Một cái nhìn về văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu

Chưa bao giờ, khái niệm văn hóa được đề cập nhiều trong học thuật cũng như trong thực tế đời sống như hiện nay. Bởi vì, nói tới văn hóa, là nói tới ý thức, cái gốc tạo nên tính người cùng những gì thuộc về bản chất nhất, làm cho con người trở thành chủ thể năng động, sáng tạo trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Nói tới văn hóa còn là nói tới những nguồn nội lực để con người xây dựng và cải tạo cuộc sống của mình theo định hướng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Nếu văn hóa là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, thì văn hóa kinh doanh cũng chính là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh của quốc gia, hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo về lĩnh vực này, để góp phần phát triển kinh tế Việt Nam vững mạnh trên con đường hội nhập

1. Văn hóa kinh doanh Việt Nam và tác động của quá trình hội nhập đến văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Từ thập kỷ 60 của TK XX, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của văn hóa trong kinh doanh. Có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa kinh doanh, chủ yếu tập trung hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất, coi chủ thể của văn hóa kinh doanh chính là các doanh nghiệp, do đó văn hóa kinh doanh là văn hóa doanh nghiệp (corporate culture) hay còn gọi là văn hóa tổ chức (organizational culture). Xu hướng thứ hai, đang ngày càng phổ biến hơn khi coi kinh doanh là hoạt động có liên quan đến mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, văn hóa kinh doanh là một phạm trù ở tầm cỡ quốc gia, còn văn hóa doanh nghiệp chỉ là một thành phần trong văn hóa kinh doanh.

Qua xem xét, nghiên cứu các định nghĩa về văn hóa kinh doanh, có thể tóm lại rằng, “văn hóa kinh doanh chính là cách thức hình thành và xây dựng một môi trường (bao gồm phong cách, thói quen, quy định, thông lệ, tư duy...) sản xuất, buôn bán trao đổi sản phẩm hoặc dịch vụ giữa cá nhân với cá nhân, tập thể với cá nhân và tập thể với tập thể mà trong đó yếu tố địa lý, thiên nhiên, gia đình, quốc gia, dân tộc đóng vai trò quyết định”.

Văn hóa kinh doanh cổ truyền Việt Nam

Việt Nam nằm trong vùng văn hóa phương Đông, có một nền văn hóa gốc nông nghiệp điển hình. Cuộc sống nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước cùng một lúc phụ thuộc vào tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên, người nông dân phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Do vậy, trong văn hóa Việt Nam, “tính cộng đồng” rất được đề cao, đó là nét đặc trưng số một của làng xã Việt Nam.

Trước thời kỳ đổi mới, dưới thời Pháp thuộc, sự giao lưu với văn hóa Pháp đã để lại dấu ấn sâu đậm cho văn hóa kinh doanh Việt Nam. Thời kỳ này, xuất hiện một tầng lớp tư sản dân tộc, giành lại được độc quyền thương mại từ tay tư sản nước ngoài và bắt đầu gây dựng lòng tự hào được làm nhà kinh doanh. Giai đoạn 1954-1975, tại Việt Nam, văn hóa kinh doanh ở miền Bắc và miền Nam phát triển theo những chiều hướng khác nhau. Văn hóa kinh doanh miền Bắc mang đặc tính của văn hóa kinh doanh xã hội chủ nghĩa, coi trọng công bằng xã hội nhưng duy ý chí, mang nặng tính quan liêu. Tại miền Nam, qua giao lưu với văn hóa Mỹ, văn hóa kinh doanh nơi đây tiếp thu được một số kiến thức, yếu tố cần thiết cho kinh tế thị trường như: cơ sở hạ tầng, công nghệ, kiến thức kinh doanh hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp..., nhưng cũng tiêm nhiễm tâm lý vọng ngoại, thực dụng, lối sống gấp, thích hưởng thụ.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, văn hóa kinh doanh hai miền dần hòa hợp với nhau, trở thành một nền văn hóa kinh doanh thống nhất trong toàn quốc, nhưng vẫn bảo tồn một số khác biệt giữa hai miền. Nền văn hóa kinh doanh này có một số ưu điểm như: coi trọng công bằng xã hội, nâng cao vị thế cho phụ nữ, có tinh thần vượt khó vươn lên, nhưng có một số tiêu cực như: tính chủ quan duy ý chí, cơ chế tổ chức quan liêu, thiếu hiệu quả, tính cứng nhắc, kém năng động với thị trường...

Ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế

Tác động tích cực: Vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng ngày càng được nâng cao. Hiện nay, “Việt Nam đang có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, 860 nghìn doanh nghiệp. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội” (1).

Thêm nữa, hội nhập quốc tế cũng là cơ hội cho những người đứng đầu doanh nghiệp được nâng cao trình độ, học hỏi và cải tiến các cách thức kinh doanh cho doanh nghiệp. Trình độ chung của doanh nhân cũng được cải thiện đáng kể. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được trẻ hóa, phần lớn đang ở độ tuổi sung sức. “Những năm gần đây, số lượng doanh nhân có trình độ đại học, sau đại học và được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ có xu hướng tăng lên. Độ tuổi trung bình của doanh nhân từ 30-50 tuổi, số doanh nhân trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) đang phát triển nhanh” (2).

Quá trình cọ xát với thị trường quốc tế đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, giúp các doanh nhân Việt Nam xích lại gần nhau, khiến họ kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn để tôn vinh Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tác động tiêu cực: Tác động tiêu cực lớn nhất của cơ chế thị trường đến văn hóa kinh doanh Việt Nam chính là sự chao đảo về các hệ thống giá trị. Việt Nam vốn là một nước có nền văn hóa nông nghiệp, trọng tĩnh, với hệ thống các giá trị thiên về tinh thần hơn là vật chất, như thích hòa hiếu, trọng tình, trọng thể diện…

Khi bước vào cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, một số thương nhân giàu lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thành công trên thương trường. Thực tế này đã làm thay đổi những quan niệm truyền thống, tôn ti, trật tự. Một số kinh nghiệm của lớp người đi trước bị cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự khủng hoảng này là tất yếu khi chúng ta từ mô hình kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng. Cho nên, các chính sách của Chính phủ phải thường xuyên thay đổi. Ở tầm vi mô, theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, một số doanh nghiệp Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết, gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài.

Một số doanh nghiệp Việt Nam không có bản lĩnh văn hóa vững vàng, sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại, rập theo khuôn mẫu phương Tây.

Một số khác, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hay vì không muốn thay đổi, nên đã trở nên lạc hậu với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

2. Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu

Thực chất, một trong những đặc tính của toàn cầu hóa là tự do đầu tư vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào, là sản xuất những mặt hàng mà chúng ta muốn; là mua và bán trong một môi trường mở. Toàn cầu hóa còn là khi các công ty đa quốc gia quảng bá khắp thế giới cùng một thứ sản phẩm, công nghệ và phong cách quản trị. Chỉ có một điểm khác, cũng chính là văn hóa kinh doanh mỗi dân tộc: người dân mỗi nơi sử dụng sự giàu có của mình khác nhau.

Chuyện hội nhập đã rõ nhưng quan trọng hơn là tiếp cận nó như thế nào? Các doanh nghiệp lớn một thời quen sống trong sự bảo hộ, bao cấp của Nhà nước, lỗ thì xin bù lỗ, hàng bán chậm thì xin đưa vào dự trữ, đánh thuế phụ thu hàng nhập khẩu... Còn doanh nghiệp nhỏ thì còn quá nhiều việc để lo, từ chuyện đất đai - nhà xưởng đến vay vốn, giảm thuế... nên chưa thể nghĩ đến chiến lược để hội nhập. Vì thế, khi thời điểm hội nhập đến, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể mường tượng được những thách thức mà họ phải đối mặt khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường và giảm thuế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược hội nhập như: tăng cường thương mại điện tử, kinh doanh điện tử, nâng cao giá trị thương hiệu. Hội nhập cũng có nghĩa là phải thâm nhập vào các thị trường khu vực và thế giới, dù muốn hay không. Muốn kinh doanh mang yếu tố nước ngoài, trước hết phải hiểu đối tác là ai.

