Đề xuất thiết kế, xây dựng không gian sinh hoạt chung tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội

Người cao tuổi (NCT) và chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía trong xã hội. Tại các trung tâm chăm sóc NCT, không gian sinh hoạt chung được bố trí hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tâm lý của NCT, ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và quá trình sinh sống, chữa bệnh của NCT.

NCT - vấn đề già hóa dân số được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Tình trạng già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo đó nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội cần phải giải quyết. Năm 2015, NCT chiếm khoảng 12,3% dân số thế giới với 901 triệu người và sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người, chiếm 22% dân số thế giới vào năm 2050. Trung bình cứ một giây lại có 2 người bước vào tuổi 60, 60+, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu NCT. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Hiện nay, số người cao tuổi của Việt Nam chiếm 11% dân số (1).

Việc già hóa dân số và chăm sóc về thể chất, tinh thần nhằm đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống của NCT là những thách thức lớn đối với gia đình, xã hội và Chính phủ Việt Nam. Do đó, những vấn đề như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT hoặc xây dựng mô hình trung tâm chăm sóc NCT tại cộng đồng rất cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Tuổi già được cho là độ tuổi gần hoặc vượt qua tuổi thọ của con người, là độ tuổi chuẩn bị cho sự kết thúc của vòng đời con người sinh - lão - bệnh - tử. Các thuật ngữ thường được sử dụng để dành cho những người ở độ tuổi này như: người già, NCT, người lớn tuổi. Người già thường hạn chế trong khả năng tái tạo sức khỏe và dễ mắc nhiều bệnh tật, hội chứng, chấn thương, ốm đau. Họ phải đối mặt với các vấn đề xã hội khác nhau liên quan đến việc nghỉ hưu, sự cô đơn và vấn đề tuổi tác. Năm 2011, Liên hợp quốc đã đề xuất một công ước nhân quyền đặc biệt bảo vệ NCT.

Pháp luật Việt Nam quy định công dân có tuổi từ 60 trở lên được gọi là NCT. Theo Pháp lệnh số 23/2000/PL-UBTVQH ban hành ngày 28-4-2000 quy định: “NCT hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên” (2). Bên cạnh đó, pháp lệnh cũng nhận định: “NCT có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội, là thể hiện bản chất tốt đẹp, đạo lý, truyền thống của dân tộc ta” (3).

1. Thực trạng không gian sinh hoạt chung tại các trung tâm chăm sóc NCT hiện nay

Điều 2, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định: Viện Dưỡng lão hay còn được gọi là cơ sở trợ giúp xã hội dành cho NCT (4). Theo đó, cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:

Cơ sở trợ giúp xã hội công lập: được thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý, cung cấp nguồn kinh phí từ các cơ quan nhà nước.

Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập: được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Nếu chia nhóm hình thức tổ chức và hoạt động, thì trung tâm chăm sóc NCT hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM được thường chia thành 3 nhóm: các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, NCT thuộc diện chính sách do Nhà nước đứng ra bảo trợ; các cơ sở dưỡng lão từ thiện do các cá nhân hoặc tổ chức tôn giáo như nhà chùa, giáo hội đứng ra xây dựng và tổ chức; các cơ sở, trung tâm chăm sóc NCT do tư nhân, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đứng ra xây dựng, tổ chức hoạt động.

