Những kỷ niệm khó quên

Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã coi nơi đây như căn nhà thứ hai. Đó là nơi họ say mê cống hiến công sức, năng lực, trí tuệ của mình để xây dựng nên một tập thể vững mạnh. Đó cũng là nơi chia sẻ cùng nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Trong không khí những ngày náo nức kỷ niệm 50 năm thành lập Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các thế hệ cán bộ, công chức của Cục không khỏi bồi hồi, xúc động, chia sẻ lại những năm tháng khó quên.

Họa sĩ Hoàng Đức Toàn, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (ngoài cùng bên trái) và các đồng chí lãnh đạo tại lễ khai mạc Triển lãm ảnh Nét đẹp Việt Nam tại Paris, Pháp (năm 2009) - Ảnh: Cục MTNATL cung cấp

Họa sĩ Hoàng Đức Toàn (nguyên Vụ trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm): Nhớ lại những năm đầu của Cục Mỹ thuật

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật khóa 11 (1967-1972), năm 1972, tôi và nhà điêu khắc Molokai được Bộ Văn hóa phân công về công tác tại Cục Mỹ thuật lúc mới thành lập. Hồi hộp và lo lắng trong ngày đầu tiên đến nhận công tác ở một cơ quan Nhà nước, chúng tôi được Cục trưởng, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận gặp nói chuyện ân cần về tình hình cơ quan và nhiệm vụ của các chuyên viên. Cục trưởng đã căn dặn, khuyến khích, động viên hai cán bộ trẻ cũng là đảng viên trẻ và phân công chúng tôi về Phòng Mỹ thuật.

Những năm đầu mới thành lập, Cục đã có nhiều hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức sáng tác tranh cổ động, tổ chức triển lãm, về sau in hàng trăm bộ tranh gửi về các địa phương trong cả nước: tranh in và tranh in lưới; Tổ chức Triển lãm của các họa sĩ miền Nam ra Bắc; Triển lãm 10 năm Điêu khắc lần đầu tiên thành công vang dội với sự xuất hiện của các nhà điêu khắc trẻ: Nguyễn Hải, Lê Công Thành, bên cạnh các nhà điêu khắc tên tuổi cũ như: Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim; Tổ chức Triển lãm toàn quốc (phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam); Thường xuyên mở các Khóa tập huấn cho cán bộ mỹ thuật các tỉnh và liên tỉnh như: Hà Giang (1973), Thái Bình (1974), Đà Lạt (1976, gồm Đà Lạt, Ninh Thuận, Bình Thuận), Nghĩa Bình (1976, gồm Bình Định và Quảng Ngãi), Kon Tum (1977), Sông Bé (1978), Cần Thơ (1978); Xưởng Điêu khắc, Hội họa tích cực khảo sát, sáng tác và thi công công trình ở nhiều địa phương. Tiêu biểu là Tượng đài Quang Trung ở Nghĩa Bình do nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh và một số nhà điêu khắc tham gia, thực hiện. Đến nay, công trình đã chuyển sang đúc đồng và được đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu của tượng đài trong cả nước.

Giai đoạn đầu của Cục Mỹ thuật (1972-1975), khi ấy, tất cả chúng tôi còn rất trẻ, đều hăng hái, nhiệt tình, không quản ngại gian khổ, khó khăn, xa nhà từ 5 đến 6 tháng, một năm. Tuy vất vả và khó khăn của một thời bao cấp, nhưng anh em đều khắc phục vượt qua hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Những lớp cán bộ đầu tiên đó hiện đã có những bước phát triển đáng tự hào, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đóng góp vào công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật, là những tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương (nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm): Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nơi tôi trưởng thành và gắn bó

Năm 1997, từ cơ quan ngoại thương tôi chuyển sang cơ quan quản lý văn hóa. Sang môi trường mới, ban đầu là chuyên viên, Trưởng phòng, đến Cục phó kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Đó là một hành trình khó khăn, cố gắng không ngừng nghỉ…

Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua 10 năm đổi mới, cùng với lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa cũng đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ, các triển lãm nhóm ngày càng nhiều, các rào cản về tư tưởng bị phá bỏ, nhận thức về cái đẹp nhiều khi bị hiểu méo mó, nhập nhằng giữa cũ và mới, giữa hiện đại và truyền thống… cùng với sự tiếp thu không có chọn lọc trong văn hóa, nhiều nghệ sĩ Việt trong và ngoài nước lợi dụng mở cửa để đưa ra những sản phẩm lệch lạc về tư tưởng, bôi đen và chống phá Nhà nước…

Công tác quản lý ngành trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì hệ thống pháp lý sơ sài, các văn bản cho quản lý ngành chỉ dừng ở Quy chế, chưa thể đáp ứng cho tình hình mới, ngày càng phức tạp.

