Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2016 - 2021

Kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân Việt Nam. Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, từ năm 2016 đến 2021, Đảng đã đề ra chủ trương và triển khai nhiều biện pháp để phát triển thành phần kinh tế quan trọng này. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân và kết quả tích cực kinh tế tư nhân mang lại đã khẳng định: “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Bài viết tập trung luận giải chủ trương của Đảng và kết quả phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn 2016-2021, qua đó đúc rút một số kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

1. Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2016-2021

Nhằm hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Đại hội XII (2016) của Đảng khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên” (1). Như vậy, về quan điểm, Đảng nhấn mạnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tư nhân. Trong công cuộc đổi mới, đã có thời điểm kinh tế tư nhân chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn và chưa có những giải pháp toàn diện, đồng bộ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phần kinh tế này. Bắt đầu từ Đại hội X của Đảng, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng đã có nhận thức mới, đặt kinh tế tư nhân đúng với tầm quan trọng của nó trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Từ việc thay đổi tư duy về kinh tế tư nhân, Đảng đã xác định những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để tạo động lực mới phát triển kinh tế tư nhân như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ hội để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Thực hiện chương trình toàn khóa, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ” (2). Nghị quyết yêu cầu xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng; kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đặc biệt, Nghị quyết xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%” (3). Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại: thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (1-2021) tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo niềm tin vững chắc cho kinh tế tư nhân phát triển ổn định, lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới gắn với nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Tại Đại hội XIII, nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, Đảng chủ trương: “Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” (4). Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đạt được mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%” (5), Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Cần đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý của Nhà nước theo hướng chuyển giao những công việc Nhà nước không nhất thiết phải làm cho các tổ chức xã hội. Do đó, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng.

Hai là, kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Có thể thấy rằng, nếu xóa bỏ định kiến chính là việc thay đổi tư duy, thì việc gỡ bỏ rào cản, nút thắt thể chế đòi hỏi hành động cụ thể để sửa đổi, bổ sung các quy định, các cơ chế, chính sách đang cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Ba là, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Để bước vào cuộc “đua” trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân tăng cường ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ, Nhà nước cần áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với các hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và tinh thần, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.

Bốn là, khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Tư duy mới này phù hợp với lý luận và thực tiễn để kinh tế tư nhân nâng tầm vươn xa trong xu thế hội nhập quốc tế.

2. Một số kết quả phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2016-2021

Thứ nhất, từ chỗ không thừa nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân đến thừa nhận kinh tế tư nhân; từ việc xác định kinh tế tư nhân có vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, đến việc cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động với số lượng, quy mô, ngành nghề, lĩnh vực không hạn chế; từ việc cho phép đảng viên được làm kinh tế đến việc các doanh nghiệp tư nhân được phép thành lập các tổ chức cơ sở đảng. Có thể nói, nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hiện nay, kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân trong những năm gần đây, có thể khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong bốn trụ cột vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. Khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng khoảng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế (6). Đây là kết quả của sự thay đổi thể chế, chính sách, cải cách nền hành chính quốc gia để kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh trong mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, dưới ánh sáng của Đảng từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, tính đến năm 2021, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân, trong đó có khoảng 29 doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD, có 6 tỷ phú tham gia vào câu lạc bộ tỷ phú thế giới năm 2021, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người (7). Kinh tế Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến qua những tên tuổi của các tập đoàn kinh tế tư nhân, như Vingroup, Thaco, Vietjet, Vinamilk… có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ nhân dân bị nạn, tài trợ cho các giải thể thao, câu lạc bộ bóng đá, những sự kiện kinh tế, xã hội lớn của đất nước. Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng đã tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển và có nhiều đóng góp ngày càng lớn cho xã hội; lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, khi kinh tế Nhà nước đang trong quá trình sắp xếp lại, kinh tế tập thể đang chuyển đổi, khả năng thu hút và sử dụng lao động của các thành phần kinh tế này còn nhiều hạn chế thì chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Theo Báo cáo Phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ năm 2018, khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp (8). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, như năm 2017 và 2018 đạt lần lượt là 40,6% và 43,27% (9). Sự tăng nhanh số lượng lao động tham gia vào khu vực kinh tế tư nhân chứng tỏ đây là khu vực kinh tế năng động, tạo ra nhiều việc làm, thu hút sự quan tâm, đầu tư phát triển của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm 2016-2021, kinh tế tư nhân ở nước ta còn bộc lộ một số hạn chế: năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế; năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển. Đây là những hạn chế cần được tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Từ thực tiễn thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2016-2021 đã để lại những kinh nghiệm: vận dụng đúng đắn, linh hoạt chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của từng từng địa phương, tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển; chỉ đạo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế tư nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; chú trọng xây dựng đào tạo đội ngũ doanh nhân, cán bộ, người lao động có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân.

Phát triển kinh tế tư nhân là một chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân. Qua đó, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển vượt bậc, thật sự là “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, tiếp tục chỉ đạo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế tư nhân; đồng thời chú trọng xây dựng đào tạo người lao động có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.75.

2, 3. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, 2017, tr.3, 5.

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.240, 45.

6, 7. Minh Hương, Kinh tế tư nhân - Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mof.gov.vn, 9-12-2021.

8, 9. Phạm Ngọc Huệ, Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững, tapchicongsan.org.vn, 17-2-2020.

Ths  NGUYỄN THIÊN TÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;