Truyền thống có hai mặt: một mặt có thể là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, mặt khác lại níu kéo bước tiến ấy. Thái độ đối với truyền thống sẽ quyết định tốc độ hiện đại hóa của một dân tộc. Sự hòa nhập giữa các nền văn hóa bao giờ cũng có đi có lại và không phải chuyện một sớm một chiều. Những gì thực sự là truyền thống dân tộc thì chẳng thể nào biến mất, vì nó bám chặt ở tầng sâu nhất trong tâm khảm, trong cách tư duy của mỗi người.

Ở tầm quốc gia, thứ nhất, cần thay đổi tư duy lạc hậu, nâng cao dân trí. Trong văn hóa kinh doanh Việt Nam cũ, sức sáng tạo chưa được phát huy nhiều. Trong tương lai, đó là nhược điểm. Đổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải dễ dàng. Để thực hiện được, chúng ta cần có chính sách ưu tiên sử dụng nhân tài, xây dựng môi trường làm việc năng động và sáng tạo, để phát huy trí tuệ của người Việt. Để làm được điều đó, Nhà nước cũng cần tạo chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh và trao đổi hàng hóa với thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ hai, phải vươn tới sự giáo dục toàn diện. Trong tình hình các công ty của nước ta cũng như thế giới đang phải đối mặt với sự đa dạng về văn hóa, điều kiện sống cũng như làm việc, bất kỳ công ty nào cũng nhận thấy lợi thế của một nền tảng giáo dục toàn diện. Trên thực tế, nền tảng này sẽ hình thành tư duy kinh doanh vững chắc giúp giới lãnh đạo duy trì, nghiên cứu và tận dụng giá trị văn hóa của nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Đào tạo phải bảo đảm được tính hiệu quả, nhưng bên cạnh đó, họ sẽ thực hiện công việc của mình thành công hơn nếu họ có một kiến thức đầy đủ về kinh doanh và hiểu được hậu quả của những hành động của mình. Muốn đạt được điều này, hơn bao giờ hết phải có chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa cho từng người dân, từng doanh nhân về đạo đức kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại hiệu quả. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tập trung xúc tiến thương mại vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán hàng nhưng chưa có sự gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại với chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường, chưa gắn liền với thị trường, chưa gắn liền với các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh để tạo ra sản phẩm riêng độc đáo của mình. Sự bất cập này dẫn đến tình trạng thâm nhập thị trường nước ngoài của Việt Nam còn yếu và không vững chắc, thậm chí khó duy trì.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ nên hình thành những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm: Chính phủ chi tiền và giữ vai trò điều tiết phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp xúc tiến thương mại tập trung vào chương trình: cung cấp thông tin thương mại, quảng bá sản phẩm Việt Nam, hỗ trợ thông tin xuất khẩu, xây dựng kho ngoại quan và trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, thương mại điện tử...

Thứ tư, phát triển thương hiệu quốc gia. Thương hiệu là tài sản quốc gia. Bộ Công Thương cần tăng cường phát triển chương trình thương hiệu quốc gia. Các chương trình đó nhằm tăng cường sự nhận biết của nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam, góp phần tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Trong các doanh nghiệp, thứ nhất, cần biến đổi cơ cấu và cách thức quản lý công ty phù hợp với tình hình. Các công ty đa quốc gia hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Hiện tại, xu hướng sáp nhập chưa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều Tổng công ty lớn, các doanh nghiệp; công ty vừa và nhỏ mọc lên khá nhiều nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa phát huy lợi thế của mình. Các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, làng thủ công, làng nghề truyền thống… vừa là đặc trưng, vừa là hình thức sản xuất kinh doanh đang tồn tại nhưng cần có những bước chuyển biến mới để phù hợp với môi trường tương lai.

Thứ hai, có sự thay đổi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Muốn xây dựng phong cách lãnh đạo doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả, các nhà quản lý doanh nghiệp phải có khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt, cần phải: nhận thức rõ và thực thi những nhiệm vụ trung tâm của một doanh nghiệp, điều chỉnh những nhiệm vụ trung tâm để đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu của công việc kinh doanh, cụ thể hóa được những thế mạnh chính yếu của doanh nghiệp vào các sản phẩm, dịch vụ và phát triển chúng xa hơn nữa. Những kế hoạch tương lai thì có thể bị thay đổi nên để tránh rủi ro, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết lắng nghe - suy nghĩ, tiếp thu những ý kiến phê bình và sẵn sàng sửa chữa.