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời là kim chỉ nam cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Lúc này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã khẩn trương, tích cực triển khai việc xây dựng các văn bản quản lý nhà nước trên cơ sở hoàn thiện các quy chế cũ, một loạt các Thông tư, Nghị định được ban hành, dần từng bước hoàn thiện và hình thành hệ thống các văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; hoàn thành tốt các hoạt động sự nghiệp ở quy mô quốc gia, quốc tế, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát các hoạt động mỹ thuật và nhiếp ảnh trong cả nước.

Năm 2003, thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học - Nghệ thuật trong thời kỳ mới, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã xây dựng một loạt đề án phát triển ngành như: đặt hàng sáng tác các tác phẩm có giá trị cao trong 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ; đề án lễ phục, đề án trang trí nhà Quốc hội…

Trong những năm làm việc tại Cục, ngoài công việc tham gia soạn thảo các văn bản quản lý nhà nước, các thông tư, nghị định, xây dựng các đề án, tôi còn là thành viên tổ “Hội nhập kinh tế quốc tế” của Bộ VHTTDL, tham gia soạn thảo các văn bản liên quan đến các công ước quốc tế trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh.

Bên cạnh các hoạt động sự nghiệp của Cục, tôi được giao nhiệm vụ thiết kế khánh tiết Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi tiếp theo là các Đại hội Đảng XI, XII; các lễ khánh tiết lớn của Nhà nước, các lễ kỷ niệm về các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, các lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Lăng Bác kỷ niệm ngày thành lập nước các năm 2005, 2010, 2015. Đặc biệt là lễ diễu binh, diễu hành cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tham gia Hội diễn văn nghệ Giai điệu Tổ quốc (năm 2014) - Ảnh: Cục MTNATL cung cấp

Trưởng thành trong công việc, đạt được kết quả trong suốt quá trình công tác tại Cục, tôi vô cùng biết ơn công lao dạy bảo của anh Hoàng Đức Toàn, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Anh đã tận tâm chỉ bảo không những trong chuyên môn mà còn trong cách ứng xử, ngoại giao với cơ quan khác. Anh luôn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, đoàn kết, thân ái để ai cũng có điều kiện phát huy tối đa khả năng của mình, tận tụy, tự nguyện làm việc, cống hiến hết mình vì cơ quan.

Tôi còn nhớ năm 2008, sau khi Vụ Mỹ thuật chuyển thành Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thêm 2 chức năng quản lý ngành là Nhiếp ảnh và Triển lãm. Khi đó, anh Toàn đưa ra chủ trương phải làm thế nào để đẩy mạnh lĩnh vực nhiếp ảnh. Với tâm thế đó, anh giao cho tôi nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức một triển lãm của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới. Khi nhận nhiệm vụ, tôi rất hào hứng, nhưng khi bắt tay vào việc mới biết là khó khăn. Lúc đó tôi là Trưởng phòng Triển lãm, nhưng lại tổ chức một cuộc triển lãm về lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Sau 3 tuần liên lạc với Hội Nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước, không ai có câu trả lời cụ thể về các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới. Sau 2 cuộc họp của Ban Tổ chức, cuối cùng mọi người đều đưa ra 1 tiêu chí: các nhà nhiếp ảnh thế giới đạt MFIAP. Anh em trong phòng lên mạng tìm các nhà nhiếp ảnh MFIAP nhưng kết quả không như mong muốn. Sau khi vào trang web của FIAP, tôi viết thư cho ngài Emile Wanderscheid - Chủ tịch và ngài Riccacdor Busi - Tổng thư ký Hiệp hội Nhiếp ảnh FIAP. 13 tiếng sau, tôi nhận được thư của ngài Chủ tịch hướng dẫn tôi vào trang web của họ và cho tôi mật khẩu để tôi xem được toàn bộ tư liệu, tiểu sử các nhà MFIAP thế giới.

