những người từng công tác tại các cơ quan nhà nước ở Hà Nội, các tỉnh, thành hoặc công tác ngay tại địa phương. Đây là đối tượng NDT có nhiều thời gian nhàn rỗi, họ sử dụng thời gian rảnh của mình vào việc xem tivi, đọc sách trên thư viện hoặc tham gia các câu lạc bộ của xã, thôn. Họ chiếm một số lượng rất nhỏ trong số NDT được khảo sát tại các huyện. Cụ thể: huyện Ba Vì có 3,3%, huyện Sóc Sơn 7%, huyện Ứng Hòa là 17,6%.

Đặc điểm NCT của họ chủ yếu tập trung vào các vấn đề thời sự liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học xã hội, an ninh, quốc phòng. Những lĩnh vực này giúp họ mở rộng kiến thức, theo dõi được các vấn đề thời sự, kinh tế, các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Nhu cầu về những lĩnh vực này chiếm trung bình ở cả 3 huyện là 30%. Ngoài ra, họ còn quan tâm tới y học và sức khỏe. Đây là lĩnh vực giúp họ có kiến thức để biết cách tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lúc tuổi già, thông qua các bài tư vấn, hướng dẫn về chế độ ăn uống, luyện tập thể thao. Các tác phẩm văn học giúp họ giải trí, các cuốn sách kỹ thuật giúp họ có thêm những kiến thức về trồng hoa, cây cảnh cho họ một không gian xanh và riêng để thư giãn, sách tin học hướng dẫn và giúp họ cách tìm kiếm thông tin theo nhu cầu trên internet, dễ dàng sử dụng máy tính, truy cập mạng để đọc tin tức trên các trang báo điện tử…

Nhìn chung, đây là những NDT có trình độ cao như nhóm NDT là cán bộ, công chức, viên chức, bởi họ là đối tượng đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc ngay tại địa phương. Vì thế, NCT của họ luôn có sự tương đồng lớn, không có sự nổi trội, không có sự khác biệt giữa 3 huyện.

TVCS đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nông thôn. Nó không chỉ giúp người dân vận dụng kiến thức thu được từ tài liệu, thông tin vào thực tiễn lao động, sản xuất… mà còn giúp họ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả khảo sát đã chỉ ra trung bình ở cả 3 huyện ngoại thành có trên 87% người dân có nhu cầu sử dụng TVCS.

Ngoài việc cung cấp tài liệu, thông tin giúp người dân có thêm kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật… TVCS còn cung cấp các tài liệu phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng trọt, canh tác, chăm sóc y tế - sức khỏe, các tài liệu khoa học thường thức… Đối tượng NDT tại TVCS 3 huyện ngoại thành Hà Nội khá đa dạng, do đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội mà NCT của NDT tại các huyện ngoại thành có sự khác nhau. Tuy nhiên, NCT của các nhóm NDT đều gắn với công việc, hoạt động lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, giải trí.

TVCS đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của địa phương, nơi diễn ra các buổi giao lưu, trao đổi, mạn đàm, chia sẻ kiến thức, thông tin từ những tài liệu đã đọc giúp cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn, đồng thời thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (1).

__________________.

1. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Quốc gia, mã số QG.16.5.

TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;