Về cơ sở hạ tầng: có sự khác nhau tương đối lớn giữa các nhóm trung tâm chăm sóc NCT. Với nhóm chăm sóc NCT từ thiện, thường có hệ thống phòng ốc nhỏ bên trong khuôn viên của cơ sở, của nhà chùa hoặc do các cá nhân tự mở ra với diện tích chỉ vài trăm mét vuông. Trang thiết bị của các cơ sở còn khá hạn chế và thiếu thốn. Một số cơ sở được đầu tư tốt hoặc được sự hỗ trợ của Nhà nước mới có các khu vực phục hồi chức năng, vật lý trị liệu cũng như diện tích sân vườn, cảnh quan cây xanh cho nhu cầu thư giãn nghỉ ngơi. Số còn lại là các cơ sở từ thiện chỉ có thể đáp ứng nhu cầu ăn, ở cho NCT, còn gần như không có các trang thiết bị chăm sóc, phục hồi sức khỏe cũng như diện tích sân vườn phụ trợ. Các trung tâm chăm sóc NCT do Nhà nước đứng ra bảo trợ thường có diện tích khuôn viên tương đối rộng rãi, được đầu tư một số trang thiết bị phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và phục hồi chức năng cho NCT. Ở đây, NCT được đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc. Nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng khá cũ, chỉ đáp ứng phần cơ bản của việc chăm sóc NCT hiện nay. Trong vài năm gần đây, các trung tâm chăm sóc NCT do tư nhân đứng ra xây dựng, tổ chức rất phát triển, được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ ý tá, bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề, kinh nghiệm để phục vụ cho NCT. Có những cơ sở an dưỡng cao cấp, diện tích rộng, trong phòng cá nhân hoặc tập thể được đầu tư đầy đủ trang thiết bị. Một số cơ sở mới xây dựng hiện nay còn đầu tư xây dựng theo mô hình chăm sóc của một số nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản… hoặc đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về phân khu chức năng: các trung tâm chăm sóc NCT ở Việt Nam hiện nay nhìn chung tương đối đơn giản và cơ bản giống nhau. Với số lượng NCT nhiều, tình trạng bệnh lý phức tạp, từ NCT minh mẫn đến NCT không còn minh mẫn, NCT còn khả năng vận động đi lại đến những NCT không còn khả năng vận động… cộng với việc thiếu điều dưỡng, đa phần các trung tâm chăm sóc NCT đều có một phòng hội trường với diện tích tương đối lớn ở trung tâm để tập trung NCT trong những giờ sinh hoạt chung, nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý. Các khu vực chức năng còn lại bao gồm khu vật lý trị liệu, phòng ăn, bếp nấu, hệ thống phòng ở, phòng điều hành và phòng nghỉ của nhân viên. Có thể thấy với mô hình này, những không gian chức năng phục vụ cho các nhu cầu giải trí, thư giãn cho NCT gần như không có. Những nhu cầu như đọc sách, nghiên cứu hay cập nhật thông tin qua máy tính... đối với những NCT còn minh mẫn chưa được quan tâm.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra NCT trong trung tâm chăm sóc NCT dành khoảng 56% thời gian trong ngày của họ để không làm gì cả. Tác giả bài viết đã quan sát 30 NCT của 3 trung tâm chăm sóc NCT trên địa bàn Hà Nội trong thời gian từ 8h00-17h00. Kết quả cho thấy: ngoài thời gian ăn uống, vệ sinh cá nhân, đo huyết áp, bắt mạch, ngủ trưa, NCT dành khoảng 55% thời gian của họ để làm ít hoặc không làm gì, khoảng 20% thời gian cho các hoạt động tập thể và khoảng 35% thời gian ngồi một mình cô đơn, ngồi nghe - xem tivi hoặc ngủ.

NCT dành phần lớn thời gian trong phòng một mình. Mặc dù trung tâm chăm sóc NCT có các bộ phận hỗ trợ, chăm sóc hoạt động của NCT, nhưng NCT vẫn dành phần lớn thời gian của họ không hoạt động, bất động và cô đơn. Bên cạnh đó, theo kết quả quan sát thu được tại 1 trung tâm chăm sóc NCT, cho thấy, ở một số buổi sinh hoạt tập thể, hoặc ngày lễ, Tết, trung tâm chăm sóc NCT có tổ chức một số hoạt động tập thể cho NCT như: tổ chức sinh nhật theo tháng, theo quý; trò chơi tập thể như tìm đoán đồ vật; đánh cờ, tô màu… Những hoạt động tập thể này diễn ra không thường xuyên và chưa được tổ chức ở không gian sinh hoạt chung phù hợp.

Qua kết quả ghi chép, quan sát, việc xây dựng không gian sinh hoạt chung hợp lý, đáp ứng các sinh hoạt cá nhân, tập thể cho NCT tại các trung tâm chăm sóc NCT là việc cần thiết, mang lại môi trường sống tốt, thu hút hơn, từ đó có thể hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động tập thể có ý nghĩa, tăng sự hưng phấn trong tinh thần của NCT sinh sống tại các trung tâm chăm sóc NCT hiện nay.

2. Đề xuất một số phương án xây dựng không gian sinh hoạt chung tại trung tâm chăm sóc NCT ở Hà Nội

Để xây dựng các không gian sinh hoạt chung, cần nghiên cứu thời gian biểu của NCT tại trung tâm chăm sóc NCT một cách phù hợp. Dựa trên thời gian biểu tại các trung tâm chăm sóc NCT, tác giả chia hoạt động trong ngày của NCT theo các nhóm sau:

Hoạt động chăm sóc cá nhân tự chăm sóc hoặc có trợ giúp: ăn uống, vệ sinh cá nhân, chăm sóc của nhân viên y tế…

Hoạt động tập thể: trò chuyện, chơi tập thể, thể dục, tụng kinh lễ phật, đọc sách, đi dạo…

Hoạt động thụ động: thời gian chờ đợi các hoạt động, không làm gì, ngồi/ nằm một mình, ngồi xem tivi…

