Xây dựng đời sống văn hóa trong các học viện, nhà trường quân đội

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa, nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa.

Đối với quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, văn hóa là yếu tố giúp cho mỗi đơn vị luôn gắn kết chặt chẽ tình đồng chí, đồng đội, giữa cá nhân với tập thể, góp phần bồi đắp thêm bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tình cảm, trách nhiệm, tính kỷ luật, tác phong chính quy, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, các đơn vị trong quân đội đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, bồi đắp thêm phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Học viện, nhà trường quân đội là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội. Nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển, đặt ra yêu cầu phải xây dựng các học viện, nhà trường thật sự vững mạnh, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự. Yêu cầu đó đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ với tư cách vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể xây dựng đời sống văn hóa, cần nhận thức sâu sắc vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa đồng thời, có trách nhiệm tích cực, trực tiếp tham gia xây dựng đời văn hóa phong phú, lành mạnh ở các học viện, nhà trường quân đội.

Trong những năm qua, thực hiện Thông tư 104/2014/TT-BQP, Thông tư 138/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong QĐND Việt Nam và Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20-4-2017 của Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay”, Đảng ủy, Ban Giám đốc các học viện, nhà trường quân đội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động, đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của bộ đội.

Xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội là kiến tạo một môi trường lành mạnh, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nếp sống cho mỗi cán bộ, học viên; làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi cán bộ, học viên; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở Quyết định số 01/2000/QĐ-BCĐ ngày 12-4-2000 của Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa về việc ban hành kế hoạch triển khai phong trào, công tác xây dựng đời sống văn hóa, căn cứ tình hình thực tế các đơn vị, nội dung trong xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội được xác định là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, học viên là chủ thể các hoạt động văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa: Trước hết là phẩm chất đạo đức, lối sống, phẩm chất chính trị, giá trị trong quan hệ ứng xử xã hội, hình thành những khuôn mẫu, kỹ năng ứng xử, thói quen, nếp sống văn hóa của cá nhân trong mối quan hệ với môi trường xung quanh, dựa trên những chuẩn mực xã hội hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ; xây dựng các thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho cán bộ, học viên rèn luyện; tổ chức các hoạt động văn hóa như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt chính trị, hoạt động tình nguyện, hoạt động giáo dục... hướng đến các giá trị phẩm chất đạo đức, chính trị, chuyên môn, nếp sống sinh hoạt vui chơi giải trí, ứng xử xã hội...

Đặc điểm xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường Quân đội

Cán bộ, học viên tại các học viện, nhà trường quân đội là những người được tuyển chọn, rèn luyện trong một môi trường đặc biệt với những đặc thù riêng của quân đội nhằm đào tạo ra những sĩ quan có đủ năng lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đội ngũ cán bộ, học viên tại các học viện, nhà trường quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về công tác đảng, công tác chính trị, về khoa học quân sự; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định được vị trí, vai trò và uy tín trên cương vị công tác, nhiều đồng chí đã phát triển trở thành tướng lĩnh trong quân đội, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và nhà khoa học có uy tín. Hiện nay, 100% giảng viên và cán bộ của các học viện, nhà trường Quân đội có trình độ đại học và sau đại học đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với đặc trưng là lực lượng vũ trang, được rèn luyện trong môi trường đặc biệt, nên đời sống văn hóa của các học viện, nhà trường Quân đội thể hiện rõ nhất là tính kỷ luật cao, tác phong làm việc khoa học, lễ tiết, tuân thủ những nội quy, điều lệnh, kế hoạch hoạt động... một cách nghiêm túc. Tính kỷ luật cao được thể hiện qua việc người sĩ quan quân đội phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh QĐND, học tập và thực hiện nghiêm chỉnh 10 lời thề và 12 điều kỷ luật quân đội, chấp hành các nội quy, quy chế của nhà trường trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt. Thông qua việc rèn luyện thường xuyên, bài bản, khoa học, dần dần đã hình thành tính tự giác kỷ luật cao trong quân đội. Và đây là một yếu tố rất quan trọng đối với việc hình thành đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường Quân đội.