Sau đó, tiến hành chuẩn bị tư liệu cho Ban tổ chức và Hội đồng nghệ thuật chọn các tác giả và tác phẩm cho triển lãm, mời các tác giả quốc tế sang dự khai mạc triển lãm. Tôi đã liên hệ với Ban quản lý Vịnh Hạ Long để xin hỗ trợ cho các tác giả có chuyến đi thực tế. Sau khi từ Hạ Long về đến Trung tâm Pháp ngữ tại Tràng Tiền, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam nghe và xem các tác giả quốc tế trình bày về quá trình sáng tác của mình... Kết quả triển lãm rất thành công, kịp ra một cuốn sách của triển lãm, cả chủ và khách mời quốc tế đều hân hoan phấn khởi, để lại ấn tượng sâu sắc trong giới nhiếp ảnh và triển lãm ảnh ý tưởng sau này.

• Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm): Những năm tháng trong ngôi nhà chung số 38

Cuối năm 2016, tôi chuyển về Hà Nội sinh sống và làm việc tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL. Ở vị trí công tác mới, công việc mới, đặc biệt là môi trường sống hoàn toàn mới (rất khác so với môi trường mà tôi đã sống và làm việc gần 50 năm qua), nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng trong thời gian đầu. Nhưng anh chị em ở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đặc biệt là Cục trưởng Vi Kiến Thành, Ban lãnh đạo Cục đã giúp đỡ để tôi có thể tiếp cận, làm quen với công việc nhanh nhất. Vì thế, những ngày đầu bỡ ngỡ cũng qua đi nhanh chóng để tôi có thể hòa mình vào các hoạt động và trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung 38 Cao Bá Quát.

Về Cục, tôi được giao phụ trách trực tiếp Phòng Triển lãm và Mỹ thuật ứng dụng và Tạp chí Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. Đa số công việc đều mới so với những công việc tôi đã từng thực hiện trước đây, thậm chí có những công việc rất mới ở Việt Nam, nên phải vừa làm, vừa học để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong đó có việc “chung vai” xây dựng thành công Nghị định về hoạt động triển lãm; tôi còn tham gia nhiều hoạt động như: tổ chức các cuộc thi, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật trong và ngoài nước; tham gia Hội đồng tuyển chọn, tổ chức thiết kế và may đo trang phục cho lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017; triển lãm trang phục các nước ASEAN; chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng 2 Đề án thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh; thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm; chỉ đạo tổ chức thành công Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014-2019)…

Tọa đàm Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp (năm 2019) - Ảnh: Cục MTNATL cung cấp

Những tưởng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ là nơi tôi sẽ gắn bó đến khi về nghỉ hưu, nhưng đến cuối năm 2020, tôi lại đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, công việc ở đơn vị mới vừa đúng sở trường và cũng gần gũi với Cục. Nhờ kinh nghiệm hơn 4 năm công tác ở Cục, một đơn vị quản lý nhà nước và gần 15 năm công tác tại Hội Văn hóa Nghệ thuật Bạc Liêu, nên khi về lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tôi có nhiều thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Có thể nói, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có truyền thống gắn bó, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động phát triển sự nghiệp ở quy mô quốc gia, quốc tế, trong đó có việc cấp phép các triển lãm ảnh. Hội hỗ trợ Cục trong những việc có liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước; giới thiệu hội viên tham dự trại sáng tác do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức; tham gia thành viên Ban Tổ chức và đề cử nhân sự tham gia Hội đồng Giám khảo cho các cuộc thi ảnh của Cục tổ chức; phối hợp tuyên truyền phổ biến Nghị định về hoạt động Nhiếp ảnh... Hy vọng, thời gian tới, ở vị trí công tác hiện tại, tôi sẽ có nhiều điều kiện để tiếp tục được gắn bó hơn với anh chị em ở ngôi nhà chung của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Nhiều tác giả

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;