Việc thiết kế nội thất không gian sinh hoạt chung cho NCT tại các trung tâm chăm sóc NCT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những NCT ở hiện tại và trong những năm tới. Đối với các nhà thiết kế nội thất, thách thức lớn là tìm kiếm sự cân bằng giữa môi trường sống, không gian sinh hoạt chung và tạo ra cảm giác an toàn, gắn kết, thoải mái với từng cá nhân NCT tại trung tâm chăm sóc NCT hiện nay. Tác giả đề xuất một số giải pháp thiết kế không gian sinh hoạt chung tại trung tâm chăm sóc NCT ở Hà Nội hiện nay, cụ thể:

Thiết kế và xây dựng nhiều không gian chức năng cho các hoạt động tập thể

Các trung tâm chăm sóc NCT cần có sự thay đổi từ hình thức quy định thời gian biểu cứng nhắc về ăn uống, tắm rửa, hoạt động cố định tại chỗ, chuyển sang hình thức tập trung vào việc chăm sóc tinh thần, mang đến cho NCT nhiều lựa chọn giải trí, để họ cảm thấy không còn cô đơn. Cụ thể, các trung tâm cần tạo ra nhiều không gian sinh hoạt chung khác nhau để NCT được trải nghiệm nhiều hơn và tạo cảm giác như đang ở nhà. Không gian sinh hoạt chung bao gồm: không gian giải trí và chơi các trò chơi tinh thần, vận động: đánh cờ, nặn đất, cát, chuyền tay đồ vật, tìm và đoán đồ vật; không gian thiền, yoga; không gian nghệ thuật: vẽ, xé dán giấy; không gian thư viện/ phòng đọc sách, báo; không gian tụng kinh, niệm Phật; không gian gội đầu/ spa; không gian chơi đùa với vật nuôi (chó, mèo…).

Đặc biệt, hiện nay, đa phần các trung tâm không cho phép NCT mang theo vật nuôi thân thiết vào ở cùng, nên cần nghiên cứu tạo dựng không gian nuôi thú cưng theo nhóm. Những con vật nuôi chung này được tiếp cận với nhiều NCT. Nhân viên thường xuyên đưa vật nuôi đến để NCT chơi đùa cùng. Đây cũng là cách trị liệu mang lại cảm giác thoải mái cho NCT.

Tối đa hóa ánh sáng tự nhiên

Việc tối đa hóa ánh sáng tự nhiên được vận dụng ở nhiều không gian nội thất khác nhau. Ánh sáng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của con người. Các màu sắc khác nhau của ánh sáng có các bước sóng khác nhau, cơ thể con người phản ứng theo những cách khác nhau với các bước sóng. Ánh sáng tự nhiên là một yếu tố cần thiết với không gian của các trung tâm. Ánh sáng tự nhiên có thể giúp tăng cường vitamin D, có tác động lớn tới trạng thái cảm xúc, tinh thần và sự thoải mái trong môi trường sống của NCT. Việc tối đa hóa ánh sáng tự nhiên ban ngày còn mang lại hiệu quả về việc giảm chi phí vận hành và lượng khí thải cho các trung tâm. Cửa sổ cần bố trí hợp lý để có thể lọc cường độ ánh sáng ban ngày khi cần thiết, tránh độ chói của ánh sáng mạnh. Ánh sáng có tác động đến màu sắc của đồ đạc, màu tường, cũng như cảm nhận của NCT với không gian.

Chú ý đến sắp xếp màu sắc và độ tương phản của màu sắc

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế không gian nội thất phù hợp, mang lại cho NCT sức khỏe và tâm trạng hạnh phúc. Việc lựa chọn màu sắc phù hợp có thể tạo ra sự khác biệt to lớn, ảnh hưởng đến cách NCT cảm nhận, cư xử và tương tác với những NCT khác. Sử dụng màu sắc một cách cẩn thận trong thiết kế có thể giúp mang lại sự thoải mái và quan tâm đến NCT trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Các phản ứng về thể chất, tâm lý và tình cảm của NCT là mối quan tâm hàng đầu khi thiết kế không gian nội thất các trung tâm. NCT ở mọi lứa tuổi có thể cảm thấy dễ bị tổn thương trong môi trường chăm sóc sức khỏe; đặc biệt là NCT lớn tuổi hoặc những người bị sa sút trí tuệ. Lựa chọn giải pháp trang trí, giải pháp màu sắc có thể tạo ra một môi trường thoải mái, góp phần vào quá trình chữa bệnh và giúp bù đắp cho những mất mát về thể chất và nhận thức cho những NCT. Trong mỗi cơ sở, không gian đều có những nhu cầu riêng, tùy thuộc vào việc NCT sử dụng phòng thường xuyên nhất và cho mục đích gì. Các khu vực ngủ, sinh hoạt, điều trị và ăn uống đòi hỏi các cách tiếp cận khác nhau.