Cán bộ, học viên các học viện, nhà trường Quân đội có ý thức học tập, rèn luyện và phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh theo điều lệnh Quân đội và những lời Bác Hồ dạy QĐND. Việc học tập, rèn luyện tập trung có nhiều điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất và tiếp cận với các loại tài liệu, sách báo... giúp nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, học viên các học viện, nhà trường Quân đội trong xây dựng đời sống văn hóa.

Cán bộ, học viên tại các học viện, nhà trường quân đội ngoài hoạt động giáo dục, đào tạo còn tham gia các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham gia tập điều lệnh. Đó là những hoạt động mang tính tập trung cao. Điều đó tạo nên những nét tâm lý riêng như sự đoàn kết chặt chẽ, sự tích cực và năng động của học viên. Do yêu cầu của quân đội, đòi hỏi mỗi cán bộ, học viên có sự kiên định về chính trị, gương mẫu về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ và kiến thức về pháp luật nên trong suy nghĩ của học viên đã có sự định hình tương đối rõ rệt về mục tiêu của bản thân, qua đó không ngừng học tập và tích lũy kiến thức phục vụ công tác sau này. Đó là nét đặc trưng của cán bộ, học viên tại các học viện, nhà trường Quân đội.

Vai trò xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường Quân đội

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường Quân đội đã quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các học viện, nhà trường Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng đời sống văn hóa đi vào nền nếp, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm ngời sáng thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, bám sát yêu cầu xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng nhân sinh quan, thế giới quan, phẩm chất, đạo đức, văn hóa cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; cổ vũ, biểu dương cái tốt, cái đẹp, phê phán và lên án cái xấu, cái ác, cái lạc hậu trong các cơ quan, đơn vị.

Xây dựng đời sống văn hóa góp phần hình thành nhân cách người sĩ quan Quân đội

Xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường Quân đội mang tính đặc thù bởi xuất phát từ đối tượng là quân nhân, từ mục đích, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường nhằm đào tạo ra những sĩ quan quân đội có đủ năng lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhằm gánh vác trọng trách được Đảng và Nhà nước giao cho trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội góp phần đào tạo các sĩ quan quân đội có tính kỷ luật cao, tác phong làm việc khoa học, lễ tiết, tuân thủ những nội quy, điều lệnh, kế hoạch hoạt động... một cách nghiêm túc. Người sĩ quan quân đội có sự hiểu biết về kiến thức khoa học xã hội nhân văn, luôn chú trọng giáo dục kiến thức khoa học, nhằm nâng cao sự hiểu biết về kiến thức văn hóa, đời sống, xã hội học. Điều đó làm nên nền tảng, cái gốc cho sự hình thành văn hóa cho người sĩ quan phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, phù hợp với các quy định của nhà trường, với Điều lệnh quân đội, với các phong tục tập quán, nét truyền thống của dân tộc. Thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa, người sĩ quan quân đội có thể hình thành việc ứng xử linh hoạt trong hoạt động nghề nghiệp, học tập, rèn luyện, sinh hoạt của mình. Có thể nói, việc xây dựng đời sống văn hóa có vai trò rất lớn đến việc hình thành văn hóa ứng xử, nếp sống văn hóa tích cực trong quân đội.

Tiết mục đơn ca đạt Huy chương vàng của Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên khu vực III, lần thứ VIII năm 2015 - Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Trong một môi trường giáo dục đặc thù, việc ảnh hưởng và định hướng xây dựng đời sống văn hóa có nét riêng chỉ có trong lực lượng quân đội mới có. Công tác xây dựng đời sống văn hóa được coi là vấn đề có tầm quan trọng cần quan tâm, chú ý xây dựng.

Quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của chế độ Xã hội chủ nghĩa, là thành quả mà nhân dân lao động đã giành được trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ. Và trên thực tế bằng hành động cụ thể, các chiến sĩ QĐND đã thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, nhân dân ta. Lực lượng quân đội hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức, với âm mưu xảo quyệt của các thế lực thù địch, đối mặt với các tác hại tiêu cực của cơ chế thị trường, với mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Trước tình hình đó, lực lượng QĐND cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, đời sống văn hóa lành mạnh, có trình độ nghiệp vụ cao, từng bước vươn lên chính quy, hiện đại thì mới hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Trong công tác đào tạo, các học viện, nhà trường Quân đội ngoài việc coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trang thiết bị kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; kiến thức khoa học, công nghệ; học tập, cần quan tâm xây dựng đời sống văn hóa.

Xây dựng đời sống văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Xây dựng đời sống văn hóa trong các học viện, nhà trường Quân đội chính là xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa (cả về vật chất và tinh thần), nhằm hình thành những nhân cách phát triển hài hòa và toàn diện cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trong tương lai. Xây dựng đời sống văn hóa chính là tác động vào các yếu tố con người văn hóa, giá trị văn hóa, các hoạt động văn hóa, các quan hệ văn hóa và các thiết chế, cảnh quan văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội của từng cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ…; từng tập thể và cộng đồng, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ trong đơn vị, tạo ra đời sống tinh thần phong phú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

 Xây dựng đời sống văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố đoàn kết quân dân; động viên cán bộ chiến sĩ tại các học viện, nhà trường quân đội phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đơn vị; giải quyết những yêu cầu thiết yếu nhất của đơn vị cũng như của các cá nhân.

Việc xây dựng đời sống văn hóa trong các học viện, nhà trường Quân đội có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Kết quả rõ nét nhất mà hoạt động xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội mang lại là động viên mọi cán bộ chiến sĩ tích cực làm việc, làm sâu sắc hơn tinh thần tương thân, tương ái trợ giúp nhau, làm cho đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện rõ rệt. Xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường quân đội, môi trường giáo dục, quan hệ ứng xử trong cộng đồng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, tuân thủ luật pháp và quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội. Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa góp phần hình thành một lối sống, nếp sống văn minh, lịch sự trong đời sống, công tác của cán bộ, chiến sĩ tại các học viện, nhà trường Quân đội, từ việc giao tiếp, ứng xử đến suy nghĩ, hành động, tạo sự lan tỏa sâu rộng, khích lệ mọi người tham gia giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, vừa mang bản sắc riêng phù hợp với thời đại, đồng thời có những nét mới, tiến bộ để có thể hòa nhập, thích nghi với cuộc sống văn minh, hiện đại.

Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa tại các học viện, nhà trường quân đội góp phần vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Trong cuộc đấu tranh để giữ gìn và phát triển văn hóa, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng luôn là cuộc đấu tranh gay go và quyết liệt nhất, nhưng diễn ra âm ỉ và dai dẳng nhất. Do đó, để khẳng định các giá trị dân chủ, nhân văn và tiến bộ của văn hóa dân tộc, giáo dục nếp sống có đạo đức, và phong cách ứng xử có văn hóa, đồng thời phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, chúng ta cần kiên quyết chống lại các hiện tượng và hành vi thô tục, lai căng, phản văn hóa, phi đạo đức đang có ở khắp nơi… Đồng thời, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn muốn chống phá thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta…

Xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, là vấn đề cấp thiết, đặc biệt là đối với các học viện, nhà trường của Quân đội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác xây dựng đời sống văn hóa được Đảng ủy và Lãnh đạo các học viện, nhà trường của quân đội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nổi bật là, kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới vào đời sống văn hóa của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; môi trường văn hóa được quan tâm xây dựng, tạo ra đời sống văn hóa tốt đẹp, phong phú; phong trào văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi, tạo môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội. Công tác quản lý văn hóa được thực hiện chặt chẽ, phát huy tốt các thiết chế văn hóa, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, văn hóa xấu độc thẩm thấu vào môi trường quân sự. Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm lấy xây để chống; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất chính trị, nhận thức về văn hóa, tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội…

Kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần tích cực vào việc xây dựng nhân cách, phẩm chất Bộ đội cụ Hồ của người cán bộ quân đội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN THỊ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;