Thứ ba, xây dựng văn hóa công ty. Việc xây dựng văn hóa công ty của Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách hơn cho sự phát triển bền vững. Văn hóa công ty là một bộ phận quan trọng trong xã hội doanh nghiệp. Tất yếu phải có văn hóa, doanh nghiệp mới tồn tại, phát triển và thịnh vượng. Mỗi người trong doanh nghiệp phải có văn hóa trong quan hệ làm việc với nhau theo kỷ cương và trật tự, để tạo bầu không khí nhẹ nhàng, thanh thản, tái sản xuất được yếu tố tinh thần của sức lao động, đem lại hiệu quả chung của doanh nghiệp và lợi ích cá nhân của mỗi người.

Văn hóa doanh nghiệp là sự hội tụ, dung hợp được các nhân tố nhân đạo, nhân văn, chân thật, cộng đồng, nghệ thuật, mỹ thuật. Điều này thể hiện trong cư xử, quan hệ làm việc bền chặt để tạo ra sức mạnh tối ưu của doanh nghiệp. Mỗi người lao động thể hiện tính văn hóa ở chỗ: làm việc có trách nhiệm, tôn trọng kỷ cương, tôn trọng luật pháp; Có chuyên môn, có kỹ thuật và sáng tạo, thiện chí trong hợp tác và quan hệ, tạo năng suất, hiệu suất lao động cao để tạo ra sản phẩm tốt, đẹp đủ sức cạnh tranh trên thương trường.

Trong cơ chế thị trường, quan hệ cung - cầu là quan hệ “chắp nối” ngẫu nhiên. Doanh nghiệp và người lao động của doanh nghiệp phải luôn thể hiện tính văn hóa, văn minh trong quan hệ với khách hàng và xã hội. Tư duy, hành động và sản phẩm làm ra phải để đối tác có thiện cảm, có chữ “tín” với mình thì quan hệ cung - cầu mới bền vững.

Hoạt động trên thương trường phải là hoạt động cạnh tranh lành mạnh thì mới thúc đẩy được sự tiến bộ của mỗi con người, của khoa học kỹ thuật và quản lý, của doanh nghiệp và xã hội. Cạnh tranh lành mạnh có nghĩa là cạnh tranh có văn hóa, văn minh ở môi trường này, tìm ra những giải pháp, quyết sách đúng đắn, khôn ngoan với các đối tác cạnh tranh. Thắng lợi trong cạnh tranh là nhờ hơn nhau về trình độ, năng lực, sản phẩm làm ra và chất lượng dịch vụ thương mại chứ không phải thắng nhờ thủ đoạn tiêu cực, trái với pháp luật và đạo đức kinh doanh.

Văn hóa kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả lâu dài và sự phát triển bền vững của các doanh nhân và doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Vấn đề đặt ra thực sự vẫn chỉ đề cập đến khía cạnh chung nhất, dễ nhận biết nhất của văn hóa kinh doanh. Mỗi cá nhân (không chỉ giới doanh nhân) có thể tự củng cố, xây dựng và bồi đắp cho văn hóa kinh doanh đậm đà, sáng lạn hơn, đó là: tu dưỡng, làm giàu văn hóa xuất phát từ bản thân mình. Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa và là một “cơ thể sống” nên phải không ngừng được chăm sóc, gạn lọc và nuôi dưỡng.

_____________

1. Minh Dũng, Vai trò của Doanh nhân trong thời kỳ mới, nhandan.vn, 12-10-2022.

2. Phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ ở Việt Nam, tapchitaichinh.vn, 21-9-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.262.

2. Phạm Xuân Nam, Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ, Văn kiện Đại hội XI của Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, 2013, tr.442.

3. Phạm Ngọc Trung, Văn hóa thời đại toàn cầu, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2010, tr.280

Ths NGUYỄN THỊ HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;