Nhiều nhà thiết kế, khi thiết kế không gian nội thất ở trung tâm, họ thường lấy cảm hứng màu sắc từ thiên nhiên cho không gian chăm sóc sức khỏe, các màu sắc này có tác động tâm lý khác nhau. Chẳng hạn: màu xanh lá cây mang lại cảm giác sống và góp phần tạo cảm giác những khởi đầu mới; màu xanh lam làm dịu và truyền sự tự tin cho NCT. Màu xanh lá cây và xanh lam là những lựa chọn mang lại sự tự nhiên cho phòng ngủ, vì chúng tạo cảm giác yên bình. Các màu sáng hơn có thể được sử dụng để thu hút các giác quan... Việc tiếp cận với thiên nhiên và không gian ngoài trời là liệu pháp hợp lý cho những NCT trong các cơ sở chăm sóc dài hạn. Do đó, sử dụng màu sắc của cảnh quan xung quanh để đưa vào thiết kế không gian nội thất cho trung tâm sẽ tạo ra cảm giác thân thuộc và an toàn với NCT, đặc biệt là những người bị sa sút trí tuệ.

Độ tương phản trên các bề mặt sàn liền kề cần có giá trị phản xạ ở mức thấp. Chẳng hạn, nếu dải phân cách giữa các sàn với nhau có màu tối, hoặc tấm lót sàn có màu tối, còn sàn có tông màu nhạt, thì dải phân cách hoặc tấm lót sàn này có thể giống như một bậc thang đối với một người bị sa sút thị lực, sa sút trí tuệ và có thể gây nguy hiểm cho việc di chuyển của họ. Do đó, sàn nhà nên có cùng một màu bất kể ở bề mặt nào. Ngoài độ tương phản màu sắc được chú ý trong việc lựa chọn bề mặt, thì độ hoàn thiện của những bề mặt đó cũng rất quan trọng. Sàn cứng nhưng không trơn trượt, đặc biệt là ở những khu vực ẩm ướt, các lớp hoàn thiện không gây chói mắt, vì vậy cần tránh đánh bóng các bề mặt, thay vào đó là các lớp hoàn thiện của sàn cần nhám, có độ ma sát nhất định.

3. Kết luận

Vấn đề lão hóa dân số hiện nay đang trở thành vấn đề mới có tính toàn cầu. Dân số lão hóa kéo theo hàng loạt vấn đề như: gia tăng chi phí an sinh xã hội, mất cân đối quỹ lương hưu, việc bất đồng thế hệ thêm sâu sắc, hệ thống cơ sở vật chất và môi trường sống cho NCT thêm áp lực… Già hóa dân số tác động lên toàn bộ các hoạt động tổng thể của kinh tế xã hội từ văn hóa, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, lao động và việc làm, quy hoạch đô thị, xây dựng và các khía cạnh khác của đời sống xã hội.

Trước một vấn đề đã nảy sinh và đạt tới một mức độ nhất định, đòi hỏi các nhà quản lý và chuyên môn của Việt Nam cần có một sự quan tâm trước khi quá muộn, trong khi một dự báo tương lai gần khoảng năm 2030 nước ta sẽ đối mặt với những thách thức do vấn đề lão hóa dân số mang lại. Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra chiến lược xây dựng các chính sách cấp quốc gia để thích ứng với xu hướng già hóa dân số nhanh của Việt Nam.

Trong điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của Việt Nam, việc xây dựng các trung tâm chăm sóc NCT quy mô lớn như các nước tiên tiến phải có khoảng thời gian. Do đó, cần có một lộ trình phù hợp, trong đó coi trọng việc xây dựng trung tâm chăm sóc NCT và các biện pháp an sinh xã hội trong một tổng thể phù hợp trình độ quản lý và điều kiện kinh tế xã hội, phù hợp tập quán, truyền thống văn hóa ở Việt Nam, đặc biệt là hợp lý với khả năng tài chính của bản thân và gia đình của đa số NCT ở Việt Nam hiện nay.

Tại các trung tâm chăm sóc NCT, cần bố trí hợp lý các không gian chức năng. Đặc biệt, cần xây dựng và có những đầu tư nhất định tới không gian sinh hoạt chung cho NCT. Bởi những không gian sinh hoạt chung này là nơi mang lại sức khỏe tinh thần chủ yếu cho NCT. Việc đảm bảo sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần NCT là giải pháp hữu hiệu phát triển công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển trong xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay và tương lai.

___________________

1. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Thích ứng với già hóa dân số, Hội thảo Quốc tế, Hà Nội, tháng 7-2017.

2, 3. Ủy ban thường vụ Quốc Hội Việt Nam, Pháp lệnh người cao tuổi, số 23/2000/PL-UBTVQH, ngày 28-4-2000.

4. Chính phủ, Nghị định Quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, số 103/2017/NĐ-CP ngày 12-9-2017.

NGUYỄN THỊ BÍCH LIỄU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;